Trước những phản ứng của dư luận, liên bộ Tài Chính – Công Thương ngày 10/9 cho biết quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng 2% và có thể sẽ sử dụng cả quỹ bình ổn để giảm bớt tác động xấu của việc điều chỉnh giá xăng dầu.
Tuy nhiên, theo TS. Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường thuộc Bộ Tài Chính, thì những bất ổn về giá xăng dầu là hậu quả của cuộc chơi không công bằng giữa nhà nước – doanh nghiệp – và người dân.
Cơ chế bảo vệ người tiêu dùng
Trước hết, TS. Vũ Đình Ánh cho Khánh An của Đài Á Châu Tự Do biết:
TS. Vũ Đình Ánh: Có một điểm mà theo tôi Việt Nam cần phải xử lý. Thực ra người dân họ không quan tâm đến cơ cấu, kết cấu xăng dầu như thế nào hay yêu cầu phải công khai, minh bạch. Người dân cần một cơ chế để xác định được mức giá xăng dầu, mà ở đấy, người dân thấy quyền lợi của họ được bảo vệ tương tự như sự bảo vệ quyền lợi về phía các doanh nghiệp xăng dầu. Tôi cho rằng nhà nước phải đứng ra để thiết lập cơ chế đó, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xăng dầu hiện nay chiếm vị trí thống lĩnh vẫn là một số các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh xăng dầu.
Thế nhưng hiện nay lại tư duy theo cách thức là hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng (người dân). Tôi cho rằng điểm cốt lõi, cái sai cơ bản nằm ở chỗ đấy. Nhà nước phải đứng ra điều hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, chứ không phải nhà nước lại đứng ra điều hòa lợi ích của chính mình, lợi ích của nhà nước, với doanh nghiệp nhà nước, còn phía bên kia là người tiêu dùng. Cho nên nếu duy trì cơ chế như thế thì chắc
chắn người tiêu dùng sẽ bị thiệt.
Người dân cần một cơ chế để xác định được mức giá xăng dầu, mà ở đấy, người dân thấy quyền lợi của họ được bảo vệ tương tự như sự bảo vệ quyền lợi về phía các doanh nghiệp xăng dầu.
TS. Vũ Đình Ánh
Khánh An: Tại sao chuyện "cơ chế" trước giờ đã nói mãi mà vẫn không thực hiện được?
TS. Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng mặc dù đã cố sửa cơ chế, lúc trước thì nhà nước định (mức giá), rồi sau giao quyền cho doanh nghiệp và cuối cùng như bây giờ, doanh nghiệp muốn điều chỉnh thì phải xin phép. Nhà nước có lúc cho có lúc không. Tóm lại câu chuyện là nhà nước không đứng hẳn ra bên ngoài, mà nhà nước lại đứng ngang hàng với doanh nghiệp và người tiêu dùng thì (dẫn đến ) việc không xử lý hay giải quyết rốt ráo được. Cuối cùng, lợi ích thường nghiêng về phía các doanh nghiệp.
Một trận đấu không công bằng
Khánh An: Như vậy có thể tóm gọn rằng đây giống như một trận đấu giữa hai bên: người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trong khi đó, nhà nước lại không đứng ở vị trí trọng tài mà lại đứng gần như về phía doanh nghiệp…
TS. Vũ Đình Ánh: Chính xác. Chính xác.
Khánh An: Như thế thì đây là một trận đấu không cân bằng?
TS. Vũ Đình Ánh: Vâng, chính xác. Nếu như xác lập các vị trí như vậy trong cuộc chơi thì khi đó mới đặt ra những vấn đề như các bên phải chơi "fair" (công bằng) với nhau. Các doanh nghiệp phải công khai minh bạch giá, chi phí của họ. Họ phải tiết giảm đến mức thấp nhất các chi phí để đảm bảo lợi ích về mặt lợi nhuận của họ với một mức giá hợp lý nhất. Còn bản thân người tiêu dùng lúc đấy cũng phải chơi "fair", tức là ví dụ như đầu vào của doanh nghiệp đã công khai minh bạch mức giá rất cao rồi thì người tiêu dùng không thể kêu ca về chuyện tại sao giá lại cao như thế được. Tôi nghĩ nếu nhà nước đứng ra như là một trọng tài điều hòa lợi ích như vậy thì sẽ hợp lý và giải quyết được cơ bản về vấn đề thị trường xăng dầu và giá xăng dầu hiện nay ở Việt Nam.
Khánh An: Như vậy theo đánh giá của tiến sỹ thì "cuộc chơi" hiện nay không "fair play" phải không? Người ta cũng đã đưa ra rất nhiều điều chỉnh nhưng có vẻ như chỉ là giải pháp phần ngọn hơn là phần gốc?
TS. Vũ Đình Ánh: Chính xác là như vậy. Khi người ta chưa tạo ra được cơ chế mà nhà nước đứng ra ngoài để phân xử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng thì rõ ràng như chị thấy hiện nay là nhà nước đầu tiên phải ưu tiền phần của họ, tức là phần ngân sách về xăng dầu. Còn với doanh nghiệp, để tác động vào nhà nước theo lợi ích của mình thì rõ ràng các doanh nghiệp có ưu thế hơn hẳn so với người tiêu dùng.
Bởi vì nói ví dụ như người tiêu dùng ở Việt Nam chẳng hạn, gần như không có ai hay một tổ chức, kể cả tổ chức chính phủ hay tổ chức NGO nào bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng một cách thật sự cả. Người tiêu dùng cũng không thể tập hợp nhau để có một tiếng nói chung được. Dĩ nhiên trong một cuộc chơi như thế thì ưu thế ưu tiên đầu tiên là lợi ích của nhà nước, ưu tiên thứ hai là lợi ích của doanh nghiệp và cuối cùng mới đến lợi ích của người tiêu dùng.
Phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại là doanh nghiệp của nhà nước. Cho nên nhà nước dành ưu thế, ưu tiên cho họ gần như là chuyện tất yếu. Một điều nữa là ở Việt Nam, gần như các doanh nghiệp trên không có cạnh tranh. Họ tạo thành một thế gọi là "thống lĩnh thị trường"
TS. Vũ Đình Ánh
Trong bối cảnh như hiện nay, thứ nhất, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại là doanh nghiệp của nhà nước. Cho nên nhà nước dành ưu thế, ưu tiên cho họ gần như là chuyện tất yếu. Một điều nữa là ở Việt Nam, gần như các doanh nghiệp trên không có cạnh tranh. Họ tạo thành một thế gọi là “thống lĩnh thị trường”. Họ liên kết với nhau để tạo ra một cái mà bây giờ Việt Nam rất thích gọi là “lợi ích nhóm” để bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Trong khi, như tôi nói, lợi ích nhóm rất to, mà nền kinh tế hay lợi ích xã hội, tóm lại là phía những người mua, lại yếu thế hơn bởi vì không có những tổ chức, những vị trí, hay những “thế” mà người ta có thể tranh giành được với phía lợi ích của các doanh nghiệp. Trong khi đó, nhà nước lại hướng về bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp nhiều hơn là bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Cho nên những diễn biến trên thị trường xăng dầu Việt Nam là hoàn toàn có thể giải thích được từ góc độ phân tích về lợi ích và những yếu tố để bảo vệ lợi ích của các bên.
Khánh An: Như thế để có một cuộc chơi công bằng, lành mạnh, một số ý kiến đưa ra là phải tách các doanh nghiệp xăng dầu ra khỏi Bộ Công Thương, tiếp theo là phải chia nhỏ Petrolimex là doanh nghiệp gần như độc quyền, thì phải chia nhỏ quyền lực của nó ra. Đây có phải là một số biện pháp cụ thể?
TS. Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng đấy là những phương án khác nhau để lựa chọn. Ví dụ như việc tách các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ra khỏi sự quản lý của Bộ Công thương chẳng hạn, thực ra, nếu Bộ Công thương làm đúng chức năng của quản lý nhà nước về xăng dầu thì việc tách hay không tách không quan trọng. Nhưng rõ ràng hiện nay họ làm không tốt vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường xăng dầu. Cho nên cũng có thể xem xét (phương án này). Đấy là một phương án. Hay phương án chia nhỏ Petrolimex ra thì đây là phương án tạo ra một thị trường xăng dầu cạnh tranh, ít nhất là trong chừng mực không còn doanh nghiệp nào thống lĩnh thị trường nữa. Đấy cũng là một phương án. Tất nhiên, có nhiều cách thức để làm, chứ tôi không cho rằng những phương án trên là lựa chọn duy nhất.
Khánh An: Vâng, cám ơn tiến sỹ Vũ Đình Ánh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn trên.
Theo dòng thời sự:
- Những tác động của tăng giá xăng dầu đến xã hội
- Tác động từ việc tăng giá xăng dầu?
- Giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường?
- Gía xăng dầu tăng đến mức kỷ lục
- Quyết định giảm 800 đồng cho mỗi lít xăng
- Xăng lại tiếp tục tăng giá
- Giá gas tăng, giá xăng giảm
- VN có thể phải nhập khẩu nhiên liệu
- Xăng dầu bài toán không có đáp số