Khánh An tìm hiểu thêm về cách thức đối phó hiện nay của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những tiếng nói đối lập.
Bài 1: Phương thức của chính quyền
Chỉ trong vòng 2 tháng vừa qua, đã có gần một chục phiên toà xét xử các nhà họat động dân chủ diễn ra, trong đó có vụ đặc biệt thu hút dư luận các nước và các tổ chức quốc tế như vụ xét xử luật sư Lê Công Định, Trần Hùynh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long. Dù bị kết án dưới tội danh nào thì các bản án lên đến 16 năm tù dành cho những tiếng nói đối lập vẫn gây ra các phản ứng và tác dụng không nhỏ lên dư luận xã hội cũng như họat động của các nhà dân chủ trong nước.
Họ muốn sử dụng phiên toà đó với những bản án nặng nề đó để duy trì một nỗi sợ thường xuyên đối với dân tộc Việt Nam, duy trì một bộ máy đàn áp, một bộ máy công an trị như trong suốt mấy chục năm qua họ đã làm.
Kỹ sư Đỗ Nam Hải
Kỹ sư Đỗ Nam Hải, một nhà đấu tranh dân chủ trong nước, nhận xét:
- Đấy là những phiên toà của sự bất công, của sự truy bức, nhục hình đối với những người bị bắt; là một bản án bỏ túi, không phải là bản án của một nền tư pháp chân chính. Nó cũng chứng tỏ một sự hốt hoảng, lo sợ của chính quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam trước làn sóng đấu tranh giành lại tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nam đang ngày càng dâng cao. Họ muốn sử dụng phiên toà đó với những bản án nặng nề đó để duy trì một nỗi sợ thường xuyên đối với dân tộc Việt Nam, duy trì một bộ máy đàn áp, một bộ máy công an trị như trong suốt mấy chục năm qua họ đã làm. Thế nhưng mưu đồ đó của họ là một chuyện, còn khả năng thực hiện lại là một chuyện khác.
Ngoài những bản án nặng nề, nhiều nhà họat động dân chủ trong nước cho biết, kể từ khi tham gia vào các họat động đòi tự do nhân quyền, họ gặp phải nhiều “tai nạn” hơn trước. Chị Hồ Thị Bích Khương là một thí dụ. Chị kể:
Người ta nhờ Bích Khương viết cái đơn tố cáo ra toà án quốc tế về vi phạm nhân quyền. Bích Khương đi dọc đường thì bị hai thanh niên đâm xe, rồi dọa là có người đòi giết mày, thế này thế nọ… sau đó bỏ đi.
Chị Hồ Thị Bích Khương
-Ngày 26 vừa rồi, Bích Khương đến nhà dân. Người ta nhờ Bích Khương viết cái đơn tố cáo ra toà án quốc tế về vi phạm nhân quyền. Bích Khương đi dọc đường thì bị hai thanh niên đâm xe, rồi dọa là có người đòi giết mày, thế này thế nọ… sau đó bỏ đi. Chiều ngày hôm đó Bích Khương đi thì ở nhà người ta cho người vô nhà, cạy cửa sổ cắt mất modem kết nối mạng internet của Bích Khương.
Thay đổi chiến lược
Đối với những người bất đồng chính kiến tương đối có tiếng nói được lưu ý trong nước thì mỗi khi các phiên toà xét xử các nhà đấu tranh dân chủ diễn ra là y như rằng hôm ấy họ sẽ bị làm phiền bằng nhiều cách để không thể đến phiên toà, dù có đôi lúc họ cũng chưa có ý định tham dự. Ông Hoàng Trung Kiên, một người bất đồng chính kiến, kể về trường hợp của ông như sau:
-Thực tế là thấy những việc bất bình, mình là người dân thì mình lên tiếng. Vừa qua, vụ xử một số người đấu tranh cho tự do dân chủ như vụ ông Trần Anh Kim, hôm 28 tôi cũng bị công an tỉnh Ninh Bình tìm cách ngăn chận. Hôm đó tôi đi có công việc nhưng công an liên tục gọi đến hỏi tôi đi đâu, hiện tại ở đâu. Về sau nghe nhiều, tôi tắt máy.
Tôi cũng không biết là họ ngăn chặn tôi đi xem vụ xét xử gì đó. Thế là khi tôi tắt máy lại làm cho họ thêm nghi ngờ là tôi có đi xem phiên xử án.
Sau đó, họ nhắn tin, họ gọi cụ thể. Họ cử cả người đi theo chiếc xe mà tôi đi. Sau này tôi mới được biết. Họ hỏi cả chủ xe đó, tất cả mọi người, kể cả lái xe họ cũng vào uy hiếp rồi đe dọa. Họ bảo nếu như hôm đấy ra Nam Định thì họ sẽ điện cho công an Nam Định giữ xe lại. Họ nói xấu tôi là người tham gia, cấu kết với nước ngoài và các tổ chức phản động. Tôi chẳng hiểu có những ai là phản động.
Bây giờ công an Việt Nam họ “cải tiến”, cho ngồi ở phòng. Cách thức của họ mới đấy. Không cho vào trại giam, không mang tiếng là bắt giữ hay là đàn áp nhân quyền, nhưng cứ ngồi ở phòng hành chính, mà ngồi cho đến ngày hôm nay (25/1) là ngày thứ tư rồi.
Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn
Theo nhận xét của những người bất đồng chính kiến, các phương pháp trước đây của chính quyền như bắt giam người, tịch thu công khai tài sản đang dần dần được thay thế bằng những hình thức mới do gặp phải nhiều phản ứng từ công luận trong nước và quốc tế. Nhiều nhà họat động dân chủ cho biết họ thường xuyên được mời đi “làm việc” với công an xã, huyện, tỉnh. Chỉ chưa đầy một tuần trước đây, nhà đấu tranh dân chủ Nguyễn Bá Đăng bị khoảng 30 công an đến nhà chỉ để… tịch thu máy tính và mời anh đi “làm việc” cùng. Thế nhưng, theo lời của nhà báo Nguyễn Khắc Toàn cho chúng tôi biết vào hôm 25/1 thì:
-Trường hợp của Nguyễn Bá Đăng thì hiện nay vẫn chưa được về đâu, vẫn còn ngồi trên công an huyện đấy. Cách thức của công an bây giờ là không đưa vào trại giam, cứ ngồi ở văn phòng thôi mà không được về, cũng chẳng có lệnh gì cả. Bây giờ công an Việt Nam họ "cải tiến", cho ngồi ở phòng. Cách thức của họ mới đấy. Không cho vào trại giam, không mang tiếng là bắt giữ hay là đàn áp nhân quyền, nhưng cứ ngồi ở phòng hành chính, mà ngồi cho đến ngày hôm nay (25/1) là ngày thứ tư rồi.
Đứng trước những “phương pháp” đối phó mới của chính quyền, các nhà họat động dân chủ có thay đổi phương thức đấu tranh của họ không? Khánh An sẽ tiếp tục gửi đến quý vị trong bài tường trình sau.