Trong niềm vui chung của Giáo dân công giáo hoàn vũ, Giáo hội Việt Nam nhận tin vui về tân Giáo hoàng Francis I với một niềm tin mới về vị chủ chăn sống đời sống đạm bạc và luôn chia sẻ tình yêu của mình cho những nạn nhân bất hạnh, khổ đau.
Giáo hoàng thứ 266
Vậy là Giáo hoàng thứ 266 của Giáo Hội La Mã đã xuất hiện. Ngài là một tu sĩ Dòng Tên, sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936. Trước khi chính thức được Mật nghị bầu chọn làm Giáo Hoàng ngài là Hồng y sống tại thủ đô Buenos Airest từ năm 1988. Đất nước Argentina sửng sốt vui mừng khi nghe tin ngài được bầu chọn mặc dù hội thánh Argentina sẽ mất đi một vị Hồng y suốt đời sống mẫu mực, khiêm nhường đúng như lý tưởng và khấn hứa của một tu sĩ Dòng Tên.
Hồng y Jorge Mario Bergoglio đã chọn tông hiệu là Giáo Hoàng Francis I và là vị Giáo Hoàng đầu tiên thuộc Dòng tên trong lịch sử giáo hội. Là một Dòng tận hiến, sống đời sống chung đụng với tha nhân và có lẽ là Dòng bảo thủ nhất trong các nhà Dòng thuộc Giáo hội Thiên Chúa Giáo. Tu sĩ Dòng Tên khấn hứa luôn là đầy tớ phục vụ cho giáo hội và họ khó chấp nhận quyền bính cho dù là quyền bính của Giáo hội đưa ra.
Tôi nghĩ rằng đối với người công giáo Việt Nam thì đây là một tin vui rất là lớn. Trong truyền thống của người công giáo Việt Nam thì người ta rất yêu mến Đức Giáo hoàng. <br/> GM Nguyễn Chí Linh
Trước tin vui Giáo hội đã có một tân Giáo hoàng, Đức Giám mục Nguyễn Chí Linh, Phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chia sẻ:
“Tôi nghĩ rằng đối với người công giáo Việt Nam thì đây là một tin vui rất là lớn. Trong truyền thống của người công giáo Việt Nam thì người ta rất yêu mến Đức Giáo hoàng. Họ không hề quan tâm Đức Giáo hoàng là người gốc gác như thế nào, tuổi tác bao nhiêu hay xu hướng của ngài ra sao. Đối với người Việt Nam thì người ta chỉ kính trọng và yêu mến. Người công giáo Việt không có cái nhìn mang tính so sánh hay đối chiếu nhiều, vả lại tin vui mới chỉ được loan báo cách đây mấy tiếng đồng hồ thôi thành ra đa số quần chúng thuộc giới bình dân họ cũng chưa tiếp cận được những chi tiết về cuộc đời của Đức tân Giáo hoàng. Chỉ có giới linh mục tu sĩ hay cư dân mạng là theo dõi. Dù thế nào đi chăng nữa khi đó là Đức Giáo hoàng thì người Việt yêu mến. Họ vẫn thích hình ảnh một vị Giáo hoàng gần gũi với giới nghèo. Ở Việt Nam đa số người dân đều nghèo nên có lẽ đó cũng là một trong những chi tiết làm cho họ yêu mến Đức Giáo hoàng một cách đặc biệt hơn.
Giáo sĩ dòng Tên
Tại Việt Nam các giáo sĩ dòng Tên xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1625 tại Hội An. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, người sáng lập ra mẫu tự Việt Nam được gọi dưới cái tên Việt Nam là Đắc Lộ. Từ năm 1957 đến 1975, các giáo sĩ dòng Tên lãnh trọng trách điều hành Giáo hoàng Học viện Pio X tại Đà Lạt để đào tạo các linh mục Việt Nam.
Trung tâm Đắc Lộ tại Sài Gòn cũng được các tu sĩ Dòng Tên điều hành cho tới năm 1979, hầu hết các giáo sĩ tại đây đều bị bắt, trung tâm bị tịch thu. Mãi tới năm 2006 một phần trung tâm Đắc Lộ mới được trả lại cho Dòng Tên.
Giáo Hoàng Francis I từ khi còn là Hồng y đã có những sinh hoạt đời thường rất khiêm tốn. Ngài tự nấu ăn, đi xe điện, thăm người bệnh hoạn ốm đau, đặc biệt ngài rất thường xuyên chia sẻ với những bệnh nhân nan y sống trong những khu ổ chuột của thủ đô Buenos Airest. Những bài thuyết giảng của ngài luôn mang tính xã hội và rất có ảnh hưởng đến chính quyền Argentina.
Tôi cũng mong sao lãnh đạo thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng tiếp thu được thông điệp từ chức của Đức Benedicto. <br/> GM Nguyễn Chí Linh
Hồng y Jorge Mario Bergoglio cũng từng tranh đấu, bảo vệ cho những người bất đồng chính kiến chống lại chính phủ. Ngài được xem là rất bảo thủ đối với những vấn đề như phá thai, hôn nhân đồng tính, và ủng hộ cho đời sống độc thân của linh mục.
Tuy có dáng dấp rất khỏe mạnh nhưng nhiều người vẫn âu lo cho sức khỏe của ngài vì tân Giáo hoàng từng bị cắt bỏ một lá phổi và đang sống với một lá phổi duy nhất.
Việc Đức Giáo hoàng Benedict 16 thoái vị mặc dù là một tin buồn cho Giáo hội nhưng đó lại là lòng can đảm đáng được chia sẻ trong giáo hội nói chung và trong cuộc sống nói riêng. Giám mục Nguyễn Chí Linh cho biết quan điểm của ngài về tấm gương này:
“Đối với quan điểm chung của Hội Đồng Giám Mục do chưa có diễn đàn chính thức để phát biểu nhưng mà bản thân tôi thì tôi cho đó là một hành động rất là can đảm. Đó cũng là một mẫu gương cho các nhà lãnh đạo trên thế giới và nhất là ở Việt Nam nhiều người bây giờ cũng đang nói đến văn hóa từ chức. Đang còn tại vị mà từ chức thì đối với tôi là hành vi rất là can đảm. Tôi cũng mong sao lãnh đạo thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng tiếp thu được thông điệp từ chức của Đức Benedicto.”
Thánh Lễ đăng quang của tân Giáo Hoàng Phanxico I sẽ được tổ chức trọng thể tại Tòa Thánh Phê Rô vào lúc 09:30 sáng, giờ Roma ngày 19 tháng 3 sắp tới.