Tổng thống Miến Điện thăm Việt Nam

Tổng thống Miến Điện, Thein Sein hôm nay chính thức bắt đầu hai ngày công du Việt Nam

Dù hoạt động này là bình thường trong quan hệ giữa hai quốc gia; tuy nhiên có nhiều chú ý và trăn trở của những người quan tâm đến tình hình Việt Nam qua chuyến công du này của tổng thống Miến Điện đến Việt Nam.

Miến Điện và Việt Nam

Tổng thống Miến Điện, Thein Sein, hôm nay đến Hà Nội theo đúng như thông báo mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra hồi ngày 15 tháng 3 vừa qua. Theo thông báo đó thì chuyến viếng thăm này của ông Thein Sein đến Việt Nam là theo lời mời của chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Đối với nhiều người thì chuyện các vị nguyên thủ quốc gia đến thăm các quốc gia khác là chuyện bình thường, đặc biệt đó là giữa những quốc gia có mức phát triển gần như nhau; chứ không như giữa những quốc gia được cho là siêu cường đến với một nước phát triển thấp hơn.

Tuy nhiên chuyến công du của ông tổng thống Miến Điện, Thein Sein đến Việt Nam, ngay tức khắc được tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, lên tiếng.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức này phát biểu rằng:



"Điều chắc chắn là một chuyển biến của sự kiện đáng chú ý đối với chính phủ Việt Nam khi mà trong quá khứ Hà Nội từng ở vị thế khuyên nhủ Miến Điện, nay chính quyền Việt Nam phải nghiêm túc xem xét việc ‘theo’ vị khách của họ là tổng thống Thein Sein khi ông này đến thăm Việt Nam trong hai ngày 20 và 21 tháng 3.

Trái ngược hẳn với tình trạng trấn áp tiếp diễn tại Việt Nam, chính quyền Miến Điện gần đây đã trả tự do cho số lượng đáng kể những nhà hoạt động chính trị hết sức nổi tiếng như Min Ko Naing và Zarganar.

Nhà cầm quyền Việt Nam cần phải trả tự do cho tất cả những tù nhân chính trị chỉ vì bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa. Chính quyền Việt Nam đang giam tù hằng chục người về những tội danh gọi là vi phạm an ninh quốc gia như tuyên truyền chống nhà nước, lợi dụng tự do dân chủ đe dọa an ninh quốc gia.

Trong quá khứ Hà Nội từng ở vị thế khuyên nhủ Miến Điện, nay chính quyền Việt Nam phải nghiêm túc xem xét việc ‘theo’ vị khách của họ là tổng thống Thein Sein.

Ô. Phil Robertson, HRW


Những nhân vật đấu tranh trở thành tù nhân lương tâm cần phải được trả tự do ngay là tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía, người kêu gọi chống tham nhũng Nguyễn Hữu Cầu, những người đấu tranh cho công nhân Đỗ thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, các blogger Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hải, Hồ thị Bích Khương và nhiều tù nhân khác nữa".

Đồng quan điểm với tổ chức Human Rights Watch, nhiều cựu tù nhân chính trị cũng như những người đang đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam đều cho rằng Việt Nam nên theo gương Miến Điện. Đây là một đất nước từng do chính quyền quân nhân lãnh đạo một cách độc tài.

Thế nhưng từ sau cuộc bầu cử đưa ông Thein Sein vào chức vụ tổng thống của chính phủ dân sự, thì nhiều cải cách đã được thực hiện. Chính quyền của tổng thống Thein Sein đã đối thoại với lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, nhiều tù nhân chính trị được trả tự do, biện pháp kiểm duyệt báo chí được nới lỏng, tuyên bố ngưng bắn với các lực lượng sắc tộc vũ trang địa phương…

Dù ban đầu giới quan sát quốc tế rất dè dặt trong đánh giá về những cải cách do chính quyền dân sự của tổng thống Thein Sein lãnh đạo; thế nhưng gần một năm nay, mọi diễn biến tại Miến Điện đều theo chiều hướng tích cực và được hoan nghênh.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và chính khách của nhiều nước lâu nay từng có biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân nhân Miến Điện đã đến xứ này để chứng kiến những đổi thay và đưa ra cam kết giúp Miến Điện thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa và xây dựng phát triển kinh tế.

‘Cái phúc’ cho đất nước

Một cựu tù chính trị tại Việt Nam, thầy giáo Vũ Hùng, chia xẻ quan điểm về những việc làm mà ông cho là đúng đắn của chính quyền dân sự Miến Điện hiện nay:

"Nếu như dân chủ hóa đất nước mà lại êm đẹp như nhiều quốc gia đã làm như Đông Âu, rồi như một số quốc gia kể cả như tiến trình dân chủ hóa của Miến Điện. Đó là những tiến trình rất tốt, hướng theo xu thế của chế độ văn minh của thời đại thôi. Tôi cũng là một công dân bình thường, tôi thấy việc ông tổng thống Miến Điện đến thăm Việt Nam là một việc làm tốt.

Nếu như chính thể Việt Nam, những người cầm quyền của chế độ độc tài cộng sản Việt Nam mà hướng đến cái tốt là ‘cái phúc’ cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Và ‘cái phúc’ này thì mọi người tốt đều thấy vui mừng, thấy là một việc làm tốt, đều là một mong muốn chung.

Nếu như những người cầm quyền Việt Nam mà hướng đến cái tốt là ‘cái phúc’ cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Và ‘cái phúc’ này thì mọi người tốt đều thấy vui mừng, thấy là một việc làm tốt, đều là một mong muốn chung.

Ô. Vũ Hùng, Việt Nam

Bởi vì vũ khí của những người ‘dân chủ, nhân quyền’ là nói phải, nói đúng, chứ họ tay không tất sắt; lúc nào cũng chỉ mong muốn tốt đẹp thôi. Những người ‘dân chủ, nhân quyền’ không có kẻ thù, họ không hận thù đâu; mặc dù bị tù đày, mặc dù bị đàn áp chịu bao nhiêu thiệt thòi.

Nhưng họ hướng đến một cái tốt đẹp chung, giá trị phổ quát chung là ‘đa nguyên, đa đảng’ cho đất nước, cho dân tộc. Và tất cả những người nào mà tốt kể cả từ ông tổng thống Miến Điện, nhiều người tốt trong thế giới văn minh tốt đều ủng hộ việc làm này. Tôi nghĩ như vậy".

Qua những đổi thay mà chính quyền của tổng thống Thein Sein cho thực hiện trong thời gian qua, nhiều nhà quan sát cho rằng kinh tế nước này sẽ có những tăng trưởng đáng kể khi mà nguồn tài nguyên dồi dào được khai thác đúng cách, sức lao động của đất nước được giải phóng…

Xin phép được nhắc lại, Miến Điện có diện tích 676558 kilomet vuông. Dân số theo thống kê năm 2010 là hơn 60 triệu người. Miến Điện có 23 triệu héc ta đất trồng trọt, tuy nhiên chỉ mới phân nửa được canh tác. Nông nghiệp chiếm đến 40% tổng giá trị xuất khẩu. Việt Nam và Miến Điện thiết lập quan hệ ngoại giao hồi ngày 28 tháng 5 năm 1975. Thương mại hai chiều vào năm ngoái đạt 167 triệu đô la.