Trong khi đó, nhiều chuyên gia về an toàn thực phẩm cho rằng lập luận này của các nhà nghiên cứu của trường đại học Stanford không hợp lý. Vậy ích lợi thực sự của thực phẩm hữu cơ với con người là gì? Và làm thế nào để có thể hạn chế những nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc với các hóa chất độc có trong môi trường và thức ăn? Trang sức khỏe đời sống kỳ này xin gửi tới quý vị những tìm hiểu về vấn đề này.
An toàn hơn thực phẩm thường?
Nghiên cứu của các chuyên gia trường đại học Stanford công bố vào ngày 4 tháng 9 vừa qua đưa ra kết luận rằng không có nhiều bằng chứng chứng tỏ những ích lợi đáng kể từ việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ so với việc sử dụng các sản phẩm thông thường khác.
Bác sĩ Dena Bravata, tác giả của nghiên cứu nói với tạp chí Y Tế của trường đại học Stanford rằng sự khác biệt về lợi ích giữa hai loại thực phẩm là không đáng kể với một người đặt vấn đề sức khỏe lên hàng đầu trong các quyết định của mình.
Các chuyên gia trường đại học Stanford thu thập số liệu nghiên cứu qua việc tổng hợp các thông tin so sánh giữa thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thường trên các tài liệu đã xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Sau khi sàng lọc hàng ngàn trang tài liệu, các nhà nghiên cứu chọn ra được 237 nghiên cứu thích hợp nhất, trong đó có 17 nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng có thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thường, hơn 200 nghiên cứu so sánh mức độ dinh dưỡng, vi khuẩn, nhiễm nấm hoặc thuốc trừ sâu các loại trong rau quả, hạt, thịt, sữa, gia cầm và trứng.
Các tác giả đi đến kết luận không có sự khác biệt quá lớn trong thành phần vitamine giữa thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thường. Ngoài ra kết quả của nghiên cứu còn cho thấy các thực phẩm hữu cơ có 30% nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu ít hơn so với thực phẩm thường, một mức không quá cao. Trong khi đó, dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm thường nhìn chung thấp hơn so với dư lượng cho phép của các cơ quan chức năng, tức không có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Những kết luận của nghiên cứu mới này đã gây một tranh luận sôi nổi trong các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến thực phẩm hữu cơ tại Mỹ thời gian gần đây. Rất nhiều ý kiến cho rằng kết luận của nghiên cứu này không đầy đủ và chưa đúng. Tiến sĩ Charles Benbrook thuộc trường đại học tiểu bang Washington cho biết:
"Các tác giả đơn giản đã bỏ qua những yếu tố khoa học có chất lượng và có liên quan trong các tài liệu nghiên cứu về sự tiếp xúc với thuốc trừ sâu và các nguy cơ. Đồng thời, với nhiệm vụ mà họ đặt ra cho chính mình, họ cũng đã không xem xét hoặc không đề cập một chút nào đến những mặt lợi về môi trường trong nông nghiệp sạch."
Theo Tiến sĩ Benbrook, nghiên cứu của trường đại học Stanford đã bỏ qua các yếu tố khác bên cạnh yếu tố dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm. Ông giải thích:
" Nói về dữ liệu mà các tác giả trường Stanford sử dụng để xem xét thì nó không thích hợp với số liệu về việc sử dụng thuốc trừ sâu trên thực tế bây giờ. Thêm vào đó là số dư lượng cũng không phải chỉ là một yếu tố nguy hiểm duy nhất. Thêm vào đó phải nói đến là dư lượng này có tác động thế nào trong thực phẩm, và các chất độc hóa học được sử dụng trong thực phẩm. Có nhiều yếu tồ cần phải được xem xét cùng một lúc."
Về kết luận thực phẩm hữu cơ có ít hơn 30% nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu so với thực phẩm thông thường, Tiến sĩ Benbrook cho rằng đó là do cách nói mập mờ của các tác giả. Thay vì các nghiên cứu phải công nhận rằng xét về dư lượng thuốc trừ sâu, thực phẩm hữu cơ an toàn hơn so với thực phẩm thường đến 80%.
Tác dụng của thực phẩm hữu cơ
Để hiểu thêm về những tranh luận này giữa các nhà nghiên cứu, chúng ta cần phải hiểu thế nào là thực phẩm hữu cơ. Thực phẩm hữu cơ, hay còn gọi là thực phẩm organic thường được hiểu là những thực phẩm được nuôi trồng, chế biến, bảo quản mà không sử dụng một số các chất hay hóa chất nhất định.
Theo quy chuẩn của Mỹ, một số chất không được sử dụng trong các thực phẩm hữu cơ bao gồm kháng sinh, hormone tăng trưởng, chất nhuộm màu hóa học, chất làm ngọt nhân tạo, thuốc trừ sâu và phân hóa học, nước tưới tiêu nhiễm bẩn…
Nghiên cứu của nhóm tác giả trường Stanford đã không so sánh các chất này có mặt trong sản phẩm hữu cơ và sản phẩm thường. Trong khi đó trên thực tế có đến 80% kháng sinh được sử dụng hiện nay đã được sử dụng cho gà, lợn, bò là những loại thịt mà con người đang tiêu thụ.
Việc sử dụng các thực phẩm có chất kháng sinh phổ biến hiện nay đang đặt ra những nguy cơ xuất hiện các loại vi khuẩn kháng thuốc đáng lo ngại. Tiến sĩ Benbrook giải thích:
"Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh được bắt đầu từ việc sử dụng kháng sinh liều thấp cho các sản phẩm ở nông trại. Các nông trại theo công nghệ sạch không sử dụng kháng sinh như vậy và do đó không góp phần vào việc tạo ra các vi khuẩn kháng thuốc. Đây là các vi khuẩn kháng thuốc xuất phát từ các nông trại thông thường. Các vi khuẩn này tìm được đường vào con người thông qua những người làm việc tại nông trại sống gần nông trại.
Một khi vi khuẩn đi được từ bò, gà, lợn vào người thì nó có thể phát triển khả năng chia sẻ cái gọi là plasmid. Các gene kháng thuốc sẽ gắn vào các plasmid này. Khi vi khuẩn từ lợn trao đổi plasmid với vi khuẩn trong đường tiểu của người, thì plasmid có thể mang gene đó vào vi khuẩn đường tiểu của người và gây bệnh viêm đường tiểu. Khi người đó được bác sĩ kê đơn kháng sinh thì rất có thể loại kháng sinh thường dùng sẽ không có tác dụng.
Đó là điều đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta đã thấy có vi khuẩn gây bệnh staph kháng thuốc kháng sinh và nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc khác."
Trong khi đó dư lượng thuốc trừ sâu cao trong thực phẩm cũng là một mối nguy cho sức khỏe của con người. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng những người dễ bị ảnh hưởng nhất với thuốc trừ sâu là các bà mẹ đang mang bầu. Thuốc trừ sâu sau khi nhiễm vào người mẹ sẽ được truyền cho bào thai. Bào thai bị nhiễm độc từ thuốc sau này sẽ phát triển các bệnh như ung thư, tiểu đường, trí tuệ chậm phát triển, hay tự kỷ.
Cũng trong nghiên cứu mới của trường đại học Stanford, các nhà nghiên cứu cho rằng dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm thường thấp hơn mức cho phép. Vì vậy các tác giả đi đến kết luận, các thực phẩm này đáp ứng độ an toàn cho phép.
Người tiêu dùng và thực phẩm hữu cơ
Theo Tiến sĩ Benbrook, trên thực tế có rất nhiều mức dư lượng hóa chất trong thực phẩm được cơ quan chức năng của Hoa Kỳ đặt ở mức quá cao trong khi các nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn dư lượng thực tế trên thực phẩm tại Mỹ thấp hơn mức này. Điều này cho thấy chưa hẳn là mức an toàn được cơ quan chức năng đưa ra đã thực sự an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
"Thực tế là cơ quan bảo vệ môi trường tại Mỹ đã thừa nhận là có rất nhiều mức dư lượng thuốc trừ sâu cho phép đã tồn tại từ nhiều năm nay trong một số thực phẩm thực ra không thể coi là an toàn theo tiêu chuẩn hiện đại nhưng EPA đã không có các bước cần thiết để hạ thấp các mức này vì những lý do thực tế là thay đổi các mức này tại Mỹ sẽ có ảnh hưởng đến cả thế giới. nếu EPA hạ thấp mức dư lượng cho phép trong táo chẳng hạn, thì gáo cũng được trồng ở Chile và được nhập vào Mỹ vào mùa đông. Nếu mức này thấp thì nó sẽ trở thành vấn đề về rào cản thương mại giữa Mỹ và các nước."
Tại Mỹ, từ lâu người tiêu dùng đã chú ý nhiều hơn đến việc sử dụng thực phẩm hữu cơ. Các số liệu thống kê tại Mỹ cho thấy từ năm 1997 đến 2011, doanh thu từ thực phẩm hữu cơ đã tăng từ 3 tỷ 600 triệu đô la lên 24 tỷ 400 triệu đô la, mặc dù giá của thực phẩm hữu cơ thường đắt hơn gấp 2 lần so với thực phẩm thường.
Chị Huyền, một người dân ở Hà Nội cho biết, nhiều người ở Việt Nam hiện cũng rất lo lắng về các loại rau củ quả nhiễm hóa chất và thuốc trừ sâu. Vì vậy, tại Hà Nội đang rất phổ biến phong trào trồng rau sạch tại nhà.
"Hiện tại ở Hà Nội bây giờ trào lưu đó rất là nhiều, như nhà chật thì mọi người mua hộp xốp chẳng hạn, như nhà em thì hàng xóm có đất chống thì bà nội chịu khó trồng ít rau cho thằng cu con, các hạt giống rau thì chịu khó đi mua. Còn các nhà tập thể có ban công thì họ cũng trồng hộp xốp như kiểu những năm 90 ngày xưa. Đổ đầy hộp xốp, đổ đầy đất vào xong trồng, rau đó thì đảm bảo sạch 100% luôn, không có hóa chất, tự mình trồng lấy, tự tưới tắm lấy."
Theo chị Huyền thì người dân có thể tự mua hạt giống rau tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn. Các hạt giống cây được bán ra có đi kèm những hướng dẫn về cách trồng và chăm sóc.
Tất nhiên không phải ai cũng có điều kiện sử dụng thực phẩm hữu cơ quanh năm. Tiến sĩ Benbrook đưa ra một số lời khuyên đối với người tiêu dùng khắp nơi như sau:
"Với người tiêu dùng trên khắp thế giới, nếu người nào đó có một chút đất hay chỉ là một hộp nhỏ ở cửa sổ, ban công, hãy trồng một ít rau quả, trong một mảnh vườn nhỏ sau nhà hay một hộp nhỏ thì bạn có thể cũng trồng được một số rau quanh năm. Cách làm khác nữa là hay tìm loại rau quả dù là hữu cơ hay không thì cũng nên vào mùa của nó, lúc đó chất lượng rau quả tốt nhất, các dinh dưỡng cũng tốt nhất. Lúc đó giá cả của chúng cũng không cao so với các mùa khác trong năm. Bạn có thể đóng hộp các rau quả đó, để tủ đông đá để ăn dần trong năm khi cần."
Để đảm bảo sức khỏe, các chuyên gia về thực phẩm khuyên người tiêu dùng nên cố gắng sử dụng thực phẩm tươi nguyên khi có thể, và nên ăn ít đồ có chất béo không tan, ít đường.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa