Thy Nga, phóng viên đài RFA
Đêm nay, Thy Nga mời quý thính giả đến với thế giới âm thanh của Lê Văn Khoa, và cùng thưởng thức “Bản giao hưởng Việt Nam 1975” do ông soạn và dàn nhạc “Kiev Symphony orchestra & chorus” trình bày …

1975, vâng, từ cái năm định mệnh đó của dân tộc Việt, nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa bắt đầu ấp ủ mong ước viết nên một đại tấu khúc để ghi lại những khúc quanh của lịch sử cận đại Việt Nam từ thời thanh bình, đến những năm dài chiến tranh, và cuộc hành trình bi thảm nhưng đầy dũng cảm của hàng trăm ngàn con người để tìm tới bến bờ tự do.
Rồi cũng như biết bao nhiêu người Việt trên xứ lạ, Lê Văn Khoa dần ổn định cuộc sống ở Hoa Kỳ. Ông khởi sự biên soạn, tới khi hoàn tất thì tìm dàn nhạc như mong muốn để tấu lên tác phẩm ấy.
Ý tưởng và nguyên nhân
Và vào dịp tưởng niệm 30 năm Biến cố 30-tháng-Tư, ông đã trình làng CD “Symphony Vietnam 1975” tại thủ phủ người Việt tỵ nạn.
Với cuốn CD này trên tay, Thy Nga đã hỏi chuyện nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa về những chặng đường mà ông trải qua để thực hiện công trình ấy.
Mời bạn thưởng thức một vài bài nhạc trong "Symphony Vietnam 1975"
Introduction
Procession
Full moon
In the Depth of the Night
On High Sea
Hymn to Freedom
Qua các khúc nhạc của “Bản giao hưởng”, người nghe để những cảm xúc của mình trôi nổi theo vận mệnh dân tộc.
Các làn điệu dân ca đưa chúng ta trở lại với những ngày tháng êm đềm.
Đến hành âm 5 mang tên là “Trong đêm thâu”, Lê Văn Khoa đã sử dụng kỹ thuật âm thanh một cách hết sức tài tình để diễn tả cảm nhận của ông, như phát biểu của nhà văn Phạm Xuân Đài trong buổi ra mắt cuốn CD ấy tại Quận Cam:
Chiến tranh tới, chúng ta nghe từng bước chân khẽ khàng của những kẻ xâm nhập, qua các nốt nhạc ngập ngừng.
"Đánh động tâm tư con người”
Các phe nào gây chiến thì bài “Tiến quân ca”, “Quốc tế ca”, “Xì lai quốc ca” vọng lên cho biết. Rồi sự chống trả của miền Nam Việt Nam bùng lên với giai điệu hùng tráng.
Nhưng rồi cuộc chiến được thu xếp sang bên, Lê Văn Khoa diễn tả đoạn cuối hành âm này bằng câu nhạc ngắn, ngắn ngủn chẳng khác nào trạng thái hụt hẫng của ông cũng như của quân dân cán chính miền Nam trước diễn biến vào tháng Tư 1975.
Thẩm định về đoạn đó, ông Gary Smart, giáo sư sáng tác nhạc thuộc đại học đường Wyoming, nói:
“Câu nhạc ngắn sau đoạn giao tranh, đã thật sự đánh động tâm tư con người”.
Mời bạn tham gia mục Âm Nhạc Cuối Tuần. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Chiến tranh chấm dứt, nhưng đó lại là bắt đầu của tấn bi kịch chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Kỳ tới, mời quý vị thưởng thức các hành âm sau cùng của “Bản giao hưởng Việt Nam 1975” và nghe tiếp cuộc nói chuyện giữa Thy Nga với nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa. Chào tạm biệt quý thính giả.