Vì sao cấm công bố bằng chứng vi phạm quy chế thi?

0:00 / 0:00

Hòa Ái có cuộc phỏng vấn với Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người đã cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông về vụ vi phạm quy chế thi ở hội đồng thi Đồi Ngô, Bắc Giang năm ngoái. Mời quý vị theo dõi:

Kêu một đàng, làm một nẻo

Hòa Ái: Xin chào Thầy Đỗ Việt Khoa. Trước hết xin được cảm ơn Thầy đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này với đài ACTD. Câu hỏi đầu tiên, xin phép được hỏi là qua cuộc trả lời phỏng vấn Báo Lao Động về quy định mới của Bộ GD-ĐT "không được phát tán thông tin về vi phạm quy chế thi dưới bất kỳ hình thức nào", Thầy có nói "muốn nhân dân chống tiêu cực thực sự hay không thì phải nói thật, chứ đừng cho mọi người ăn 'bánh vẽ' nữa". Thầy Việt Khoa có thể chia sẻ một cách chi tiết hơn với khán thính giả của đài?

Rất nhiều lãnh đạo các ban ngành đều kêu gọi người dân chống tham nhũng, tiêu cực. Thế nhưng họ kêu một đàng nhưng lại làm một nẻo. Thầy Đỗ Việt Khoa

Đỗ Việt Khoa: Tình hình VN mình trong thời gian vừa qua, rất nhiều lãnh đạo các ban ngành đều kêu gọi người dân chống tham nhũng, tiêu cực. Thế nhưng họ kêu một đàng nhưng lại làm một nẻo. Nhiều việc rất là mâu thuẫn. Ví dụ như trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi người dân cương quyết đấu tranh với tham nhũng nhưng ông Trọng lại trả lời trên báo chí là không kỷ luật người sai phạm vì kỷ luật sẽ sinh ra thù oán. Mới nhất gần đây ông Trọng lại phát biểu rằng ký đơn tập thể rồi đi biểu tình thì ông cho rằng hành vi như thế là suy thoái đạo đức. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên vì cung cách làm như thế rất mâu thuẫn với những lời đã kêu gọi trước đó.

Hòa Ái: Thưa Thầy Việt Khoa, Thầy có nghĩ rằng là Bộ GD-ĐT phải ra quy định mới như vậy là vì hiện nay tình trạng tiêu cực trong ngành giáo dục nói chung cũng như có nhiều vi phạm quy chế thi đang diễn ra trong khắp cả nước hay không?

Đỗ Việt Khoa: Ngành giáo dục đào tạo thì muốn chống tiêu cực thi cử rồi các tệ nạn trong giáo dục thì phải cương quyết. Nếu có tố cáo thì phải xử lý đến nơi đên chốn. Chứ không thể có chuyện năm nay muốn xoa dịu dư luận bằng cách là khuyến khích học sinh mang theo thiết bị camera vào để lấy chứng cứ tiêu cực nhưng lại cấm những người có chứng cứ đó đưa vụ việc ra báo chí bằng cách cho phát tán mà chỉ được nộp cho Sở và Bộ thôi. Tôi thấy việc này rất mâu thuẫn với tiêu chí của ngành. Hơn nữa tiêu cực trong ngành giáo dục không thua gì những ngành khác. Không chỉ tiêu cực trong thi cử mà còn sự tham nhũng, tệ nạn ăn bớt trong xây dựng, rồi mua sắm trang thiết bị trường học, vẽ ra để mua cho hết tiền ngân sách, rồi ăn bớt tiền của giáo viên, học sinh.

Đại học Công Nghiệp TPHCM, chi nhánh tại TP Quảng Ngãi, ảnh chụp ngày 05-07-2011. RFA PHOTO.
Đại học Công Nghiệp TPHCM, chi nhánh tại TP Quảng Ngãi, ảnh chụp ngày 05-07-2011. RFA PHOTO.

Nhất là cả nước, những địa phương có điều kiện, họ thu các khoản tiền ngoài quy định để chia nhau. Đấu tranh phải đồng bộ và có biện pháp nhưng trên thực tế mọi đơn thư tố cáo của giáo viên gửi lên lãnh đạo Sở, lãnh đạo Bộ có thể nói là không có đơn nào được giải quyết vì họ bao che nhau rất nghiêm trọng. Muốn đấu tranh thì phải đồng bộ làm nhiều việc, phải tích cực, đấu tranh thật sự. Tôi nghĩ rằng họ chỉ hô hào cho có thôi, chắc là không quyết tâm gì cả.

Xử lý không đến nơi đến chốn

Hòa Ái: Theo ý kiến của riêng mình, Thầy Đỗ Việt Khoa có cho rằng giáo viên sẽ tích cực trong công tác chống tiêu cực ở ngành giáo dục qua những quy định mới như vừa được ban hành này?

Đỗ Việt Khoa: Ít lắm. Tôi không tin là có nhiều giáo viên, học sinh dám đứng ra tố cáo đâu. Bởi vì được biết các cơ quan giải quyết là các Sở Giáo Dục và các Ủy Ban các tỉnh nhưng trên thực tế các cơ quan này lại bao che rất quyết liệt, mà Bộ thì lại không giải quyết. Gần đây nhất là vụ Đồi Ngô, Bắc Giang cũng như thế, Bộ để mặc cho Bắc Giang tự giải quyết. Vụ giải quyết ở Bắc Giang vừa rồi, dư luận theo dõi kỷ thì thấy là họ chỉ giải quyết theo kiểu đối phó với dư luận thôi chứ không giải quyết đúng, bao che nhau rất rõ. Vậy thì đừng hy vọng sẽ có nhiều người đứng ra chống tiêu cực lúc này.

Hòa Ái: Trong vụ việc tố cáo vi phạm của hội đồng thi Đồi Ngô ở Bắc Giang vừa rồi, Thầy Đỗ Việt Khoa có thông tin chính xác nào về vụ việc được xử lý ra sao?

Nếu có khiếu kiện thì phải kết hợp kiên quyết xử lý, kiên quyết đưa lên báo chí những mặt xấu, chỗ nào chưa giải quyết được thì phải làm đến cùng. Thầy Đỗ Việt Khoa

Đỗ Việt Khoa: Vụ Bắc Giang thì em học sinh quay clip bị công an huyện Bắc Giang đánh ngay tại trận và bị cảnh cáo vì dám quay phim. Các giáo viên bị đình chỉ trong khi Hiệu trưởng chỉ đạo, phân công họ người phải đi lấy đề thi, người phải đi ném bài, người phải đi thu hồi "phao" thì lại không bị kỷ luật gì cả. Họ nói đuổi việc một giáo viên thì đó là giáo viên thư ký của trường. Anh kế toán Nguyễn Văn Dũng thì lại được vào biên chế. 5 giáo viên còn lại bị đuổi ra khỏi trường thì đi làm công nhân. Cách xử lý không đến nơi đến chốn trong khi thanh tra thi thì không ai bị xử lý gì cả. Tôi nghĩ cách xử lý đó không công bằng, bao che lãnh đạo, đối phó dư luận thì nhân dân trong xã hội không ai tin. Vì tôi biết rõ điều đó nên tôi thấy bình thường ở VN này.

Hòa Ái: Theo như quy định mới của Bộ Giáo Dục đưa ra thì riêng ý kiến của Thầy là mâu thuẫn và thật sự có thể nói vi phạm với pháp luật hiện hành. Nếu như đặt trường hợp, Thầy Đỗ Việt Khoa là một người có thẩm quyền trong Bộ GD-ĐT, để giải quyết được tình trạng tiêu cực trong ngành sư phạm hiện nay, thì Thầy sẽ đưa ra biện pháp nào mà Thầy cho rằng sẽ có hiệu quả triệt để?

Đỗ Việt Khoa: Nói thật sự, giả sử tôi là Bộ trưởng, với tình hình cơ chế công quyền và với tình hình giới chức hiện nay, xã hội cũng bất lực thì tôi cũng chẳng làm gì được. Thế nhưng không vì thế mà tôi sẽ buông xuôi. Tôi mà xử lý đợt nào là phải dứt khoát đợt đó. Nếu có khiếu kiện thì phải kết hợp kiên quyết xử lý, kiên quyết đưa lên báo chí những mặt xấu, chỗ nào chưa giải quyết được thì phải làm đến cùng. Không thể có chuyện hàng ngàn đơn thư của các thầy cô trên cả nước gửi về Bộ thì Bộ cứ nhét đầy tủ trong phòng mà không giải quyết đơn nào hết. Mở rộng ra trên cả nước, tôi có thể nói hàng triệu, hàng triệu lá đơn tố cáo của nhân dân không được một cấp nào giải quyết hết. Tham nhũng khắp nơi thì có đất sống rất màu mỡ, được các cấp bảo vệ rất tốt. Cho nên người ở nước ngoài nhìn vào VN thì thấy rất là yên bình thế nhưng bức xúc xã hội không thể nào được giải quyết cả. Nó âm ỉ trong lòng người rồi có lúc sẽ vỡ ra.

Hòa Ái: Xin cảm ơn Thầy Đỗ Việt Khoa.