Một viên chức cao cấp của bộ quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố như trên, cho biết thêm bộ quốc phòng sẽ xem xét việc tăng cường những vũ khí mạnh sang căn cứ chiến lược Guam ở tây Thái Bình Dương.
Ý kiến này do một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Washington đề nghị, được Phó Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Scher trình bày trong buổi điểu trần trước Tiểu ban Chỉnh bị thuộc Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ.
Tăng cường võ trang ở cửa ngõ Đông Á
Chiến lược của Hoa Kỳ nhằm chuyển thêm những tài nguyên quân sự, ngoại giao và kinh tế sang châu Á - Thái Bình Dương vào một thập niên sau khi chiến tranh diện địa bùng nổ ở Iraq và Afghanistan, từ lúc cuộc khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 nhắm trúng New York và Ngũ Giác Đài.
Ông Robert Scher nói tiếp: tuy nhiên bộ quốc phòng cũng phải cân nhắc vấn đề phối trí đó dưới nhãn quan toàn cầu rộng lớn, và xem xét cả những nhu cầu của nhiều nơi cùng lúc.
Lãnh thổ Guam thuộc Mỹ nằm ở ba phần tư quãng đường từ Hawaii đến Philippines, từng giữ vai trò rất năng động trong chiến tranh Việt Nam khi làm một căn cứ tạm dừng cánh bay cho các pháo đài bay B-52. Ngày nay quân lực Hoa Kỳ vẫn duy trì một phi đội B-52 luân phiên có mặt tại Guam cùng với ba tàu ngầm tấn công.
Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, gọi tắt là CSIS, đã tiến hành công trình thẩm định mới về tình trạng của lực lượng quân sự Hoa Kỳ trong khu vực. Đây là một cơ sở nghiên cứu chính sách không thuộc đảng nào, thi hành những nhiệm vụ do Quốc hội giao phó.
Tuần trước CSIS đã đề nghị Ngũ Giác Đài bố trí thêm ít nhất một tàu ngầm tấn công như một công cụ sắc bén thiết yếu để chống lại những “kỹ thuật” của Trung Quốc nhằm ngăn cản mọi hoạt động tiếp cận và giao thông trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, để Hoa Kỳ phải tránh xa nơi này.
Một chi tiết khác nữa được CSIS đề nghị theo chiều hướng đó là việc phối trí thường trực một phi đội 12 chiếc pháo đài bay B-52 tại Guam, thay vì ba phi đội từ lục địa Bắc Mỹ luân phiên trực chiến ở nơi này.
Mục tiêu: ý đồ áp chế của Trung Quốc
Bản thẩm định của CSIS viết: sự bấp bênh về chiến lược địa lý-chính trị của châu Á- Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ và đồng minh cùng những đối tác phải đối diện, là câu hỏi "sự lớn mạnh về sức mạnh quân sự và ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ tác động ra sao đến nền móng trật tự và ổn định của khu vực trong những năm tới"
Nhóm chuyên gia của đề án này cho rằng lực lượng quân sự Mỹ có thể giúp hình thành môi trường "thời bình" bằng cách giữ vững những điều cam kết về an ninh, và hành động như vậy sẽ "làm cùn nhụt ý chí của Trung Quốc trong những hành động áp chế, đồng thời ngăn chặn ý đồ xâm lăng của Bắc Hàn"
Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã công bố kế hoạch gọi là “tái cân bằng” lực lượng hải quân Mỹ. Từ tỉ lệ một nửa lực lượng chia đều cho Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, nay 60% sẽ được dành cho vùng đại dương phía đông, và 40% cho vùng biển phía Tây. Chi tiết chưa được tiết lộ, nhưng các giới chức quân sự cho biết phần lớn lực lượng được tăng cường sẽ liên quan đến những chiến hạm mới.
Phó phụ tá bộ trưởng Scher, trong văn bản cùng ký tên với Quyền phó phụ tá bộ trưởng quốc phòng đặc trách châu Á Thái Bình Dương David Helvey, cho thấy Ngũ Giác Đài đồng ý với sự thẩm định của CSIS, rằng “có cơ hội tiến hành kế hoạch ở Guam, đồng thời gửi môt tín hiệu quan trọng đến cho khu vực này”.
Sau buổi điều trần tại Hạ viện, phụ tá quốc phòng Robert Scher nói với hãng thông tấn Reuters rằng kế hoạch hiện tại chưa có việc phối trí thêm pháo đài bay hay tàu ngầm ở Guam, nhưng vấn đề sẽ được nghiên cứu thêm, dựa trên “công việc tốt đẹp” mà CSIS đã thành tựu.
Giám đốc trung tâm CSIS và là đồng giám đốc công trình nghiên cứu nói trên, ông David Berteau, nói căn cứ Guam có thể tiếp thêm những tàu ngầm tấn công hiện đại, mà không phải tốn kém ngất trời vì những phí tổn kiến thiết cơ sở, như những cầu tàu và cơ sở trên bờ.
Các viên chức cao cấp của bộ quốc phòng Hoa Kỳ điều trần với tiểu ban chỉnh bị thuộc Uỷ ban quân vụ Hạ viện cũng báo cáo rằng bộ quốc phòng sẽ khảo sát những cơ hội bố trí thêm lực lượng quân sự ở những vị trí ưu tiên tại Philippines, một quốc gia đồng minh theo hiệp ước, để tăng cường an ninh hàng hải.