Nhà sư Khmer Krom tiếp tục trốn sang Campuchia

0:00 / 0:00

Vấn đề chính quyền địa phương và Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng bao vây bắt sư sãi chùa Ta Sết, huyện Vĩnh Châu hoàn tục vẫn chưa kết thúc. Cho đến nay chính quyền địa phương vẫn gây áp lực lên các vị sư trong chùa. Nhiều sư sãi sợ hãi buộc phải chạy trốn sang Campuchia.

Trong đợt mới này, có ít nhất 7 tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer, gốc Khmer Nam bộ đã chạy trốn sang Campuchia. Các vị sư này là tu sĩ ở chùa Ta Sết, thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu; đó là nơi có hai nhà sư đang bị chính quyền tỉnh Sóc Trăng bắt giam.

Bảy vị sư vừa trốn được đến Xứ Chùa Tháp gồm có nhà sư Liêu Nên, sinh năm 1988; Thạch Sà Mây (Sà Mai), sinh năm 1990; Liêu Nửa, sinh năm 1996; Châu Phờ Rum, sinh năm 1989; Thạch Vành Na, sinh năm 1995; Sơn Na, sinh năm 1990 và nhà sư Kim Thi. Lý do mà các vị này nêu ra cho việc phải đi lánh sang Campuchia như thế vì chính quyền và Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng gây khó dễ cho họ.

Hôm 16/5, chính quyền địa phương và Đoàn công tác Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng khoảng 200 người đến chùa Ta Sết, với cáo buộc đại đức Liêu Ny, và phó đại đức Thạch Thươl đang bị các phần tử xấu và thù địch bên ngoài, cụ thể là tổ chức Liên mình Khmer Kampuchia-Krom (KKF) đã thông qua quan hệ trong nước kích động gây rối, lôi kéo một số sư sãi tạo cớ chống đối chính phủ và giáo hội.

Nhà sư Thạch Sà Mây cho biết: "Nhà nước Việt Nam đến chùa Ta Sết định bắt hai tu sĩ hoàn tục nhưng các sư trong chùa không để công an bắt hai vị sư theo ý muốn. Khi công an vào chùa, sư kêu các vị sư trong chùa đánh chuông, trống để thông báo đến bà con gần chùa can thiệp. Qua mấy ngày sau, công an Việt Nam dọa bắt sư và sư Kim Thi vì đã giúp bao che cho đại đức và phó đại đức."

Trước đó, nhà sư nói trên đã bày tỏ sự bất đồng với Đoàn công tác của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước và chính quyền địa phương đến thực hiện thủ tục buộc xuất tu đối với sư Liêu Ny và Thạch Thươl. Các vị sư ngăn cản việc triển khai lực lượng của Đoàn công tác tại chùa.

Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho rằng lý do phải xuất tu là do các vị sư nhiều lần điện thoại, lên mạng để trả lời phóng vấn, xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước phân biệt đối xử và đàn áp đồng bào sư sãi Khmer.

Bị cáo buộc chống chính quyền

Các tu sĩ vừa chạy trốn sang Campuchia chỉ hình ảnh an ninh, công an xé cờ Phật giáo, ngày 07/03/2013. Photos: Quốc Việt/RFA
Các tu sĩ vừa chạy trốn sang Campuchia chỉ hình ảnh an ninh, công an xé cờ Phật giáo, ngày 07/03/2013. Photos: Quốc Việt/RFA (Các tu sĩ vừa chạy trốn sang Campuchia chỉ hình ảnh an ninh, công an xé cờ Phật giáo, ngày 07/03/2013. Photos: Quốc Việt/RFA )

Với sự tiếp tay từ báo chí Nhà nước, các vị sư lại bị cáo buộc có hành động chống chính quyền thi hành công vụ, vi phạm một số giáo luật như nhậu nhẹt, gây mất đoàn kết và treo cờ của KKF.

Sư Thạch Vành Na kể lại sự việc: "Vào lúc 11giờ ngày 23/3/2013, có lực lượng công an tấn công vào chùa, rồi xé cờ phật giáo, chừa lại ba màu. Sau đó, cáo buộc sư sãi trong chùa treo lá cờ không phải là cờ Phật giáo. Nói mấy sư muốn cử với Nhà nước Việt Nam, nói mấy sư có liên quan với tổ chức Khmer Krom ở ngoài nước.

Sáng ngày 24/3/2013, có lực lượng công an tấn công vào chùa rồi cắt lá cờ. Sư thấy vậy, sư liền lấy máy quay phim ra quay. Công an thấy vậy đuổi theo bắt sư và các vị sư khác…”

Ông Khieu Sopheak, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia cho biết pháp luật Campuchia đã công nhận người Khmer gốc Nam bộ là người Campuchia. Tất cả Khmer Krom bị đàn áp, áp bức đều có thể trốn sang nước này nhưng không được sử dựng địa bàn xứ chùa Tháp để chống đối hoặc quấy rối chính phủ Việt Nam.

Ông Khiêu Sopheak nói: "Không chỉ đối với Việt Nam, không ai có thể lợi dụng Campuchia để chia rẻ dân tộc, chống đối chính phủ các nước khác. Người Khmer Krom có thể sống tại đây như dân bản xứ, không bị kỳ thị. Campuchia cũng không bắt trục xuất họ về Việt Nam nhưng phải tôn trọng pháp luật."

Tháng 6 năm 2007, Campuchia đã bắt cóc một vị sư Khmer Krom tên Tim Sakhorn giao cho Việt Nam vì muốn cải thiện bang giao với Việt Nam. Ngoài ra, Campuchia cũng nhiều lần từ chối cấp quốc tịch cho người Khmer Krom lánh nạn sang đây. Hiện vẫn còn nhiều trường hợp Khmer Krom không được cấp quốc tịch vì lý do không có địa chỉ cư trú cụ thể, ủng hộ đảng phái đối lập, và hoạt động cùng tổ chức Khmer Krom chống Việt Nam.

Sư Liêu Nên, em trai của đại đức Liêu Ny đang bị giam ở tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Sư đến Campuchia, sống ở đây sư cũng không thấy mấy ổn. Sư cảm thấy sợ. Việt Nam bây giờ ở Campuchia rất nhiều, công an Việt Nam cũng thường xuyên lên xuống Campuchia. Sư sống ở đây, sư cũng cảm thấy sợ lắm."

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức Human Rights Watch nhận xét: "Các nhà chức trách Việt Nam đang gia tăng gây áp lực các nhà sư Khmer Krom để họ chấp nhận chính phủ kiểm soát và giám sát các hoạt động của họ. Hành động này cho thấy Việt Nam đang vi phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Chính phủ Việt Nam phải chấm dứt đàn áp người Khmer Krom.

Còn Campuchia thì không đủ can đảm bảo vệ nhà sư Khmer Krom. Campuchia chưa chấp hành tốt Công ước tỵ nạn năm 1951 mà họ phê chuẩn. Do đó, người Khmer Krom biết họ không an toàn ở Campuchia, buộc phải chạy sang xin quy chế tỵ nạn tại BangKok.”

Lên tiếng với chúng tôi, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và chính quyền địa phương khẳng định rằng Việt Nam luôn tôn trọng các quyền tự do tín ngưỡng. Nhiều chùa chiền đã được trùng tu, đời sống vật chất lẫn tinh thần người Khmer đã chuyển biến đáng kể. Các vị sư lợi dụng tự do tôn giáo, đã vi phạm chính sách đoàn kết, giáo luật của giáo hội.

Còn ông Hứa Sĩ Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Châu, phụ trách các lĩnh vực văn hóa, xã hội và tôn giáo cho biết thêm: "Nói chung đồng bào Khmer ở đây sinh sống bình thường, không có vấn đề gì. Địa phương vẫn thực hiện tốt chính sách, dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo thì chúng ta thực hiện theo pháp luật. Nghĩa là Đảng và Nhà nước có chính sách gì, ở địa phương thực hiện đúng như vậy."

Được biết, hiện gần 200 người Khmer Krom đang ẩn náu rải rác ở Campuchia và Thái Lan. Nhiều người bị Cao ủy tỵ nạn của LHQ từ chối cấp quy chế vì không đủ tiêu chuẩn để đi định cư nước thứ ba. Số người này không biết sẽ bị chính quyền bắt giao cho Việt Nam ngày nào.