Có phải công an đánh người điều khiển phương tiện giao thông?

Một người dân ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, vừa lên tiếng tố cáo cảnh sát giao thông dùng dùi cui đập vào mặt ông, gây thương tích, khi ông đang điều khiển phương tiện xe máy.

Ông Dương Văn Bắc, cư trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, tố cáo trung tá công an Trần Bảo Lâm, thuộc phường Trần Phú, dùng dùi cui đánh vào mặt, khi ông đang lái xe máy vào ngõ ở đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai vào 9 giờ sáng ngày 4 tháng 4 vừa qua.

Từ nhà mình ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, ông Bắc hôm nay xác nhận thông tin với chúng tôi:

Dương Văn Bắc:

hôm qua tôi đang đi rẽ vào ngõ thì anh công an Trần Bảo Lâm cầm dùi cui vụt thẳng vào mặt. Tôi choáng váng đầu thì đâm vào biển hiệu đầu ngõ thì có sứt da chảy máu, khoảng 1 cm. Sau đó chảy máu rồi tôi yêu cầu đi sơ cứu khám bệnh thì anh Lâm không cho đi. Anh Lâm nói là người dân vi phạm vì không đôi mũ bảo hiểm thì anh cứ ngồi đấy, không chết được đâu.

Theo ông Bắc thì sau khi sự việc xảy ra, ông đã yêu cầu trung tá Trần Bảo Lâm phải lập biên bản tại chỗ nhưng không được chấp nhận.

Dương Văn Bắc:

Sau khi sự việc xảy ra thì phường yêu cầu về phường giải quyết nhưng tôi không về. Tôi yêu cầu làm việc tại hiện trường mà biên bản hiện trường thì chưa có. Mà người ta bảo biên bản hiện trường có rồi thì chữ ký của dân đâu? Của người làm chứng đâu, không có thì giải quyết thế nào.

Trung tá Trần Bảo Lâm phủ nhận việc dùng dùi cui vụt vào mặt ông Bắc. Ông nói rằng do không đội mũ bảo hiểm, khi thấy công an, ông Bắc đã tăng tốc xe chạy và không may đâm vào tấm biển hiệu gây chảy máu.

Chúng tôi liên hệ trực tiếp với trung tá Trần Bảo Lâm và được ông xác nhận thông tin như sau:

Trung tá Trần Bảo Lâm cho rằng không vụt vào mặt mà do anh Bắc bỏ chạy đâm vào tường và tấm biển hiệu nên mới bị thương. Ảnh: Tuấn Nguyễn/tienphong-online
Trung tá Trần Bảo Lâm cho rằng không vụt vào mặt mà do anh Bắc bỏ chạy đâm vào tường và tấm biển hiệu nên mới bị thương. Ảnh: Tuấn Nguyễn/tienphong-online (Ảnh: Tuấn Nguyễn/tienphong-online)

Trần Bảo Lâm:

cái đây chị lấy thông tin qua công an điều tra quận Hoàng Mai. Tôi nói qua với chị người điều khiển phương tiện giao thông đang đi tốc độ cao mà vụt dùi cui vào mặt thì sống hay chết, tôi gần 50 tuổi rồi, còn thông tin về thương tích thì cứ qua viện Thanh nhàn hỏi thương tích thế nào. Tôi có thanh minh thì cũng chẳng ai nghe. Mà báo chí mạng đến tưởng giúp đỡ cơ quan công an tuyên truyền sự thật nhưng đưa lên mạng tòan sai sự thật. mà chị đọc trên đấy một người điều khiển phương tiện mà dùng gậy vụt ngang mặt xem người ta đi được hay gục ngã luôn.

Khi được hỏi về thắc mắc của người dân liên quan đến biên bản tại hiện trường và việc ông Lâm không cho người bị thương đi băng bó vết thương, ông Lâm cho biết:

Trần Bảo Lâm:

không có đề nghị gì cả anh ấy còn nhảy lên đấm, tát tôi. Tôi và anh ấy là người trong cuộc, còn đề nghị làm biên bản thì công an quận xuống để làm thì làng xóm, họ hàng cản trở, mãi đến tối, sự việc xảy ra từ lúc 9 giờ 9 giờ 15 sáng thì mãi đến tối 6, 7 giờ mới giải quyết, mới đưa xe vi phạm được, còn không làm được. Đơn vị tôi cử người ra đưa nhưng gia đình bắt ngồi đấy để cho mọi người xem và cho báo chí đến để quay phim chụp ảnh.

Cũng theo viên công an này cho biết thì ông ta còn nhận được lời nhắn từ gia đình ông Bắc yêu cầu ông phải đến nhà xin lỗi và đòi bồi thường 50 triệu đồng, nhưng ông không chịu. Ông Bắc khẳng định không biết gì về chuyện đòi bồi thường.

Trung tá công an Trần Bảo Lâm cũng cho biết sự việc đã được báo lên công an thành phố và cơ quan điều tra sẽ xem xét tội của ông Bắc là vi phạm luật giao thông đường bộ, và chống người thi hành công vụ.

Chúng tôi liên hệ với trung tá Nguyễn Công Thơm, trưởng công an phường Trần Phú, thì được ông cho biết sự việc đã được chuyển lên công an quận Hoàng Mai để điều tra, làm rõ.

Thời gian gần đây, tại Việt Nam có nhiều vụ việc người dân bị công an đánh đến chết tại đồn công an mà chưa được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân. Một báo cáo về tình trạng lạm quyền của công An ở Việt Nam của Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế năm 2010 cho biết có khoảng 19 trường hợp người chết trong lúc bị giam giữ tính từ năm 2009 cho đến ngày ra báo cáo.