Bộ chính trị đảng cộng sản Việt nam có nhân sự mới sau hội nghị trung ương lần thứ 7. Kính Hòa phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Tường, Khoa chính trị học, Đại học Oregon, Hoa Kỳ.
Kính Hòa: Chào Tiến sĩ Vũ Tường, nhân có sự thay đổi của Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt nam, Tiến sĩ có nhận định gì về sự thay đổi này hay không?
Tiến sĩ Vũ Tường: Tôi không có nhận định gì nhiều, tin tức vẫn ít ỏi. Theo tôi thì cũng không có gì quan trọng. Có vẻ phe ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn đưa hai người của họ vào Bộ chính trị là ông Nguyễn Bá Thanh và ông Vương Đình Huệ, nhưng không được, thì coi như là họ thất bại trong việc tăng cường sự kiểm sóat của Đảng đối với chính phủ, đặc biệt là phe ông Nguyễn Tấn Dũng.
Kính Hòa: Theo một nhà quan sát từ Australia là ông Carl Thayer thì nhân vật mới là ông Nguyễn Thiện Nhân được đưa vào để nói chuyện với phương tây dễ dàng hơn.
Tiến sĩ Vũ Tường: Ngày trước khi ông ấy lên làm Phó Thủ tướng hay là khi ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm Thủ Tướng, người ta cũng nói thế. Nhưng thực tế chính trị Việt nam nó không như vậy. Ông Nhân thì đúng là có học ở Mỹ, khả năng giao tiếp tốt hơn nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa là quan hệ với phương tây sẽ tốt hơn.
Kính Hòa: Thế còn vai trò của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, một phụ nữ từ miền nam?
Tiến sĩ Vũ Tường: Bà Ngân là một ẩn số lớn hơn ông Nhân. Cho tới giờ này vẫn không thấy bà ấy có một sự ủng hộ chính trị đặc biệt nào ở các cơ cấu quyền lực của Việt Nam ví như các địa phương, các bộ, quân đội, công an hay các ban đảng. Tôi nghĩ bà ấy có thể thay đổi tình thế trong một cương vị mới ví như ban bí thư chẳng hạn, nhưng chúng ta cần chờ xem.
Kính Hòa: Cũng có ý kiến cho rằng vì bà Ngân từng nắm bộ Thương binh xã hội, nên có quan hệ tốt với các cựu chiến binh, và do đó cần vai trò của bà chăng?
Tiến sĩ Vũ Tường: Tôi thì không nghĩ như vậy, vì bộ đó lớn lắm mà lại không quan trọng, bà chỉ nắm trong thời gian ngắn và cũng chẳng có chính sách gì đặc biệt. Còn cái tôi nói về vai trò của ông Nhân khó thể thay đổi quan hệ với phương tây là vì chúng ta phải chờ xem ông làm chức vụ gì trong thời gian từ đây đến đại hội đảng, Bộ Ngọai giao thì do con ông Nguyễn Cơ Thạch nắm, khó có thể đẩy đi, do đó ông không thể đóng vai trò như ông Phạm Gia Khiêm trước đây được, vừa là phó thủ tướng vừa là bộ trưởng Ngoại giao. Mà ông cũng không có tham vọng, lẫn cơ sở chính trị trong đảng để nhận một chức vụ quá lớn như Thủ Tướng. Có tin đồn là có thể ông trở lại TP HCM làm bí thư để ông Lê Thanh Hải ra trung ương, nhưng đó chỉ là tin đồn.
Kính Hòa: Bộ ngọai giao quan trọng như vậy nhưng vị bộ trưởng lại không phải ủy viên bộ chính trị.
Tiến sĩ Vũ Tường: Đó là đặc biệt ở Việt Nam, các chính sách ngọai giao lớn đều do Bộ chính trị và ban bí thư quyết định, ngay từ thời ông Lê Duẩn đã vậy. Chỉ có ông Nguyễn Cơ Thạch vào thời kỳ bắt đầu đổi mới thì ông làm nổi lên được Bộ ngọai giao, còn lại thì những nhân vật nắm đường lối ngọai giao là Tổng bí thư hay là trưởng ban đối ngọai trung ương.
Kính Hòa: Trở lại ý kiến ban đầu là với sự việc ông Nguyễn Bá Thanh không được vào Bộ chính trị, cho nên sự kiểm sóat của đảng đối với chính phủ sẽ yếu đi thì đó là tốt hơn?
Tiến sĩ Vũ Tường: Ông Nguyễn Bá Thanh không vào bộ chính trị thì sự kiểm sóat của đảng đối với bên chính phủ sẽ yếu đi. Tôi cho đó là sự tự nhiên từ khi đổi mới đến giờ, bên chính phủ kiểm sóat nguồn tiền bạc, chi phí và bên đảng ngày càng yếu đi.
Kính Hòa: Câu hỏi cuối là gần đây GS Đòan Viết Họat có nói rằng nếu trong thời gian ba năm tới đảng cộng sản còn muốn tiếp tục lãnh đạo thì họ phải cho phép dân chủ, ít nhất là về mặt hình thức?
Tiến sĩ Vũ Tường: Tôi nghĩ là Đảng cộng sản Việt Nam chưa cho phép dân chủ xảy ra. Điều đó nó nằm ngòai những gì mà chúng ta biết về họ, về lịch sử của họ, và do đó họ sẽ làm mọi cách để không cho điều đó xảy ra.
Kính Hòa: Xin cám ơn anh và chúc anh dồi dào sức khỏe.