“Phe” Nước mắt

Hành động theo con tim mách bảo

Tôi sinh ra trong một gia đình công chức ở Hà Nội vào đúng năm 1975 - Cái năm được ông Võ Văn Kiệt "đánh dấu" bằng câu nói: "Chúng ta có triệu người vui, mà cũng có triệu người buồn". Vết thương trong lòng người Việt cứ day dứt như thế trong suốt cả gần 40 năm cuộc đời tôi từ tấm bé đến tận bây giờ. Ngày nhỏ, tôi đã chứng kiến đủ cả những màn pháo hoa mừng thắng trận mỗi năm, cũng như cảnh những người họ hàng lặn lội từ miền Nam ra Bắc, đến ở nhờ gia đình tôi để đi thăm chồng cải tạo. Bé quá, chả biết được rồi sau này những cảnh đã thấy đó chính là nỗi đau của dân tộc...

Hồi đó, cả nhà tôi chỉ có một cái loa truyền thanh bọc vải hoa bé tý tẹo treo trên tường, cứ đến bốn giờ chiều là lại ré lên: "Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về... " - Thế là biết đã đến giờ vo gạo thổi cơm. Thế hệ tôi lớn lên hoàn toàn "Đỏ". Chúng tôi chỉ biết đến ném bom rải thảm Khâm Thiên, em bé Napal, chất độc da cam... mà chẳng hề hay có những đồng bào đã bỏ mạng tức tưởi trên biển. Tình cảm, nhận thức đến từ những điều mình thấy, mình nghe nó tự nhiên thế thôi, chẳng ai thắc mắc gì. Mà có điều gì khó lý giải quá thì sẵn có đế quốc Mỹ xâm lược đấy... cứ đổ lên đầu chúng là ai cũng yên lòng mà sống tiếp. Cái tâm thế được - thua, ta - địch phải mãi những năm sau này, qua nhiều luồng tin của phương tiện truyền thông trên internet mới gột tẩy khỏi đầu tôi những điều ngớ ngẩn đó...

Người Việt dù sinh ra trong bất cứ chế độ nào, rồi cuối cùng ai cũng thấy chỉ có nhân dân là bên thua cuộc. Sở dĩ đến bây giờ người dân đã nhận thức được điều đó bởi liên tục bao năm nay, đã có biết bao nhiêu lớp người liên tục đấu tranh, liên tục cống hiến cuộc đời mình vì lý tưởng đổi mới và xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và tôn trọng những giá trị phổ quát của nhân loại. Tôi có dính dáng ít nhiều đến các hoạt động đấu tranh trong nước, bị bắt bớ sách nhiễu đôi lần, nhưng có may mắn là chưa bao giờ chịu cảnh truy nã, tù đày. Nhìn những người bạn đấu tranh quanh mình, nay đang phải giam mình sau song sắt như anh Lê Quốc Quân hay anh em Đinh Nhật Uy, Đinh Nguyên Kha... tôi thấy mình còn quá hạnh phúc.

Luật sư Lê Quốc Quân (giữa) cùng những người nông dân biểu tình chống trưng thu đất đai tại Hà Nội tháng 8/2012. AFP photo
Luật sư Lê Quốc Quân (giữa) cùng những người nông dân biểu tình chống trưng thu đất đai tại Hà Nội tháng 8/2012. AFP photo (Luật sư Lê Quốc Quân (giữa) cùng những người nông dân biểu tình chống trưng thu đất đai tại Hà Nội tháng 8/2012. AFP photo)

Anh em cậu Uy - Kha thì còn quá trẻ, còn nhiều cơ hội, nhưng anh Quân mới là điều đáng nói. Chuyện vụ án anh Quân thế nào, cả tháng nay các phương tiện truyền thông đều có nhắc cả. Tôi biết, nhiều người tự hỏi động lực ghê gớm nào khiến anh ấy bỏ qua mọi hiểm nguy, dám bỏ mình để đương đầu với cái ác. Mỗi con người ai cũng có gia đình, có bạn bè, có những điều quý giá không thể mất... Bỏ những điều ấy để đi vào con đường lửa, chấp nhận ngồi sau song sắt lạnh, ai cũng thương anh ấy!

Người đời có câu: "Phù thịnh, chứ không ai phù suy". Không biết sao tôi chỉ muốn làm ngược lại, chỉ muốn bênh vực những người yếu thế. Bức ảnh này được chụp đúng 1 tuần sau ngày anh Quân bị bắt. Đó là một ngày cuối năm 2012. Hôm ấy trời lạnh lắm. Chúng tôi chỉ có khoảng chục người đến thăm nhà anh Quân, người thì vừa ra tù, người thì cũng bị bắt nhốt liên tục, bị theo dõi dài ngày vì những vụ án chính trị mà chính quyền tưởng tượng ra. Cả một gia đình chỉ còn toàn đàn bà và trẻ con tiếp đón chúng tôi. Nhìn giọt nước mắt của chị Hiền vợ anh Quân nghẹn ngào, nhưng sung sướng vì có người đến sẻ chia lúc hoạn nạn... chẳng ai cầm lòng được.

Cuộc sống vốn hết sức phức tạp. Thú thực tôi cũng không biết hết những việc anh Quân đã làm, và cũng có nhiều ý kiến chê trách anh ấy dại quá, liều quá, lộ liễu quá... Nhưng có lẽ, điều rõ nét nhất chính là cái án quá bất công cho mấy trăm triệu tiền trốn thuế, vốn là cái cớ mà chính quyền khó mà chứng minh được. Và, cũng chẳng ai biết liệu cái án anh Quân đang phải chịu bây giờ, lúc thi hành xong sẽ có một cái án khác như anh Điếu Cày hay không?...

Còn biết bao nhiêu những trường hợp như anh Quân, như Uy, Kha... đang trong nhà tù nhỏ? Còn biết bao nhiêu cảnh đời khốn khó của những người tranh đấu ở nhà tù lớn ngoài kia? Tôi cũng như bạn, chẳng thể nào đếm hết được. Tôi chỉ biết hành động những gì con tim mình mách bảo. Dù thế nào tôi cũng đứng về "phe" nước mắt!

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA