VN vẫn còn nhiều tù nhân chính trị bị đối xử tồi tệ trong tù

0:00 / 0:00

Năm tù nhân chính trị vừa được trả tự do trong thời gian chưa đầy một tháng qua; khiến nhiều người tỏ ra vui mừng; tuy nhiên còn nhiều tù nhân khác vẫn bị đối xử tồi tệ trong nhà tù vì hoạt động công khai lên tiếng đấu tranh cho một đất nước Việt Nam công bằng, không tham nhũng và không bị ngoại bang xâm lấn.

Tình trạng tồi tệ

Dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh việc chính quyền Hà Nội trả tự do cho các tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Cầu, Đinh Đăng Định, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi chỉ không đầy một tháng qua. Dù rằng thầy giáo Đinh Đăng Định được đặc xá đưa về nàh trong tình trạng bệnh tình ‘thập tử, nhất sinh’ và chỉ không đầy một tháng sau khi ra được đặc xá ông đã lìa trần. Riêng ông Nguyễn Hữu Cầu thì sức khỏe cũng suy kiệt sau hơn 32 năm bị giam tù.

Ngoài những trường hợp vừa được trả tự do, theo tổ chức Ân Xá Quốc tế, Amnesty International, trụ sở tại London thì hiện còn ít nhất 70 tù nhân khác vẫn còn bị giam cầm chỉ vì họ biểu tỏ chính kiến của họ một cách ôn hòa.

Trong số những người này tình trạng sức khỏe của họ cũng không khá hơn những người khác như tù nhân Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, bà Hồ Thị Bích Khương, ông Ngô Hào, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa...

Anh Ngô Minh Tâm, con trai của ông Ngô Hào cho biết về tình hình sức khỏe suy kiệt của ông này sau lần thăm gặp gần nhất hồi đầu tháng tư vừa qua:

Khối u tiền liệt tuyến để lâu không tốt, nhưng gia đình làm đơn hồi tháng 10, thì đúng tháng đó họ chuyển anh vào Quảng Nam. <br/> -Bà Nguyễn Thị Nga

“Đi thăm hôm ngày 4/4 vừa rồi, tình hình của ba khá yếu. Đồ ăn nhà gửi vào ăn không được, ăn vào ói ra.”

Cô Bùi Thị Diễm Thúy, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo có cha đang bị giam cầm cho biết về tình hình của người cha như sau:

“Ông cha bây giờ sức khỏe kém lắm. Đợt rồi chị tôi đi thăm về nói ông đen lắm, trong đó nắng lắm. Ông cũng bức xúc gì đó nên lên trên mái nhảy xuống gãy xương sống. Nguyên nhân cũng không biết vì sao. Mấy chục cán bộ vào nói chuyển ông đi, nhưng ông không cho đụng vào người ông, và nói thà chết chứ không để họ đụng vào. Thế rồi các bạn tù nóng ruột nên chạy ra đưa ông vào, xoa bóp dầu. Bữa nay cũng ổn rồi. Ông cha ở Đồng Nai, còn người em thì ở Phú Yên. Mỗi lần đi thăm cũng phải hai ngày hai đêm.”

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, người hiện đang phải thụ án tù sáu năm tại trại giam An Điềm, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, sức khỏe cũng rất kém phần vì lớn tuổi, phần vì mắc phải các chứng bệnh như trĩ, ung thư tiền liệt tuyến. Bà Nguyễn Thị Nga, vợ ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết về tình hình sức khỏe của ông này như sau:

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa trước tòa hôm 08/10/2009
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa trước tòa hôm 08/10/2009 (AFP photo)

“Nói chung tình hình của anh là bệnh tật và tại nhà tù trong Quảng Nam thì không có bạn tù cùng án chính trị. Anh phải ở chung với tù thường phạm. Bệnh trĩ của anh chữa hồi ở trại Nghệ An. Anh còn bị bện sỏi thận và khối u tiền liệt tuyến. Khối u tiền liệt tuyến để lâu không tốt, nhưng gia đình làm đơn hồi tháng 10, thì đúng tháng đó họ chuyển anh vào Quảng Nam. Đường đi vào đó xa xôi. Gia đình cũng có nói anh làm đơn xin đi mổ khối u tiền liệt tuyến, nhưng anh thấy đường xá trắc trở và cũng như những lần trước xin đi khám bệnh rất khó; nên anh nói thời gian án chỉ còn khoảng 5, sáu tháng nữa nên thôi chờ để về nhà chữa.”

Vừa qua, thân nhân của tù nhân Hồ Thị Bích Khương, sau khi đi thăm bà này về cũng cho biết bà phải ngồi xe lăn để ra gặp vì sức khỏe yếu kém do vết thương bả vai bị gãy trước đây không được chăm sóc đúng cách… Những tù nhân nữ khác như Đỗ Thị Minh Hạnh, Mai Thị Dung… cũng trong tình trạng sức khỏe mà gia đình cho biết là rất đáng ngại.

Yêu cầu không được đáp ứng:

Bản thân của những tù nhân khi thấy sức khỏe suy kém đi đều có nguyện vọng được chăm sóc y tế đầy đủ. Thế nhưng nguyện vọng đó khó mà được đáp ứng.

Anh Ngô Minh Tâm nói về điều này như sau:

“Nguyện vọng lớn nhất của gia đình là làm sao bố được cho đi chữa trị để có được sức khỏe bình thường. Suốt cả tháng nay bố không ăn uống được gì nên chỉ mong bố có được sức khỏe.”

Một số tù nhân lương tâm như ông Điếu Cày Nguyễn văn Hải từng phải tuyệt thực trong trại giam để phản đối cách hành xử khắc khe không đúng luật đối với bản thân họ.

Bắt giữ tùy tiện

Thông cáo báo chí của tổ chức Ân Xá Quốc tế hồi ngày 14 tháng 4 vừa qua nêu rõ rằng tổ chức này đã thu thập tài liệu về trường hợp của 75 người tại Việt Nam bị đưa ra xét xử và kết án tù chỉ vị họ thực thi quyền phát biểu ý kiến của họ một cách ôn hòa.

Vừa rồi có một tờ báo của Nhà nước đưa tin; tuy không nói chính xác về phiên tòa, họ chỉ nói thoáng, sơ qua về Bố. <br/> -Anh Ngô Minh Tâm

Một số trường hợp đã được Ân Xá Quốc Tế nêu ra với nhà cầm quyền Hà Nội trong một chuyến đi của tổ chức này đến Việt Nam gần đây.

Ba trường hợp vừa được trả tự do trong đầu tháng tư vừa qua gồm tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, thạc sĩ Công nghệ Thông tin Nguyễn Tiến Trung và cựu đảng viên Vi Đức Hồi từng được đưa vào phúc trình mang tên ‘Tù nhân Lương Tâm tại Việt Nam: Những tiếng nói bị bóp nghẹt’. Phúc trình này nêu lên điều kiện khắc nghiệt mà những tù nhân lương tâm phải gánh chịu. Đa số bị xét xử bất công, bị đối xử tàn tệ…

Anh Ngô Minh Tâm cho biết ngay cả báo chí của Nhà Nước gần đây cũng có bài viết nói đến phiên tòa phi pháp xét xử người cha của anh là ông Ngô Hào:

“Vừa rồi có một tờ báo của Nhà nước đưa tin; tuy không nói chính xác về phiên tòa, họ chỉ nói thoáng, sơ qua về Bố. Kèm theo đó họ đưa ra nhận xét là chưa có phiên tòa nào mà chỉ yêu cầu luật sư nhận xét phiên tòa diễn ra hợp lý hay không! Theo các luật sư cho biết thì theo luật của Việt Nam, dù bị cáo có từ chối luật sư hay không, luật sư có quyền bảo vệ và phải tiến hành đủ các thủ tục phiên tòa; và thấy bên nào sai - bị cáo hay tòa sai, đều phải yêu cầu có kiểm tra. Nhưng đây chỉ đứng ra cho có thủ tục.”

Chính quyền Việt Nam luôn cho rằng ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm. Tuy nhiên, bác bỏ đó bị cho là ‘nói lấy được’ vì chính những tù nhân ngay sau khi ra tù, nhất là những người mới được trả tự do gần đây đều lên tiếng cho rằng họ không làm gì sai trái, chỉ thực thi các quyền được qui định trong Hiến pháp Việt Nam. Mọi hoạt động của họ chỉ nhằm giúp đất nước phát triển, người dân được sống ấm no.

Tổ chức Amnesty International cũng như các tổ chức theo dõi nhân quyền khác và các quốc gia dân chủ tiến bộ luôn kêu gọi chính quyền Hà Nội phải thực tâm trả tự do cho tất cả những người yêu nước, tôn trọng nhân quyền.