Khi kêu gọi các đảng viên cộng sản “tuyên bố tập thể ra khỏi Ðảng”, hai ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận có nêu vấn đề “thành lập Đảng dân chủ-xã hội”, nên chúng tôi muốn nói rõ thêm về chủ nghĩa xã hội-dân chủ.
Chủ nghĩa xã hội – dân chủ
Trước hết, xin nói về từ ngữ. Theo tôi, từ ngữ “xã hội-dân chủ” phản ánh đúng thực chất của chủ nghĩa xã hội-dân chủ hơn là từ ngữ “dân chủ-xã hội”. Vì sao? Vì cơ sở tư tưởng của phong trào “xã hội-dân chủ” là học thuyết về chủ nghĩa xã hội, mà thứ chủ nghĩa xã hội đó là chủ nghĩa xã hội dân chủ; nó khác hẳn thứ chủ nghĩa xã hội chuyên chính vô sản, chủ nghĩa xã hội độc tài, tức là thứ chủ nghĩa xã hội của người cộng sản.
Từ ngữ chủ nghĩa xã hội-dân chủ lần đầu tiên được nhà văn Anh Bernard Shaw dùng năm 1888. Sau này, tại Đại hội thành lập Quốc tế Xã hội chủ nghĩa (gọi tắt là Quốc tế Xã hội - SI) tại Frankfurt năm 1951, từ ngữ này đã được chính thức sử dụng. Qua những bước thăng trầm, ngày nay Quốc tế Xã hội đã lớn mạnh, đến năm 1999 đã có 143 đảng gia nhập. Những người cộng sản nước ta biết đến chủ nghĩa xã hội-dân chủ và các Đảng Xã hội-Dân chủ, chủ yếu qua những bài mạt sát thậm tệ của Lenin, Stalin và những người CS khác... đối với các lãnh tụ của phong trào này, như Ferdinand Lassalle, Karl Kautsky, Eduard Bernstein, v.v.... Các đảng viên CSVN vì bị bưng bít trên 70 năm trời, chỉ được nghe duy nhất một tiếng nói của Lenin, Stalin... không hề được tiếp cận các nguồn tư liệu khác, nên thường có lắm điều ngộ nhận.
Các Đảng Xã hội-Dân chủ châu Âu phần nhiều chịu ảnh hưởng của Ferdinand Lassalle (1825–1864), người sáng lập ra Đảng Xã hội-Dân chủ Đức hồi năm 1863 và là chủ tịch đầu tiên của đảng. Mãi 26 năm sau khi Đảng Xã hội-Dân chủ Đức ra đời, Friedrich Engels và một số người khác mới thành lập Quốc tế Xã hội chủ nghĩa, còn gọi là Quốc tế II. Quốc tế này thu hút các Đảng Xã hội chủ nghĩa, trong đó có Đảng Xã hội-Dân chủ Đức. Trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trong hàng ngũ Quốc tế II có nhiều phái khác nhau, trái nhau về quan điểm và đường lối. Đến năm 1914 vì không thống nhất được với nhau về chiến lược cũng như phương thức đấu tranh nên Quốc tế II phải giải tán.
Trong phong trào xã hội-dân chủ có một phái nhỏ những người theo chủ nghĩa Marx, chủ trương cách mạng bạo lực giành chính quyền, đập tan bộ máy nhà nước cũ, thiết lập chuyên chính vô sản để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là Vladimir Lenin, Rosa Luxemburg, Karl Liebknecht... Về sau những người này tách ra thành lập Đảng Cộng sản. Lenin và những người CS căm ghét các lãnh tụ và đảng viên các Đảng Xã hội-Dân chủ, mạt sát họ tàn tệ, còn khi nắm được chính quyền ở Nga thì thẳng tay đàn áp, thậm chí tiêu diệt họ về thể xác.
Các phái khác trong phong trào xã hội-dân chủ thì ôn hòa hơn, họ chủ trương xét lại chủ nghĩa Marx, từ bỏ con đường bạo lực cách mạng, phủ nhận chuyên chính vô sản, v.v... như Karl Kautsky, Eduard Bernstein, Rudolf Hilferding, Friedrich Adler... Những người này chú trọng công bằng xã hội, chủ trương quốc hữu hóa những xí nghiệp quan trọng về chiến lược, nhà nước can thiệp vào kinh tế, đối tác xã hội giữa những người lao động và những người thuê nhân công, xây dựng một xã hội dân chủ đa nguyên về tư tưởng, đa đảng về chính trị, dựa vào những nguyên tắc tự do và tình huynh đệ, bảo đảm triệt để quyền con người, bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người lao động – không chỉ giai cấp công nhân, mà cả giới trí thức, nông dân, các trại chủ và tầng lớp trung gian, kể cả các doanh nhân nhỏ và vừa. Họ cho rằng điều kiện quan trọng nhất để xác lập chủ nghĩa xã hội đúng thực chất là thực hiện nền dân chủ chân chính trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội.
Dân chủ chính trị phải bảo đảm cho người dân mọi quyền và quyền tự do của công dân, bảo đảm tính đa đảng, chế độ nghị trường, quyền phổ thông bầu cử, thượng tôn luật pháp và sự tham gia thực sự của người dân vào việc điều hành công việc xã hội.
Dân chủ kinh tế nhằm chống lại sự tập trung quyền lực kinh tế vào tay một thiểu số, để mỗi người đều có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và phân phối. Vì thế dân chủ kinh tế phải nhằm xây dựng một hệ thống kinh tế đảm bảo được việc sử dụng nguồn tài nguyên xã hội cho lợi ích của mọi người. Theo quan niệm của những người xã hội-dân chủ, quyền lực kinh tế trong xã hội không thuộc những người nắm phương tiện sản xuất, mà thuộc về những người điều hành chúng. Vì vậy áp dụng dân chủ kinh tế phải được bảo đảm không phải bằng việc tước đoạt sở hữu của những người chủ xí nghiệp, mà bằng cách làm cho đông đảo người lao động tham gia ngày càng nhiều vào việc điều hành doanh nghiệp, cả ở các xí nghiệp riêng lẻ (qua các hội đồng sản xuất, kiểm tra lượng người làm, việc trả công lao động và điều kiện lao động, hợp đồng tập thể giữa người lao động và chủ các xí nghiệp), cũng như trong phạm vi toàn xã hội (qua việc thành lập các cơ quan đối tác xã hội giữa người lao động và các nhà kinh doanh, việc mở rộng lĩnh vực sở hữu của thị chính, của hợp tác xã, của nghiệp đoàn, v.v...). Trước đây, những người xã hội-dân chủ chủ trương quốc hữu hóa và kế hoạch hóa, ngày nay, họ nhấn mạnh vai trò của thị trường, nhưng vai trò này phải được nhà nước điều tiết. Còn nhà nước phải khá “ôn hòa” và không được gây trở ngại cho sáng kiến riêng của cá nhân.
Dân chủ xã hội là mục tiêu cuối cùng của những người xã hội-dân chủ, nó nhằm bảo đảm mọi quyền lợi xã hội của người lao động (các quyền lao động, học vấn, nghỉ ngơi, trị bệnh, nhà ở, bảo đảm xã hội), cũng như phải xóa bỏ mọi hình thức áp bức, kỳ thị, người bóc lột người, bảo đảm các điều kiện để cho sự phát triển tự do của mỗi cá nhân.
Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội-dân chủ phải đạt tới bằng nhưng phương tiện hòa bình và dân chủ, bằng sự tiến hóa dần dần của xã hội, nhờ những cải cách, nhờ sự hợp tác giữa các giai cấp, dựa trên sự ủng hộ của nhà nước dân chủ.
Những điều trình bày trên đây về chủ nghĩa xã hội-dân chủ không chỉ là lý thuyết mà đã được thực hiện hàng chục năm rồi trong thực tiễn ở nhiều nước châu Âu, đặc biệt ở Bắc Âu, như ở Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan; những nơi đó tự do dân chủ được đảm bảo tuyệt đối, xã hội rất trong sạch, hầu như vắng bóng nạn tham nhũng, nên chất lượng đời sống của người dân rất cao. Một vài nước châu Âu, như Đức, Pháp, Anh..., châu Mỹ, như Canada, châu Úc, như nước Australia cũng đã đạt được nhiều thành tựu của chủ nghĩa xã hội-dân chủ. Còn tình trạng các nước do các ĐCS đi theo con đường của chủ nghĩa Marx-Lenin, nhân dân bị thống trị bi đát như thế nào, tưởng không cần phải nói.
Nói đến những nhân vật đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn ở nước ta ít nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội-dân chủ thì tôi rất đồng tình với hai ông Hà Sĩ Phu và Mai Thái Lĩnh, là trước tiên phải nói đến nhà chí sĩ Phan Châu Trinh (1872-1926). Cụ là một nhà dân chủ Việt Nam không kêu gọi bạo lực, không có đầu óc chuyên chính. Người thứ hai chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội-dân chủ là Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ (1920-1947). Ông đã sáng lập ra Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng (ngày 21.09.1946), gọi tắt là Đảng Dân Xã. Đảng này theo nguyên tắc "chủ quyền ở nơi toàn thể nhân dân", chủ trương "toàn dân chánh trị" và "chống độc tài bất cứ hình thức nào". Nét độc đáo của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ là tư tưởng xã hội-dân chủ hòa quyện với giáo lý đức Phật.
Chúng tôi viết nhiều về chủ nghĩa xã hội-dân chủ, mà ít nói đến Đảng Xã hội-Dân chủ, vì nghĩ rằng, phấn đấu để thực hiện chủ nghĩa xã hội-dân chủ, không chỉ có các Đảng Xã hội-Dân chủ. Đảng của những người xã hội-dân chủ còn có thể mang nhiều tên khác, như Đảng Lao động, Đảng Công nhân, Đảng Công bằng, Đảng Chính Nghĩa, v.v... Cái tên đảng không phải là quan trọng, cái chính, cái thực chất là cương lĩnh, là mục tiêu đấu tranh của đảng, tức là chủ nghĩa xã hội-dân chủ đích thực. Chúng tôi nhấn mạnh chữ “đích thực”, vì trên đời này, khi có những thứ tốt thuộc “hàng chính hiệu” thì thường cũng xuất hiện nhiều “hàng giả”, “hàng nhái”. Điều này dễ thấy ở một vài nước CS gọi là “xã hội chủ nghĩa”: Khi “hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới” bị sụp đổ hồi cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ trước thì ban lãnh đạo một vài ĐCS vội vàng thay đổi nhãn hiệu, đổi tên đảng thành Đảng Xã hội-Dân chủ, Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ, và tuyên bố theo chủ nghĩa xã hội-dân chủ, chỉ cốt để bảo vệ quyền lực của giai cấp cầm quyền cũ, chứ thực ra họ vẫn giữ thực chất CS. Đó là một thực tế, các chiến sĩ dân chủ cần cảnh giác.
Viết đến đây, chúng tôi không thể không nhắc đến ý kiến của Giáo sư Phan Đình Diệu, một trong những nhà trí thức khả kính. Ý kiến của ông như thế này: “Tôi hy vọng là Đảng (cộng sản) sẽ tự biến đổi thàng Đảng xã hội dân chủ để lãnh đạo nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa dân chủ, như vậy thì cả vấn đề giữ quyền lãnh đạo cho Đảng (cộng sản) và tạo ra một nền dân chủ của xã hội đều được giải quyết một cách trọn vẹn, và do đó, nước ta sẽ sớm thực hiện được mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, hội nhập vào quốc tế.” Giáo sư Tiến sĩ Phan Đình Diệu giỏi về toán học, ông là người khảng khái, chính trực, nhưng chưa chắc ông đã giỏi về chính trị học. Bài toán khó khăn của Đất nước mà Tiến sĩ giải cách này, chúng tôi tin chắc rằng “đáp số” sẽ làm ông thất vọng nặng nề!
Nhân tiện, cũng xin nói thêm điều này: hiện nay ở Việt Nam, có những nhân sĩ, trí thức... đề nghị đổi tên ĐCSVN thành Đảng Lao động Việt Nam, đổi tên nước CHXHCNVN thành Cộng hòa Dân chủ Việt Nam, tưởng như vậy thì tình hình VN sẽ thay đổi hẳn, mọi sự sẽ tốt lên. Về chuyện đổi tên, kẻ viết bài này có học được một bài học rất thấm thía do Chủ tịch Đảng Hồ Chí Minh dạy cho. Xin chia sẻ cùng các bạn: Năm 1950, chúng tôi được triệu tập đến căn cứ địa của Trung Ương để tham dự cuộc họp chuẩn bị cho việc đổi tên ĐCS tại Đại hội Đảng năm 1951. Cụ Hồ bước lên bục giảng giải đáp thắc mắc cho khoảng ba trăm cán bộ cao cấp và trung cấp đến họp. Cụ mở nắp hộp thuốc lá thơm của cụ nhãn hiệu CRAVEN A. Giơ cao nắp hộp phía có chữ CRAVEN A lên trước mặt chúng tôi, cụ lớn tiếng nói: “Đây là ĐCS”, rồi cụ xoay nắp hộp mặt trái phía trong không có chữ, đưa lên và nói tiếp: “Đây là Đảng Lao động”. Rồi cụ thủng thẳng hỏi: “Đã rõ chưa? Có khác nhau gì không?” Cả hội trường ầm vang tiếng đáp: “Rõ rồi ạ! Dạ, không khác nhau gì cả!”.
Đúng là bài học nhớ đời! Dưới thời ĐLĐVN cũng như dưới thời ĐCSVN, dưới thời VNDCCH cũng như dưới thời CHXHCNVN, mọi tầng lớp nhân dân đều phải chịu biết bao thảm kịch! Lẽ nào các nhà trí thức, các nhân sĩ và toàn dân ta không thấy hay sao?
Cần có một tư duy đúng
Chúng tôi đánh giá cao tâm nguyện của Luật gia Lê Hiếu Đằng và nhà báo Hồ Ngọc Nhuận, khi hai ông kêu gọi các đảng viên cộng sản hãy “tuyên bố tập thể ra khỏi Ðảng và thành lập một Ðảng mới”, Đảng Xã hội-Dân chủ. Lời kêu gọi xây dựng một chế độ dân chủ đa đảng, đa nguyên và kêu gọi thành lập một Đảng Xã hội-dân chủ đáng trân trọng. Có người còn cho đó là “bản tuyên ngôn về con đường nhất thiết phải đi...” mặc dù đó chỉ là một lời kêu gọi thôi, không có cương lĩnh, mục tiêu, chương trình gì cụ thể cả.
Thật ra, lời kêu gọi đó của hai ông không có gì mới. Khi nói đến “tuyên ngôn”, thiết tưởng cần phải nhắc lại để mọi người nhớ: Cách đây trên 7 năm, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào dân chủ nước ta, đã từng có một bản tuyên ngôn của 118 công dân ở trong nước (xin nhấn mạnh ba chữ ở trong nước) khao khát tự do dân chủ được công bố công khai ngày 08.04.2006. Đó là “Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006” (còn gọi là Tuyên ngôn 8406). Tuyên ngôn đó đã nói rất rõ ràng và mạnh mẽ về mục tiêu đấu tranh cho một chế độ dân chủ đa nguyên, đa đảng, mục tiêu đấu tranh cho mọi quyền tự do, dân chủ. Tuyên ngôn đó, được trên 5000 người Việt Nam trong và ngoài nước công khai ký tên, và được 140 chính khách quốc tế bảo trợ, trong đó có cố Tổng thống Vaclav Havel.
Tuyên ngôn 8406 vạch rõ rằng, sau khi cướp được chính quyền, ĐCS đã thủ tiêu quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam, đã chà đạp thô bạo tất cả những quyền thiêng liêng về tự do, dân chủ, cũng như quyền được sống yên bình và mưu cầu hạnh phúc. Tuyên ngôn 8406 nhận định rằng, vì "lấy chủ nghĩa Mác-Ăng-ghen-Lênin-Xtalin và tư tưởng Mao Trạch Đông, kết hợp với thực tiễn Việt Nam làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng" nên ĐCS đưa "bóng ma của chủ nghĩa cộng sản đã luôn đè ám lên đầu, lên cổ toàn Dân Việt Nam", ... "đã triệt tiêu hầu hết những quyền con người của Nhân dân Việt Nam. Và hôm nay, nó vẫn đang tạm đô hộ, chiếm đóng lên cả hai mặt tinh thần và thể chất của toàn Dân tộc Việt Nam". Tuyên ngôn 8406 nói rõ " Mục tiêu cao nhất trong cuộc đấu tranh giành tự do, dân chủ cho Dân tộc hôm nay là làm cho thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay phải bị thay thế triệt để, chứ không phải được "đổi mới" từng phần hay điều chỉnh vặt vãnh như đang xảy ra. Cụ thể là phải chuyển từ thể chế chính trị nhất nguyên, độc đảng, không có cạnh tranh trên chính trường hiện nay, sang thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng, có cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với những đòi hỏi chính đáng của Đất nước, trong đó hệ thống tam quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp phải được phân lập rõ ràng, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và trải nghiệm của Nhân loại qua những nền dân chủ đắt giá và đầy thành tựu. " Còn " Mục tiêu cụ thể là thiết lập lại các quyền cơ bản của toàn Dân sau đây: Quyền Tự do Thông tin Ngôn luận ...", " Quyền Tự do hội họp, lập hội, lập đảng, bầu cử và ứng cử... ", " Quyền Tự do hoạt động Công đoàn độc lập và Quyền Đình công chính đáng... ", " Quyền Tự do Tôn giáo... ". Tuyên ngôn 8406 tuyên bố rõ ràng " Phương pháp của cuộc đấu tranh này là hòa bình, bất bạo động..." (các chữ in đậm trong các ngoặc kép là theo đúng nguyên bản).
Chúng tôi nghĩ rằng Tuyên ngôn 8406 này rất xứng đáng làm bảng chỉ đường cho phong trào đấu tranh giành Tự do, Dân chủ ở nước ta. Chính vì đấu tranh cho một Cương lĩnh đúng đắn như vậy, nên đến nay dù bị khủng bố rất ác liệt, hàng trăm chiến sĩ dân chủ của Khối 8406 đã bị truy bức, sách nhiễu, đàn áp hết sức tàn bạo, bị tống vào tù ngục CS, bị quản chế tại nhà, nhưng phong trào dân chủ vẫn được duy trì và ngày càng phát triển. Cho đến nay đã có 190 thành viên của Khối 8406 là nạn nhân của sự đàn áp như vậy, trong số đó 65 chiến sĩ dân chủ bị lãnh án tù giam từ 7 năm trở lên! Rất nhiều chiến sĩ của Khối 8406 đã nêu gương đấu tranh kiên cường trong nhà tù. Chúng tôi không thể nêu hết tên của họ, vì sợ chiếm nhiều chỗ trong bài.
Cũng cần nói thêm, Khối 8406 còn đề ra "Cương lĩnh Khối 8406" và công bố "Tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam gồm 4 giai đoạn & 8 bước". Khối 8406 đã phát hành tờ bán nguyệt san "Tự Do Ngôn Luận", vừa là báo mạng vừa là báo giấy có 32 trang A4 để vận động cho tự do dân chủ, chống chế độ độc tài toàn trị. Từ ngày 15.04.2006 đến ngày 01.09.2013, bán nguyệt san không xin phép này đã ra được 178 số. Khối 8406 còn thường xuyên ra những lời tuyên bố, những lời kêu gọi, những nhận định, những kháng thư... để hướng dẫn dư luận, phản đối nhà cầm quyền và động viên đại chúng đấu tranh.
Chúng tôi nghĩ rằng cần phải nói những điều này để mọi người nhìn thấy rõ những thành tựu đã có, không vì những hiện tượng mới bộc phát mà che lấp những thành tựu đã thực hiện được bằng nỗ lực, bằng xương máu, nước mắt và mồ hôi của hàng trăm, hàng nghìn người!
Khi đọc kỹ những bài viết và bài nói (trả lời phỏng vấn) của Luật gia Lê Hiếu Đằng và nhà báo Hồ Ngọc Nhuận, chúng tôi không thể không nói đến tính hời hợt, thô thiển, chưa chín chắn của những lập luận của hai ông.
Nhiều người có nhận xét về điều ông Lê Hiếu Đằng đã cho biết: "Nằm trong bệnh viện... tôi đã suy nghĩ, đọc một số bài báo rồi các nhà văn, nhất là những nhà văn quân đội như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu" rồi ông mới "thấy sự bi thảm của thân phận con người trong cái gọi là CNXH ở miền Bắc, một xã hội không có bóng người", ông chuyển biến tư tưởng và hạ bút viết bài "Suy nghĩ trong nh ững ngày nằm b ị nh". Người đọc có thể nghĩ rằng sự hiểu biết của ông Lê Hiếu Đằng như thế là chưa sâu sắc. Nhưng dẫu sao tôi cũng mong rằng nhận thức của ông Đằng còn chín chắn hơn nhiều so với cái "hiểu loáng thoáng" của ông Nguyễn Tất Thành1 hồi năm 1920, khi ông này nhảy từ Đảng Xã hội Pháp sang Quốc tế III; mà vì cú nhảy đó Đất nước và Dân tộc Việt Nam đã và đang chịu biết bao tai họa! Chuyện ông Lê Hiếu Đằng chuyển từ ĐCS sang cổ động cho Đảng Xã hội-Dân chủ làm ta nhớ đến "cú nhích chân" (cụm từ của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu) của ông Nguyễn Tất Thành mà Tiến sĩ đã nhắc đến trong bài "Xưa nhích chân đi, giờ nhích chân lại" bước từ Đảng Xã hội Pháp sang Quốc tế III của Lenin, chỉ vì ông Nguyễn Tất Thànhthấy "Đệ Tam Quốc tế rất chú ý đến vấn đề thuộc địa" 2, ..."Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa Cộng sản là gì thì tôi (tức Nguyễn Tất Thành) chưa hiểu" 3. Thậm chí "Sơ thảo luận cương về các dân tộc và thuộc địa" của Lenin đăng trên báo L'Humanité ngày 16-6-1920 thì "ngay cả chữ nghĩa trong văn bản" ấy ông Nguyễn Tất Thành "cũng chỉ hiểu loáng thoáng thôi" 4.
Về vấn đề thành lập đảng đối lập, ông Bằng Phong Đặng Văn Âu đã viết chí lý trong bài "Căn bệnh khủng hoảng trí tuệ": "...Là luật gia, là nhà hoạt động chính trị, ông Đằng nói đến thành lập đảng đối lập với chính quyền cộng sản có vẻ rất tài tử, khơi khơi. Ít nhất ông phải phác họa vắn tắt về cái chủ trương, đường lối (của đảng ấy) như thế nào để người đọc biết ý ông ra sao."
Hai ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận nên xem lại mình có ngây thơ không, khi nói rằng: “Chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng, chứ chưa có một văn bản nào cấm điều này? Mà nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm. Đó là quyền công dân chính đáng của chúng ta.” Các ông quên rằng hai ông cũng như toàn dân nước ta đang sống dưới chế độ độc tài toàn trị của ĐCSVN hay sao? Xưa nay có bao giờ ĐCS coi trọng luật pháp, coi trọng nguyên tắc pháp lý đâu, tất cả những thứ đó trong mắt đám cầm quyền CS chỉ là những quan niệm tư sản về pháp quyền phải vứt bỏ. Ngoài miệng họ vẫn nói “thượng tôn pháp luật”, nhưng đó là thứ “pháp luật phi pháp” của họ thôi mà họ bắt người dân phải theo! Thực ra họ có coi pháp luật ra cái gì đâu? Thế thì mấy chữ của ông Lê Hiếu Đằng “Cần cho lập thêm các đảng đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam” có nghĩa lý gì với họ?
Thành thật mà nói, đọc những điều hai ông nói và viết về dân chủ đa đảng và về Đảng Xã hội-Dân chủ, chúng tôi thấy rằng nhận thức của hai ông còn... – xin đừng giận vì lời nói thẳng – thô thiển và mơ hồ. Về vấn đề này, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với nhà báo Ngô Nhân Dụng, viết trong bài "Ông Hồ Ngọc Nhuận cần đổi cách suy nghĩ". Ông Ngô Nhân Dụng có lời khuyên rất chí lý: "Trong lúc tranh đấu để thiết lập một xã hội dân chủ tự do chúng ta cần sống theo lối tự do dân chủ". Chúng xin nói thêm: Mà muốn sống theo lối tự do dân chủ thì phải hiểu thấu đáo xã hội dân chủ tự do đích thực nó phải như thế nào?
Cũng như khi kêu gọi thành lập Đảng Xã hội-dân chủ thì phải hiểu thấu đáo về chủ nghĩa xã hội-dân chủ, về lịch sử của phong trào xã hội-dân chủ thế giới, về mục tiêu của chủ nghĩa đó qua các thời kỳ lịch sử cũng như về cương lĩnh của Đảng Xã hội-dân chủ, phải nói rõ sự khác biệt to lớn của mục tiêu của chủ nghĩa xã hội-dân chủ so với chủ nghĩa xã hội-chuyên chính vô sản, tức là chủ nghĩa xã hội-độc tài của những người cộng sản. Đáng tiếc là hai ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận đã không làm được điều đó. Có chỗ ông Lê Hiếu Đằng lại viết ông muốn “thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân chủ-Xã hội”. Người đọc cảm thấy dường như ông chưa chắc chắn lắm, hoặc chưa quyết định dứt khoát. Thế thì làm sao người ta có thể đáp ứng lời kêu gọi của ông?
Tôi ngạc nhiên khi nghe Luật gia Lê Hiếu Đằng trả lời phóng viên RFI, ông nói rằng ông “phân tích theo quan điểm Mác-Lênin thôi”, dựa theo những điều ông đã “học abc của chủ nghĩa Mác-Lênin” thì ông thấy chế độ độc đảng là “vô lý, cái này nó phản lại (ý nói chủ nghĩa Mác-Lênin)”. Như vậy là ông không biết rằng cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin” của Lenin và Stalin bao giờ cũng chủ trương độc đảng, tức là chỉ một mình đảng cộng sản độc tôn thống trị, cái đó Lenin gọi là “hegemonia” (Nhà xuất bản Sự Thật dịch là độc quyền lãnh đạo) của ĐCS. Chính cái đó mới đẻ ra chế độ độc tài toàn trị CS với nguyên tắc “chuyên chính vô sản” – đó là nguyên nhân của mọi tai họa của Đất nước và Dân tộc VN ta! Thế mà ông Lê Hiếu Đằng lại cho chế độ độc đảng là “vô lý, cái này nó phản lại” chủ nghĩa Mác-Lênin!
Tôi giật mình khi thấy ông nói rằng: "Trong cuốn "Mao Trạch Đông ngàn năm công tội" ông đại tá nói thời kỳ Mao già rồi cũng nghiêng về khuynh hướng dân chủ xã hội của Đệ Nhị Quốc tế, rồi bản thân ông cũng đề nghị như vậy"! Có thể nào một người đang kêu gọi thành lập Đảng Xã hội-Dân chủ lại có thể mơ hồ đến thế về tên độc tài CS đẵm máu nhất nhì thế giới của thế kỷ 20?
Hai ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận kêu gọi các đảng viên cộng sản ra khỏi Đảng để thành lập Đảng Xã hội-Dân chủ đối lập với ĐCS. Có lẽ hai ông chưa nghĩ sâu rằng: nếu một Đảng Xã hội-Dân chủ chỉ gồm rặt những đảng viên cộng sản cũ thì cái Đảng Xã hội-Dân chủ đó có thể bảo đảm thực hiện đúng tinh thần và thực chất của chủ nghĩa xã hội-dân chủ đích thực hay không? Hay một thời gian nào đó, đảng ấy sẽ mất đi tính đối lập mà quay trở lại thỏa hiệp với đảng cầm quyền? Một Đảng Xã hội-Dân chủ kiểu đó có khả năng thâm nhập được vào đại chúng không? Hay nó chỉ tự đóng mình trong câu lạc bộ “các cụ lão thành cựu đảng viên CS”? Vì sao hai ông không đặt vấn để rộng rãi hơn, không kêu gọi các tầng lớp khác, thanh niên, công nhân, lao động, trí thức, nông dân, doanh nhân, trại chủ cùng tham gia Đảng Xã hội-Dân chủ? Chính những lớp người này không bị những nếp nghĩ theo lối CS hằn sâu trong óc, không bị nhiễm sâu trong máu những tư tưởng, phong cách CS mới có khả năng tiếp thụ chủ nghĩa xã hội-dân chủ đích thực, mới có khả năng cạnh tranh với ĐCS và ít khuynh hướng thỏa hiệp với ĐCS. Cạnh tranh thật sự với ĐCS, đối lập chính trị thật sự với ĐCS thì mới có hy vọng thay đổi chính quyền qua các cuộc bầu cử tự do, chứ nếu cứ nghĩ rằng “cùng hợp tác (với ĐCS) để thúc đẩy xây dựng dân chủ cho nước Việt Nam” thì e rằng chẳng mấy chốc Đảng Xã hội-Dân chủ chỉ gồm các cựu đảng viên CS sẽ trở thành “cái đuôi” của ĐCS!
Dù chúng tôi có nhiều thiện cảm với chủ nghĩa xã hội-dân chủ, nhưng để đấu tranh với ĐCS, chúng tôi nghĩ rằng không nhất thiết đảng đối lập phải là (hoặc chỉ là) Đảng Xã hội-Dân chủ mà còn cần đến nhiều đảng khác nữa, nhiều tổ chức, nhiều phong trào, nhiều diễn đàn, nhiều mặt trận, nhiều liên minh, ngay cả nhiều hội đoàn có hay không có tính chính trị nữa. Mỗi đảng, mỗi tổ chức đại biểu cho một lớp người có ý hướng, có quyền lợi, có mục tiêu, có sở thích... giống nhau, tất cả những cái đó hình thành một xã hội dân sự mạnh mẽ mới có khả năng đối lập với ĐCS và chính quyền CS.
Dù rằng trong nhận thức, quan niệm hoặc cách diễn đạt hai ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận còn có chỗ bất cập, thiếu sót, nhưng hai ông đã can đảm gióng lên tiếng nói chính nghĩa trong lúc nhiều người còn mê ngủ. Điều đó thật đáng hoan nghênh.
Nguyễn Minh Cần, ngày 01/09/2013
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA
_____
1. Người viết cố ý không dùng tên Nguyễn Ái Quốc, vì đó là một bút danh tập thể của một nhóm người mà ông Nguyễn Tất Thành đã chiếm làm của riêng.
2. Trích từ sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" của Trần Dân Tiên.
3. Trích từ bài "Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lenin" của Hồ Chí Minh.
4. Lời của Hồ Chí Minh được nhắc lại trong bài “Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh” của Lữ Phương.