Vấn đề dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 được nêu ra trong ngày thứ hai kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 hiện đang diễn ra tại Hà Nội.
Trong thời gian qua ngoài một số nhóm còn có những cá nhân cũng đưa ra bản góp ý của bản thân. Đó là những ý kiến đa chiều cho một bản dự thảo mới của Việt Nam.
Những ý kiến bổ sung đa chiều
Một trong những bản góp ý cá nhân được đưa lên mạng hồi trung tuần tháng 10 vừa qua đó là của tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên thứ trưởng, chủ tịch Hội Thủy Lợi Việt Nam.
Bản góp ý của ông này gồm đầy đủ tất cả các chương và điều về mọi mặt của một bản hiến pháp. Tuy nhiên theo tiến sỹ Trần Nhơn thì ông chỉ phát triển bản góp ý của bản thân dựa theo Kiến nghị của 72 nhân sĩ- trí thức trong nước đưa ra mà thôi. Ông cho biết:
Mọi người dân đều được Nhà nước tạo điều kiện qua đợt này đều được nghiên cứu, hiểu biết, nâng cao nhận thức lên, học hỏi lẫn nhau để góp ý cho cái chung, cái tốt. Tôi cũng làm việc đó thôi. Tôi thấy rằng kiến nghị 72 cũng là một bản kiến nghị tốt. Nhưng có những chỗ chưa được tốt nên tôi suy nghĩ mãi gần một năm nay, tôi bổ khuyết hai điểm đã nêu rõ. Điểm thứ nhất tên nước nên dùng Cộng Hòa Đại Việt, và tôi chứng minh lý do vì sao gọi như thế. Điểm thứ hai là Điều 11. Tôi có đề xuất thay vì đưa cụ thể cờ này nọ, quốc huy kia thì nên giao cho Quốc Hội trình nhân dân biểu quyết thì sẽ khách quan hơn. Tôi chỉ có hai ý kiến đó, còn tất cả theo Kiến nghị 72 vì đó là công trình nghiên cứu của các nhà chuyên môn luật học và các nhà khác. Tôi góp ý trên nền tảng Kiến nghị đó.
Riêng chuyện một cái nhà ngay giữa thủ đô Hà Nội mà không giải quyết đúng như thế thì đối với nhân dân ở địa phương cùng cực, ở nông thôn làm sao người ta có thể phát biểu được
GSTS bác sỹ Trịnh Văn Minh
Kiến nghị từ kinh nghiệm riêng
Một cá nhân khác cũng gửi thư ngỏ góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 là của giáo sư tiến sỹ bác sỹ Trịnh Văn Minh. Ông này đã nghỉ hưu, chuyên nghiên cứu viết sách y khoa mà thôi. Thế nhưng tình trạng thi hành luật pháp đối với gia đình ông khiến ông phải bức xúc góp ý muốn sửa đổi hiến pháp trước hết phải sửa đổi con người hành pháp và tư pháp. Ông cho biết:
Nhân chuyện góp ý, và có liên quan đến gia đình nhà tôi- cái nhà. Thành ra tôi có viết một bài. Tôi cũng đọc kiến nghị của 72 vị nhân sĩ trí thức thế thôi.
Tôi chỉ muốn luật pháp phải được thực hiện nghiêm minh. Luật pháp đã đặt ra phải được thực hiện. Luật pháp có bộ luật hình sự với rất nhiều điều nhưng thực hiện thì không được bao nhiêu. Những người thi hành pháp luật thì thường làm không theo luật, ăn tiền nhiều hơn làm đúng luật. Trong chuyện giải quyết vấn đề gia đình nhà tôi tôi thấy chưa được đúng. Riêng chuyện một cái nhà ngay giữa thủ đô Hà Nội mà không giải quyết đúng như thế thì đối với nhân dân ở địa phương cùng cực, ở nông thôn làm sao người ta có thể phát biểu được. Thế cho nên tôi cũng mạnh dạn tôi phát biểu.
Điều 9 là điều công nhận có đảng bình đẳng, luật pháp bảo hộ cho sự bình đẳng đó. ...'Các đảng phái chính trị được tự do thành lập và hoạt động theo các nguyên tắc dân chủ. Quyền đối lập chính trị được tôn trọng và pháp luật bảo đảm sự bình đẳng giữa các đảng phái chính trị
tiến sỹ Tràn Nhơn
Sự ủng hộ
Sự lên tiếng của giáo sư tiến sỹ bác sỹ Trịnh Văn Minh ở Hà Nội qua chuyện riêng gia đình, cũng như ý thức của 72 nhân sĩ trí thức và tiến sỹ Tràn Nhơn, khi thẳng thắn đưa ra góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp nhận được sự ủng hộ của người khác. Tiến sỹ Trần Nhơn cho biết:
Vừa rồi có một anh luật sư, Hà Huy Sơn có email góp ý cho tôi. Anh viết thế này “ Cháu cho rằng nếu tất cả những bản dự thảo hiến pháp không có Điều 9 như dự thảo của chú đều chỉ là giấy lộn và hoàn toàn vô nghĩa.” Điều 9 là điều công nhận có đảng bình đẳng, luật pháp bảo hộ cho sự bình đẳng đó. Tôi viết thế này ‘Các đảng phái chính trị được tự do thành lập và hoạt động theo các nguyên tắc dân chủ. Quyền đối lập chính trị được tôn trọng và pháp luật bảo đảm sự bình đẳng giữa các đảng phái chính trị.
Điều này thì trong Kiến nghị 72 nêu ra rồi còn tôi chỉ nêu ra lại thôi. Anh Hà Huy Sơn thì rất quan tâm đến điều đó.
Mong muốn
Dù có góp ý cụ thể như đã đăng trên mạng, nhưng tiến sỹ Trần Nhơn cũng cho biết ông mong muốn cần dành thêm nhiều thời gian nữa để bàn thảo để đi đến một hiến pháp tốt cho đất nước chứ không thể làm vội:
Nói thì anh nào nói cũng hay, thế nhưng thực hiện thì không được bao nhiêu. Làm thế nào ít nói mà thực hiện tốt để nhân dân được nhờ
Ông Trịnh Văn Minh
Tôi thì tôi muốn để cho có thời gian, bàn luận một cách chu đáo cho đến năm 2015 mới cho ra hiến pháp. Hiến pháp đó gọi là Hiến pháp 2015 chứ không có sửa đổi gì cả.
Tôi nghĩ nếu Đảng Cộng sản Việt Nam nếu làm được lộ trình đó sẽ được ghi công. Ngược lại nếu anh có quyền và làm gì thì làm, lịch sử sẽ đánh giá thôi. Tôi hy vọng Quốc hội không thông qua đợt này mà bàn thảo thêm. Tôi mong rằng phương tiện thông tin đại chúng có thể góp phần để Quốc hội nhận ra những tồn tại của dự thảo để tiếp tục hoàn thiện để thông qua vào một dịp sau. Việc đó lịch sử sẽ đánh giá kỳ họp quốc hội này.
Ông Trịnh Văn Minh cũng bày tỏ:
Nói thì anh nào nói cũng hay, thế nhưng thực hiện thì không được bao nhiêu. Làm thế nào ít nói mà thực hiện tốt để nhân dân được nhờ.
Vào sáng ngày 22 tháng 10, ông Phan Trung Lý, trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội và ý kiến của người dân về dự thảo đó. Sau khi theo dõi trình bày ấy trên truyền hình, tiến sỹ Trần Nhơn cho biết ông lấy làm thất vọng. Hầu như mọi kiến nghị tâm huyết đã không được lắng nghe. Dẫu thế tiến sỹ Trần Nhơn cũng bày tỏ chút hy vọng đến khi biểu quyết may ra sẽ có thay đổi hợp lòng dân.