Khi doanh nghiệp không lạc quan

0:00 / 0:00

Khảo sát công bố mới đây của Vietnam Report cho thấy có gần 60% doanh nghiệp được hỏi cho rằng năm tới tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục bị bao trùm trong không khí ảm đạm. Vì sao đánh giá của giới doanh nghiệp Việt Nam vẫn không thực sự lạc quan?

Trì trệ và bất ổn

Qua kết quả điều tra từ hơn 300 doanh nghiệp lớn về thực trạng kinh doanh hiện tại và triển vọng năm 2014, Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) hôm 4/9 đưa ra kết luận có tới gần 60% số doanh nghiệp cho rằng họ chưa tìm thấy dấu hiệu lạc quan trong năm 2014, hơn 20% nhận định năm sau còn chật vật và thậm chí xấu hơn cả năm nay, số còn lại cho rằng năm tới sẽ tốt đẹp hơn.

Theo các tác giả của bản báo cáo thì dường như niềm tin vào khả năng sớm hồi phục kinh doanh của doanh nghiệp đang suy giảm dần, một phần do thực trạng kinh doanh khó khăn đang kéo dài quá lâu, trong khi những hỗ trợ từ phía Chính phủ không đủ sức vực dậy nền kinh tế đang trọng trạng thái bất ổn và khó lường, buộc các doanh nghiệp phải tự tìm kiếm những phương án riêng biệt mới tự cứu được mình.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đặc biệt là kinh tế vĩ mô còn rất trì trệ và bất ổn, thực trạng đó ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, doanh nghiệp hoạt động hết sức khó khăn. <br/> -TS Ngô Trí Long

Kết luận trên Vietnam Report phần nào tương đồng với lời phân tích của TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với giới doanh nghiệp đã được đề ra nhưng việc thực thi rất chậm và thiếu tính thực tiễn, khiến doanh nghiệp không được thụ hưởng. Ông nhận xét:

“Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đặc biệt là kinh tế vĩ mô còn rất trì trệ và bất ổn, thực trạng đó ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, doanh nghiệp hoạt động hết sức khó khăn, thể hiện qua việc doanh nghiệp phá sản rất lớn và phần lớn là các doanh nghiệp không có hiệu quả, vì thế đây là một khó khăn mà Nhà nước đã nhìn thấy vấn đề này và đưa ra rất nhiều giải pháp để tháo gỡ. Hiện nay, có một bất cập là nhiều chính sách Nhà nước ban hành thực thi rất chậm, thứ hai là các chính sách ban hành đưa vào cuộc sống không thực thi được, dẫn đến hiện tượng các doanh nghiệp có danh mà không có thực, nghĩa là chính sách đề ra nhưng thực tế không được thụ hưởng.”

Cảng Hải Phòng ngày 27 tháng 5 năm 2013.
Cảng Hải Phòng ngày 27 tháng 5 năm 2013. (AFP PHOTO)

Hơn nữa, TS Ngô Trí Long cho rằng với những khó khăn đeo bám, khiến sức chịu đựng của giới doanh nghiệp ngày càng bị bào mòn, theo quy luật đào thải, những doanh nghiệp yếu kém bị loại dần và nếu điều kiện kinh doanh không được cải thiện, thì chắc chắn những doanh nghiệp chất lượng hơn cũng sẽ bị triệt tiêu. Hiện tại, số các doanh nghiệp đang hoạt động cũng khá cầm chừng, cầm chừng để tồn tại và hi vọng vào một viễn cảnh sáng sủa hơn.

Chia sẻ với chúng tôi những gì đang phải đối mặt, nhất là tìm đầu ra cho hàng hóa tiêu thụ của mình, anh Trần Ngọc Nam, chủ một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên 10 năm ở Hà Nội cho biết:

“Những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng như ngành thép bên chúng tôi thì thủ tục vay ngân hàng cũng như lãi suất so với thời điểm năm ngoái thì đã thuận lợi hơn nhiều, lãi suất giảm xuống rõ rệt. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt hiện nay lại là việc xử lý hàng tồn kho, đặc biệt là do nhu cầu thị trường và lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giảm rõ rệt, vì thế nhu cầu trước mắt của chúng tôi là giải quyết hàng tồn kho thì lúc ấy mới quay vòng vốn, nhu cầu sản xuất lên.”

Lo ngại sự thay đổi chính sách

Mặc dù nhân tố nguồn tín dụng khó tiếp cận đã không còn là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng tới doanh nghiệp như một vài năm gần đây, nhưng việc có một thị trường đầu ra ổn định và giảm bớt hàng tồn kho lại đang là mối quan ngại cho nhiều tổ chức kinh doanh tư nhân như của anh Trần Ngọc Nam.

Ngoài ra, bản báo cáo của Vietnam Report cũng tiết lộ thêm phần đông số doanh nghiệp chiếm tới gần 66% cho biết sự cạnh tranh không lành mạnh và thông tin thiếu minh bạch thực sự có ảnh hưởng mạnh tới doanh nghiệp và hơn 50% lo ngại về những thay đổi trong chính sách của Chính phủ.

Số liệu này một lần nữa cho thấy những điều tiết vĩ mô và chính sách từ Chính phủ có tầm ảnh hưởng rất quan trọng đến sự sinh tồn của các doanh nghiệp.

Các chính sách ban hành đưa vào cuộc sống không thực thi được, dẫn đến hiện tượng các doanh nghiệp có danh mà không có thực, nghĩa là chính sách đề ra nhưng thực tế không được thụ hưởng. <br/> -TS Ngô Trí Long

Bản kết quả cuộc khảo sát lần thứ 12 về Chỉ số kinh doanh EuroCham công bố hồi cuối tháng 8 cho hay, 20% các doanh nghiệp Châu Âu đang cân nhắc chuyển hoạt động sang các nước khác trong ASEAN bởi môi trường kinh doanh trong nước. Báo cáo của EuroCham đánh giá: "Đây là một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng về môi trường kinh doanh hiện tại và sức cạnh tranh đang gia tăng của các thị trường khác trong khu vực".

Hẳn nhiên việc các doanh nghiệp nước ngoài tìm đường sang các thị trường tiềm năng và sinh lợi hơn là điều không ngạc nhiên, nhưng sự thất vọng về môi trường nội địa để họ bỏ rơi Việt Nam là điều đáng suy ngẫm. Nhận xét trên của EuroCham phần nào cho thấy môi trường đầu tư trong nước vẫn là những rào cản lớn, trong đó những chỉ số kinh tế vĩ mô không tích cực khiến các nhà đầu tư nước ngoài chỉ coi Việt Nam là “điểm đến” chứ chưa phải là “điểm dừng” để họ thực sự yên tâm làm ăn lâu dài.

Trong số nhiều giải pháp được đánh giá là thiết thực giúp giới doanh nghiệp có thể tiếp tục tồn tại là miễn giảm thuế phí, nhằm cắt giảm những những chi phí trong hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp. Nhưng giải pháp này lại vấp phải thế “tiến thoái lưỡng nan” khiến thất thu nguồn ngân sách. Số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, từ đầu năm đến nay, Việt Nam thâm hụt hơn 100.000 tỷ đồng. Nghịch lý này, dường như chưa có lời giải đáp:

“Doanh nghiệp khó khăn, nhưng nguồn thu chính là các tổ chức đó nên nguồn thu bị hạn hẹp thậm chí thất thu rất do hoạt động khó khăn của doanh nghiệp. Nhưng bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải tìm cách tháo gỡ bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, để làm sao, các doanh nghiệp có thể hoạt động bình thường, có hiệu quả thì khi đó mới tạo ra nguồn thu. Trong khi đó, nghịch là miễn giảm thuế, đồng thời hiệu quả làm ăn của các doanh nghiệp lại rất thấp, cho nên nguồn thu cũng không có, nên gây ra mâu thuẫn hiện nay là nguồn thu của ngân sách và miễn giảm thuế.”

Theo kết luận từ bản điều tra của Vietnam Report, trong thời gian 3 năm sắp tới, giới doanh nghiệp Việt Nam sẽ tập trung hơn vào nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, phát triển nguồn nhân lực và đặc biệt là chiến lược lựa chọn sản phẩm riêng biệt cho mình. Để giới doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục tồn và phát triển, hẳn những giải pháp không chỉ đến từ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn của Chính phủ, mà còn đòi hỏi cả những nỗ lực chung tay từ mỗi thành viên doanh nghiệp.