Lúa gạo phát triển kiểu nhà nghèo

Sản xuất lúa gạo ở Việt Nam đã phát triển ồ ạt về khối lượng trong khi các hoạt động phục vụ nghề nông không được chú ý đầu tư. Việc này đưa tới hậu quả là nông dân chịu thiệt thòi và giá trị xuất khẩu không tương xứng. Nam Nguyên trình bày vấn đề này.

0:00 / 0:00

"Top three" thế giới

Việt Nam luôn đứng trong tốp ba nước xuất khẩu nhiều gạo nhất thế giới và còn lăm le soán ngôi đầu của láng giềng Thái Lan.

Quá trình gia tăng sản xuất lúa gạo của Việt Nam được ví như đôi hia 7 dặm, từ chỗ thiếu ăn phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực trong nửa đầu thập niên 80, nhưng từ thời kỳ đổi mới Việt Nam bắt đầu trở thành nước xuất khẩu gạo và leo dần tới tốp đầu thế giới. Mỗi năm vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đã giữ vai trò chủ đạo cung cấp trên dưới 7 triệu tấn gạo xuất khẩu.

Hai vụ lúa chính trong năm ở đồng bằng sông Cửu Long là đông xuân và hè thu, vụ hè thu lúa được thu họach trong mùa mưa nên nhu cầu sấy lúa để tránh hư hỏng là hết sức quan trọng. Tuy vậy tại Hội nghị chuyên đề về phát triển khả năng sấy lúa tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 22/3, Thứ trưởng NN-PTNT Bùi Bá Bổng đặt câu hỏi cụ thể là 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có bao nhiêu lò sấy lúa phục vụ nông dân. Ông Bổng không nhận được câu trả lời của ngành chức năng là Cục Chế biến và dự trữ thuộc Bộ NN-PTNT.

Hia bảy dặm... không chỗ cất!

Gạo xuất khẩu lên tàu- AFP photo
Gạo xuất khẩu lên tàu- AFP photo (AFP photo)

Sự kiện này khiến cho nhà báo Saigon Tiếp Thị gọi là “Mù thông tin về năng lực sấy lúa”. Trong khi đó Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long và Cục Khuyến nông Quốc gia đưa ra con số khoảng 9.600 lò sấy lúa đang họat động. Tuy nhiên, không cơ quan hay giới chức nào nắm được tỷ lệ lúa hè thu được sấy là bao nhiêu: 30%, 40% hay 50% sản lượng.

Theo TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long thì tổng công suất của 9.600 lò sấy lúa chỉ đáp ứng khoảng 30% lượng lúa hàng hóa của vụ hè thu và 70% còn lại là do nông dân tự phơi thủ công. Sự kiện này gây thất thoát vì lúa hư hỏng nẩy mầm phải bỏ hay giảm giá trị do hạt gạo bị bạc bụng đổi màu, gãy vụn.

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long mô tả với chúng tôi các vấn đề liên quan đến họat động sấy lúa.

“Cơ sở sấy lúa lúc cao điểm dội lắm, nếu mình đăng ký trước thì không đến nỗi, đợi tới dịp mới lại thì nó không đáp ứng được. Phải đăng ký trước khoảng nửa tháng tới 1 tháng. Trong mùa đông xuân sấy lúa Jasmine cần 18 tiếng, còn lúa thường ít thời gian hơn, lúa chất lượng cao cũng nhẹ hơn. Nếu muốn hoạt động lò sấy mình cùng làm 5-7 lò thì chi phí hạ thế điện ba pha nới hơn, nếu làm một lò một mình chi phí hạ thế điện gần 200 triệu, nặng lắm, cùng làm dây chuyền chi phí nhẹ hơn. Đường chạy xe không quan trọng lắm, đa số cần đường sông, sông sâu, sông lớn tiện cho ghe tàu chở lúa tới. Bây giờ chi phí giảm thí dụ thương lái mua lúa đổ xá dưới ghe không vô bao về tới cơ sở sấy lúa có ống rút lúa lên, đỡ được một khoản.”

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, Phó giáo sư Phạm Văn Dư cục phó Cục trồng trọt nhìn nhận là sự phát triển sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long chưa đồng bộ còn cần có nhiều sự cải tổ.

“Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cải thiện thất thoát sau thu hoạch. Tuy nhiên cần phải sắp xếp lại sản xuất để hưởng được chính sách đó. Đồng thời phải tổ chức lại sản xuất để dần dần đi lên theo hướng hiện đại hóa.

Lấy ví dụ hiện nay mình gieo sạ đồng loạt 500.000 ha-700.000 ha trong vòng 10-15 ngày thì sau đó phải có cơ giới hóa sau thu họach và đồng bộ năng lực sấy và chế biến. Tuy nhiên những vấn đề này đòi hỏi sự đầu tư quá lớn cho nên có tình trạng chưa phù hợp với sản xuất.

Có lẽ trong thời gian gần chính phủ sẽ trực tiếp đầu tư lớn về lãnh vực này, đặc biệt là năng lực sấy và cơ giới hóa khâu sau thu hoạch để phù hợp bước phát triển của đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt ngành lúa gạo sẽ phải phát triển thêm một bước nữa.”

Xuất khẩu gạo đã 20 năm, nhưng người ta không khỏi ngạc nhiên khi cả nước luôn phải xoay vòng kho chứa mua vào bán ra, bán gạo tươi chứ không có khả năng tồn trữ dài ngày và đây cũng là kho trữ gạo chứ không có khả năng trữ lúa như một số quốc gia khác.

Phơi lúa trước khi vô bao- RFA photo
Phơi lúa trước khi vô bao- RFA photo (RFA photo)

Việc dự trữ lúa gạo trước khi tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu là điều kiện quan trọng, để doanh nhân chủ động đàm phán đạt được mức giá tốt nhất. Theo TS Phạm Văn Tấn, chuyên gia về công nghệ sau thu hoạch trên địa bàn các tỉnh phía Nam, 2 khâu yếu kém nhất trong sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long là kho bãi và năng lực sấy lúa.

Nhà nước chậm chạp, doanh nghiệp tính toán

Hiện nay vựa lúa lớn nhất Việt Nam chỉ có những kho chứa đơn giản với tổng sức chức khoảng 1,5 triệu tấn. Chính phủ có chủ trương thực hiện 4 triệu tấn kho, nhưng các Tổng công ty lương thực Nhà nước thực hiện với tiến độ rất chậm chạp. TS Phạm Văn Tấn tiếp lời:

“Hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long người ta áp dụng phương pháp gọi là gieo sạ đồng loạt để né rầy. Tức là phải gieo sạ đồng loạt để thu hoạch đồng loạt nhằm tránh giai đoạn rày nâu phát triển. Nếu thu hoạch đồng loạt thì một mùa thu hoạch như thế lượng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long lên tới 6 tới 7 triệu tấn lúa, thời gian thu hoạch kéo dài chỉ 10-15 ngày. Trong thời gian này phải có đủ lò sấy để làm khô từ 6 tới 7 triệu tấn lúa, áp lực máy sấy rất lớn, hiện nay mình không có đủ máy sấy để làm khô. Đó là khâu nan giải nhất.”

Người trong nghề nói rằng, doanh nghiệp luôn tính toán lợi nhuận khi bỏ tiền đầu tư. Đối với đa số các nhà xuất khẩu, mua nhanh bán gọn kiếm lời an toàn hơn bỏ một số vốn rất lớn để đầu tư kho chứa hiện đại, bao gồm luôn nhà máy sấy lúa, xay xát.

Nghị định 109 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là một trong các nỗ lực nhưng chưa đủ, vì liên quan đến năng lực chế biến và tồn trữ, mỗi doanh nghiệp chỉ cần đạt điều kiện có kho chứa 5.000 tấn lúa gạo và nhà máy xay xát công suất 10 tấn giờ. Với 120 doanh nghiệp có giấy phép tính đến giữa tháng 3, thì về lý thuyết khả năng kho chứa ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn quá hạn chế so với sản lượng lúa hơn 20 triệu tấn mỗi năm.

Các chuyên gia cho rằng chính phủ phải có các chính sách cụ thể hơn nữa, ưu đãi đầu tư hấp dẫn hơn nữa vào công nghệ sau thu hoạch thì mới có cơ may giải quyết vấn đề này.