Cộng Hoà “Dân Công” Trung Quốc

0:00 / 0:00

Đằng sau sức bành trướng rất mạnh của Trung Quốc ra thế giới bên ngoài là một lực lượng “dân công” đông đảo như một bầy ong dưới sự điều động của con ong chúa giấu mặt ở phía sau. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về hiện tượng này qua phần phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình do Gia Minh thực hiện sau đây:

Ngân hàng diện chính sách

Gia Minh: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, Trung Quốc có ba ngân hàng thuộc diện chính sách vì có chức năng thi hành chính sách kinh tế, phát triển và ngoại giao của nhà nước. Đó là Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp dưới sự quản lý của Ngân hàng Trung ương và hai đơn vị kia là Ngân hàng Xuất nhập khẩu China Exim Bank và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, thường được gọi tắt là CDB, thì do hội đồng chính phủ quản lý. Vì là công cụ của nhà nước với quy chế pháp lý riêng, ba ngân hàng này không hề công bố chi tiết về kinh doanh và phải nói là còn có vẻ bí mật lạ thường. Riêng China Exim Bank và CDB là hai ngân hàng đã mở rộng hoạt động ra nước ngoài từ mấy năm nay mà vẫn giữ kín sổ sách và tầm ảnh hưởng.

Thế rồi, thưa ông trong số ra đầu năm 2011 nhật báo tài chính nổi tiếng của Anh là tờ Financial Times lại cho biết là trong hai năm 2009-2010, China Exim Bank và CDB đã cấp phát một lượng tín dụng tương đương với 110 tỷ đô la cho nhiều dự án và chính quyền nước ngoài. Theo cơ quan nghiên cứu của tờ nhật báo thì ngân khoản nói trên còn lớn hơn số tiền được một định chế tài chính quốc tế là Ngân hàng Thế giới cấp phát cho các nước trong cùng thời kỳ. Theo dõi tình hình kinh tế Trung Quốc từ lâu, ông nghĩ sao về hiện tượng này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Xin cám ơn ông đã nêu câu hỏi này vì nó giúp khán thính giả của chúng ta nhìn ra một mặt trái rất đáng ngại của Trung Quốc.

Tính đến cuối năm 2010, riêng Ngân hàng Phát triển CDB đã cấp phát một lượng tín dụng cao gấp ba số tiền cho vay của Ngân hàng Thế giới. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Theo bản tin trong số ra ngày 17 Tháng Giêng năm 2011 của Financial Times thì hai ngân hàng chính sách đó của Trung Quốc bung ra rất mạnh trong khi các ngân hàng của Tây phương như Hoa Kỳ, Âu Châu hay Nhật Bản vẫn gặp nhiều khó khăn từ mấy năm qua. Tình hình còn đáng chú ý hơn vậy nếu sau đó ta biết thêm rằng tính đến cuối năm 2010, riêng Ngân hàng Phát triển CDB đã cấp phát một lượng tín dụng cao gấp ba số tiền cho vay của Ngân hàng Thế giới.

Dưới tên gọi là "Ngân hàng Khai phát Trung Quốc" và dưới quyền điều khiển của một Trung ương Ủy viên, có vị trí ngang hàng Bộ trưởng và là con trai của một trong "Bát đại Nguyên lão" là tám đại công thần của chế độ, cơ quan đặc biệt và kín đáo này mới là một mũi xung kích thật của Trung Quốc vào các nước đang phát triển hoặc xuất khẩu nguyên vật liệu tại Á Châu, Phi Châu và Mỹ Châu La Tinh.

Gia Minh: Xin ông trình bày thêm chi tiết về cái ngân hàng mà ông gọi là mũi xung kích này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngân hàng Phát triển CDB được thành lập từ năm 1994 để thi hành chính sách phát triển do đảng và nhà nước Trung Quốc đặt ra. Xuất thân từ một đơn vị tài chính nhỏ bé èo uột, ngân hàng này thoát xác và lớn mạnh dưới sự điều khiển tài tình của Thống đốc Trần Nguyên. Ông ta là con trai của Trần Vân, một lãnh tụ có ảnh hưởng từ thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, rồi từ Ngân hàng Trung ươnbg được Tổng lý Quốc vụ viện Chu Dung Cơ cất nhắc vào vị trí này từ năm 1998.

Từ đấy, ngân hàng trở thành cơ chế tài trợ các dự án ưu tiên của chế độ, kể cả dự án xây dựng đập nước Tam Hiệp là công trình thủy điện lớn nhất thế giới bị các định chế tài chính quốc tế từ chối, hoặc phi trường quốc tế Phố Đông và nhiều cao ốc ở Thượng Hải. Trước khi được quốc tế chú ý từ sau vụ Tổng suy trầm toàn cầu năm 2008 thì Ngân hàng Phát triển CDB đã thực hiện cả vạn dự án lớn nhỏ về xây dựng hạ tầng và phát triển công nghiệp ở nhiều nơi trong lãnh thổ Trung Quốc. Với thế lực và sự tài ba của giới lãnh đạo, ngân hàng trở thành con chim đầu đàn cho các ngân hàng của nhà nước noi theo mà châm tiền, và cho vay rất nhiều công ty đầu tư tiếng là tư nhân mà do các chính quyền địa phương lập ra.

Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, thường được gọi tắt là CDB tại Thượng Hải, ảnh chụp trước đây. AFP PHOTO.
Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, thường được gọi tắt là CDB tại Thượng Hải, ảnh chụp trước đây. AFP PHOTO.

Chúng ta nên có một chương trình riêng về mũi nhọn tài chính này khi truyền thông quốc tế bắt đầu nhắc tới từ mấy tháng qua. Điều cần nói, và để trở lại câu hỏi ban đầu của ông, Ngân hàng Phát triển CDB đã tung cả ngàn tỷ để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc vào cả trăm quốc gia trên thế giới bằng cách thực hiện các dự án phát triển hạ tầng cho họ và đổi lại là mua về đủ loại tài nguyên cần thiết cho kinh tế Trung Quốc. Qua các dự án đó, ngân hàng cũng củng cố quan hệ với giới lãnh đạo và tuyệt đối không xen lấn vào chính trị nội bộ như dân chủ hay nhân quyền.

Gia Minh: Nghĩa là sau khi tờ Financial Times của Anh nghiên cứu tìm hiểu đúng ba năm trước thì nay thế giới giật mình về sự xâm nhập và bành trướng của một ngân hàng phát triển của Trung Quốc đang mở tầm phát triển quyền lợi của xứ này tại các nước cứ được gọi là thuộc thế giới thứ ba, còn chậm tiến mà có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Thưa ông có phải vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi e là còn tệ hại và đáng sợ hơn vậy! Trung Quốc ngày nay xứng đáng được gọi là "Cộng Hoà Dân Công Trung Quốc" chứ không phải là Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc, với sức mạnh của cả tỷ con kiến đang lặng lẽ bành trướng ra ngoài dưới sự điều động kín đáo của những con kiến chúa ở đằng sau.

“Dân công” và sự bất trắc

Gia Minh: Khán thính giả của chúng ta đã quen với cách ông nêu ra nghịch lý để kích thích sự tò mò của mọi người hầu sớm nhìn ra vấn đề chính là gì. Chúng ta sẽ đi theo cách trình bày đó. Thưa ông, trước tiên là vì sao ông lại nói đến "dân công"?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc có từ "dân công" để chỉ thành phần lao động phải rời sinh quán đi kiếm sống ở địa phương khác mà quyền lợi tối thiểu cũng chẳng được bảo vệ vì không có hộ khẩu ở nơi làm việc. Hai ba trăm triệu dân cứ sống dật dờ như vậy ở những nơi đó từ nhiều năm, thậm chí cả chục năm, rồi sinh con đẻ cái trong sự bất trắc đã trở thành bình thường của họ.

Nhưng thời chiến tranh tai hại vừa qua, người Việt ta có lẽ cũng quen với từ "dân công", là thành phần nhân lực dân sự được huy động vào việc yểm trợ chiến tranh. Đấy là một lực lượng cần thiết để thi hành mục tiêu từ trên đưa xuống, rất dễ bị hy sinh mà công lao gian khổ lại bị lãng quên như con sâu cái kiến lầm lũi ở dưới. Đó là về nguyên nghĩa của từ ngữ mà tôi e là dân ta ở miền Bắc đã học từ Trung Quốc trong những năm họ yểm trợ và huấn luyện đảng Cộng sản.

"Dân công", là thành phần nhân lực dân sự được huy động vào việc yểm trợ chiến tranh, là một lực lượng cần thiết để thi hành mục tiêu từ trên đưa xuống, rất dễ bị hy sinh. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Về thực chất, thưa ông, xã hội Trung Quốc ngày nay là một xã hội "dân công", đa số người dân chỉ là dân công thôi. Trước hết, trong 30 năm hoang tưởng thời Mao Trạch Đông, dân đen có thể chết đói ngay lúc được mùa, là hiện tượng gọi là "cơ hoang". Sau khi Đặng Tiểu Bình cải cách từ đầu năm 1979, đám con sâu cái kiến ấy được phép hỳ hục lao động để vặt mủi bỏ mồm. Sức lao động của mấy trăm triệu người như vậy mới dẫn đến đà tăng trưởng gọi là ngoạn mục mà thật ra bất công.

Đặc tính sâu bọ ong kiến nó đáng thương ở chỗ lực lượng lao động này không được hưởng thành quả tương xứng với công sức bỏ ra. Họ chẳng có nhiều giải pháp chọn lựa và đa số cũng chưa ý thức được là họ có quyền chọn lựa. Kết quả là lãnh đạo ở trên thu vào một lượng ngoại tệ rất lớn nhờ chế độ ngoại hối và tiền tệ lệch lạc của họ. Trung Quốc có nền kinh tế hạng hai và kho dự trữ ngoại tệ hạng nhất thế giới mà đa số người dân vẫn nghèo và chịu phận con ong cái kiến, chữ "dân công" là một từ rất thích hợp về cách tổ chức xã hội này.

Gia Minh: Thưa ông, ta có thể áp dụng từ "dân công" đó vào lĩnh vực ngân hàng được chăng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng chữ "dân công" đó lại càng đúng trong lĩnh vực ngân hàng!

Hãy trở về thân phận ong kiến của bầy dân công này. Vì quyền lợi không được tôn trọng và bảo vệ, họ phát triển bản năng tiết kiệm để phòng thân, có sức tiết kiệm thuộc loại cao nhất thế giới là 40% lợi tức thu hoạch được nhờ sức lao động. Thế rồi họ làm gì với tài sản tiết kiệm ấy khi mà chẳng có nhiều ngả đầu tư và phải cúi đầu dưới chế độ kiểm soát tư bản? Thưa là, họ chỉ còn giải pháp ký thác tiết kiệm vào ngân hàng, dù được lãi suất thấp và thật ra mấp mé số không nếu giảm trừ ảnh hưởng của lạm phát. Mà ngân hàng lại do nhà nước lập ra và quản lý theo diện chính sách là tài trợ dự án của doanh nghiệp nhà nước với điều kiện ưu đãi.

Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc. AFP photo.
Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc. AFP photo.

Vắn tắt thì bí quyết thành công của Ngân hàng Phát triển CDB nằm ở hai chỗ. Thứ nhất là số vốn do nhà nước cấp phát và huy động tiền từ các ngân hàng, kể cả tiền do ngân hàng thu về nhờ phát hành trái phiếu, tức là đi vay của bầy dân công ở dưới. Thứ hai là kiếm lợi ở đất đai, vốn là tài sản của toàn dân mà lại do nhà nước quản lý. Toàn bộ công trình gọi là đô thị hóa do ngân hàng này mở mang được đã khởi đi từ đất đai và có lời lớn khi mua quyền sử dụng đất của dân với giá rất rẻ để biến thành cơ ngơi công nghiệp và thương mại với giá cao gấp bội. Ở giữa, các đảng viên cán bộ mặc tình trục lợi và trở thành triệu phú. Bước sang lĩnh vực quốc tế cũng thế.

Gia Minh: Ông cũng nhìn thấy bàn tay hay công sức của lực lượng dân công khi Trung Quốc bành trướng ra ngoài hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta thấy xuất hiện một lực lượng đông đảo công nhân viên trong doanh nghiệp nhà nước được Trung Quốc đưa đi khai thác hầm mỏ, xây dựng cầu đường tại các nước nghèo. Nói lịch sự thì đấy là "xuất khẩu lao động", thật ra họ được đoàn ngũ hoá để thực hiện dự án của nhà nước, chẳng khác gì một đám dân công thời xưa. Chi tiết đáng chú ý là dù rất kham khổ trong điều kiện lao động lạc hậu và môi trường đầy ô nhiễm, họ vẫn có mức lương cao hơn là nếu lao động ở nhà nên đành chấp nhận như vậy. Một khía cạnh khác mà quốc tế ít nhìn ra vì bị che giấu, là sự lam lũ của họ vẫn khá hơn đám lao động và cư dân bản địa và hiềm khích đã xảy ra, nhất là tại các nước Phi Châu nghèo khốn.

Một thành phần thứ hai là những người chạy tiền để xuất ngoại hầu kiếm sống ở nước ngoài và mở ra các tiểu doanh nghiệp như những rễ nhỏ của Trung Quốc. Họ thắt lưng buộc bụng và kinh doanh đủ thứ theo phong cách khắc khổ và âm thầm của Hoa kiều hải ngoại. Đấy cũng là lực lượng dân công đáng kể và trở thành trung tâm kiều vận để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong các nước lạ. Tất nhiên thành phần này cũng kiêu hãnh là người Hoa khi thấy uy thế của tổ quốc được đề cao. Nhưng nếu có tranh chấp với dân bản xứ thì họ cũng sẽ bị thiệt hại trước tiên.

Gia Minh: Câu hỏi cuối thưa ông. Lãnh đạo Trung Quốc là những người nhìn rất xa trong quan hệ quốc tế lại có một dân số đông đảo nhất địa cầu mà đa số bị huy động hay khai thác tựa như dân công theo cách trình bày của ông. Thưa ông, tương lai rồi sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc đang trở lại tình trạng đế quốc bị gián đoạn gần hai trăm năm qua và cần rất nhiều tài nguyên thiên nhiên ở bên ngoài để công nghiệp hóa. Họ giải quyết bài toán ấy theo kiểu tư bản nhà nước với sự điều động của một lực lượng dân công đông đảo, nhưng từ bản chất thì vẫn chỉ là xây dựng chế độ thực dân trong thế kỷ 21. Họ mua chuộc được lãnh tụ tham ô và độc tài của nhiều nước mà cũng gây ra nhiều vấn đề về môi sinh, xã hội và chính trị nên chưa chắc sẽ thành công trong lâu dài, khi các nước này có loạn. Nhưng chính là tinh thần khai thác dân công ngay ở nhà mới khiến chế độ Trung Quốc bị đe dọa khi kinh tế đình đọng, ngân hàng vỡ nợ, tài chính các tỉnh bị khủng hoảng và dân đen ở dưới đáy sẽ có phản ứng. Chúng ta sẽ còn cơ hội trở về chuyện này.

Gia Minh: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi ngày hôm nay.