Xe máy cháy nổ: Trách nhiệm Nhà Nước ở đâu?

Tình hình xe máy, nói chung bao gồm xe mô tô và ô tô tại Việt Nam hiện nay dù chạy hay đậu tắt máy cũng bùng cháy làm những người sử dụng những loại phương tiện này phập phồng lo sợ.

Nguyên nhân đề cập đến nhiều nhưng kết luận từ phía điều tra của Nhà Nước vẫn chưa rốt ráo. Thông tín viên Định Nguyên tường trình vấn đề này như sau.

Một hai tháng trước tết Nhâm Thìn, ngoài những lo toan thường tình của những ngày cuối năm, người dân Việt Nam đối mặt với nỗi hoảng sợ mới: xe máy của họ bị bốc cháy bất cứ lúc nào.

Ca cháy xe máy đầu tiên không làm ai quan tâm vì cho là chuyện của người chủ xe đó, họ đã bất cẩn hoặc chăm sóc xe không tốt. Tiếp theo, khi ngày càng có nhiều xe bốc cháy, từ xe mới đến xe cũ, đặc biệt đến khi vụ cháy xe máy gây ra ba cái chết thương tâm của mẹ con chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh vào ngày 01/12/2011 ở Bắc Ninh thì dư luận thật sự phát hoảng.

Xăng dỏm, xăng bẩn

Nguyên nhân đầu tiền được đồn đoán là do cạnh tranh thị trường các hãng xe chơi bẩn nhau. Nhưng khi không phải chỉ xe của một hãng nào bị cháy mà xảy ra cho xe của bất cứ hãng nào. Xe đang chạy cũng cháy; đậu trong nhà cũng cháy. Cháy từ xe mô tô đến xe ô tô, thì dư luận nghiêng về nguyên nhân do xăng dầu. Nguyên nhân này càng được củng cố khi báo Tuổi Trẻ cho đăng loạt bài điều tra “Kinh hoàng xăng dỏm” của hai ký giả Phương Thanh và Trần Hơn. Và, cũng từ đây người dân biết rõ hơn về chất lượng xăng dầu mà họ đang dùng lâu nay.

Những tưởng như vậy sẽ dễ tìm ra nguyên nhân khi sự điều tra sẽ theo hướng này nhưng lại rơi vào bế tắc. Ngày 12/1/2012, ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung Tâm Tiêu Chuẩn - Đo Lường - Chất Lượng khu vực 3 công bố mẫu xăng thu tại cây xăng mà báo Tuổi Trẻ cho biết là có xăng “bẩn” có kết quả “đạt yêu cầu, không có dấu hiệu bất thường.” Một kết quả gây bất ngờ cho chính cơ quan làm xét nghiệm cũng như người dân.

chay-xe-mercedes-250.jpg
Một chiếc Mercedes đang chay cũng bốc cháy. Screen capture.

Ngoài loại xăng bẩn như báo Tuổi Trẻ đề cập, còn một loại xăng “không bẩn” nhưng không thể dùng cho xe máy. Đó là xăng pha trộn với loại xăng dùng cho máy bay. Không có gì bảo đảm là xăng máy bay không bị “đánh cắp” khi loại xăng chuyên dùng này được vận chuyển bằng xe bồn vì hai đường ống cung cấp xăng, một cho dân dụng và một cho quân sự, bị hư hỏng mà không được sữa chữa. Xăng máy bay ăn cắp bán ra thị trường với giá thật rẻ và vì lợi nhuận không ít giới mua bán xăng dầu bất chấp lương tâm sẵn sàng pha trộn với xăng thường, A92, A95, để bán cho người tiêu dùng.

Điều này vô cùng nguy hiểm vì xăng máy bay tạo nhiệt nhanh, giữ nhiệt lâu đưa đến tình trạng quá nhiệt của động cơ làm cho ngay khi tắt máy mà động cơ vẫn còn nổ. Tình trạng này rất giống với một số trường hợp đã dừng xe tắt máy nhưng xe vẫn bốc cháy xảy ra gần đây.

Những nhà chuyên môn trong lãnh vực xe máy cũng tỏ ý đồng tình nguyên nhân cháy nổ đứng đầu phải nói đến nhiên liệu. Kỹ sư Cơ Khí Đinh Văn Cần nhân định như sau:

Tôi để ý xem xét thì nguyên nhân cháy nổ do xăng là chính. <br/>

KS Đinh Văn Cần

“Tôi để ý xem xét thì nguyên nhân cháy nổ do xăng là chính. Nhiều khi họ lấy xăng của máy bay họ bán không được họ bán ra thị trường với giá rẻ. Nhưng mà loại xăng đó nó gây ra sự dãn nở mấy cái gioăng bằng cao su. Vì đối với máy bay thì hệ thống gioăng là gioăng đặc biệt, còn đối với xe máy xe hơi Việt Nam thì gioăng bằng cao su nên dễ dãn nở và bị xì xăng ra, đương nhiên phải có sự tác động của nguồn nhiệt nữa nó mới xảy ra hiện tượng cháy. Khi mà xăng nó nhiễu ra thì những mối nối của dây điện xăng nó sẽ ngấm vào đó và gây ra nẹt lửa. Về kỹ thuật tôi nghĩ nhà sản xuất không bao giờ để tình trạng kỹ thuật xảy ra như vậy đâu.”

Và TS Dương Việt Dũng, Trưởng khoa Cơ Khí Giao Thông, Đại Học Bách Khoa Đà Nẳng, cũng nghiêng về nguyên nhân cháy nổ là do xăng dầu. Ý kiến của TS Dũng như sau:

“Tất cả mọi cái đều ngã về nhiên liệu. Tôi là người trong góc độ chuyên môn hoặc một người không am hiểu chuyên môn lắm thì cũng có những phỏng đoán theo cái logic chính xác. Nhưng chính xác 100% thì phải kiểm nghiệm thôi.

Tất cả những cái xe bình thường thì thông số của nhà chế tạo đều rất rõ ràng. Trong quá trình sử dụng có xe có hiện tượng cháy nổ có xe không. Tôi tin là các nhà chế tạo, thì gần như, các xe đó không có gì thay đổi về mặt bản chất, kết cấu, các thông số kỹ thuật. Chỉ có lệch về nhiên liệu trong quá trình sử dụng, thay đổi chỗ này chỗ kia có thể là nguyên nhân là xác xuất lớn nhất rơi vào nhiên liệu nó như thế nào đó.”

Trách nhiệm nhà nước ở đâu

Như vậy, theo giới chuyên môn cũng như dư luận thì nhiên liệu chính là nguyên nhân lớn nhất đưa đến xe máy bị cháy nổ. Thế nhưng giới hữu trách lại không quan tâm đến điều này để tích cực nhập cuộc ngỏ hầu đưa ra kết luận chính xác cho người dân.

Không thể viện dẫn lý do như Đại tá Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học về PCCC và cứu nạn cứu hộ thuộc Cục Cảnh sát PCCC, Bộ Công an, phát biểu trên báo Thanh Niên là “việc điều tra gặp không ít khó khăn, do nhiều chủ phương tiện không báo đến cơ quan chức năng nên không thể xác định được nguyên nhân có yếu tố hình sự hay do sự cố. Mặt khác, đa số các vụ cháy, hiện trường đều bị xáo trộn do cứu hỏa hoặc giải tỏa nhanh chóng ách tắc giao thông nên lực lượng chuyên môn khó tiếp cận.” để không thể trả lời cho người dân nguyên nhân cháy nổ. Tính mạng con người và ổn định sinh hoạt xã hội là quan trọng chứ không phải là yếu tố hình sự hay trình báo.

Xang-250.jpg
Một trạm bán xăng lẻ của Petrolimex. RFA photo (Một trạm bán xăng lẻ của Petrolimex. RFA photo)

Và chính điều này làm cho dư luận ngày càng âu lo hơn theo như lời mô tả của KS Đinh Văn Cần:

“Chính như vậy làm người dân băn khoăn hơn. Thực chất xã hội Việt Nam bây giờ nó rất là tế nhị.”

Theo thông lệ quốc tế, khi xảy ra những vụ việc cháy nổ giới hữu trách phải làm rõ nguyên nhân mà không cần đến sự khiếu nại của người dân. Sau khi làm rõ nguyên nhân thì trách nhiệm thuộc về ai sẽ phải trả lời trước pháp luật.

Quy định tại điều 41 luật PCCC thì lực lượng công an có trách nhiệm tổ chức bảo vệ, khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ cháy. Cụ thể, cảnh sát PCCC có trách nhiệm lập hồ sơ vụ cháy, đánh giá hiệu quả chữa cháy, tham gia khám nghiệm hiện trường và xác định nguyên nhân gây ra cháy.

Việc người dân có trình báo hay khởi kiện hay không là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Sự cháy nổ xe trên đường di chuyển còn thuộc lãnh vực an toàn giao thông và cơ quan an toàn giao thông Nhà Nước cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Thực chất xã hội Việt Nam bây giờ nó rất là tế nhị.

KS Đinh Văn Cần

Dư luận cho rằng điều tra cháy nổ theo hướng xăng dầu “có vấn đề” có thể là chuyện nhạy cảm, đụng chạm đến tập đoàn mạnh nhất, quyền lực nhất trong “nhóm lợi ích” là Tập Đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex), nên giới chức hữu trách đã không mạnh tay trong việc điều tra. Không ai cho rằng tập đoàn này bán hàng không đúng chất lượng nhưng chính sự quản lý lỏng lẻo trong khâu phân phối, hệ thống đại lý bán lẻ đã đưa đến tình trạng xăng “bẩn” tràn lan trên thị trường như báo Tuổi Trẻ đã phát hiện.

Những ngày đầu tháng 3/2012, xe máy bị cháy nổ lại bùng phát trên khắp các tỉnh thành. Người dân vẫn chưa thấy một động thái tích cực nào của giới hữu trách. Cũng chỉ báo chí đưa tin và suy đoán nguyên nhân mà không có bất cứ một ủy ban khoa học nào của chính phủ chịu trách nhiệm trước dư luận về những vụ cháy đã và đang tiếp tục diễn ra trên khắp nước.

Người dân đang đối diện với tâm lý hoang mang mỗi khi dắt xe ra đường là mỗi lần hình ảnh những chiếc xe bốc cháy lại ám ảnh họ. Trách nhiệm giải tỏa nỗi lo lắng này thuộc về ai hiện nay vẫn chưa được làm rõ, không những là câu hỏi dành cho trình độ của hàng chục ngàn Tiến sĩ, Giáo sư khoa học của Việt Nam mà còn là câu hỏi về trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan điều tra hình sự vì nguyên nhân do con người gây ra là quá rõ để kết luận sự giả dối trong thương trường đã gây thiệt hại tài sản, tính mạng công dân cũng như bất ổn trong đời sống dân sự.

Theo dòng thời sự: