Trong bài báo mới, các nhà báo Úc đã chỉ đích danh tên của một giới chức Úc có liên quan và tên của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Để tìm hiểu thêm chi tiết các tiết lộ mới, Việt Hà phỏng vấn nhà báo Nick McKenzie, đồng tác giả bài báo điều tra.
Tình và tiền
Trước hết, nhà báo Nick McKenzie nói về những chi tiết mới của vụ án như sau:
Những bằng chứng mới được tiết lộ cho thấy một quan chức cấp cao của đại sứ quán Úc tại Việt Nam vào những đầu năm 2000 đã làm việc chặt chẽ với công ty có những biểu hiện tham nhũng là Securency, công ty này bị cáo buộc là đã trả tiền cho đại tá Lương Ngọc Anh 20 triệu đô la tiền đút lót. Quan chức cấp cao này của Úc có tên là Elizabeth Masamune, đại diện của Austrade tại Việt Nam. Bà ta không chỉ khuyến khích Securency trả tiền cho Lương Ngọc Anh, mà chính bản thân bà ta còn có quan hệ tình cảm với đại tá Lương Ngọc Anh. Và quan hệ này đã đặt ra rất nhiều câu hỏi nghi ngờ.
Việt Hà: Vậy thì mối quan hệ này bắt đầu khi nào và kéo dài bao lâu?
Nick McKenzie: Chúng tôi không biết chi tiết cụ thể về mối quan hệ này nhưng chúng tôi biết chắc chắn là bà Masamune có thừa nhận là có mối quan hệ này với đại tá Lương Ngọc Anh. Và trong thời gian họ có quan hệ thì bà Masamune đang nắm giữ chức vụ quan trọng ở đại sứ quán Úc và do đó bà ta được xác minh 'lý lịch tuyệt sạch' rồi. Khi đó bà ta đã không thông báo cho giới chức có liên quan của Úc biết về mối quan hệ với ông Lương Ngọc Anh, người phục vụ trong bộ công an của Việt nam lúc bấy giờ.
Việt Hà: Bà Masamune có thừa nhận là bà biết là sai khi có quan hệ này với ông Lương Ngọc Anh trong khi khuyến khích Securency trả hàng triệu đô la cho ông ta để lấy hợp đồng?
Nick McKenzie: Bà Masamune đã từ chối trả lời câu hỏi là bà ta có biết đây là hành động sai trái hay không. Những gì mà chúng tôi đưa lên báo và những gì mà chính phủ Úc biết trong nhiều năm là ông Lương Ngọc Anh là một sĩ quan an ninh tình báo, ông ta làm việc chặt chẽ với bộ công an, có quan hệ mật thiết với thủ tướng Việt Nam.
Tất nhiên bất cứ ai biết Việt nam thì đều hiểu là một người có công ty tư như ông Lương Ngọc Anh thì thường phải có quan hệ với chính phủ. Bố ông ta là một quan chức cấp cao của Đảng cộng sản, cho nên ông ta không chỉ có quan hệ mật thiết với chỉnh phủ mà bản thân ông ta cũng là người của chính phủ mặc dù ông ta có công ty riêng. Cho nên ông ta là đại diện của chính phủ. Theo luật của Úc, nếu bạn chỉ trả một đô la cho một đại diện chính phủ nước ngoài để bôi trơn hợp đồng thì đã vi phạm luật chống tham nhũng của Úc.
Gây sức ép lên chính phủ Úc
Việt Hà: Theo ông thì những tình tiết mới này có ý nghĩa thế nào trong việc tạo áp lực lên chính phủ Úc để yêu cầu mở một cuộc điều tra rộng hơn trong các cơ quan chính phủ liên quan đến vụ này?
Nick McKenzie: Điều xảy ra ở Úc là chính phủ Úc đã từ chối thực hiện các cuộc điều tra rộng khắp trong các quan chức Úc phục vụ đại sứ quán Úc tại Việt Nam liên quan đến những cáo buộc về việc thu xếp cho các vụ đút lót nghiêm trọng xảy ra. Còn ở phía Việt Nam, chính phủ Việt Nam cũng từ chối giúp Úc điều tra vụ án. Đã có một số lãnh đạo công ty của Úc tham gia đút lót chính phủ Việt Nam đã bị bắt nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được sự minh bạch hòan toàn. Cho nên câu hỏi lớn đặt ra cho chính phủ cả hai nước là tai sao họ không thực hiện các cuộc điều tra cần thiết để tìm hiểu bao nhiêu người tham gia và bao nhiêu tiền được đút lót, ai là người nhận tiền ở Việt nam.
Việt Hà: Vậy ông có hy vọng là sẽ sớm có một cuộc điều tra tại Úc sau khi những tình tiết này được công bố?
Nick McKenzie: Không, tôi không nghĩ như vậy, họ đã từ chối điều tra ngay từ đầu. Sức ép đang tăng dần và chính phủ lo sợ những gì có thể được tìm thấy. và đó là lý giải cho câu hỏi tại sao chính phủ Úc không muốn thực hiện cuộc điều tra các quan chức chính phủ. Nhưng sẽ có nhiều bằng chứng nữa tiếp tục được đưa ra. Những gì chúng tôi tìm thấy và những gì cảnh sát Úc đưa ra tại tòa cho thấy có những quan chức Úc liên quan đến vụ này.
Việt Hà: Trong bài báo lần này, các ông lần đầu tiên nêu tên thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là người mà đại tá Lương Ngọc Anh có quan hệ thân thiết. Xin ông cho biết vai trò của thủ tướng Việt Nam trong vụ án này?
Nick McKenzie: Những gì mà các nhà ngoại giao Úc và tình báo Úc tìm được là đại tá Lương Ngọc Anh có quan hệ rất gần gũi với thủ tướng Việt Nam. Một cựu quan chức cấp cao của Úc nói với chúng tôi là ông Lương Ngọc Anh được chính phủ Úc coi như người nhận tiền cho thủ tướng và cho nhóm thân cận của thủ tướng. Đó là những gì mà các cơ quan chức năng úc tin và do đó chúng tôi viết về điều này trên bài báo.
Việt Hà: Theo ông thì nếu như trường hợp chính phủ Úc kêu gọi một cuộc điều tra rộng khắp thì liệu điều này có ảnh hưởng thế nào đến cuộc điều tra tương tự ở Việt Nam (nếu có)?
Nick McKenzie: Cả hai bên đều có những cái phải che giấu, thủ tướng Việt Nam và quan chức cấp cao ở Úc biết là với sự tham gia của những quan chức cấp cao thì vụ này có thể dẫn đến một vụ tham nhũng cực kỳ nghiêm trọng cho nên chúng ta có thể đoán là họ không muốn vụ này được công khai. Chúng ta cũng biết là cựu thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam đã bị chỉ đích danh là người nhận tiền đút lót tại Anh. Theo tòa án thì tiền học của con của cựu thống đốc ngân hàng nhà nước Việt nam, đồng thời cũng là đảng viên, được trả bởi Securency và do đó có thể coi là tham nhũng.
<br/>Theo luật của Úc, nếu bạn chỉ trả một đô la cho một đại diện chính phủ nước ngoài để bôi trơn hợp đồng thì đã vi phạm luật chống tham nhũng của Úc. <br/>Nick McKenzie
Vậy chính phủ Việt Nam còn cần thêm những bằng chứng nào nữa để chứng minh là vụ tham nhũng đã xảy ra. Đáng ra họ phải điều tra ngay lập tức và công khai. Chính phủ Úc cũng muốn che giấu, họ không muốn công chúng biết vụ scandal này trong chính phủ. Nhưng bằng chứng sẽ tiếp tục được đưa ra cho đến khi có một đề nghị điều tra toàn bộ vụ án để đi đến ngọn ngành vấn đề.
Việt Hà: Như vậy là nếu chính phủ Úc điều tra thì sẽ tạo sức ép lên chính phủ Việt Nam phải tiến hành điều tra các quan chức của mình?
Nick McKenzie: Tôi tin là như vây, nếu chính phủ Úc làm công việc của mình, và yêu cầu một cuộc điều tra toàn bộ vào vụ án này thì sẽ tạo sức ép lên chính phủ Việt Nam, và phải khiến việt Nam có một cuộc điều tra về những quan chức nào có liên quan vào vụ Securency . Lúc này chúng ta vẫn chưa biết vì chính phủ Úc vẫn chưa có một yêu cầu điều tra rộng khắp và họ cũng không gây sức ép lên chính phủ Việt Nam. Cho nên một khi chính phủ Úc tự hào nói mình là một chính phủ có trách nhiệm thì họ cần phải làm ngay những gì cần thiết, theo đó thì phía Việt Nam cũng phải theo bước và do đó cho thấy một thông điệp là tham nhũng cần phải được xử lý.
Việt Hà: Liệu sẽ có những tình tiết mới liên quan đến vụ án trong thời gian tới?
Nick McKenzie: Sắp tới bà Masamune sẽ được tòa Victoria gọi đến như một người làm chứng trong vài tuần tới. có thể là phiên tòa sẽ diễn ra bí mật. Hôm qua, chính phủ Úc đã đề nghị một phiên tòa đóng khi có những người quan trọng đưa bằng chứng. Và khi phiên tòa này diễn ra như vậy thì tất nhiên công chúng Úc cũng như Việt Nam không thể biết điều gì xảy ra, cho nên theo tôi phiên tòa cần phải diễn ra một cách công khai.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
Theo dòng thời sự:
- Scandal in tiền Polymer: Vụ án tình, tiền...
- Thêm chuyện bê bối tình ái trong vụ tiền Polymer
- Úc: thêm một nhân chứng quan trọng cho vụ bê bối in tiền polymer
- Một doanh gia ra tòa do hối lộ quan chức VN
- Việt Nam xác nhận có chuyện không minh bạch trong vụ tiền polymer
- Truy tố thêm một viên chức cao cấp Úc trong Xì-căng-đan in tiền Polymer
- Báo Úc tiếp tục viết bài về vụ Securency
- Báo Úc nêu đích danh ông Lê Đức Thúy nhận hối lộ
- Báo Australia tố cáo cựu Thống đốc Ngân hàng Việt Nam nhận hối lộ