Tập nhạc "Bài ca hy vọng" bị thâu hồi

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Ba vừa qua, giới chức văn hóa - thông tin Việt Nam đã ra lệnh thâu hồi tập nhạc mang tên là “Bài ca hy vọng” vì trong đó có một số bài của các tác giả chưa được phép phổ biến nhạc phẩm tại Việt Nam, và một số bài khác chưa được lưu hành.

0:00 / 0:00
LamPhuong200.jpg
Nhạc sĩ Lam Phương tại đêm kỷ niệm 55 năm Âm Nhạc Lam Phương tổ chức tại Virginia hôm 17-10-2004. Photo by Thy Nga/RFA

Nghe tin này, nhiều người lấy làm buồn vì bên tai họ còn văng vẳng tiếng cựu thủ tướng Kiệt, nhân dịp 30 tháng Tư, kêu gọi giới lãnh đạo khoan dung và hòa hợp để cùng hướng đến tương lai. Nghe trái khoáy hơn nữa, là biện pháp đó lại được đưa ra đối với “Bài ca hy vọng” tên của tập nhạc ấy.

Trong chương trình của chúng ta kỳ này, Thy Nga sẽ lần lượt phát một số nhạc bản bị liệt vào danh sách đó.

“Bây giờ tháng mấy” của Từ Công Phụng, Tuấn Ngọc hát …

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha là nhà nghiên cứu về âm nhạc đương đại, vào tháng 12 năm ngoái, đã gom 99 nhạc bản ra đời tại hai miền trong giai đoạn đất nước bị phân chia, tức là từ năm 1955 đến 1975, soạn lại thành tập “Bài ca hy vọng”.

Theo lời ông nhận định thì “có lẽ, thời kỳ chia cắt hai miền là vấn đề khó khăn nhất của lịch sử âm nhạc Việt Nam. Bây giờ, muốn cho đất nước này giữ gìn được những giá trị đích thực của văn hóa thì chúng ta phải có một cách nhìn khác.”

Thế nhưng, tập nhạc do ông soạn lại bị thâu hồi! vì sao? xem ra thì những bài “có vấn đề” đều nằm trong phần sáng tác tại miền Nam. Tuy nhiên, điều khiến nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vẫn chưa hiểu được là: 12 bài bị cấm đó chỉ là những ca khúc về tình cảm con người, chứ không chống phá gì cả. Chẳng hạn như bài “Khúc giao duyên” của Phạm Đình Chương phổ từ ca dao mà cũng bị cấm đoán!

Trong khi đó, các nhạc bản khác của Phạm Đình Chương như “Mộng dưới hoa”, “Xóm đêm”, “Hội trùng dương” lại được các ca sĩ thượng thặng trong nước trình bày, và truyền hình dàn dựng nữa.

Điều khó hiểu đó cũng xảy ra với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Bài “Áo lụa Hà Đông” của ông từng được hát trên sân khấu Duyên dáng Việt Nam, và gần đây thêm bài “Niệm khúc cuối” được lưu hành. Thế nhưng “Paris có gì lạ không em?” lại bị cấm.

“Paris có gì lạ không em?” qua giọng hát Vũ Khanh …

Cùng một tác giả nhưng có bài được phép hát, có bài lại bị cấm, thật là khó hiểu như về trường hợp vừa kể của Phạm Đình Chương và Ngô Thụy Miên.

Ngoài ra, tờ Tiền Phong khi loan tin Tập “Bài ca hy vọng” bị thâu hồi, còn viết rằng hầu hết những nhạc bản bị cấm, đều được phổ biến rộng rãi dưới dạng karaoke nhưng khi in ra thì bị tịch thâu!

Được chiếu cố nồng nhiệt là các “bài không tên” của Vũ Thành An. Số 2, số 4, số 7 và “Bài không tên cuối cùng” bị cấm.

“Bài không tên số 7” ( Khánh Hà hát ) …

Thy Nga thắc mắc, hỏi thăm các bạn mới về thăm Việt Nam trở qua, là nếu ca sĩ vẫn hát các bài bị cấm thì chuyện gì xảy ra? Họ trả lời là tại những tụ điểm ca hát nhỏ thì thấy không sao cả, tại những chỗ karaoke thì ta cứ hát tự nhiên, còn các sân khấu trình diễn lớn thì ai dại gì mà vi phạm lệnh?

Cái sự mập mờ ấy cũng chẳng lạ gì lắm trong muôn vàn điều mập mờ ở Việt Nam. Kỳ lạ nhất là về trường hợp bài “Tiếng dương cầm” của Văn Phụng được ca sĩ thượng thặng trong nước hát, rồi đưa cả lên truyền hình. Nhưng khi phát hiện là ca khúc đó chưa được cấp phép thì biện pháp mà họ vội vã giải quyết là “không phát sóng lại”.

“Tiếng dương cầm” giọng hát Thùy Dương …

Biết thế, các nhà làm băng đĩa xoay sở tránh các tên “cấm kỵ” cho công việc được êm thắm. Như với trường hợp bài “Thương về miền Trung” của Duy Khánh. Nhạc sĩ này bị cấm thì họ đổi qua tên nhạc sĩ khác, là Minh Kỳ. Và cho đến giờ thì chưa bị ai kiện cáo về chuyện ấy cả.

Trở lại với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, ông than rằng

“đáng lý Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn phải cung cấp “danh sách cấm” cho tất cả những người làm công tác xuất bản vì tài liệu ấy đâu phải là tài liệu mật! Hội nhạc sĩ Việt Nam cũng không có. Người làm công tác nghiên cứu âm nhạc như tôi cũng không có trong tay! Vậy nên khi tuyển chọn, mình xem nội dung không có vấn đề, chỉ nói tình yêu thôi, thì mình dùng.”

“Tình khúc cho em” ( do đôi nghệ sĩ Lê Uyên Phương trình bày ) …

Theo một qui định của bộ Thông Tin Văn Hóa thì cần phải cấm sử dụng những bài của các nhạc sĩ đã bỏ nước ra đi, mang tư tưởng chống đối nhà nước, như Hoàng Thi Thơ, Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, vân vân … đối với các nhạc sĩ đã lìa tổ quốc mà chưa rõ quan điểm chính trị của họ ra sao, thì cần tạm cấm phổ biến nhạc phẩm của họ.

Quý thính giả hẳn còn nhớ chuyện hồi tháng 10 năm ngoái liên quan đến ca khúc “Bang bang” mà lời Việt là “Khi xưa ta bé” do Phạm Duy đặt, đã bị nhạc sĩ trong nước nhận vơ là tác giả. Chuyện lại khúc mắc hơn khi bộ Thông Tin Văn Hóa phán rằng nếu quả là Phạm Duy đặt lời Việt thì ca khúc ấy sẽ bị cấm vì Phạm Duy là người bỏ nước ra đi.

Xét vậy thì tất cả những bài mà ông đặt lời Việt như “Dạ Khúc” từ bài Sérénade nổi tiếng thế giới, cũng đều không đến được với người Việt yêu nhạc.

“Dạ khúc” ( Ngọc Huệ trình bày ) … Như thế, biện pháp đó là đặt vấn đề với người nhạc sĩ, có lẽ đúng hơn là với bài hát. Một vài nhạc sĩ kẹt lại dưới chế độ mới, biết rằng mình bị liệt vào “danh sách đen” đã xoay ra lấy tên khác, thì cũng trót lọt.

Trong tập “Bài ca hy vọng” các bài khác nữa bị cấm là: “Khúc ca ngày mùa” của Lam Phương, “Sao không thấy anh về” của Duy Khánh, “Đêm nay ai đưa em về” của Nhật Ngân, và “Chiều mưa biên giới” của Nguyễn Văn Đông.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha mong được phép đưa 12 nhạc bản khác, thay thế các bài “có vấn đề” và hy vọng tập “Bài ca hy vọng” được tái bản để là dịp nhìn nhận những tình ca thời chiến sáng tác ở miền Nam. Sau quyết định đó của giới chức Văn Hóa Thông Tin thì danh sách những nhạc bản ra đời trước 1975, và sáng tác của các nhạc sĩ hải ngoại được lưu hành tại Việt Nam, còn khoảng 840 bài. Chính thức được Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn cấp phép thì chưa tới 480 bài. Trong âm thanh “Bài không tên số 2” Thy Nga chào tạm biệt quý thính giả và các bạn …