Thông tín viên Nhân Khánh có bài tường trình như sau:
Vụ án cưỡng chế đất đầm nuôi thủy sản của gia đình Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng chưa nguôi đi trong dư luận. Lần này vụ việc tại Quảng Nam nổ ra không kém phần khốc liệt, khi liên quan đến hành vi dùng dao đâm cán bộ rồi tự sát của một nông dân.
Trong mấy ngày qua, dư luận sửng sốt trước cái chết của anh Nguyễn Văn Tưởng, một nông dân ở thôn Ngọc Sơn Tây, xã Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam. Anh Tưởng đã tấn công các cán bộ thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất, rồi quay về nhà tự sát. Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch huyện Thăng Bình về sự việc này, thì được biết như sau:
“Hành vi mà hắn dùng dao đâm người khác là cố sát rồi. Cái đó là do pháp luật quy định, có miễn hay không thì cũng do pháp luật xem xét thôi. Hiện nay cơ quan công an người ta đang làm.
Hiện nay cũng đang công khai tiếp theo phần bố trí tái định cư. Còn cái chủ trương trước đó, đền bù thì cũng đã họp họ đồng ý.”
Xét thấy cần phải minh bạch hơn các thông tin liên quan đến vụ việc ở Ngọc Sơn Tây, chúng tôi đã gọi điện đến bà Lê Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch huyện Thăng Bình thì được trả lời rằng:
“Anh có gì là có quy chế rồi. Anh có muốn nắm tình hình quan tâm đến địa phương thì mời anh về tại huyện. Huyện có bố trí làm việc đàng hoàng, công khai với dư luận. Cho nên huyện sẵn sàng mời anh đến để có những thông tin chính thống.
Anh coi qua kênh của bà con nào đó, anh có thể hỏi thăm được. Chớ còn bây giờ, về quy chế, Mai không trả lời anh được. Với lại cái đó là không thuộc phạm vi của Mai.”
Người dân bị thu hồi đất thì cũng đã chết, chúng tôi tìm hiểu về tình trạng thương tích của hai cán bộ thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình thì được bà Lê Thị Thanh Mai cho biết:
“Chỉ sây sát thôi anh. Nhè nhẹ thôi, không có gì.”
Uất ức
Do không thể trực tiếp đến địa phương, chúng tôi đã tìm hiểu sự việc thông qua một kênh thông tin khác. Người dân tại xã Bình Phục, Thăng Bình đã kể về sự việc như sau:
“Hắn đền bù cái giá thấp quá đi, sào có 35 triệu. Lấy cái đất đó rồi hắn làm cái trường Trung cấp Công an. Hắn lấy hắn làm năm ngoái. Rồi để đến năm nay, hắn làm khu tái định cư chưa xong đó.
Mà cái giá năm ngoái là khác, cái giá năm nay là khác. Mà chừ dân ký hết rồi. Thua lận hắn rứa đó. Đưa tiền mà hắn chưa chuyển cho dân làm nhà. Năm nay giá công cán lên, chừ làm lại không đủ, dân hoang mang. Mấy chục hộ không chịu, đông lắm, hơn năm mươi.
Với lại nhà cửa trước đây, hắn áp giá cái khung nhà thấp quá đi. Lấy tiền làm lại không đủ. Đưa vô khu tái định cư, hắn đưa dân vô lô 3, lô 4 lận.
Người dân xã Bình Phục
Với lại nhà cửa trước đây, hắn áp giá cái khung nhà thấp quá đi. Lấy tiền làm lại không đủ. Đưa vô khu tái định cư, hắn đưa dân vô lô 3, lô 4 lận. Còn lô nhất, lô nhì hắn không đưa dân, dân kiện rứa đó. Hắn giữ cho hắn giá cao, 300 triệu một nền.”
Mới tháng trước, hàng trăm người dân cũng tại xã này đã đổ xô ra đường cản trở không cho đơn vị thi công chở cát trong làng đem đi bán. Sự việc nghiêm trọng đến mức buộc chính quyền xã Bình Phục phải chỉ đạo nhà thầu dừng thi công, Chủ tịch xã phải đứng ra xin lỗi công khai trước dân. Trong tình huống này, ý của bà con ở Ngọc Sơn Tây mong cố vớt vát, hòng giảm bớt những khó khăn đang đe dọa trực tiếp cuộc sống của họ. Người dân địa phương cho chúng tôi biết rằng:
“Ý của bà con mình thì đòi cái lô nhì, còn lô nhất để cho hắn bán cũng được đi. Đòi cái lô nhì hắn cũng không chịu. Rồi hắn họp dân, cấp qua, rồi hắn làm ào ào. Cái chuyện rứa đó.”
Con sẽ chết thôi mẹ ơi
Trong khi hiện nay tại địa phương, một sào đất có giá khoảng gần gấp đôi mức đền bù. Nỗi uất ức của người nông dân trong tình cảnh này, quả là không khó hiểu. Với câu hỏi về cuộc sống thường nhật của anh Tưởng, thính giả Đài Á Châu Tự do có thể nghe câu trả lời như sau, từ người trong làng của anh ta:
“Ổng thì bình thường. Ổng thì vui vẻ, chi có… Ổng thì người làm ăn bình thường, nuôi ông già bà già. Ông chưa có gia đình.”
Là con út trong nhà, anh Tưởng ở với cha mẹ già. Nhà nghèo rớt mồng tơi. Cái sổ đỏ của anh Tưởng vẫn còn cầm cố trên ngân hàng để vay tiền trả nợ dần. Anh Tưởng điêu đứng trước quyết định thu hồi đất của huyện. Mẹ anh Tưởng kể lại lời tâm sự như trăn trối của con mình: "Đất con họ lấy hết nhưng đền chỉ được mấy đồng. Con kiện không được thì con sẽ chết thôi mẹ ơi."
Đất con họ lấy hết nhưng đền chỉ được mấy đồng. Con kiện không được thì con sẽ chết thôi mẹ ơi.
Anh Nguyễn Văn Tưởng<br/>
Chúng tôi vẫn muốn biết thêm về hoàn cảnh tại sao một người nông dân bình thường lại có những hành vi bộc phát như vậy, nhất là khi mọi chuyện được tiến hành công khai. Thực ra, trong thực tế tình huống được kể lại là như sau:
“Thì mới đây. Vừa rồi chỗ đất đai đương họp. Dân phát biểu, rồi cán bộ không cho phát biểu đó. Ý là cho phát biểu có hạn, ổng bức xúc. Hắn định đánh cán bộ, hắn về hắn uống thuốc chết.
Ông Tưởng là ổng xin cho có phát biểu. 3 lần, rồi hắn không cho ý kiến. Đám cán bộ kêu là phát biểu ít thời gian thôi.
Hắn xuống hắn đọc khan ba cái đồ… hắn cho phát biểu có mấy người. Rồi ổng tức, chớ có chi.”
Đến thời điểm này xác anh Tưởng vẫn còn quàn tại nhà. Cha mẹ anh lưng còng chống gậy ngồi bên thi thể con. Người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh.
Những oan trái liên quan đến việc thu hồi đất đai đã đến mức báo động đỏ. Nông dân không phải là những con bò sữa hay chùm khế ngọt, họ là những con người đang sống. Phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm.
Theo dòng thời sự:
- Dân đâm cán bộ vì bị giải toả đất
- Vụ án Tiên Lãng: đừng dồn họ vào chân tường
- Cưỡng chế nhà đất: công an bộ đội trọng thương
- Cồn Dầu sẽ bị cưỡng chế
- Cồn Dầu căng thẳng trở lại
- Người dân tìm mọi cách để nói lên sự bất công
- Bao giờ mới hết những vụ cưỡng chế trái luật
- Hàng trăm người dân tập trung khiếu nại dự án Ecopark
- Hàng trăm dân oan kêu cứu Quốc hội