Cuộc tranh cãi xung quanh việc tu chính hiến pháp 1992 đã có một sự kiện làm nhiều người quan tâm trong tuần qua, đó là việc đài truyền hình nhà nước Việt Nam cho phát sóng phát biểu của ông cựu Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, xung quanh chuyện ông đại diện nhóm 72 nhân sĩ trí thức trao bản kiến nghị sửa đổi hiến pháp cho Ủy ban pháp luật của quốc hội. Nội dung phát biểu có vẻ phủ nhận vai trò của ông Lộc trong việc sọan thảo kiến nghị. Hai vị trong nhóm 72 là Giáo sư Tương Lai và giáo sư Huệ Chi đã phát biểu về vấn đề này. Kính Hòa tìm thêm một cái nhìn khác về vấn đề này và qua đó về nỗi lo âu về tính chính danh của đảng cầm quyền.
Làm giảm sức mạnh tập thể
Blogger Mẹ Nấm là một trong những người thành lập nhóm Công dân tự do trên mạng internet yêu cầu sọan thảo một hiến pháp hòan tòan mới. Khi nói chuyện với chúng tôi về việc phát biểu của ông Nguyễn Đình Lộc trên truyền hình nhà nước Việt Nam, chị cho rằng:
“Chuyện ông Lộc phát biểu trên đài truyền hình VN không phải là quá lạ. Có lẽ những người ký cũng không đồng nhất nên vấn đề ông Lộc mới xảy ra. Và thực sự thì tôi nghĩ chúng ta nên cám ơn ông Lộc vì việc này cho thấy như là người ta bày ra một trò diễn rồi kêu mình vào diễn phụ.”
Dù thế nào thì cũng không thể nói là tôi ra đến đó rồi người ta ấn tôi vô vị trí, không thể nói là tôi chưa đọc nhưng vì nể nên tôi ký, đây có phải là con nít chơi trò chơi đâu. <br/> Blogger Mẹ Nấm
Nhóm Công dân tự do không mang tên nhân sĩ trí thức mà đại chúng hơn, bình dân hơn thì phát biểu một nội dung đòi hỏi triệt để hơn, nhưng vẫn chưa bị tấn công như đối với nhóm 72 nhân sĩ. Theo blogger Mẹ nấm thì:
“Có thể họ sẽ không để yên đâu, có thể là bây giờ họ tập trung đánh một chỗ thôi.”
Chính trị Việt Nam vẫn còn được buông rèm nhiếp chính bởi đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng với sự phát triển của truyền thông, sự phân chia quyền lợi và quyền lực của các nhóm khác nhau, mà cái rèm ấy không còn được kín kẽ nữa. Các chính trị gia phải lộ diện nhiều hơn. Ngôn ngữ chính trị vẫn muốn mang tính đồng thuận nhất trí cao, nhưng đôi khi cũng phải hé lộ những câu chữ cạnh tranh kịch liệt như vấn đề đồng chí X vừa qua. Nay chính trường có lẽ được chuyển sang vở Hiến Pháp để giành tính chính danh cho đảng cộng sản. Có điều là trò chơi đã mất kiểm soát nên đảng cộng sản đã sử dụng đến những biện pháp không mấy chính danh để giành sự chính danh.
Song hành với việc phát hành rộng rãi đến từng hộ dân các tờ phiếu góp ý bản Hiến Pháp sửa đổi do Đảng sọan thảo, mà trong đó chỉ có những ô đồng ý, Đảng cũng huy động cả một hệ thống truyền thông mà mình là chủ nhân duy nhất để tấn công những biến tấu của sân khấu nằm ngoài sự ưa thích của mình. Bắt đầu là tuyên bố rằng nhiều chữ ký trong kiến nghị 72 là giả mạo, rồi bây giờ đến nạn nhân Nguyễn Đình Lộc.
Dù là bị áp lực hay có vấn đề bắt bẻ nhau trong ngôn từ, dù được các đồng chí rất thông cảm và an ủi, thì phát biểu của ông Lộc khó mà được hiểu khác đi rằng nó không phản lại các đồng chí của ông.
Blogger Mẹ Nấm cho rằng:
“Làm giảm sức mạnh của tập thể 72 nhân sĩ trí thức trong những tuyên bố mà họ đã tuyên bố. Dù thế nào thì cũng không thể nói là tôi ra đến đó rồi người ta ấn tôi vô vị trí, không thể nói là tôi chưa đọc nhưng vì nể nên tôi ký, đây có phải là con nít chơi trò chơi đâu.”
Một phép thử
Chế độ độc đảng không chấp nhận những ý kiến khác mình. Sự tồn tại của những ý kiến thuộc một nhóm đến 72 người thì quả là khó chịu. Nay một người trong số họ phát biểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược như vậy quả là rất hữu ích cho đảng giành tính chính danh.
Lenin, vị tiền bối của phong trào cộng sản quốc tế từng nói, nếu không nhập cuộc với một giai cấp thì giới trí thức chỉ là một con số không mà thôi. Nhưng mặt khác các nhà lý luận Marxist cũng lo ngại rằng trí thức sẽ được kẻ thù giai cấp của họ sử dụng (Tia sáng 10/2007). Không rõ tự thâm tâm đảng cộng sản Việt Nam có còn cho là họ đại diện cho giai cấp công nhân nữa hay không, nhưng chắc chắn họ cho rằng họ đại diện cho quyền lực, và 72 trí thức nhân sĩ kia đang thoát ra khỏi quyền lực của họ.
Tôi cho rằng sự cố Nguyễn Đình Lộc là một phép thử quan trọng. Tôi chờ đợi ở Nhóm Kiến nghị 72 một diễn ngôn đủ sức mạnh và tầm vóc để đương đầu. <br/> Phạm Thị Hoài
Tầng lớp có học ở Việt Nam từ sau 1954 ở miền bắc, và trên cả nước sau 1975 chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là phục vụ chế độ, theo đúng tinh thần của Lenin là gắn chặt giới trí thức với tầng lớp lãnh đạo, phục vụ lãnh đạo. Nhưng đó là trong mô hình kinh tế bao cấp. Nay với kinh tế thị trường, những người có học bắt đầu có sự độc lập của mình, từ sự phản biện việc khai thác bauxite cách đây vài năm cho đến chuyện Hiến Pháp hiện nay. Nhưng sự cố Nguyễn Đình Lộc cho thấy tính độc lập ấy còn mong manh lắm. Nhà văn Phạm Thị Hoài, người có nhiều bài viết và quan sát giới văn sĩ trí thức Việt Nam lâu nay, nhận xét trong một email trao đổi với chúng tôi như sau:
“Tôi cho rằng sự cố Nguyễn Đình Lộc là một phép thử quan trọng. Tôi chờ đợi ở Nhóm Kiến nghị 72 một diễn ngôn đủ sức mạnh và tầm vóc để đương đầu với áp lực sẽ còn dâng cao hơn nữa từ phía chính quyền và những phép thử tiếp theo. Những phản ứng theo hướng cảm thông chia sẻ với ông Nguyễn Đình Lộc, hay nỗ lực bỏ qua những tác động xấu của sự cố này, theo tôi chỉ có giá trị an ủi tạm thời, cùng lắm chỉ nên là phụ lục chứ không nên là nội dung chính của diễn ngôn đó. Đây là cơ hội cho Nhóm Kiến nghị 72 bật lên một chất lượng mới.”
Chúng ta cũng mong giới trí thức Việt Nam vượt qua sự cố này trong việc tranh biện với đảng cộng sản về sửa đổi Hiến Pháp, và qua đó làm cho đảng cộng sản hiểu rằng sự chính danh chỉ có thể tranh đoạt được bằng một sân chơi công bằng mà thôi.