Có thể nói trong toàn bộ các cuộc hội thảo nhóm (workshop) của Diễn đàn Công dân ASEAN những chủ đề quan trọng nhất đều diễn ra trong ngày 23 tháng 4 với các đề tài về đàn áp tự do tôn giáo, tra tấn, quyền tự do biểu đạt cũng như vấn đề của người bảo vệ nhân quyền tại các nước ASEAN.
Một diện mạo mới
Trong 3 ngày chính của Diễn đàn công dân ASEAN có hàng chục phiên hội thảo nhóm với nhiều chủ đề như môi trường, phụ nữ, tự do internet hay chống phân biệt đối xử đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên bước sang ngày thứ hai của Diễn đàn thì các đề tài được xem là nhạy cảm trước đây cùng lúc diễn ra khiến APF có hẳn một diện mạo mới mà cộng đồng ASEAN chưa từng thấy.
Kể từ đó tới bay giờ chính quyền luôn luôn tạo áp lực lên giáo dân để bắt buộc họ phải di dời bởi chính quyền quyết tâm xóa sổ xứ đạo của chúng tôi. <br/> -Chị Lucia Phan Nhung
Điểm đáng chú ý nhất trong cả ba phiên hội thảo của ngày thứ nhì là Việt Nam luôn là trọng tâm. Trước tiên là phiên hội thảo mang chủ đề: “Chính quyền tấn công tôn giáo”. Ba nước tham gia trình bày về chủ đề này là Việt Nam, Myanmar và Thái Lan.
Hình ảnh của các tu sĩ, mục sư của Việt Nam bị đánh đập mang thương tích được trưng bày trước mọi người trong đó gồm có mục sư Nguyễn Công Chính, Linh mục Ngô Thế Bình thuộc giáo xứ Tam Tòa, Linh mục Nguyễn Quang Hoa giáo phận Kon Tum, linh mục Nguyễn Văn Bình của Yên Kiệm, nữ tu Ngô Thị Thanh giáo điểm Con Cuông hay anh Hoàng Văn Ngài người H’mông ở Dak Nong và kể cả thanh niên công giáo thuộc giáo phận Vinh Vũ Hoàng Quang.
Từ Việt Nam, Linh mục Phan Văn Lợi và chị Huỳnh Thục Vy đã phát biểu qua video clip nói về diễn tiến tự do tôn giáo bị đàn áp trong các năm qua. Huỳnh Thục Vy mang các chi tiết về vụ án được gọi là “Công án Bia Sơn” mà nạn nhân là ông Phan Văn Thu và hàng trăm tín hữu của ông tới cho cử tọa.
Chị Lucia Phan Nhung, một nhân chứng quan trọng đến từ Việt Nam nói trước cử tọa về việc chính quyền Đà Nẵng đã quyết tâm xóa sổ giáo xứ Cồn Dầu từ năm 2010 cho tới nay vẫn còn tiếp tục. Nói với chúng tôi chị Nhung, cho biết:
“Tôi đến từ Cồn Dầu Đà Nẵng Việt Nam. Hôm nay tôi đến đây tham dự hội nghị xã hội dân sự về vấn đề tự do tôn giáo của Việt Nam. Tôi là giáo dân của giáo xứ Cồn dầu, năm 2010 chính quyền Đà Nẵng đã đàn áp giáo xứ Cồn dầu trong một đám tang của bà cụ vào ngày 4 tháng 5 năm 2010. Chính quyền đã đàn áp, đánh đâp rất nhiều giáo dân và bắt khoảng sáu mươi mấy người. Sau cái cuộc đàn áp đó thì chính quyền vân tiếp tục tạo áp lực lên giáo xứ chúng tôi bắt buộc chúng tôi phải bán đất cho họ và di dời giáo xứ. Trong hơn 60 người bị bắt đó có chồng tôi là anh Lê Thanh Lâm bị bắt, bị tra tấn trong tù, bị kết án oan sáu tháng từ giam 9 tháng tù treo và 12 tháng thử thách.
Kể từ đó tới bay giờ chính quyền luôn luôn tạo áp lực lên giáo dân để bắt buộc họ phải di dời bởi chính quyền quyết tâm xóa sổ xứ đạo của chúng tôi.”
Phần trình bày của Myanmar do bà Debbie Stothard phụ trách. Với kinh nghiệm của 26 năm tranh đấu cho nhân quyền Miến Điện bà Debbie đã chứng minh mặc dù Miến điện vừa thoát ra khỏi chế độ quân phiệt nhưng tự do tôn giáo của nước này vẫn chìm trong đàn áp, phân biệt và kỳ thị nghiêm trọng. Bà Debbie đưa ra các số liệu mới nhất về các cuộc di tản của người Rohingya bởi đạo Hồi của họ bị người Phật giáo và chính phủ, quân đội Miến điện đàn áp, giết hại.
Thái Lan cũng không ngoại lệ trong việc phân biệt đối xử với người khác tôn giáo. Anh AAtif Liba Alaawy đến từ Pattani Thái Lan nói trước cuộc Hội thảo cho biết Chính phủ Thái Lan luôn dùng các vấn đề di dân hay chống khủng bố làm công cụ để đàn áp tôn giáo mà cụ thể là người theo Hồi giáo. Những trận chiến diễn ra tại Miền Nam Thái Lan trên danh nghĩa là chống phiến quân nhưng thật ra rất nhiều vụ người Hồi giáo bị đối xử tàn tệ và đây là ngòi nổ làm cho phiến quân có cớ để tiến hành các cuộc tấn công đòi ly khai.
“Vấn đề tra tấn của ASEAN”
Phiên hội thảo thứ hai diễn ra sau đó với chủ đề “Vấn đề tra tấn của ASEAN”. Diễn giả chính là ông Phil Robertson, người rất quen thuộc với thính giả Việt Nam qua vai trò Phó giám đốc tổ chức Giám sát Nhân quyền quốc tế có văn phòng tại Thái Lan.
Nếu ai không chịu làm việc sẽ bị đánh đập bởi những quản giáo hay cai tù, Những vụ đánh đập ấy đã cán ngưỡng của định nghĩa tra tấn. <br/> -Ông Phil Robertson
Trao đổi với chúng tôi ông Phil Robertson cho biết Việt Nam vẫn là nước dẫn đầu về việc tra tấn:
“Có ba yếu tố chính trong vấn đề tra tấn tại Việt Nam. Trước và trên hết là ngày này qua ngày khác các vụ tra tấn vẫn diễn ra trong các đồn công an và những cơ sở của chính quyền, đơn giản vì công an muốn dùng nhục hình để buộc người bị bắt nhận những tội mà họ không làm. Một phúc trình mới đây cho thấy rất nhiều vụ tra tấn xảy ra và thậm chí có người bị đưa ra tòa vì đánh chết người. Bản phúc trình này có tên “Sự mất an toàn trong xã hội” và ghi nhận rằng hầu hết người dân không tin tưởng vào công an, cảm giác bất an bao trùm lên cộng đồng. Yếu tố thứ hai là vấn đề tra tấn đối với những người bất đồng chính kiến, những bloggers, nạn nhân của chính sách khủng bố chính trị của nhà nước. Những người này bị tra tấn trong tù để họ nhận tội tuyên truyền chống phá nhà nước và rõ ràng các hành động này vi phạm nhân quyền trầm trọng. Yếu tố thứ ba chúng ta có thể thấy các hình thức tra tấn xuất hiện tại các trung tâm tạm giam. Chúng tôi đã có các văn bản báo cáo lại rằng có người bị tạm giam tới 4 hay 5 năm mà không qua xét xử. Họ không bao giờ có cáo trạng của tòa án, không luật sư bảo vệ. Họ bị giam giữ và lao động làm các công việc như thu hoạch điều, làm giày hay may gia công. Nếu ai không chịu làm việc sẽ bị đánh đập bởi những quản giáo hay cai tù, Những vụ đánh đập ấy đã cán ngưỡng của định nghĩa tra tấn.”
Phiên hội thảo thứ ba của Diễn dàn công dân ASEAN trong cùng ngày với chủ đề “Tự do biểu đạt và người bảo vệ nhân quyền toàn vùng ASEAN”.
Những diễn giả trong phiên hội thảo này đến từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Phía Việt Nam có hai bạn trẻ, một người là Nguyễn Anh Tuấn, thành viên của tổ chức VOICE và người thứ hai là Alex Quỳnh Như, cháu ruột của người tù nổi tiếng Việt Nam Trần Huỳnh Duy Thức
Nguyễn Anh Tuấn cho biết mục đích của anh tham gia cuộc hội thảo:
“Tôi tham gia buổi hội thảo được tổ chức bởi Amnesty Intenational, tổ chức Ân xá quốc tế phối hợp cùng với VOICE để bàn về quyền tự do biểu đạt và vấn đề của người hoạt động nhân quyền tại các nước Đông nam á, trong đó bao gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam
Từ những gì tôi biết được so với các nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan thì mức độ xâm phạm nhân quyền chắc chắn không thể so sánh với Việt Nam. Trong phiên này tôi cố gắng chứng minh những xâm phạm nhân quyền ở Việt Nam nó có tính hệ thống, nó không chỉ gói gọn trong một lĩnh vực cụ thể nào mà nó rất toàn diện, bao quát bao gồm từ tự do tôn giáo tới tự do biểu đạt hay tự do thông tin, ngôn luận cho tới quyền tự do lập hội…”
Alex Quỳnh Như cho biết mục đích làm người chứng của mình như sau:
“Tôi là Alex, cháu của Trần Huỳnh Duy Thức một tù nhân lương tâm ở Việt Nam người đang chịu bản án 16 năm tù theo điều 79 bộ luật hình sự. Hôm nay tôi có mặt tại Diễn đàn người dân ASEAN để trình bày về trường hợp của cậu tôi cũng như những trường hợp bị đàn áp khác ở Việt Nam. Tôi mong muốn đem tiếng nói của sự thật đến với người dân cộng đồng ASEAN và tìm kiếm sự giúp đỡ, nỗ trợ từ cộng đồng.”
Có thể nói Diễn đàn công dân ASEAN năm nay thực sự có ý nghĩa hơn hẳn mọi năm trước. Ban tổ chức đã vượt được khuôn sáo cũ từ 9 năm qua để tổ chức các phiên hội thảo nhóm phản ảnh trung thực những gì đang xảy ra trong cộng đồng ASEAN. Diễn đàn công dân ASEAN năm nay đã ghi một dấu ấn đặc biệt về những gì cần quan tâm nhất trong cộng đồng để từ đó chính phủ của 10 nước thành viên có cơ hội xem xét lại những gì mà các tổ chức xã hội dân sự độc lập đưa ra.