Trong đó cho thấy phần lớn sừng tê giác được tiêu thụ khá công khai tại Việt Nam. Bộ phim tài liệu có tên Horn of Africa do đạo diễn Dan Rather thực hiện với nhiều tư liệu của tổ chức Traffic chuyên về bảo tồn động vật hoang dã.
Nhân dịp này, Việt Hà phỏng vấn ông Tom Milliken, giám đốc khu vực của Traffic, phụ trách khu vực Đông và Nam phi về tình hình săn bắn và buôn bán trái phép sừng tê giác tại Nam Phi và Việt Nam.
Người Việt săn tê giác tại Nam Phi
Trước hết, ông Milliken cho biết một số thông tin chung về tình hình săn bắn tê giác, vận chuyển sừng tê giác vào Việt Nam và hành động của Traffic. Ông nói:
Tôi đã hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn loài tê giác trong nhiều năm, và tổ chức của chúng tôi được mandate bởi công ước Cites và thực hiện các phim tài liệu về việc buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác, những tài liệu mà tôi là tác giả đã được Cites sử dụng vào tháng 3 năm 2010, và trong tài liệu đó chúng tôi ghi nhận sự gia tăng của những người là công dân Việt Nam tham gia vào việc buôn bán trái phép sừng tê giác tại châu Phi.
Tại cuộc họp của Cites, đã có một nghị quyết được thông qua kêu gọi Nam Phi và Việt Nam phải báo cáo cho ủy ban thường trực của Cites hàng năm về các hành động mà họ có để chấm dứt tình trạng buôn bán sừng tê giác giữa hai nước. Để giúp hai nước, vào tháng 10 năm 2010, tôi đã giúp tổ chức một đoàn làm việc tới Việt Nam gồm 5 giới chức cao cấp Nam Phi trong ngành luật pháp, điều tra về tội phạm săn bắt và buôn bán sừng tê giác.
Hiện tại, việc săn bắn tê giác bất hợp pháp tại Nam Phi đã đến mức cao nhất trong một thế kỷ qua. Chúng tôi tin là hầu như toàn bộ số sừng tê giác được đưa sang thị trường Việt Nam.
Tom Milliken
Họ gặp gỡ với các đối tác trong chính phủ Việt Nam, với hải quan Việt Nam, bộ công an, những người làm trong ngành y tế và hiệp hội những người buôn bán thuốc dân gian cổ truyền để nói chuyện về vấn đề này. Chúng tôi ở Việt Nam hơn 1 tuần lễ, có những cuộc nói chuyện có kết quả. Bước tiếp theo chúng tôi sẽ tổ chức một đoàn từ Việt Nam sang Nam Phi để họ có thể hiểu hơn về tình trạng buôn bán sừng tê giác. Hy vọng là một bản ghi nhớ giữa hai bên sẽ được thành hình giữa hai nước và sẽ trở thành cơ sở hợp tác cho hai bên.
Hiện tại, việc săn bắn tê giác bất hợp pháp tại Nam Phi đã đến mức cao nhất trong một thế kỷ qua, năm ngoái 330 tê giác bị giết trái phép, có nghĩa là cứ 26 tiếng thì có một con tê giác bị giết. Chúng tôi tin là hầu như toàn bộ số sừng tê giác được đưa sang thị trường Việt Nam.
Việt Hà: Trong phim tài liệu, những người làm phim cũng nói đến những người săn tê giác đến từ Việt Nam, xin ông cho biết những người này đến Nam Phi săn tê giác bắt đầu từ khi nào và hiện tình hình ra sao?
Tom Milliken: Những người Việt Nam đầu tiên đến Nam phi săn tê giác là vào năm 2003 nhưng đến năm 2007 và 2008 những thợ săn từ Việt Nam thực hiện khoảng 30% trong hoạt động săn bắn tê giác tại nam Phi, và đây là một hiện tượng khác lạ. Thêm vào đó là rất nhiều người trong số họ chưa từng săn bắn trong quá khứ, họ không biết cầm súng, họ không phải là những thợ săn chuyên nghiệp. Vì thế mọi người bắt đầu tự hỏi họ đang làm gì vậy, mục đích là gì. Và cuối cùng câu trả lời là họ chỉ muốn lấy sừng tê giác để đem bán bất hợp pháp tại quê nhà để dùng làm thuốc chữa bệnh.
Sau đó, Nam Phi đã thay đổi quy định về săn bắn để ngăn chặn những người không phải là thợ săn chuyên nghiệp vào săn tê giác, và chỉ cho mỗi thợ săn được phép săn một con tê giác một năm. Đến lúc này thì số lượng người săn tê giác từ Việt Nam giảm xuống, nhưng việc săn bắn trái phép tê giác tại Nam phi đã tăng lên một mức đáng kể. Chúng tôi tin rằng có một đường dây săn bắn buôn bán trái phép sừng tê giác có bao gồm những người Việt Nam đã đến đây trước kia để săn tê giác. Đường dây này đã thay đổi cách thức hoạt động để có thể buôn bán vận chuyển trái phép sừng tê giác từ Nam Phi đến Việt nam.
Những người Việt Nam không vào các khu rừng quốc gia để săn bất hợp pháp vì họ không có kỹ năng đó. Nhưng họ tham gia vào đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác. Họ mua sừng tê giác từ những kẻ săn bắn trái phép địa phương rồi chuyển lậu ra khỏi Nam Phi và vào thị trường châu Á.
Chúng tôi tin là phần lớn sừng của 330 số tê giác bị săn trái phép năm ngoái được mang sang Việt Nam. Gần như là 100% sừng đi vào thị trường Việt Nam trong các năm gần đây.
Việt Hà: Vậy số liệu nào ước tính giá trị của loại hàng hóa này là bao nhiêu không hay tổn thất mà Nam Phi phải chịu do tê giác bị săn bắn như vậy?
Tom Milliken: Đây là một loại hàng hóa vô cùng đắt tiền, tôi không muốn đưa ra số tiền, cái giá cho loại hàng này vì theo kinh nghiệm của tôi việc đưa ra ước tính giá có thể khuyến khích người ta tham gia vào các hoạt động phạm pháp, rồi tham nhũng trong quan chức chính phủ những người đáng nhẽ phải ngăn chặn nạn săn bắn và buôn bán trái phép tê giác thì lại cho phép để lấy tiền. Vì vậy tôi không muốn nói giá, nhưng tôi có thể nói là giá đang tăng lên rất nhanh và người ta sẵn sàng liều lĩnh để có thể săn tê giác.
Cần sự hợp tác của chính phủ VN
Việt Hà: Chính phủ Nam Phi có bắt và truy tố được những người Việt Nam buôn bán vận chuyển trái phép từng tê giác chưa?
Tom Milliken: Nam Phi đã bắt nhiều người, có cả những người Việt Nam đang bị cầm tù ở Nam Phi, tôi biết một trường hợp một người Việt bị kết án tù tại đây 10 năm vào tháng 7 năm ngoái. Đây là trường hợp đầu tiên. Có nhiều hoạt động thực thi luật pháp, xử án ở tòa đang diễn ra và Nam Phi bắt được nhiều người.
Năm ngoái có 162 người săn trộm bị bắt tại Nam Phi. Tôi nghĩ là tôi biết có khoảng 12 người Việt nam đã bị bắt tại đây ở những lúc khác nhau, trong đó có một nhân viên đại sứ quán việt nam, tham tán kinh tế của đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi bị bắt có trong tay hai sừng tê giác. Ông ta đáng ra đã bị xử nhưng vì là nhân viên ngoại giao, ông ta được miễn truy tố. Còn có một phụ nữ Việt Nam khác là thư ký thứ nhất của đại sứ quán Việt Nam đã được quay phim là đi ra khỏi cổng đại sứ quán và mua sừng tê giác bất hợp pháp và mang trở lại đại sứ quán. Hình ảnh này đã được chiếu trên truyền hình Nam Phi vào tháng 11 năm 2008. Sau đó bà ta được triệu tập về nước.
Việt Hà: Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn buôn bán vận chuyển trái phép sừng tê giác từ châu Phi vào Việt Nam?
Tom Milliken: Về đối ngoại thì chính phủ Việt Nam nói với Nam Phi và các nước thuộc công ước Cites là họ chống việc buôn bán sừng tê giác, rằng họ cố gắng ngăn chặn việc buôn bán này. Họ trên thực tế có bắt giữ một vài vụ, tịch thu sừng, bắt vài người mang sừng tê giác bất hợp pháp vào Việt Nam.
Cho nên có thể nói là có một vài bằng chứng về việc thực thi luật pháp tại Việt Nam trong việc ngăn chặn buôn bán sừng tê giác. Tuy nhiên chúng tôi cũng cảm thấy là họ có thể làm nhiều hơn thế, điều tra việc vận chuyển trái phép, hoạt động trái phép trên thị trường.
Văn phòng của chúng tôi tại Hà Nội đã theo dõi một trang mạng bằng tiếng Việt rao bán sừng tê giác. Trang mạng không bao giờ cho địa chỉ cụ thể, bạn phải gọi nhiều số điện thoại di động và cuối cùng một người nào đó tin là bạn thực sự muốn mua và không có nguy hiểm gì, sẽ giao cho bạn sừng tê giác. Cho nên có những người đang quảng cáo và bán sừng tê giác tại Việt Nam và họ cũng rất cẩn trọng vì biết đó là trái phép. Tuy nhiên chính phủ đã có thể làm nhiều hơn thế, tức là tìm những người này và ngăn chặn họ.
Về đối ngoại thì chính phủ Việt Nam nói với Nam Phi và các nước thuộc công ước Cites là họ chống việc buôn bán sừng tê giác, rằng họ cố gắng ngăn chặn việc buôn bán này.
Tom Milliken
Việt Hà: Trong chuyến thăm của ông và đoàn quan chức Nam Phi đến Việt Nam gần đây, ông đánh giá thế nào về thái độ của phía Việt Nam, họ có thực sự hiểu vấn đề và đưa ra lời hứa nào không?
Tom Milliken: Họ nói là họ hiểu vấn đề và nói rằng họ đang cải thiện và sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn hàng hóa nhập vào Việt Nam từ châu Phi để tìm sừng tê giác. Tôi nghĩ họ chưa thực sự hiểu được là vấn đề lớn đến mức độ nào cho đến khi phái đoàn chúng tôi đến Việt Nam năm ngoái. Nhưng họ có cố gắng và tôi hy vọng là trong tương lai sẽ có cải thiện trong việc thực thi luật pháp.
Tuy nhiên điều quan trọng là họ phải ngăn chặn được việc buôn bán sừng tê giác trên thị trường trong nước, kiểm tra những website quảng cáo và bán sừng tê giác, cho người ra ngoài thị trường để xem sừng tê giác có được mua bán không, và bắt những người quảng cáo sừng tê giác.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.