Chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc - Cơ hội và thách thức

Vào ngày 8 tháng 11, đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ chính thức khai mạc. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ 5 của nước này.

0:00 / 0:00

Liệu những lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao của những người tiền nhiệm hay sẽ có những thay đổi lớn?

Nhóm lãnh đạo mới

Ngay sau bầu cử tại Mỹ kết thúc, thế giới tiếp tục dồn sự chú ý vào đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc vào ngày 8 tháng 11, nơi sẽ diễn ra sự chuyển giao quyền lực quan trọng tại đất nước đông dân nhất thế giới này. Mặc dù đã chắc chắn là ông Tập Cận Bình sẽ lên thay Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nhưng điều mà thế giới quan tâm nhiều hơn đó là liệu những lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Trung Quốc sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao thế nào trong 10 năm sắp tới khi mà Trung Quốc đang nổi lên là một cường quốc hàng đầu của thế giới.

Nói về sự chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc đi kèm theo những cơ hội và thách thức, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định:

"Sau một thập kỷ, sự chuyển giao một thế hệ quyền lực mới tại Trung Quốc sẽ cho phép nhóm lãnh đạo mới có thể xem lại các điểm mạnh và điểm yếu của chính sách ngoại giao của Trung Quốc để có các điều chỉnh thích hợp."

Theo giáo sư David Shambaugh, giáo sư môn khoa học chính trị và quan hệ quốc tế trường đại học George Washington, những gì trong chính sách ngoại giao mà ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo để lại cho ông Tập Cận Bình và những lãnh đạo mới có quá nhiều vấn đề, cũng không kém gì những vấn đề nội địa:

"Có rất nhiều những bất ổn, và căng thẳng trong quan hệ của Trung Quốc với các nước trên thế giới. Trên bề mặt chúng ta vẫn thấy những cố gắng cho thấy các hoạt động ngoại giao vẫn bình thường, nhưng chỉ cần cào bới bề mặt một chút thì chúng ta thấy vấn đề đối ngoại của Trung Quốc cũng không kém gì vấn đề đối nội."

Quan hệ với Mỹ được coi là yếu tố quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư môn quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason nhận định:

Sau một thập kỷ, sự chuyển giao một thế hệ quyền lực mới tại Trung Quốc sẽ cho phép nhóm lãnh đạo mới có thể xem lại các điểm mạnh và điểm yếu của chính sách ngoại giao của Trung Quốc để có các điều chỉnh thích hợp.<br/>GS Carl Thayer

"Nó là một thách thức lớn với Mỹ, bởi Trung Quốc là một nước đang lên và họ đòi hỏi được đối xử như vậy. Vấn đề họ đòi mức đối xử thế nào thì chưa ai có thể nói rõ, nhưng nhìn hành động của họ thì thấy là họ đang đòi thế trội yếu, nếu không phải là bá chủ của vùng biển Đông. Sau đó là sự cạnh tranh của Trung Quốc về tài nguyên trên khắp thế giới thì Trung Quốc sẽ không thể, không bao giờ chấp nhận là một cường quốc địa phương đâu, mà là cường quốc trên thế giới nữa."

Các học giả Mỹ cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc những năm gần đây đã trở nên căng thẳng hơn, có tính cạnh tranh nhiều hơn hợp tác. Các vấn đề khác biệt chính giữa hai nước bao gồm tranh cãi xung quanh việc Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ để trục lợi xuất khẩu, và việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Bên cạnh mối quan hệ với Mỹ, quan hệ với các nước thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng là điểm quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong mọi thời kỳ. Giáo sư Rober Sutter, Giáo sư một quan hệ quốc tế thuộc trường đại họ George Washington nhận định:

"Châu Á Thái Bình dương quan trọng hơn cả với lãnh đạo của Trung Quốc, trong lịch sử của Trung Quốc, đây luôn là vùng gây quan ngại nhiều nhất với Trung Quốc, và chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây là khu vực của các vấn đề về chủ quyền và an ninh. Đây là nơi quân đội nhân dân Trung Hoa tham gia tích cực, và chúng ta cũng không thể quên đây cũng là khu vực thương mại quan trọng với Trung Quốc.

Thương mại giữa Trung Quốc với Nam Hàn còn nhiều hơn với châu Phi. Đây là phần quan trọng với Trung Quốc. 70% chính sách ngoại giao của Trung Quốc tập trung vào vùng viền ngoài của Trung Quốc. nếu Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc trên thế giới thì họ phải làm gì đó với vùng viền này. Họ cần phải là nước đứng đầu trong vùng này và phải tạo dựng được một môi trường an toàn cho mình. Đây là nơi họ có tương tác với Mỹ và các cường quốc khác."

Chính sách đối ngoại

Một người Trung Quốc biểu tình trước đại sứ quán Nhật Bản tại Budapest vào ngày 24 tháng 9 năm 2012. AFP photo
Một người Trung Quốc biểu tình trước đại sứ quán Nhật Bản tại Budapest vào ngày 24 tháng 9 năm 2012. AFP photo (Một người Trung Quốc biểu tình trước đại sứ quán Nhật Bản tại Budapest vào ngày 24 tháng 9 năm 2012. AFP photo )

Thế nhưng chính trong khu vực này, Trung Quốc cũng đang có những căng thẳng với quốc gia láng giềng Nhật Bản, vốn là đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hiện cả Nhật và Trung Quốc đều đang vướng vào xung đột chưa thể giải quyết xung quanh chủ quyền quần đảo Senkaku hay còn gọi là Điếu Ngư. Căng thẳng này đã đẩy tinh thần dân tộc tại cả hai nước lên cao mà đỉnh điểm là những vụ biểu tình phản đối Nhật diễn ra ở khắp nơi trong Trung Quốc và một số nơi khác trên thế giới trong thời gian vừa qua. Giáo sư Carl Thayer nhận định đây là một điều kiện không thuận lợi chút nào cho những lãnh đạo mới tại Trung Quốc:

"Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra vào thời điểm không tốt chút nào, vào lúc Trung Quốc đang chuẩn bị có sự chuyển giao quyền lực, do vậy không thuận lợi cho các lãnh đạo mới của nước này vì sợ bị nhìn nhận là những người quá mềm yếu, cho nên đó là vấn đề."

Trong khi đó vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông với các nước Đông Nam Á lại là một khó khăn nữa mà những lãnh đạo mới của Trung Quốc đang phải đối mặt. Trong các năm từ 2009 đến nay, liên tục xảy ra nhiều vụ xung đột gây căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines tại khu vực này. Điển hình là xung đột xung quanh bãi Scarborough mà Philippines đòi chủ quyền hồi tháng 4 vừa qua. Các hành động của Trung Quốc trong khu vực này đã khiến các nước láng giềng phải nghi ngại.

Liên quan đến vấn đề biển Đông, các phân tích gia quốc tế cho rằng, các lãnh đạo hiện thời của Trung Quốc đã không cho thấy vai trò lãnh đạo mạnh mẽ của mình đối với hoạt động của các cơ quan dân sự đang hoạt động cùng lúc trên biển Đông và do đó đã góp phần làm nảy sinh những xung đột đáng tiếc với các quốc gia láng giềng. Ông Hồ Cẩm Đào bị cho là đã mắc kẹt giữa 9 cơ quan trong việc kiểm soát hiệu quả hoạt động phối hợp của các cơ quan này. Và đây cũng chính là quan ngại đối với ông Tập Cận Bình, người sẽ lên thay thế ông Hồ Cẩm Đào sắp tới.

Có những đồn đoán cho rằng có nhiều khả năng ông Hồ Cẩm Đào dù thôi chức chủ tịch, sẽ vẫn nắm giữ chiếc ghế Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc trong một thời gian. Giáo sư Carl Thayer phân tích:

<br/>Trung Quốc có thể sẽ giữ ông Hồ Cẩm Đào lại phía sau hậu trường, giữ vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương và làm cái phanh cho ông Tập Cận Bình. <br/>GS Carl Thayer

"Trong vấn đề căng thẳng với Nhật Bản, một số phân tích gia lập luật rằng Trung Quốc có thể sẽ giữ ông Hồ Cẩm Đào lại phía sau hậu trường, giữ vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương và làm cái phanh cho ông Tập Cận Bình. Nếu như vậy theo tôi thì ông Tập Cận Bình sẽ trở thành một lãnh đạo yếu hơn vì bị kìm hãm thay vì ông ta được nắm hai cái ghế".

Những khó khăn trước mắt trong nước bao gồm, kinh tế phát triển chậm lại, hố ngăn cách giàu nghèo, cộng với những căng thẳng chưa thể giải quyết với các nước láng giềng đang là một gánh nặng mà những lãnh đạo mới của Trung Quốc phải tiếp nhận. Nói như giáo sư Carl Thayer thì chắc chắn không có một lãnh đạo mới nào của Trung Quốc muốn phải đối đầu với quá nhiều vấn đề cùng một lúc.

Theo dòng thời sự: