Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, và đến nay có đến gần hai phần ba cư dân vẫn sống nhờ vào canh tác các loại cây trồng, vật nuôi.
Tuy nhiên, những chuyển dịch mang tính khách quan và chủ quan khác đang khiến cho nông thôn mỗi ngày một ‘thay da đổi thịt’ không còn là những làng quê sau lũy tre làng như trước đây.
Tình trạng dân số gia tăng nhanh chóng, đô thị hóa, công nghiệp hóa chuyển đổi đất canh tác thành đất thổ cư, khu công nghiệp … đang khiến cho đất nông nghiệp bị thu hẹp lại. Vừa qua chính quyền Việt Nam phải lên tiếng kiên quyết giữ cho được chừng 3 triệu 800 ngàn héc ta đất lúa cho đến năm 2020.
Trong quá trình chuyển biến thực tế đó diễn ra thì chính phủ Việt Nam cũng đề ra chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Tin tức trong nước cho biết tất cả các tỉnh thành đều hưởng ứng chương trình của chính phủ đề ra. Ngân sách trung ương cấp cho chương trình này cũng nhiều và địa phương chi ra cũng không kém.
19 tiêu chí
Đơn vị hành chính nhỏ nhất là xã tiến hành xây dựng nông thôn mới phải đạt đến 19 tiêu chí đề ra. Có thể nêu ra một số tiêu chí như xã phải có chợ, nghĩa trang, nhà dân trong xã là mái cứng, thu nhập đầu người tăng 2-2,5 lần, chuyển dịch cơ cấu lao động chỉ có 35% lao động nông nghiệp còn lại phải chuyển sang loại hình khác, phi nông nghiệp…
Giáo sư Tô Duy Hợp, thường trực Hội Xã hội học Việt Nam, người tham gia công tác nghiên cứu về nông thôn mới của Việt Nam có đánh giá về chương trình này trong thời gian qua:
"Vấn đề nông thôn mới này cần phải gắn với chủ trương của chính phủ. Đây là chiến lược do chính phủ vạch ra, mà vạch ra trên nghị quyết của Trung ương Đảng Khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau đó thành ra những nghị định triển khai chiến lược của chính phủ. Nên theo tôi đây là chiến lược đưa đến phong trào mà do chính phủ đặt ra chứ không phải do người dân nghĩ ra.
Người ta làm theo công thức 19 tiêu chí. 9 tiêu chí này thực ra được khái quát hóa từ 11 nội dung.
GS Tô Duy Hợp
Sau hai năm thực hiện thì người ta tổng kết và thấy rằng tại những xã, huyện, tỉnh được chọn, mà trên qui mô toàn quốc chỉ có 11 xã được chọn thí điểm thôi; trong khi đó các tỉnh- thành địa phương cũng chọn ngần ấy xã để thực hiện điển hình trước. Người ta làm theo công thức 19 tiêu chí. 9 tiêu chí này thực ra được khái quát hóa từ 11 nội dung. Ở cấp xã thì tiêu chí là qui hoạch về tổng thể, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, vấn đề sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh, hệ thống chính trị…
Đối với mỗi tiêu chí người ta lại đưa ra một số chuẩn. Người ta chia làm hai mức: thứ nhất đến năm 2015, xong đến 2020. Chiến lược này được làm đến năm 2020. Một số chỉ tiêu % cho những mốc thời gian đó được đưa ra."
Nơi có nơi không
Ông Huỳnh Kim, một người dân tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long chuyên sản xuất lúa cho biết qua tuyên truyền ông có biết về chương trình này; nhưng trong thực tế tại địa phương của ông kế hoạch triển khai xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới chưa được thực hiện:
"Chỗ tôi ở huyện Tân Hồng từ đó đến nay không nghe nói gì. Phát triển của nông thôn có phát triển, cũng có xây đường, bệnh viện nâng cấp nhưng không biết những điều đó có nằm trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới hay không.Tôi có nghe nói ở trên đài nhưng ở chỗ tôi không thấy có gì.
Hiện thấy đang làm đường, nhưng không biết đó có phải trong chương trình đó không. Vậy có phải nếu không có chương trình nông thôn mới thì không làm đường sao?"
Tại những xã thí điểm triển khai xây dựng nông thôn mới thì theo giáo sư Tô Duy Hợp, có nơi làm được một ít, có nơi vẫn chưa thể thực hiện theo yêu cầu.
"Hiện nay có tình trạng thế này: kế hoạch của chính phủ là lấy cấp xã làm đơn vị xây dựng, rồi người ta đầu tư 200 tỷ đồng Việt Nam cho một nhiệm kỳ đến năm 2020. Khoản này được chia thành ba phần: một phần là vốn Nhà Nước, một phần là vốn nội bộ - gọi là ‘vốn xã hội hóa’, phần thứ ba huy động từ các doanh nghiệp ngoài xã, ngoài huyện, ngoài nước đóng góp vào.
Tôi có nghe nói ở trên đài nhưng ở chỗ tôi không thấy có gì.
Ô. Huỳnh Kim
Các xã điển hình thì như tôi biết hiện nay tại Hà Nội có xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ), cách trung tâm Hà Nội chừng 20 cây số họ sử dụng một phần ba nguồn kinh phí đó để xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu điện, đường, trường, trạm xá, nhà văn hóa bưu điện… Một số hình thức sản xuất mới như hợp tác xã cổ phần do cán bộ, nhân dân đóng vào hoặc do hợp tác với một công ty nào đó ngoài xã và cùng chia lãi cho nhau. Ở đó người ta làm hoa xuất khẩu, rau sạch… Nhiều hình thức mà người ta tổ chức lại.
Đánh giá chung thì có những điểm như sau: nhờ có tiền và có những hoạt động mới như thế nên có thay đổi trông thấy rõ như đường sá được nâng cấp lên. Xây dựng nhà văn hóa, nhưng nội dung sinh hoạt tại Nhà văn hóa đó cũng không rõ. Chủ yếu ở nông thôn ‘đình’ vẫn là trung tâm, rồi chùa, còn nhà văn hóa chỉ để hội họp thế thôi.
Một chỉ tiêu nâng chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn là khó khăn... "
Vậy những lý do gì cản trở kế hoạch xây dựng những thí điểm nông thôn mới tại Việt Nam như thế? Đây là nội dung sẽ được gửi đến quí thính giả trong phần trình bày tiếp theo.
Theo dòng thời sự:
- Nông nghiệp sẽ có nhiều thay đổi
- Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân
- Tái cấu trúc để giảm bất công với nông dân
- Nông nghiệp tiếp tục thành công
- Giữ đất trồng lúa cho đời sau
- 20 năm nữa nông dân trồng lúa mới khá
- Đề cao nông nghiệp đừng quên nông dân
- Tích tụ ruộng đất sản xuất lớn còn xa vời