Trong giai đoạn sắp tới Ngày Tết Giáp Ngọ 2014, nhiều ý kiến trên mạng và báo chí trong nước, kể cả những nhà có tâm huyết với quê hương, đã nhắc tới và cảnh báo về điều gọi là “vấn nạn rầm rộ biếu quà Tết cho cấp trên”. Như vậy, “vấn nạn” này ra sao?
Ăn Tết quanh năm
Trong khi nhà báo Bùi Hoàng Tám qua báo Dân Trí thắc mắc rằng “ Sao lại có loại sếp như thế nhỉ”, và đi vào chi tiết là từ nhiều năm nay, chuyện “đi Tết sếp” luôn là “nỗi ám ảnh” mỗi khi năm hết, Xuân về, nhất là đối với các nhân viên, công nhân nghèo, thì nhà báo Nguyên Hồ trên báo mạng Gia Đình nêu lên câu hỏi “làm sao kết liễu vấn nạn quà Tết?”, vì, nhà báo lưu ý, trong dịp Xuân về, những người có chức, có quyền, từ trung ương đến địa phương, đều nhận được một khối “quà khổng lồ” trong dịp này. Từ Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Diện thuộc Viện Hán Nôm VN lên tiếng:
“Nạn quà Tết trở thành tục lệ rất xấu trong những năm gần đây – tệ nạn xấu lắm. Nó là một căn bệnh xấu xa của xã hội VN. Những món quà Tết này không phải ở góc độ tình cảm nữa, mà nó là cuộc mua bán, đổi chác hay là cuộc hối lộ được gói mỹ miều dưới cái tên gọi là “quà biếu Tết.”
Thực ra, quanh năm, cấp dưới phải cung phụng cho các sếp những món quà, món hàng trong những dịp cần phải cầu cạnh, xin-cho, tạo điều kiện làm ăn hay móc ngoặc với cán bộ đảng. <br/> -GS Nguyễn Thanh Giang
Cũng từ Hà Nội, GS Nguyễn Thanh Giang nhận xét rằng:
“Chuyện quà Tết thì chỉ là cái dịp để cho người ta bàn bạc thế thôi. Thực ra, quanh năm, cấp dưới phải cung phụng cho các sếp những món quà, món hàng trong những dịp cần phải cầu cạnh, xin-cho, tạo điều kiện làm ăn hay móc ngoặc với cán bộ đảng, thì những món quà ấy vô cùng lớn. Tức là đảng và những đảng viên được điều kiện “ăn Tết quanh năm”, chứ không phải chỉ có dịp Tết không đâu.”
Theo nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương thì nhiều khi nhân viên biếu quà Tết “theo phong trào, chưa biếu sếp thì chưa yên tâm ăn Tết”. Và như thế là người ta “đo tình cảm bằng phong bì dày mỏng” và biến phong tục tặng quà của cha ông ngày xưa thành một loại hủ tục, góp phần sa đọa xã hội khi người nhận quà cáp từ đó làm giàu, còn người “đi Tết sếp” thì trở thành “khổ chủ” hoặc cho mục tiêu trục lợi nào đó.
Mặc dù có ý kiến cho biết nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình thiếu thốn nhưng Tết đến vẫn nhộn nhịp, vẫn “tặng quà cho nhau”, thì TS Nguyễn Xuân Diện nhận xét rằng Tết năm nay, tình trạng này có vẻ không “rầm rộ” lắm, không có biểu hiện “ghê gớm” như những năm trước, hay là nó chưa đến ngày “rầm rộ” chăng? Bởi vì sao ? TS Nguyễn Xuân Diện giải thích:
“Bởi vì kinh tế VN hiện suy sụp quá rồi. Hiện nay, dân nguyên một tỉnh của VN xin xét, cấp cứu gấp về vấn đề ăn Tết. Vì họ thiếu gạo, họ đói quá! Công nhân ở các khu công nghiệp cũng đói kém quá, thất nghiệp rất nhiều. Còn người nông dân bây giờ thì mất hết đất, bị chính quyền các cấp cướp hết đất rồi. Cho nên họ chẳng còn cái gì nữa cả. Làng xóm thì trở nên tiêu điều. Do đó, họ cũng chẳng có cái chuyện đi biếu xén gì nữa. Còn các doanh nghiệp thì đang gặp vô vàn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể; làm ăn khó khăn lắm. Những đại gia về bất động sản và chứng khoán coi như “chết rồi” khiến nhiều người phải đi bệnh viện tâm thần. Cho nên năm nay không có chuyện biếu quà Tết “rầm rộ” như mọi năm nữa.”
Chỉ thị không ai dám theo?
Được biết nhân dịp Tết Giáp Ngọ này, Ban Bí thư lại chỉ thị “thực hiện nghiêm chủ trương của đảng và nhà nước” về việc tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là “nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên” – điều mà công luận thắc mắc “Hà Nội năm nào cũng có yêu cầu như vậy”, trong khi GS Trần Ngọc Thêm thuộc Đại học Quốc gia TP HCM nêu lên câu hỏi rằng phải chăng chuyện tặng quà Tết ngày nay đang “biến tướng” khiến “kẻ yếu cống nạp, luồn cúi kẻ mạnh” không thể kiểm soát nỗi nên phải cấm? TS Nguyễn Thanh Giang cho rằng:
“Những “lời răn dạy” như vậy đối với các quan chức đâu phải bây giờ mới diễn ra, mà nó là chuyện xưa cũ lắm rồi. Người ta nói để mà nói, chứ ngay cả người nói cũng sẽ nhận quà, được biếu xén không dưới hình thức này cũng bằng hình thức khác; thậm chí những người ra công văn đó, những người hô khẩu hiệu đó, còn được những món quà đút lót to hơn những người không nói.”
Ở VN hiện nay, cái gì cũng là hình thức; học tập tư tưởng, đạo đức của HCM cũng là một hình thức thôi chứ chả hiệu quả gì cả. <br/> -TS Nguyễn Xuân Diện
Theo TS Nguyễn Xuân Diện thì bây giờ, những công văn như thế, những chỉ thị như thế, có ai làm theo đâu? Thực sự ra những người mà tìm những cái lợi gì đấy trong cuộc đút lót, hối lộ này, họ có thiếu gì cách để mà đút lót, hối lộ. Và những cái văn bản cấm biếu quà Tết hay là cấm không “đi Tết cấp trên” hoặc các cơ quan nọ kia, thì đó chỉ là hình thức thôi. TS Nguyễn Xuân Diện giải thích:
“Vì Tết đến, các bộ phận văn phòng, những nơi ban bố ra cái lệnh như vậy chẳng lẽ không ra cái lệnh gì? Nên thực chất, họ ra văn bản đó chỉ là hình thức thôi chứ cũng không cấm đoán được gì đâu. Và ở VN hiện nay, cái gì cũng là hình thức; học tập tư tưởng, đạo đức của HCM cũng là một hình thức thôi chứ chả hiệu quả gì cả. Hiện càng ngày cán bộ càng sa đọa, càng yếu kém về đạo đức, mất nhân cách nhiều; và các đội ngũ công chức nhà nước - những người gọi là “cơ quan công quyền” - thì càng hư đốn nhiều. Trong những năm gần đây, người ta thấy rất rõ như thế. Cho nên những điều vừa nói chỉ là hình thức mà thôi.”
GS Trần Ngọc Thêm khẳng định rằng nếu cấp trên không thích nhận quà, tỏ thái độ dứt khoát, kiên quyết không nhận thì còn ai dám biếu nữa.
Theo GS Nguyễn Thanh Giang thì việc biếu quà và nhận quà có liên quan nhiều hạng người khác nhau. Cái gọi là tội lỗi về vụ này cũng ở chừng mực khác nhau và sự khinh bỉ dành cho những đối tượng ấy cũng nên khác nhau. Nhưng nói chung, theo GS Nguyễn Thanh Giang, những người nhận quà tội lỗi hơn những người đưa quà, thì những mức độ tội lỗi đó cũng nên xem xét từng trường hợp một.
GS Nguyễn Thanh Giang cũng không quên đề cập tới nhiều loại quà: quà sạch và quà bẩn, có quà đáng lên án, quà đáng trân trọng. Thí dụ như người học trò nhớ ơn thầy, con cái nhớ ơn cha mẹ, việc tặng quà cho thầy, tặng quà cho cha mẹ để bày tỏ lòng biết ơn thì người tặng quà và người nhận quà đều đáng trân quý. Còn trong trường hợp mấy xếp ra “lệnh ngầm” để thuộc cấp phải tặng quà hoặc chính những người cấp dưới đó tặng quà cho lợi ích không trong sạch thì những trường hợp này đáng lên án.