Hôm 7 tháng 6, Bộ Công Thương Việt Nam thông báo chính thức việc thuyên chuyển Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, ông Lê Nam Trà về công tác tại văn phòng Bộ thông tin và Truyền thông từ ngày 6 tháng 6. Thông báo này đưa ra trong khi kết quả thanh tra công ty này chưa được công bố dù đã quá hạn cho phép. Điều này làm dấy lên những câu hỏi về sự minh bạch trong thanh tra và điều hành doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam?
Không minh bạch
Đã quá thời hạn qui định 50 ngày, cho đến nay, Mobifone, theo cách gọi của các báo “lề trái”, một trong ba đại án tham nhũng lớn của Việt Nam là Mobifone, Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) và Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn chưa được công khai kết quả thanh tra ra trước dư luận. Thay vào đó, là quyết định thuyên chuyển ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone về Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ trưởng bộ này, ông Trương Minh Tuấn nêu lý do của việc thuyên chuyển là do yêu cầu công tác. Báo VNexpress trong nước ghi rõ thêm là “có xét đến yếu tố hoàn cảnh cá nhân, gia đình của cán bộ.”
Ngoài quyết định này thì không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến kết quả thanh tra toàn diện vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, mặc dù quyết định thanh tra đã được công bố từ tháng 9 năm 2016. Theo quy định trong vòng 50 ngày, nghĩa là đến hết tháng 10/2016, kết quả thanh tra phải được công bố cho công chúng.
Chúng tôi đặt vấn đề chậm trễ công bố kết quả thanh tra của “ba đại án tham nhũng” ở góc độ minh bạch trong những tập đoàn doanh nghiệp nhà nước, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, đưa ra nhận xét:
Thiếu công khai minh bạch là một bình phong làm chỗ ẩn nấp cho những lợi ích nhóm và cho những việc làm phi pháp. <br/> - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
“Thiếu công khai minh bạch là một bình phong làm chỗ ẩn nấp cho những lợi ích nhóm và cho những việc làm phi pháp. Cho đến khi kết quả bị thua lỗ quá lớn, bấy giờ mới thanh tra kiểm tra thì thua lỗ đã quá lớn, không thể ngăn chặn. Đó là kết quả đáng tiếc.”
Truyền thông trong nước đưa tin trước đây, quyết định bắt đầu thanh tra toàn diện dự án Mobifone mua 95% cổ phần của công ty AVG do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thay mặt Thủ tướng chính phủ ký theo chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư Trung ương vào đầu tháng 8 năm 2016.
Đến ngày 25 tháng 4 vừa qua, Phó tổng Thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh trả lời tại cuộc họp báo quí 1/2017, cho hay việc thanh tra tại Tổng công ty MobiFone đã kết thúc thanh tra trực tiếp theo quy định. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra chưa ra được kết luận, do có những nội dung cần phải làm việc nhiều lần, thậm chí phải trở lại từ đầu để đảm bảo khách quan. Ngoài ra ông Khánh không đưa thêm bất cứ chi tiết nào khác về kết quả thanh tra.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, lúc này không thể nhận định điều gì về kết quả của thanh tra.
“Có một thanh tra hơn một năm nay rồi và nói là có một số kết quả nhưng mà chưa công bố gì cả và không biết đến bao giờ mới công bố. Vì vậy bây giờ mình nói điều gì cũng chưa có căn cứ.”
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng dù kết quả có được công bố thì đó cũng chỉ là một phần của tảng băng.
“Nếu họ chưa chịu công bố bao giờ họ cũng có một cái cớ gì đó để họ nói. Nếu họ có công bố chỉ công bố những tảng băng nổi thôi còn tảng băng chìm thì họ đâu có công bố ra nên mình đâu có biết. Cho nên vấn đề công khai minh bạch là chuyện sống còn cho lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam để tránh các thua lỗ và các sai lầm trầm trọng.”
Mobifone, một trong ba nhà mạng lớn nhất trong làng viễn thông Việt Nam, bên cạnh Viettel và Vinaphone. MobiFone mua 95% cổ phần AVG vào đầu năm 2016.
Theo tờ Vietnamfinance, vụ này từng được coi là thương vụ bí ẩn bởi giá trị của giao dịch hoàn toàn không được công bố dù vấp phải rất nhiều yêu cầu minh bạch, công khai từ phía dư luận kể từ khi hai công ty hoàn tất giao dịch vào hồi đầu năm 2016,
Mãi cho đến tháng 11/2016, trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, Mobifone mới hé lộ mức giá của giao dịch là 8.889 tỷ đồng.
Theo một bài viết trên báo Tuổi Trẻ vào tháng 8 năm 2016, có đến 3 công ty thẩm định giá đưa ra ba con số khác nhau đối với AVG và các con số chênh lệnh lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Các trị giá được đưa ra đều khá lớn. Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Tiến sĩ Phạm Thế Anh (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng kết quả định giá không khách quan, thiếu chính xác và giá trị AVG không lớn như ba công ty định giá đưa ra. Trong khi đó, theo các bài điều tra được đăng tải trên các báo lề trái, con số được đưa ra dựa trên tình hình kinh doanh của AVG trong các năm qua ước tính chỉ khoảng 3,000 tỷ đồng.
Sai với cam kết quốc tế về minh bạch
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Chuyên gia thống kê của Liên Hiệp Quốc, từ New York nhận xét vấn đề từ cách phân tích vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế quốc gia.
“Ở Việt Nam doanh nghiệp nhà nước mới là quan trọng, chiếm đến 30-40% GDP của cả quốc gia. Nợ tổng của nền kinh tế khoảng 200% GDP, trong đó đến 65% là từ chính phủ. Còn phần còn lại là của doanh nghiệp nhà nước.”
Tôi nghĩ cho đến bây giờ vấn đề nợ công của Việt Nam rất là tiêu cực (negative).”
Cũng theo tờ Vietnamfinance cho biết, để thâu tóm AVG, Mobifone đã phải rút hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi ngân hàng để chi trả cho thương vụ mua cổ phần. Động thái này khiến lãi tiền gửi ngân hàng năm 2016 của Mobifone giảm rất mạnh, từ 511 tỷ đồng của năm 2015 xuống chỉ còn 182 tỷ đồng.
Rõ ràng là công khai minh bạch của Việt Nam còn kém. Bao giờ Việt Nam có thể thực hiện các cam kết đó là điều cần xem xét.<br/> - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh <br/>
Tất cả những thông tin trên không nằm trong kết quả thanh tra toàn diện theo chỉ thị của Thủ tướng chính phủ năm 2016. Dư luận chỉ biết đến điều qua các báo lề trái như Dân luận, Anh Ba Sàm. Trong loạt bài về đại án Mobifone, trang Dân Luận có cho biết “Mức lợi nhuận của Mobifone giảm đi 2.000 tỷ đồng trong năm 2016 chính là do tác động của thương vụ Mobifone mua AVG.”
Sự không minh bạch trong cách điều hành và báo cáo của một doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là rất yếu kém, và sai với những hiệp định thương mại quốc tế đã ký kết.
“Những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như TPP hay Việt Nam liên minh Châu Âu, Việt Nam đều có các cam kết về công khai minh bạch, trong đó có nói rõ tất cả các thông tin của các doanh nghiệp đều phải được công khai và kết quả đều phải được các cơ quan kiểm toán có thẩm quyền công nhận.
Việt Nam cam kết vậy nhưng việc công bố còn chậm. Ngay cả các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa cũng chậm đăng ký trên thị trường chứng khoán bởi vì thị trường chứng khoán đòi hỏi sự công khai minh bạch chi tiết và nghiêm ngặt hơn.
Rõ ràng là công khai minh bạch của Việt Nam còn kém. Bao giờ Việt Nam có thể thực hiện các cam kết đó là điều cần xem xét.”
Tuy nhiên Chuyên gia thống kê của Liên hiệp quốc Liên Hiệp quốc Vũ Quang Việt cho rằng những điều ước quốc tế ký kết chỉ là những khuyến nghị sự minh bạch và bất cứ quốc gia nào khi ký kết cũng đồng ý những khuyến nghị đó, chứ không có tính bắt buộc đối với các quốc gia tham gia.
Save