Ngày 29 tháng 6 vừa qua, toà án Nhân dân tỉnh Khánh Hoà đưa bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, ra xét xử, sau thời gian tạm giam từ tháng 10 năm ngoái, 2016, đến tháng 6 năm nay. Bản án dành cho bà là 10 năm tù giam. Ba Tổ chức Nhân quyền Quốc tế, Đài Quan sát bảo vệ các Nhà bảo vệ Nhân quyền, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã ra thông cáo chung phản đối. Chúng tôi tìm gặp ông Gerard Staberock, Tổng Thư ký Đài Quan sát, để hiểu rõ lý do phản đối này.
Thông điệp gây khiếp sợ
Ỷ Lan: Thưa ông Gerard Staberock, Đài Quan sát bảo vệ các Nhà bảo vệ Nhân quyền, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam ra thông cáo chung về việc Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị kết án 10 năm tù giam. Điều gì quan trọng khiến 3 tổ chức ra tuyên cáo chung như thế?
Gerard Staberock: Trước hết, tôi nghĩ rằng hôm nay là một ngày buồn cho người bị cáo can đảm chẳng làm gì khác hơn là đòi hỏi nhân quyền và sử dụng quyền tự do ngôn luận của bà. 10 năm tù giam, ngay ở nước Việt Nam, nơi chúng ta chứng kiến các bản án phù phiếm dành cho những bloggers vì tội "chống phá Nhá nước"… 10 năm làm cho người ta khiếp sợ, thứ thông điệp gây khiếp sợ cho bất cứ ai bảo vệ nhân quyền, và tôi nghĩ rằng đây là điều quan trọng cần cho thế giới biết rõ những chi đang xảy ra tại Việt Nam.
Ỷ Lan: Đài Quan sát bảo vệ các Nhà bảo vệ Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã cộng tác nhiều năm qua trên lĩnh vực nhân quyền tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng nhân quyền Việt Nam?
Tại nước tôi ở Thuỵ sĩ, ai hiếp dâm thì mới bị án tù nặng như thế! Nhưng ở Việt Nam chỉ cần sử dụng tự do ngôn luận là bị tù rồi.<br/>-Gerard Staberock
Gerard Staberock: Nếu ta nhìn trường hợp xảy ra hôm nay, và nhìn vào chi tiết của phiên xử, ta sẽ thấy một hình ảnh rất nham hiểm. Trên phương diện quốc tế, có sự đánh giá tổng quan rằng Việt Nam đang cải tiến, và người ta ít chú tâm tới Việt Nam so với quá khứ. Nhưng khi nhìn phiên toà xử hôm nay, người ta kinh ngạc hỏi vì sao lại như thế? Việt Nam là quốc gia ký kết tại LHQ hầu như tất cả các công ước nhân quyền, chẳng hạn như Công ước chống Tra tấn. Thế nhưng họ dùng sự kiện một người thu tập hồ sơ về sự chết chóc trong thời gian tạm giam để kết án người đó 10 năm tù giam. Tại nước tôi ở Thuỵ sĩ, ai hiếp dâm thì mới bị án tù nặng như thế! Nhưng ở Việt Nam chỉ cần sử dụng tự do ngôn luận là bị tù rồi. Chúng ta không thể tự mãn với một sự trạng như vậy!
Ỷ Lan: Như vậy, theo ông nghĩ nhà cầm quyền Việt Nam phải làm gì, và cộng đồng quốc tế phải làm gì trước một sự trạng như thế?
Gerard Staberock: Tôi nghĩ câu hỏi của chị rất đúng, Việt Nam phải làm gì, bởi vì chính Việt Nam là nước ký kết mọi công ước nhân quyền LHQ, và việc kết án Mẹ Nấm là một vi phạm rõ ràng mọi tiêu chuẩn nhân quyền. Trường hợp này đã được Tổ Hành động LHQ chống bắt bớ trái phép tuyên bố việc giam giữ Mẹ Nấm vì bà sử dụng quyền tự do ngôn luận, là trái phép. Nhưng thay vì lưu ý tới ý kiến của LHQ, thì nay Việt Nam kết án bà 10 năm tù. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần nghiêm túc với các lời cam kết của họ. Tôi cũng nghĩ rằng Việt Nam phải hiểu rằng bất đồng ý kiên không có nghĩa là tấn công nhà nước. Vì sao các bloggers luôn bị kết thúc trong nhà tủ? Đấy là vì trong lĩnh vực truyền thông công cộng không hề có không gian dành cho những ý kiến khác biệt. Vì vậy, tôi kêu gọi Nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho Mẹ Nấm và huỷ bỏ bản án hôm nay, một bản án vi phạm luật quốc tế, và đây là trách vụ của Việt Nam.
Cộng đồng quốc tế có thể làm gì? Chúng ta không được tự mãn, đây là điều quan trọng. Chúng ta đang sống trong một môi trường mà chủ nghĩa dân tuý đang tăng tốc quanh thế giới, ở Châu Âu đang có thứ cảm nhận rảng hãy bớt phê phán các quốc gia vi phạm nhân quyền.
Không được, đây là điều sai lầm! Ở thời đại khủng hoảng, tôi nghĩ rằng chúng ta phải kiên trì đòi hỏi thực hiện cho đến cùng lý tưởng của chúng ta, và nói lên khi sự trạng xẩy tới. Tôi muốn thấy rõ ràng vai trò của Liên Âu trong những trường hợp như thế.
Nhưng tôi cũng nghĩ rằng chúng ta nhìn vai trò của các quan toà trong vụ án này. Quan toà tự cho mình trở thành kẻ đồng loã, và chấp hành. Độc lập tư pháp cần được cộng đồng quốc tế trao đổi với Việt Nam. Đây không phải là lần thứ nhất xảy ra. Đã từng có đông đảo các bloggers bị cầm tù vì lý do tương tự. Nhưng bản án 10 năm tù dành cho kẻ chẳng phạm tội gì ngoài việc sử dụng quyền tự do ngôn luận, chúng ta chưa hề thấy một sự việc như thế trước đây. Nó là kích thước mới, một kích thước đáng sợ cho mọi người.
Ỷ Lan: Bản án nặng nề nầy được nhiều người xem như sự cảnh cáo cho các bloggers khác, bắt họ phải sợ hãi để im tiếng. Ông có điều gì chia sẻ với các nhà hoạt động tại Việt Nam?
Gerard Staberock: Tôi chỉ muốn chia sẻ mối cảm thông và liên đới của tôi, và muốn nhắn rằng, các bạn hãy kiên trì tranh đấu cho sự thật. Đối với nhân dân Việt Nam, tôi tin rằng sự thật sẽ thắng, người ta phải kiên trì đẩy mạnh. Không thể nào chấp nhận như thế mãi, chúng ta đã thoát ly thời kỳ Chiến tranh lạnh. Phải có một mức độ minh bạch và tự do ngôn luận, ngay cả tại Việt Nam.
Ỷ Lan: Xin cám ơn ông Gerard Staberock.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á Châu Tự do tại Paris