Khoảng sau cái Tết Mậu Thân độ một năm, trong lúc tình trạng cải lương bi thảm, ngày một kiệt quệ thì một ngọn gió mát thổi vào làm dễ thở cho một số ít người trong giới sân khấu, đó là một đoàn hát cải lương được đi Pháp trình diễn.
Vui mừng
Người ta còn nhớ trong lúc Hòa Đàm Ba Lê đang diễn ra thì Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Paris đánh điện về kêu cứu, rằng phải cho một đoàn cải lương sang gấp, chớ không thôi sẽ bị thua thiệt nhiều, do bởi có một đoàn văn công Bắc Việt được đưa sang Paris trình diễn và kiều bào rất hoan nghinh.
Thật vậy, kiều bào người Việt lâu năm xa xứ, nhớ nhà, giờ đây có đoàn văn nghệ đến tận nơi phục vụ, người ta cảm thấy như là được gần gũi với quê hương vậy. Đối với kiều bào lúc bấy giờ, họ chẳng chú ý tới vấn đề đoàn văn nghệ xuất phát từ Nam Việt hay Bắc Việt, mà trước mắt họ là hình ảnh của quê hương đã đến với họ, thành thử ra số người đi coi rất đông. Các buổi trình diễn văn nghệ đã tác động tâm lý kiều bào, tiếp trợ cho cái thế của 2 phái đoàn Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại Hòa Đàm Ba Lê.
Do tình hình như thế, nên Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa lúc ấy đã quyết định cho cải lương sang Pháp, và đoàn Thanh Minh Thanh Nga được chọn. Thế là nước Pháp được coi như bãi chiến trường của văn nghệ của hai miền Nam Bắc Việt Nam. Đào kép cải lương dù muốn dù không cũng trở thành chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Như vậy, Hòa Đàm Paris ngoài việc trực tiếp ảnh hưởng đến vận mạng đất nước, nhưng cũng ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động cải lương.
Ở đây, trong phạm vi chương trình cổ nhạc, tôi không bàn thêm về cuộc chiến văn nghệ của 2 miền Nam Bắc nói trên, mà chỉ nói về nội tình của đoàn Thanh Minh Thanh Nga trong cuộc đi lưu diễn bên trời Âu lúc bấy giờ. Và do yếu tố nào mà đoàn Thanh Minh Thanh Nga được chọn đi?
Bộ Thông Tin là cơ quan trách nhiệm trong việc gởi đoàn cải lương đi Pháp, và Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thông Tin lúc đó là ông Phạm Duy Lân đã trình lên chính phủ, thực lực cùng sắc thái của các đoàn hát đang hoạt động tại Thủ Đô Sài Gòn. Có ba đoàn cải lương được đưa lên bàn mổ là Kim Chung, Dạ Lý Hương và Thanh Minh Thanh Nga.
Đoàn Kim Chung của ông Bầu Long giàu nhứt, coi như có đầy đủ phương tiện nếu như đoàn hoạt động bên Tây (ông Bầu Long có nhà cửa, con cái ở Pháp), nhưng Kim Chung bị loại do bởi chỉ hát tuồng "hương xa" tuy ăn khách, nhưng cốt chuyện từ đâu đâu chẳng nói lên ý nghĩa gì hết. Kế đến là đoàn Dạ Lý Hương cũng bị loại, do bởi lúc đó chẳng có tuồng tích gì đặc sắc, thành ra ông Bầu Xuân dù là nhà tư bản, là giám đốc công ty xuất nhập cảng vẫn bị loại.
Thế là đoàn Thanh Minh Thanh Nga dù đang yếu thế, bà Bầu Thơ luôn mang nợ lại được chọn đi Tây nhờ hai yếu tố: Thứ nhất là đoàn có thành tích hát tuồng xã hội như Nửa Đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Tấm Lòng Của Biển... là những tuồng phản ảnh thực tế xã hội, mang nhiều ý nghĩa xây dựng mà tình tiết lại hấp dẫn, dễ lôi cuốn khán giả.
Yếu tố thứ hai là thành phần nghệ sĩ, Út Trà Ôn là đệ nhứt danh ca, là vua vọng cổ, giọng ca Út Trà Ôn đã làm say mê hàng triệu người nghe. Kiều bào ta ở bên Tây có những ra đi từ thời Nam Kỳ còn là thuộc địa của Pháp. Sau chiến tranh Đông Dương một số đông hơn cũng đã được rước sang Pháp định cư luôn cho đến sau này, thành thử ra cái tên Út Trà Ôn rất quen thuộc với họ. Còn như những lớp nghệ sĩ trẻ nổi tiếng sau này như Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương v.v... thì lại rất xa lạ với kiều bào. Do đó mà đoàn Thanh Minh Thanh Nga đến Paris rất được người Việt ở đây hoan nghinh.
Kế đến là Hữu Phước cũng là nghệ sĩ hữu danh, và với vai trò Cậu Tư Kiên đầu tóc bới kiểu mấy ông già ở Lục Tỉnh, cộng với bộ đồ bà ba đen sẽ xuất hiện trong tuồng Con Gái Chị Hằng, chắc chắn sẽ đem lại cho kiều bào một hình ảnh quê hương đặc biệt. Ngoài ra Hữu Phước lại có quốc tịch Pháp, dân pháp mà về Tây thì quá hợp tình hợp lý. Về phía bên đào thì Thanh Nga được coi như là nữ nghệ sĩ có nhiều người ái mộ, được cảm tình nhứt đối với khán giả, và Ngọc Giàu cũng là nữ nghệ sĩ từng đoạt giải Thanh Tâm 1960 cùng một năm với Bích Sơn.
Xuất ngoại khó khăn
Trong danh sách đoàn Thanh Minh Thanh Nga đi Tây có trên 20 người, tính luôn vừa bầu gánh, vừa đào kép, nhạc sĩ, soạn giả. Cũng cần nói thêm vào thời điểm đó việc xuất ngoại rất khó khăn, nhứt là nam giới, hồ sơ xuất ngoại trước khi được cấp pasport phải gởi qua Nha Động Viên Bộ Quốc Phòng duyệt xét xem người xin đi có hợp lệ quân dịch hay không. Theo danh sách của đoàn Thanh Minh thì người ta thấy Út Trà Ôn đã ngoài tuổi bị chi phối bởi luật tổng động viên. Còn Hữu Phước thì quá "hợp lệ quân dịch", bởi trên giấy tờ anh là dân Pháp. Lúc ấy nghệ sĩ Năm Châu nói rằng đối với phần đông nghệ sĩ thì gọi là xuất ngoại, nhưng riêng Hữu Phước thì phải nói là... về nước mới đúng.
Chuẩn bị cho chuyến xuất ngoại, trước tiên nhà tiền đạo Nguyễn Văn Quận đi trước sang Ba Lê để nghiên cứu về thiên thời, địa lợi, nhân hòa và tiếp đến là Thanh Nga sang ký hợp đồng trình diễn 12 đêm tại hai rạp Maubert Mutualité và Fleyel. Tất cả 12 đêm hát đều được mua giàn, vé bán tại các tiệm cơm Việt Nam trong khu Quartier Latin ở Paris. Đó là chính thức trên giấy tờ, chớ thời gian còn lại đoàn đi diễn nhiều nơi khác, đúng 2 tháng mới về nước, và ký hợp đồng xong Thanh Nga về Sài Gòn để cùng với đoàn sang Ba Lê một lượt.
Trong lúc cải lương chết lên chết xuống, mà Thanh Nga mang tờ hợp đồng nói trên về chẳng khác nào liều thuốc hồi sinh cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Lúc ấy nhiều người đã cho rằng Thanh Nga có "chơn mạng" giúp cho đoàn hát nhà tiếp tục sống, chớ theo sự đồn đãi thì lúc đó bà Bầu Thơ có ý định cho rã gánh, do bởi đang mang nợ quá nhiều. Cũng như chịu không nổi với cái lệnh giới nghiêm ban đêm, hát xướng thế nào được.
Với tư cách Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thông Tin phụ trách vấn đề, ông Đổng Lân đã trình lên chính phủ rằng việc đi Tây của đoàn Thanh Minh Thanh Nga ngoài việc hành nghề, kinh doanh nghệ thuật, còn là "công tác kiều vận", do vậy ông trình xin ngân sách quốc gia tài trợ cho đoàn chi phí di chuyển, ăn ở trong thời gian công tác. Được chuẩn thuận, số tiền tài trợ được đưa sang Viện Hối Đoái Quốc Gia đổi thành đồng phật lăng của Pháp.
Riêng con số hơn 20 người được đi thì người nào cũng được đổi một số ngoại tệ với hối xuất chính thức, khiến cho đào kép ai nấy mừng vui ra mặt bởi được gấp đôi. Thí dụ hối xuất chính thức 35 đồng Việt Nam đổi một đô la, còn hối xuất tự do thì phải 72 đồng đổi một đô la. Đa số nghệ sĩ xuất ngoại dù được đổi tiền nhưng chẳng mấy người mang đi, bởi sang bên đó tiền lương hát được trả bằng tiền France của Pháp. Vậy mà khi về nước va li của người nào cũng nặng trỉu đồ vật, máy móc, mỹ phẩm không phải chịu thuế.
Qua sự việc trên thiên hạ nói rằng tổ nghiệp cải lương ưu đải ai thì nấy nhờ, người được đi thì mừng vui hớn hở, có dịp đi du lịch nước ngoài, lại có tiền mua sắm. Còn kẻ không được đi thì buồn tủi, than thân trách phận, có người than thở gần như muốn vô vọng cổ vậy. Lúc đó ai cũng tiếc cho kép Thành Được, bởi anh rời gánh Thanh Minh Thanh Nga chẳng bao lâu thì đoàn được chọn đi Tây, thành ra không còn dịp hát đóng cặp với Thanh Nga, lại vừa mất một dịp bằng vàng ngàn năm một thuở mới có.
Vấn đề đi Tây của đoàn Thanh Minh Thanh Nga có ba mối lợi ngó thấy. Thứ nhất là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không cần phải sử dụng chuyên viên chiến tranh chính trị gì hết, các đào kép cải lương lúc ấy coi như làm công tác tâm lý chiến.
Mối lợi thứ hai là bà Bầu Thơ có tiền trang trải nợ nần, để cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga sống thêm một thời gian nữa, đến năm 1972 mới thực sự rã gánh. Còn mối lợi thứ ba là giúp cho ông Đổng Lân có được vợ đẹp tài sắc, tên tuổi. Ai cũng biết trong thời gian bà Bầu Thơ lo thủ tục xuất ngoại thì mọi thứ đều một tay ông Đổng Lân lo, bà nằm nhà không phải đến cơ quan nào hết mà vẫn đủ giấy tờ xuất ngoại.
Cũng nhờ hết lòng giúp đỡ đoàn Thanh Minh Thanh Nga trong chuyến đi Tây nên sau ngày đoàn về nước, ông Đổng Lân lui tới nhà bà Bầu Thơ mỗi ngày và cuối cùng thì làm chủ được trái tim người đẹp Thanh Nga. Kể từ đó Đổng Lân luôn đi sát Thanh Nga như hình với bóng, cho đến một ngày nọ thì về bên kia thế giới cùng một ngày, một giờ với Thanh Nga.
Người xưa có câu "sống thì đồng tịch đồng sàn, thác thì đồng quan đồng quách", câu này rất đúng với Đổng Lân, bởi trong đám tang dù hai chiếc quan tài, người ta chỉ dùng chung một lư hương. Ban tổ chức đám tang sợ rằng nếu 2 lư hương trước 2 quan tài thì người ta chỉ đốt nhang lư hương của Thanh Nga mà thôi). Và an táng tại Nghĩa Trang Nghệ Sĩ Gò Vấp, ông Đổng Lân cũng nằm cạnh Thanh Nga trong ngôi mộ song phần.
Hoạt động cổ nhạc ở hải ngoại
Hiện nay ở miền Nam California, Hoa Kỳ đang có cuộc thi cổ nhạc với tên Giải Phụng Hoàng, và thể lệ đã được phổ biến rộng rãi trên nhiều hệ thống truyền thông: Radio, truyền hình, báo chí.
Theo tinh thần thông báo thể lệ cuộc thi thì tất cả những người Việt từ 18 tuổi trở lên biết ca cổ nhạc, không phân biệt nam nữ, dù mang quốc tịch nào, cư ngụ tại quốc gia nào trên thế giới cũng đều được ghi danh dự thi.
Những người tuy không phải là người Việt, hoặc lai hai dòng máu, nhưng lại nói thông thạo tiếng Việt, đọc và viết rành Việt ngữ thì cũng được tham dự như người Việt chính thống.
Thí sinh tự chọn bài ca gồm 2 câu vọng cổ, 1 bản vắn và phải qua 3 vòng thi: Sơ Khảo, Phúc Khảo và Chung Kết. Về giải thưởng thì thí sinh về nhứt, nhì và ba sẽ được Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại cấp phát văn bằng, kèm huy chương vàng cho giải nhứt và huy chương bạc cho giải nhì. Phần thưởng hiện kim tùy theo mạnh thường quân bảo trợ sẽ có thông báo sau.
Cũng theo tinh thẩn thông báo thì đây là cuộc thi có quy cũ, thí sinh được chấm điểm bởi một Ban Giám Khảo được thành lập dựa theo tiêu chuẩn thành lập Ban Tuyển Chọn Giải Thanh Tâm ngày xưa ở trong nước. Đồng thời một Hội Đồng Giám Sát Thi Cử được thành lập với sự tham gia của quí vị nhân sĩ có uy tín trong cộng đồng.