Bước tiến mới trong đàm phán TPP

0:00 / 0:00

Việc đàm phán Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Việt Nam và các đối tác thương mại, đặc biệt là quốc gia khởi xướng Hoa Kỳ vừa có một bước tiến mới, đó là nội dung quan trọng về vấn đề doanh nghiệp Nhà nước.

Cải cách DNNN được hưởng ân hạn 5 năm

Một trong những chương quan trọng trong việc đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Việt Nam và 11 đối tác còn lại là vấn đề doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, TPP đòi hỏi các đối tác tham gia phải tạo một môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế, không có ưu đãi đặc biệt hay một đặc quyền nào khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể hơn, TPP đòi hỏi sự minh bạch, công khai thông tin của các doanh nghiệp và tăng cường độ mở của thị trường nội địa.

Tin mới đây cho biết 5 quốc gia là Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Australia và Mexico đi đến thống nhất đồng ý để 4 quốc gia: Malaysia, Peru, Brunei và Việt Nam có thời gian ân hạn 5 năm để điều chỉnh các chính sách liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước. Điều này có nghĩa, Việt Nam sẽ có 5 năm để điều chỉnh chính sách cho khu vực quốc doanh phù hợp với các nguyên tắc chung sau khi hiệp định TPP được ký kết.

Khẳng định về thông tin trên, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết:

TPP chỉ đòi hỏi là không có ưu đãi, không dành đặc quyền đặc lợi cho DNNN, mà DNNN phải cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác.<br/> - T.S Lê Đăng Doanh

Trong hiệp định TPP có một chương về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trong chương này, TPP không đòi hỏi các nước phải tư nhân hóa hay Việt Nam là cổ phần hóa các DNNN, cũng không giới hạn quy mô DNNN là bao nhiêu. TPP chỉ đòi hỏi là không có ưu đãi, không dành đặc quyền đặc lợi cho DNNN, mà DNNN phải cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Ngầm ý của quy định này là nhằm mở ra khả năng cạnh tranh giữa DNNN của các nước với các doanh nghiệp của Hoa Kỳ rất mạnh trên các lĩnh vực như viễn thông, dịch vụ phần mềm… đó là yêu cầu của TPP.

Trước việc nêu lên những vấn đề khó khăn và đặc thù của Việt Nam thì 5 nước đã chấp nhận đồng ý cho VN, Malaysia, Peru và Brunei có được ân hạn là 5 năm để thực hiện các yêu cầu đó của TPP. Tôi nghĩ rằng ân hạn này và yêu cầu cạnh tranh bình đẳng này phù hợp với phương hướng cải cách doanh nghiệp. Tôi hi vọng rằng gia nhập TPP, VN có thể đẩy mạnh công cuộc cải cách trên các lĩnh vực, trong đó có cải cách DNNN.

Ngoài ra, T.S Lê Đăng Doanh nhận xét rằng trong số 12 nước tham gia đàm phán, VN hiện là nước có thu nhập thấp hơn hẳn, đang trong giai đoạn chuyển đổi sang kinh tế thị trường và vẫn đang tiếp tục cải cách nên nhận được sự quan tâm chung. Với quyết tâm của Việt Nam là nâng cao hiệu quả và cổ phần hóa DNNN thì thời gian 5 năm này là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục công cuộc đang thực hiện.

Bước đột phá về vấn đề được xem là khó khăn nhất này hẳn sẽ tiếp tục mở đường thuận lợi hơn cho Việt Nam trong các vòng đàm phán tiếp theo. Thế nhưng điều mà T.S Doanh cũng như các chuyên gia quan ngại là liệu lộ trình 5 năm có đủ để Việt Nam hoàn thiện công cuộc cải cách khối doanh nghiệp NN, nhất là mới đây ngày 22/10 trong kỳ hợp thứ 6, Quốc hội khóa 13 Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong Hiến pháp:

Tôi hiểu rằng TPP là một hiệp định cả gói cho nên 2 bên sẽ phải thống nhất và thỏa thuận về từng chương một, từng điều một, nếu như có một điều nào đấy chưa được chấp nhận thì cả hiệp định sẽ khó có thể được thông qua. Nhưng mới đây, trong dự thảo Hiến pháp mà Quốc hội sắp thảo luận và thông qua thì lại khẳng định kinh tế Nhà nước là chủ đạo, thì tôi không rõ điều này có phù hợp với yêu cầu về bình đẳng về DNNN của TPP hay không?

Bức tranh không sáng sủa

Một người bán hoa trên đường phố Hà Nội đếm tiền hôm 07/2/2013. AFP photo
Một người bán hoa trên đường phố Hà Nội đếm tiền hôm 07/2/2013. AFP photo (Một người bán hoa trên đường phố Hà Nội đếm tiền hôm 07/2/2013. AFP photo)

Điều lo lắng trên không phải là không có cơ sở khi vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước vẫn được Chính phủ Việt Nam theo đuổi. Nếu nhìn lại năm 2007, khi Việt Nam vừa được gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), người ta đã rất hào hứng cho rằng Việt Nam sẽ có những bước tiến vượt bậc và được hưởng lợi rất nhiều từ những gì thế giới bên ngoài mang lại.

Thế nhưng, tưởng chừng với cơ hội vàng đang đến Việt Nam sẽ nắm bắt nhanh chóng để một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa phát triển, tạo điều kiện cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Nhưng 6 năm sau khi gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất thế giới, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khu vực các nước có mức "thu nhập trung b ình th ấp," và vẫn chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, vì chưa có đối xử công bằng và tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Sự ưu đãi đặc biệt Chính phủ dành cho các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đã triệt tiêu hai động lực phát triển của một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa là: sức cạnh tranh và lợi nhuận.

Trong một lần trao đổi trước đây với chung tôi, khi nhận xét về những bài học của Việt Nam khi gia nhập WTO nhất là về phía khối doanh nghiệp NN, T.S Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra quan điểm:

Sau hơn sáu năm là thành viên của tổ chức này: Việt Nam nhận ra đó là điều kiện cần cho phát triển nhưng chưa phải là điều kiện đủ. Muốn cho đủ để hội nhập có tác động tốt đến quá trình phát triển nền kinh tế đất nước, thì hội nhập gắn kết hết sức sâu sắc với cải cách trong nước. Chính cải cách trong nước gắn kết cho quá trình hội nhập. Và chính quá trình hội nhập cũng tạo ra những tiền đề và sức ép cho quá trình cải cách trong nước. Đây là bài học tôi cho có lẽ là quan trọng nhất.

<br/>Bài học nữa mà theo tôi cũng rất quan trọng là vấn đề năng lực cạnh tranh. Nói cho cùng trong kinh tế để bảo đảm phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam phải có năng lực cạnh tranh tốt. <br/> - T.S Võ Trí Thành<br/> <br/>

Bài học nữa mà theo tôi cũng rất quan trọng là vấn đề năng lực cạnh tranh. Nói cho cùng trong kinh tế để bảo đảm phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam phải có năng lực cạnh tranh tốt. Về các chỉ số cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều điều: cú sốc từ bên ngoài, bất ổn vĩ mô, trong nước và các nổ lực chưa thỏa đáng, nên chỉ số có xuống, giảm.

Trong một báo cáo của Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương đưa ra hồi tháng 4/2013 có tên "Kinh tế VN 5 năm sau khi gia nhập WTO" cho thấy một bức tranh không mấy lạc quan. Cụ thể là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn, lạm phát cao và diễn biến phức tạp, nhập siêu tăng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giảm từ bậc 59 (năm 2010) xuống còn 75 (năm 2012), nạn thất nghiệp tăng và nợ công không giảm.

Tất nhiên mục tiêu hợp tác và hội nhập vào WTO và TPP của Việt Nam, cũng như vai trò của Việt Nam trong hai tổ chức này là khác nhau, mọi so sánh đều không chính xác tuyệt đối, nhưng tối thiểu đó cũng là những gì để Việt Nam soi vào thấy được những gì được mất sau khoảng thời gian 5 năm, đúng như ân hạn mà các nước đối tác TPP đang dành cho mình.

Có lẽ đây là lúc Việt Nam cần rút ra những bài học trong quá khứ, đẩy mạnh cải cách thể chế, để đáp ứng đầy đủ và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn với các nước đối tác TPP trong tương lai.