AFP photo
Người nông dân Việt Nam với con trâu là bạn trên một mảnh ruộng ở Ninh Bình
Điều này cho thấy việc sửa đổi luật đất đai sẽ giống như một khung cửa hẹp và các nhà làm luật sẽ chỉ tiếp tục luồn lách về chính sách.
Mặc dù có thể thấy trước là Đảng Cộng sản Việt Nam chưa thể đổi mới tới mức độ trao trả quyền sở hữu đất đai về cho người dân, nhưng nhiều người vẫn không khỏi thất vọng khi báo chí đưa tin về kết quả phiên họp kín của Trung ương Đảng.
Ngày 15/5/2012 Hội nghị Trung ương 5 sau 9 ngày họp ở Hà Nội đã kết thúc, trong diễn từ bế mạc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng báo cáo: “Hội nghị nhất trí cho rằng, phải tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Điều này có nghĩa Hiến Pháp sửa đổi sắp tới cũng sẽ giữ nguyên qui định về phần này.
Những gì quyết định ở Hội nghị Trung ương 5 liên quan tới chính sách, pháp luật đất đai sẽ trở thành nghị quyết. Đây sẽ là những điều kiện căn bản để Chính phủ hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi Luật Đất Đai 2003 và đệ trình Quốc hội vào cuối năm 2013.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tỏ ra tâm đắc về một điều mà ông gọi là điểm mới của lần này, đó là Trung ương Đảng đã nhận thức rõ ràng hơn và qui định rành mạch hơn sự khác nhau giữa quyền sở hữu đất và quyền sử dụng đất; quyền và trách nhiệm của Nhà nước với quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đối với từng loại đất.
Tăng thời hạn-mở rộng hạn điền
Theo báo cáo tổng kết của Tổng Bí Thư, quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Tuy nhiên thời hạn giao đất nông nghiệp có thể kéo dài hơn mức 20 năm hiện nay. Đồng thời mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp.
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, GSTS Võ Tòng Xuân chuyên gia nông nghiệp dày kinh nghiệm hiện là Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo Long An nói rằng, nên hợp pháp hóa bằng luật chứ người dân đã lách luật tích tụ đất đai từ lâu rồi:
“Giới hạn tích lũy đất đai chỉ có 3 ha một người thì làm sao nói chuyện phải canh tác qui mô lớn được…Ở trong miền Nam thực sự người ta canh tác diện tích lớn mấy năm nay rồi. Nông dân họ cứ ngấm ngầm thôi, họ giao đất lại cho một người có khả năng quản lý tốt, kế đó họ lại làm mướn trên đất đó.
Như vậy họ lấy hai đầu tiền, một đầu là tiền cho mướn đất, đầu thứ hai là tiền làm mướn trên đất đó, dưới sự quản lý của một người nông dân có kinh nghiệm canh tác tốt hơn, có điều kiện đầu tư máy móc thiết bị cơ giới hóa. Bây giờ đồng bằng sông Cửu Long có những ông nông dân quản lý giỏi đã làm 50 hec-ta, có người 100 héc-ta thậm chí có anh Sáu Đức ở Tri Tôn canh tác 650 hec-ta luôn.”
Tôi nghĩ giao đất cứ giao vĩnh viễn hoặc lâu dài không thời hạn, còn hạn điền thì nên xóa bỏ.
Một nông dân ĐBSCL
Theo lời GSTS Võ Tòng Xuân, Nông dân Sáu Đức sử dụng phương tiện hoàn toàn cơ giới, san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser, cày bừa thu hoạch bằng máy. Giao đất cho anh Sáu Đức nông dân họ cũng tham gia, người trong đội máy cày, đội bón phân, hoặc đi phun thuốc trừ sâu, hoạt động này người ta làm rất tốt có kết quả. GSTS Võ Tòng Xuân tiếp lời:
“Tới đây những hiện tượng như thế phải hợp thức hóa, phải sửa đổi Luật Đất Đai, sửa đổi Hiến Pháp thì những mô hình như thế sẽ trở nên hiện thực và người ta không có giấu diếm nữa. Bây giờ thì đất đai giao cho ông kia nhưng giấy tờ đất ai nấy giữ và trên thực tế làm một cách tập thể.”
Không nên thu hồi đất
Trao đổi với Nam Nguyên, một nông dân có quá trình khai phá đất đai ở vùng sông nước Cửu Long nói lên nguyện vọng của đa số những người mà cuộc sống gắn liền với đồng ruộng:
“Anh thấy đấy… người ta không an tâm. Có những mảnh đất từ đời ông cố tới đời ông nội lưu truyền cho người ta làm, tại sao lại cứ gọi là sở hữu toàn dân được. Tôi nghĩ giao đất cứ giao vĩnh viễn hoặc lâu dài không thời hạn, còn hạn điền thì nên xóa bỏ. Nếu người ta có tiền có khả năng thì có thể mua đất để làm phát triển kinh tế, những người không có đất có thể đi làm thuê cho những người kia. Đa số nông dân làm 1 héc-ta trở xuống, nếu cứ bám vào đó suốt cuộc đời đủ ăn không nổi đâu, không đủ trang trải đời sống nông dân khổ lắm. Làm dưới 1 héc ta sống không nổi, miền Nam còn đỡ ngoài bắc ít đất hơn nữa họ tính bằng sào.”
Tất nhiên phải đợi đến khi chính phủ hoàn tất sự thảo Luật Đất Đai 2003 sửa đổi, thì mới biết thời hạn giao đất và hạn điền cho nông dân được mở rộng như thế nào. Hiện nay thời hạn giao đất nông nghiệp là 20 năm và giới hạn chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được điều chỉnh từ 3 ha lên mức 6 ha ở vùng đồng bằng. TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định:
Tốt nhất là mọi người nếu sử dụng đất đúng quy hoạch có hiệu quả thì không nên thu hồi đất của người ta cho đến một giới hạn nào cả, chỉ trừ trường hợp có nhu cầu công cộng thật sự quan trọng của quốc gia...
TS Đặng Kim Sơn
“Nói chung mọi người muốn mở rộng thời gian đến mức cao nhất không có giới hạn. Tốt nhất là mọi người nếu sử dụng đất đúng quy hoạch có hiệu quả thì không nên thu hồi đất của người ta cho đến một giới hạn nào cả, chỉ trừ trường hợp có nhu cầu công cộng thật sự quan trọng của quốc gia thì theo tinh thần bồi hoàn thỏa đáng cho người ta. Hoặc là các trao đổi thay đổi mục đích sử dụng thì phải diễn ra theo cơ chế thị trường.”
Đảng Cộng Sản tái xác định yếu tố cốt lõi đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đồng thời nhấn mạnh là, quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Như vậy Nhà nước vẫn toàn quyền thu hồi đất và cưỡng chế khi người dân chống lệnh như xảy ra hàng chục năm vừa qua.
Chính phủ có thời gian hơn 1 năm để hoàn tất dự thảo Luật sửa đổi Luật Đất Đai 2003, người dân trông đợi luật mới tiến bộ hơn, minh bạch hơn để tránh bị vận dụng sai lạc vì quyền lợi nhóm, cơ hội cho tham nhũng của cán bộ chính quyền các cấp. Người dân cũng hy vọng được an tâm hơn trên mảnh đất có quyền sử dụng nhưng không có quyền sở hữu.
Theo dòng thời sự:
- Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chối bỏ trách nhiệm
- Người dân tìm mọi cách để nói lên sự bất công
- Đối thoại giữa chính phủ và người dân Văn Giang bất thành
- Hàng trăm nông dân biểu tình tại Hà Nội
- Nam Định: chính quyền sử dụng vũ lực cưỡng chế đất của dân
- Vụ Văn Giang dưới mắt các bloggers
- Đánh phóng viên nhà nước, chính quyền Hưng Yên muốn nói gì
- Hàng trăm nông dân biểu tình tại Hà Nội
- Nghi vấn về tính pháp lý trong dự án Ecopark
- Không thể coi thường kiến nghị người dân
- Khi người Nông dân nổi dậy
- Vụ Tiên Lãng: chữ tín của nhà nước ở đâu?
- Bao giờ mới hết những vụ cưỡng chế trái luật
- Vụ án Tiên Lãng: đừng dồn họ vào chân tường