Blogger Việt Nam: người bị bắt, kẻ an toàn. Vì sao?

Những người tài trí

Từ các bloggers thuộc Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do như Điếu Cày, AnhBaSàigòn, Tạ Phong Tần – những người mà blogger Người Buôn Gió cho là “một tập hợp đội ngũ có tài, có trí, rất can đảm, dấn thân, rất có tinh thần yêu nước – bị vào vòng lao lý cho tới blogger Trương Duy Nhất , rồi blogger Phạm Viết Đào và hiện là blogger Đinh Nhật Uy bị giới cầm quyền bắt giam với lý do mơ hồ “ lợi dụng tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Blogger Gò Cỏ May đã nói về những lý do đó: “Như ai cũng biết, luật của ‘xứ thiên đường’ nhà mình nó cũng hay bị lắt léo theo cách giải thích luật vòng vo tam quốc của những người có chức quyền. Bởi thế, có khi cả rừng luật thật đấy lại thua một thứ ‘luật rừng’ cũng là lẽ đương nhiên”

Hung hăng và quỵ luỵ

Trong khi đó, những bloggers khác cũng có lòng với quê hương, dân tộc và sẵn sàng nói lên sự thật – tức thực trạng sa sút hầu như mọi mặt của xã hội VN ngày nay cùng “hiểm hoạ phương Bắc” trong bối cảnh “hèn với giặc, ác với dân” – nhưng họ vẫn còn an toàn thì – nói theo nhà văn Phạm Thị Hoài, “chẳng qua là của để dành”.

Nếu trường hợp blogger Trương Duy Nhất với “Một góc nhìn khác” của ông – khác với cái nhìn của 700 tờ báo quốc doanh trong một đất nước độc đảng, độc quyền – phải bị lâm nạn vì ông đã làm cho các quan “tức tối và nhất là…sợ!”, mà nói theo blogger Cánh Cò:

"Chức vụ càng cao thì nỗi sợ càng lớn. "Một góc nhìn khác" là lưỡi dao bén gọt những gì che chắn bên ngoài của các quan chức chóp bu. Đưa ra những khuôn mặt lở lói, dị dạng của các ông Trọng, Dũng, Sang, Hùng để từ đó, người dân thấy rõ hơn những trái khuấy, kệch cỡm và gian manh của họ từ "một góc nhìn khác."

Thì blogger Bà Đầm Xoè cho rằng " tội của Bác (Phạm Viết) Đào mà các cơ quan bảo vệ pháp luật nước ta còn chưa 'trưng ra' để bắt Bác là cái tội lúc nào Bác cũng găm đầy trên blog của Bác bài viết, hình ảnh về tội ác của Quân Trung Quốc đã xâm lược chuẩn bị xâm lược Việt Nam ta", trong bối cảnh mà Bà Đầm Xoè không quên lưu ý rằng "Nước mình và nước Tàu hiện nay đang từng ngày, từng giờ dốc lòng, dốc sức cho việc tô thắm thêm những hàng chữ đỏ '4 tốt' và chữ vàng '16 chữ', đến mức tượng đài, bia tạc về tội ác của Tàu trên miền biên giới phía Bắc cũng đã phải phá đi, đục bỏ đi".

Trong tình trạng ngày càng có nhiều người trong giới bloggers bị nạn như vậy chỉ vì có lòng với quê hương, dân tộc, sẵn sàng báo động sự xâm lược đang tiếp diễn của phương Bắc trong sự quy luỵ của giới cầm quyền Hà Nội, thì một blogger trẻ tuổi, yêu quê hương VN, là Nguyễn Hoàng Vy, lên tiếng:

"Càng ngày nhà cầm quyền càng ra lệnh bắt bớ các bloggers. Trong thời gian gần đây, tôi cho rằng càng ngày, nhà cầm quyền càng hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân VN, đàn áp tiếng nói đối lập với tư tưởng của đảng".

Bị động và sợ hãi. Ai?

Blogger Trương Duy Nhất - hieuminh.org photo
Blogger Trương Duy Nhất - hieuminh.org photo (hieuminh.org photo)

Theo nhận xét của blogger Bùi Tín từ Paris, Pháp Quốc, thì hành động hiện nay của giới cầm quyền trong nước đối với giới bloggers thực ra chứng tỏ rằng họ “bị động chứ không phải tấn công”, chỉ vì họ “sợ”. Nhà báo Bùi Tín cho biết tiếp về hành động này của giới cầm quyền:

"Đó là chính sách xưa nay vẫn thế. Bởi vì tình hình của giới cầm quyền trong nước nguy ngập, và họ thấy phong trào bloggers đang phát triển thì họ rất lo sợ. Thật ra họ đang bị động chứ không phải tấn công. Họ lo sợ bloggers nên cuống cả lên và chặn lại như thế - chặn lại bằng mọi giá. Bởi vì nếu phong trào quần chúng lên mạnh nữa, thì có nguy cơ quần chúng nổi dậy và họ sẽ bị sụp đổ."

Blogger Mẹ Nấm cũng lưu ý tới sự e ngại của giới cầm quyền trước “cách bùng phát” đưa tin không theo “lề phải” của giới bloggers, và khẳng định rằng:

"Giới cầm quyền hành xử như hôm nay chỉ làm cho bloggers càng ngày càng hết sợ hải thôi. Không ai cảm thấy sợ đâu."

Blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội cũng đề cập tới hiện tình “đàn áp quyết liệt” của giới cầm quyền hiện nay:

“Những tiếng nói của bloggers là những tiếng nói độc lập, không chịu sự kiểm duyệt và chi phối. Tôi nghĩ có 2 vấn đề: Vấn đề thứ nhất là quyền phát biểu, tự do tư tưởng của một con người thì cần phải được bảo đảm. Và việc ngày càng có nhiều bloggers bị bắt trong thời gian qua và gần đây, như các blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào, cho thấy tiếng nói độc lập ngày càng bị đàn áp rất căng thẳng và quyết liệt.”

Quyền lực nhân dân không chùn bước

Theo blogger Hiệu Minh thì hành động của bloggers đối đầu với giới quyền lực trong tay là “trò chơi với lửa”, khiến họ lâm vào vòng lao lý vì “biết quá nhiều và viết quá nhiều liên quan đến hậu trường chính trị ”, nhất là liên quan đến giới lãnh đạo. Nhưng, blogger Hiệu Minh nhấn mạnh, “không phải vì thế mà giới blogger nói riêng và “quyền lực nhân dân” nói chung chấp nhận im lặng, đặc biệt là trong thời đại Internet ngày nay vốn có thừa khả năng và rất hữu hiệu trong việc “bạch hoá lịch sử”, nhất là thứ “lịch sử bị bóp méo hay che đậy”. Cũng như, thế giới ảo không bao giờ bỏ qua bất kỳ “vùng cấm nhậy cảm” nào của giới cầm quyền.

Blogger Đinh Nhật Uy- courtesy danlambao.com photo
Blogger Đinh Nhật Uy- courtesy danlambao.com photo (courtesy danlambao.com photo)

Như vậy là hành động đàn áp của giới cầm quyền hiện nay khó có thể làm chùn bước giới bloggers yêu nước khi các trang blog “lề dân” của họ ngày càng có đông độc giả, được cảm kích và hoan nghênh. Blogger Bùi Tín lưu ý thêm về diễn tiến này:

"Theo nhận định của riêng tôi thì tất nhiên giới cầm quyền có làm cho một số bloggers chùn bước. Nhưng số chùn bước này không nhiều trong khi số bloggers tham gia thêm, quyết liệt đấu tranh thêm thì sẽ gia tăng với tốc độ cao hơn. Như chúng ta thấy hiện danh sách của những người cùng tuyệt thực với TS Cù Huy Hà vũ, kể cả bloggers, đã lên rất mạnh, tham gia đến hàng mấy chục người rồi."

Blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh nhấn mạnh đến việc “bạo lực không thể dập tắt được công lý”, và “sự thật, công chính” thì luôn phát triển:

" Tôi nghĩ những gì công chính và sự thật thì càng phát triển thôi, cho dù bị bạo lực hay bất cứ gì thì nó vẫn càng phát triển, bởi vì bạo lực không thể dập tắt được tiếng nói của công lý cũng như tiếng nói của sự thật, tiếng nói lương tâm của mỗi con người. Do vậy, dù những bloggers chân chính, phát biểu thẳng thắn mà phải bị như vậy, thì tôi nghĩ người ta vẫn tiếp tục có những tiếng nói của họ, bởi vì đó là nhu cầu thiết yếu của người dân và của xã hội. Đó là điều không thể dập tắt được. Vấn đề ở chỗ nếu như bộ luật hoặc khung pháp luật chưa phù hợp thì cần phải điều chỉnh cho nó phù hợp với nhu cầu xã hội và nhu cầu của đất nước."

Theo blogger Người Buôn Gió, hành động đàn áp bloggers, đàn áp tự do bày tỏ chính kiến của giới cầm quyền đã làm cho giới viết nhật ký trên mạng càng thêm phẫn nộ.

Hành động bắt bớ những dân báo và các bloggers như thế này thực sự gây bực bội, tức giận cho các bloggers khác, vì họ thấy họ chỉ thể hiện quyền chính kiến cá nhân, tự do ngôn luận mang tính chất đóng góp cho xã hội – việc làm lẽ ra phải đáng ghi nhận, nhưng giới cầm quyền lại bắt bớ người ta.

Một blogger yêu cầu ẩn danh đề cập tới cả một “tiến trình lịch sử” mà giới bloggers đã gầy dựng được – tức tiếng nói, ảnh hưởng ngày càng vững mạnh của giới bloggers trong xã hội VN, khó mà đảo ngược được:

Blogger Phạm Viết Đào trong một lần phát biểu trước báo chí. Photo courtesy nguyentandung.org
Blogger Phạm Viết Đào trong một lần phát biểu trước báo chí. Photo courtesy nguyentandung.org (Photo courtesy nguyentandung.org)

Theo tôi nghĩ một tiến trình, một khi đã có được sự ủng hộ của công luận và có tiếng tiếng nói rộng rãi trong quần chúng, trong xã hội, thì khi bị bất kể hành động đàn áp hoặc sự cản trở nào, có thể nó bị tác động. Nhưng tôi nghĩ tác động ấy không lớn, vì rõ ràng tiến trình như vừa nói đã mang tính lịch sử. Điều cũng rõ ràng là trong vài năm gần đây, tiến trình đó mỗi ngày mỗi mở rộng hơn. Nó có sức lan toả nhiều hơn và hiệu quả cũng lớn hơn. Tôi nghĩ rằng tác động ấy của giới cầm quyền cũng chả làm thay đổi được tiến trình này đâu.

Không thể "bịt miệng" cả nước

Nếu khi chưa rơi vào vòng lao lý như hiện giờ, blogger Sự Thật và Công Lý, tức Tạ Phong Tần, từng khẳng định rằng:

Nhà cầm quyền có thể đàn áp, bịt miệng những người như blogger chúng tôi. Nhưng họ không thể bịt miệng tất cả bloggers trên đất nước VN. Và cũng chẳng có kết quả gì nếu một nhà nước chỉ dựa vào bạo lực một cách trái phép, dựa vào sự dối tra, sự bưng bít để tồn tại.

Thì blogger AnhBaSaigòn, qua một bài viết còn dang dở, cũng đã bày tỏ rằng:

Blog là nơi mà bất cứ ai cũng có thể thực hành quyền được nói, quyền được mở miệng. Blogger bị bắt, bị theo dõi, bị đàn áp, bị đe dọa ở khắp nơi và đến nay chúng ta cũng dần hiểu được kẻ khủng bố đe dọa chúng ta là ai. Chỉ có nhà nước mới có thể dùng Pháp luật để đảm bảo quyền được nói cho chúng ta, nhưng cũng chính các nhà nước độc tài đang là mối đe dọa trực diện lên quyền được nói của chúng ta.

Tuy thế quyền được nói, được tự do tư tưởng, chia sẻ và truyền bá tư tưởng là quyền tự nhiên không cần phải chứng minh và cũng không cần ai ban phát. Blogger Việt nam đã và đang làm được nhiều điều cho đất nước, họ vẫn bàn bạc, thảo luận, họp hành và nghị sự về bất cứ vấn đề trọng đại nào của đất nước. Họ là nghị viện nhân dân đích thực bởi họ đang nói lên tiếng nói của người dân…