Khi chính quyền biến “nạn nhân thành thủ phạm”

Sau 12 tháng trời điều tra về “biến cố Tiên Lãng”, cơ quan công an thành phố Hải Phòng hoàn tất kết luận điều tra mà công luận bức xúc rằng giới cầm quyền đã biến “nạn nhân thành thủ phạm”.

Có thi hành công vụ?

Theo bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an TP Hải Phòng thì ông Đoàn Văn Vươn cùng những người thân Đoàn Văn Quý, Đoạn Văn Vệ , Đoàn Văn Sịnh bị cáo buộc tội “giết người đang thi hành công vụ”, mà theo quy định, mức án dành cho tội danh này từ 12 năm tới 20 năm tù, hoặc có thể chung thân hay tử hình.

Vợ ông Đoàn Văn Vươn là bà Nguyễn Thị Thương và vợ ông Đoàn Văn Quý – em ông Vươn – là bà Phạm Thị Hiền cũng bị gán ghép tội danh “chống người thi hành công vụ”. Lên tiếng mới đây với Đài ACTD, bà Phạm Thị Hiền cho biết:

Bà Phạm Thị Hiền

“Nếu khởi tố tội danh giết người thì có ai chết trong vụ án đó mà nói giết người. Còn đối với tội danh “chống người thi hành công vụ” đối với hai chị em tôi, thì những người đó có thi hành công vụ hay không, thực tế chứng minh hoàn toàn họ không phải thi hành công vụ, nên không thể khép tội chống người thi hành công vụ.”

Trong mấy ngày nay, công luận ngày càng bất bình và phẫn nộ, dù không ngạc nhiên, trước kết luận này của công an Hải Phòng vốn đã biến “nạn nhân trở thành thủ phạm”, khiến nạn nhân Phạm Thị Hiền than rằng “nếu để công an TP Hải Phòng điều tra thì không mong gì có công tâm”; khiến công luận lên án rằng “cái sai quấy rành rành ra đó không xử, lại xử nạn nhân”. Điều rõ ràng “không cần phải chứng minh thì ai cũng biết”, đó là anh em nạn nhân Đoàn Văn Vươn bị buộc phải tự vệ bằng “tiếng súng hoa cải bắt đắc dĩ” trước một đám quân đội, công an được trang bị tận răng, với cả chó, để thực hiện “cuộc đánh đẹp, đáng ghi thành sách”, đó là cưỡng chế, cướp phá trái phép khu đầm thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, kể cả ngôi nhà gia đình nạn nhân vốn nằm bên ngoài khu vực có lệnh cưỡng chế. Thế nhưng, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội lưu ý, luật pháp đã dẫn đến việc anh em nhà Đoàn Văn Vươn bị truy tố tội giết người, bị giam cầm gần cả năm nay trong khi đám quân quan đã phá nhà, bắn súng, bắt phụ nữ trẻ em đánh đập, vơ vét tài sản, kể cả con chó con của họ cũng không tha thì lại được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Và chuyện “ngược đời” bây giờ, theo blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, là “đám người tự dưng đến nổ mìn, nổ súng phá nhà, bắt đánh người kia lại còn đòi nạn nhân phải bồi thường”. Qua bài “Lạ thay! Kẻ đi cướp phá bắt đền nạn nhân”, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh lưu ý:

Căn nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị phá sau vụ cưỡng chế hôm 05/1/2012. Ảnh chụp hôm 10/2/2012. AFP photo.
Căn nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị phá sau vụ cưỡng chế hôm 05/1/2012. Ảnh chụp hôm 10/2/2012. AFP photo.

“Cần phải xác định rằng, dù dưới nhãn mác nào, danh hiệu nào nhưng khi quay súng bắn vào nhân dân, chống lại lợi ích hợp pháp của nhân dân, thì những người đó, lực lượng đó phải được gọi là lực lượng phản động. Họ đã làm ngược lại nhiệm vụ và sứ mệnh của họ là phục vụ nhân dân. Trong trường hợp này, thì đó phải gọi là một đám cướp có vũ trang, xét về phương diện luật pháp… Xưa nay trên thế giới, chẳng có quốc gia nào mà nạn nhân lại phải đền bù cho bọn cướp… Loại trừ những toán thổ phỉ cậy mạnh hiếp yếu trong rừng sâu hoặc bọn Tàu cướp bóc ngoài biển Đông đang làm với ngư dân Việt Nam mà thôi.”

Kẻ gây án là nạn nhân?

Sau kết luận “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” của công an Hải Phòng, nhà báo Minh Diện trong nước chua chát:

“Làm gì có công tâm khi kẻ gây án, (lại tự cho là) nạn nhân, và điều tra chỉ là một? Nói đúng hơn, một tổ chức thống nhất vô cùng chặt chẽ, nắm quyền lực trong tay? Còn nạn nhân thật sự bị dồn thành “thủ phạm” là một dân đen, thấp cổ bé họng?”

Qua bài “Vụ án Đoàn Văn Vươn – sự trả thù thấp hèn!”, tác giả Minh Diện nêu lên một loạt nghi vấn rằng cái mà cơ quan điều tra gọi là “quả mìn” vốn không còn tang vật, không được giám định ấy có đúng là mìn không? Nó thuộc loại thuốc nổ nào, mức độ sát thương ra sao? Rồi 2 khẩu súng hoa cải nổ bất đắc dĩ trong ngày “trăm quân đại chiến tam dân” ấy có thực sự bắn vào lực lượng cưỡng chế không? Súng hoa cải loại gì, tầm sát thương ra sao, nòng bao nhiêu, đạn chì hay chỉ là diêm sinh? Theo nhà báo Minh Diện thì những chi tiết “đơn giản nhất của một vụ án” như vậy vẫn chưa được làm rõ, đó là chưa kể một chi tiết “hé lộ” trong kết luận điều tra cuả công an Hải Phòng mà nhà báo Minh Diện không quên đề cập đến là “anh em Vươn kích nổ (cái gọi là) ‘quả mìn’ khi lực lượng cưỡng chế còn cách 40 mét, không làm ai bị thương. Tình tiết ấy đã chứng tỏ Đoàn Văn Vươn không có ý định giết người, mà họ chỉ dọa thôi”.

Bà Phạm Thị Hiền

Nhưng tình cảnh oan khuất tiếp diễn đáng ngại hiện nay cho ông Đoàn Văn Vươn cùng người thân sau khi biết bao mồ hồi, nước mắt, cả mạng sống đứa con gái thân yêu của gia đình đã bỏ ra cùng vô vàn nỗi khó khăn khác đã “trộn vào bùn tanh và nước phèn Cống Rộc”, khiến nhà báo Minh Diện không khỏi thốt lên rằng “Thế là một kết cục thê thảm, oan khốc đã đến!”.

Tình cảnh dân oan Đoàn Văn Vươn cùng người thân hiện giờ - cũng như vô số dân oan tức tưởi khác trong khắp nước – xem chừng như lâm vào cảnh mà “thi hào” Tố Hữu ngày nào của Hà Nội lớn tiếng cáo giác thực dân Pháp đã gây ra:

"Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm

Cuộc đời đau suốt trăm năm

Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao".

Nhưng, nhà báo Minh Diện nhớ lại trong gần một thế kỷ trước thực dân Pháp đô hộ nước ta, “vụ án Đồng Nọc Nạn, và nhiều vụ án khác, cán cân công lý nghiêng về phía dân lành. Còn nay, thấy rõ nhiều cán bộ vi phạm pháp luật đã trở lại làm việc hoặc bố trí chức danh khác, riêng thảo dân - tép tôm dân Đoàn Văn Vươn bị công an đề nghị Viện kiểm sát kết tội quá nặng. Theo nhà báo Minh diện, cách làm của Hải Phòng đề nghị xét xử công dân Đoàn Văn Vươn tội giết người là sự cố tình trả thù dân nghèo một cách quá đáng. Và như thế có nghĩa là phát sinh thêm nghịch lý:

“Quan xử theo Lễ, dân xử nặng Hình

Công minh pháp luật bất bình vậy sao?”

Theo dòng thời sự: