Các nước tiểu vùng Mekong hợp tác phòng chống buôn bán người

Tại Campuchia, các nước tiểu vùng Mekong mở rộng tổ chức hội thảo nhằm tăng cường hợp tác giữa các chính phủ trong việc phòng chống buôn bán người (COMMIT).

0:00 / 0:00

Cuộc hội thảo gồm Campuchia, Lào, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam sẽ diễn ra ba ngày, kể từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 1. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình sau đây.

Kế hoạch hành động tiểu vùng COMMIT

Sáu nước tiểu vùng Mekong mở rộng đã nhóm họp nhằm củng cố các nỗ lực phòng ngừa buôn bán người và bóc lột, giảm thiểu nguy cơ bị buôn bán và ngăn chặn các hình thức tuyển dụng và môi giới có tính chất bóc lột, đặc biệt là ngăn ngừa sự bóc lột những người dân đi tìm việc làm ở nước ngoài.

Hội thảo này thiết lập các cơ chế để tăng cường hợp tác khu vực và chia sẻ thông tin, hầu thiết lập một đơn vị đầu mối trong nước về phòng chống buôn bán người; nâng cao hợp tác phòng chống buôn bán người, đặc biệt là thúc đẩy các thỏa thuận song phương và đa phương giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng để trao đổi tin tức và giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động cứu giúp hàng ngàn người dân đi tìm việc làm ở nước ngoài và đứng trước nguy cơ bị buôn bán.

Bản đồ sáu nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Bản đồ sáu nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng. (mekong.org)

Phó Tổng Thư ký của Bộ Công lý Campuchia, kiêm Phó Chủ tịch nhóm công tác phòng chống buôn bán người là ông Ich Rady phát biểu tại Hội thảo rằng ông bày tỏ sự lo ngại trước những tình hình buôn bán người tại khu vực tiểu vùng Mekong mặc dù hoạt động buôn bán người đã giảm đáng kể so với năm ngoái.

Các chiến lược phòng ngừa hiệu quả cần dựa trên cơ sở kinh nghiệm hiện có và dữ liệu chính xác mang tính địa phương và cần thực hiện ở nước nguồn, nước đến, nước trung tâm chuyển và dọc biên giới.

Theo ông thì Hội thảo này đã có lợi ích to lớn khi Campuchia đang gặp khó khăn trong việc phòng chống buôn bán người vì kẻ buôn bán đã chọn xứ Chùa Tháp làm nơi đến và trung tâm chuyển dọc biên giới. Trong những năm vừa qua, các nước tiểu vùng Mekong mở rộng đã tăng cường điều phối các hoạt động trong hệ thống tư pháp hình sự và bảo vệ nạn nhân.

Chính phủ các nước đã tố cáo rất nhiều tổ chức buôn người và đã hoạt động tăng cường các cơ chế chống bóc lột lao động và kết hôn nhằm mục đích buôn bán. Bên cạnh đó, chính phủ cũng giúp rất nhiều nạn nhân được hồi hương và tái hòa nhập vào đời sống.

Do tính chất xuyên quốc gia của hoạt động mua bán người, việc truy cứu trách nhiệm đối với kẻ buôn bán không thể tiến hành được nếu chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia mà không có sự hợp tác song phương và đa phương giữa chính phủ của các nước tiểu vùng Mekong mở rộng. Do đó, Hội thảo cũng thúc đẩy các nước tiểu vùng Mekong phải tăng cường hợp tác phòng chống buôn bán người qua biên giới nhằm đạt được kết quả cao hơn.

Theo kế hoạch hành động tiểu vùng COMMIT năm 2011 – 2013, các nước cần xây dựng chương trình hoạt động trên toàn quốc chống buôn bán người bằng mọi hình thức hầu đạt hiệu quả cao; đồng thời hướng tới việc thành lập và củng cố một Ủy ban quốc gia liên ngành chống buôn bán người

Theo dòng thời sự: