Chiều ngày 1 tháng 9 TS Nguyễn Quang A bị tạm giữ tại phi trường Nội Bài Hà Nội sau chuyến đi thăm nhiều nơi trên đất Mỹ. Ông bị giữ hơn 12 giờ đồng hồ để điều tra về những gì mà công an cho rằng đã quan hệ với những nhân vật chống phá nhà nước tại hải ngoại.
A i tổ chức để đi những đâu ?
Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn ngắn với ông để tìm hiểu nội dung mà công an đưa ra cũng như những phản ứng của ông, một nhà hoạt động cho xã hội dân sự hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Trước tiên ông cho biết:
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Thật sự là họ mời tôi đến đồn công an của sân bay Nội Bài. Chỗ mà họ đưa tôi đến không phải là đồn công an mà là phòng cách ly của nhà ga T2. Trên giấy mời thì họ ghi là có một ông thiếu tá tên Khôi nhưng trong phòng ấy thì có thêm hai người nữa mặc sắc phục và hai người mặc thường phục. Hai người mặc thường phục không nói năng gì cả trừ ở đoạn cuối. Hai người mặc sắc phục nói năng, hỏi han rất là lễ phép và tử tế. Một người chuyên lo ở chỗ máy tính.
Mặc Lâm: Vâng, thưa Tiến sĩ, theo như ông có ghi lại trên F acebook của mình là họ rất quan tâm đến việc Tiến sĩ đã ghé thăm đài Á châu Tự do cũng như các nơi khác . Tiến sĩ có thể cho biết là những câu hỏi họ đặt ra cho ông như thế nào hay không vì tất cả mọi chuyện đều công khai hết. Vậy họ hỏi về điều gì?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Vâng, họ hỏi tôi đi sang Hoa Kỳ, ở San Jose gặp gỡ những người họ nêu tên lên như là Trịnh Hội, anh Công rồi giáo sư Đoàn Viết Hoạt, kể cả anh Khanh bên đài RFA của anh nữa. Họ nói đó là những người đã được nhà nước coi là các thế lực phản động, chống đối Việt Nam. Họ bảo là đi tiếp xúc như thế thì quan hệ của tôi với các nhân vật đó là như thế nào. Họ hỏi là ai tổ chức để đi những đâu... Họ đặt vấn đề như thế với giọng bình thường thôi, không có gì nghiêm trọng cả.
Tôi bảo không trả lời gì cả vì việc bắt giữ tôi trên danh nghĩa là mời như thế này là chuyện tôi hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Câu hỏi của họ cũng như cách đặt vấn đề của họ khi nói đây là những người chống đối Việt Nam, đã được bộ Công an, báo chí của bộ nêu như thế. Tôi bảo ý kiến hay là nhận xét, đánh giá của bộ là chuyện của bộ. Với tôi, tôi không quan tâm đến việc đánh giá của các anh.
Mặc Lâm: Thưa Tiến sĩ, trong chuyến đi thăm các nước và gặp gỡ nhiều nhân vật ở nước ngoài như vậy thì Tiến sĩ có nghĩ rằng nó mở cho Tiến sĩ một cái nhìn khác về vấn đề tự do dân chủ cũng như xã hội dân sự mà Tiến sĩ đã rất cổ vũ trong rất nhiều năm qua không, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Chắc chắn, bởi vì khi tôi tiếp xúc với rất là nhiều người ở trong các lĩnh vực khác nhau ở các nước thì tôi thấy việc những người theo những chí hướng khác nhau, theo những tổ chức khác nhau, họ hoạt động hết sức là bình thường; Còn rất đáng tiếc là ở Việt Nam này thì bất kể người nào, tổ chức nào mà hoạt động không theo đúng cái cách mà đảng Cộng sản Việt Nam họ muốn thì đều bị coi là thế lực thù địch cả. Đấy là cách suy nghĩ hết sức ấu trĩ, sai lầm.
Việc của tôi đơn giản cũng chỉ là giúp cho họ bớt cái sai lầm đấy, hiểu các hoạt động cho nó đúng. Trong một xã hội có rất là nhiều người khác nhau, có nhiều tổ chức khác nhau và các tổ chức đấy có thể theo đuổi những mục tiêu khác nhau, thậm chí là những mục tiêu đối lập. Tuy nhiên, cái cách mà họ giải quyết các mối xung đột đấy đều theo cách dân chủ chứ không phải là bằng cách lên án nhau là kẻ thù như ở Việt Nam.
Mặc Lâm: Xin được hỏi Tiến sĩ một câu hỏi cuối: Trước khi Tiến sĩ được thả ra thì họ có bắt Tiến sĩ cam kết một điều gì đó hoặc là phải ký những văn bản nào hay không, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Ngay từ đầu tôi đã nói rằng hành động của họ là bất hợp pháp và tôi không trả lời câu hỏi của họ cũng như không ký bất cứ một cái gì. Họ muốn làm một cái biên bản, tôi cũng không được ngó cái biên bản đấy nhưng mà tôi nói ở đoạn cuối " Các anh thích làm biên bản gì thì các anh ký với nhau và đó là chuyện của các anh. Tôi không cần phải xem, tôi không cần phải đọc và tôi cũng không bao giờ ký cả. Thật sự thì tôi không có cam kết cái gì và ký cái gì cả.
Mặc Lâm: Vâng. Một lần nữa xin cảm ơn Tiến sĩ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Cảm ơn anh Mặc Lâm.