Lửa Phật và Lê Hiếu Đằng

Bộ phim "Lửa Phật" do Việt kiều Dustin Nguyễn thực hiện ở cả ba vai trò: Viết kịch bản - Đạo diễn - Diễn viên chính (trong vai chiến binh Đạo) hợp cùng diễn viên Ngô Thanh Vân (trong vai chiến binh Ánh), diễn viên Roger Yuan (trong vai Tướng quân Long), vừa công chiếu ngày 22/8/2013 với dấu hiệu "16+".

Sự tương đồng ngẫu nhiên

Bộ phim với không gian và thời gian bất định cùng nét văn hóa mờ ảo (trang phục pha trộn nhiều sắc thái, võ khí dáng lạ, xe mô tô hình thù hầm hố, khung cảnh thị trấn mơ hồ v.v...) không đại diện cho bất kỳ xứ sở, dân tộc nào, đã được dùng để chuyển tải tư tưởng đầy ẩn ý thâm sâu phía sau của nó.

Ngoài các cảnh hành động khá mãn nhãn, những màn gây cười có thể chấp nhận được; chuyện phim xoay quanh nội dung: một đạo binh do Tướng quân Long lãnh đạo với lời thề nguyền: yêu nước và chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ bình an cho dân lành. Trong quân ngũ không được phép yêu đương vì dễ xao lãng việc quân.

Điều này chỉ là hình thức, vì tình yêu thầm kín nảy nở nhưng vẫn được giữ bí mật giữa Đạo và Ánh. Song song đó, Long tướng quân cũng khao khát nhan sắc Ánh. Cho đến khi người em trai Ánh đào ngũ và đối diện với lưỡi đao hành quyết thì Ánh quyết định đến gặp Tướng quân Long để lấy "cái ngàn vàng" trao đổi mạng sống cho em ruột mình.

Trong khi cô đến lều - nơi vị tướng quân ở - để "ngã giá" với Long thì Đạo không thể xuống tay với em trai người yêu và kêu mở trói rồi vội vàng chạy theo Ánh. Đạo vừa chạy vài bước chân, quãng thời gian đó đủ làm em trai Ánh quyết tự sát, vì anh biết dù đã được giải thoát, nhưng chắc chắn, với sự tàn bạo của Long tướng quân, một khi anh bỏ trốn, vị tướng quân kia không bao giờ buông tha chị mình.

Một cảnh trong phim Lửa Phật. Photo courtesy of BHD.
Một cảnh trong phim Lửa Phật. Photo courtesy of BHD.

Thủ pháp đan xen giữa quá khứ và hiện tại được đạo diễn dựng lên nhằm chuyển tải những suy tư, dằn vặt của Đạo - một con người sống tình cảm, quá mệt mỏi với chiến tranh và chém giết, truy lùng và tiêu diệt. Đạo muốn trở về sống đời thường bên cạnh Ánh để tìm những giây phút bình yên trong một gia đình đầy ắp thương yêu và trách nhiệm, nhưng ông cũng bị lời thề ám ảnh suốt trên con đường rong ruổi tìm diệt những kẻ "phản bội". Ánh được xem là "kẻ đào ngũ" cuối cùng mà Đạo cần tìm diệt theo lệnh Long tướng quân.

Ánh vì quá chán ngán với võ khí, với chém giết, cô gói ghém và dấu nhẹm tất cả những kỷ vật để mong tìm một cuộc sống bình dị. May mắn, cô cùng với đứa con trai bé nhỏ - kết quả của việc "trả giá" cho Long nhưng bất thành trong việc cứu mạng sống em trai - đã tìm được người đàn ông cần cù với hiệu bánh trong một thị trấn nhỏ. Từ đó, cô có được 9 năm bình an bên người chồng hiền lành, thủy chung và tốt bụng (Thái Hòa thủ vai).

Theo mạch chuyện, cuộc sống hạnh phúc 9 năm đó chấm dứt khi Đạo tìm đến. Kể từ đây, những khổ đau, kỷ niệm, nhung nhớ cứ thoắt ẩn thoắt hiện giữa đôi tình nhân cũ và họ hiểu trước sau gì Long tướng quân cũng xuất hiện.

Họ cũng rõ với võ công của cả hai, không thể nào là đối thủ của Long tướng quân, người vừa vô địch thiên hạ, vừa tàn độc và lạnh lùng, nhưng họ quyết thí mạng để diệt trừ cái ác, ít nhất để bảo vệ cho đứa bé vô tội và người đàn ông làm bánh hiền lành.

Cuối cuộc chiến, Long chết dưới tay Ánh. Khi Long định giết đứa bé, bỗng bối rối rồi chùng tay, kịp nhận ra nó là con ruột mình thông qua chi tiết: đứa con trai được di truyền khả năng phát lửa từ cha. Lửa bốc lên khi sự phẫn nộ của đứa bé lên đến cực điểm để bảo vệ mẹ trước nguy hiểm. Lợi dụng sơ hở đó, Ánh đã đâm nhát gươm chí mạng vào bụng Long và "lửa" từ trong nội thân Long đã thiêu cháy ra tro một tà tâm cần hủy diệt.

Dù là di truyền từ cha, nhưng ngọn lửa trong đứa bé và trong người Long tướng quân hoàn toàn khác nhau về bản chất. Đó cũng là một điểm nhấn, nhà làm phim muốn chuyển đến người xem về sự phẫn nộ chính đáng từ đứa bé khác hẳn tính hung tợn từ người cha ruột? Nó như là chi tiết đắt giá để chúng ta thay đổi cách nhìn. Dù hiện tượng như nhau nhưng bản chất khác nhau một trời một vực, một khi gắn kết môi trường sống lương thiện và hiền lành của đứa bé, bởi nó được nuôi dạy và lớn lên trong tình yêu thương trong sáng của người đàn ông làm bánh. "Lửa thiện" khác với "Lửa ác". Có phải vì lý do đó, bộ phim được đặt tên là "Lửa Phật"?

Điều gây chú ý đối với khán giả chính là tình tiết nhỏ nhưng rất...kỳ lạ của bộ phim: Dù cho đất nước đã thanh bình, ngoại xâm đã cuốn cờ bỏ chạy, nhưng người chiến binh dứt khoát không được phép rời khỏi quân ngũ. Bất kỳ ai làm trái lời thề này, nghĩa là phản bội lại Long tướng quân, họ đều phải trả giá bằng cái chết. Đó chính là mấu chốt, làm cho những người như Ánh quyết đào tẩu.

Cùng với chi tiết nói trên, "lòng yêu nước" rất cực đoan khi nấp dưới mỹ từ "trung thành tuyệt đối" với Long Tướng quân, làm người xem thấp thoáng thấy "lý tưởng cộng sản" khắc nghiệt đối với những người "trót thề" hiện diện rõ ở bộ phim này! "Lời thề chém đá" được nhấn nhá rất nhiều lần trong các trường đoạn suy tư của Đạo.

Một cảnh trong phim Lửa Phật. Photo courtesy of BHD.
Một cảnh trong phim Lửa Phật. Photo courtesy of BHD.

Dù đất nước đã vắng bóng ngoại xâm, nhưng Long Tướng quân (biểu tượng của sự sắt máu) vẫn giao phó cho các cựu chiến binh việc đi truy lùng và tìm diệt những người đào tẩu mà họ bỏ trốn chỉ nhằm tìm kiếm cuộc sống bình yên, vui vẻ.

Đạo là một trong số cựu chiến binh thực thi sứ mạng "tìm và diệt" như là nhiệm vụ chính trong suốt bộ phim.

Tình tiết này bỗng làm người xem liên tưởng đến tính tương đồng về mặt ý nghĩa với hoàn cảnh diệt tận gốc như trong "nhân văn giai phẩm", "xét lại chống đảng" ở miền Bắc Việt Nam!

Nhân vật Đạo đã nhấn mạnh nhiều lần khi giết các đồng đội cũ và cả khi gặp lại Ánh: Đã thề rồi thì không thể thay đổi. Đã theo Long tướng quân là theo tới cùng, khi nào chết thì thôi, không có con đường nào khác.

Cuối bộ phim, trong khi Ánh quay về với hạnh phúc giản dị bên chồng con, Đạo đã tìm đến cửa Phật với sự dằn vặt tâm cang.

Nhà sư hỏi: Tại sao con tới đây, con trai?

Đạo đáp: Con đi tìm sự sám hối.

Nhà sư trả lời: Cho tới khi con tự tha thứ cho mình trước, không thì con đường phía trước vẫn còn dài vô tận.

Bộ phim kết thúc trong nhạc phẩm nổi tiếng "Sắc Màu" của nhạc sĩ Trần Tiến, được phối âm, phối khí theo phong cách rock với rocker Phạm Anh Khoa thật dữ dội và lạ lẫm [1].

Thật kỳ lạ, như có sự tương đồng ngẫu nhiên giữa tâm trạng nhân vật chiến binh Đạo và luật gia Lê Hiếu Đằng với "Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh", gây lan tỏa và tranh luận mạnh mẽ trong những ngày gần đây.

Đi tìm sự sám hối

Luật gia Lê Hiếu Đằng, ảnh chụp trước đây.
Luật gia Lê Hiếu Đằng, ảnh chụp trước đây. (File photo)

Trong bài viết mà ông Đằng gọi là "tính sổ" với bản thân và với ĐCSVN, ông như bày tỏ "đi tìm sự sám hối" tựa chiến binh Đạo trong "Lửa Phật". Tuy nhiên, ông Lê Hiếu Đằng vượt lên tư tưởng của chiến binh Đạo - chỉ dừng lại ở "sám hối" nhằm tìm sự bình an sống những ngày cuối đời bình lặng và thanh thản. Lê Hiếu Đằng thao thức với nghĩ suy cho quê hương.

Bài viết của vị Luật gia thật rõ ràng và phân định thật sòng phẳng với quá khứ. Ông một lòng đau đáu cho tương lai dân tộc. Ông chỉ muốn hiện nay mọi người hãy cùng nhau "hành động, hành động và hành động", mọi sai lầm của quá khứ hãy để mai này lịch sử phán xét. Một ý nghĩa thực tế và rạch ròi không hơn được nữa, trong tình hình hiện nay.

"Sám hối", tại sao không thể? Hơn thế, đó là hành động quay trở về với Chân - Thiện - Mỹ như Phật dạy "quay đầu là bờ".

Luật gia Lê Hiếu Đằng hiểu lời Phật dạy: Trước khi tha thứ cho những người đồng chí hướng, ông đã biết tha thứ cho bản thân. Chính từ sự ngộ đạo này, ông trở nên bình thản mà giản dị trước tất cả công kích.

Tiếc thay, những người mà ông gọi là "đồng chí" lại thi nhau thực hiện "sách lược" "kẻ đấm người xoa lại thằng đấm" đối với ông.

Một lời cám ơn, dù khách khí, dành cho ông Đằng - khi ông đã "rút ruột rút gan" ra mà viết - sẽ là lời hồi đáp văn minh của một chính đảng luôn tự đặt mình đứng trên "thiên hạ". Tiếc thay! Không có! Thay vào đó là những bài viết nặng mùi sỉ vả, bới móc và chì chiết, đan xen những lời tỉ tê, nỉ non và than trách nhuốm màu đạo đức giả như bài của ông Nguyễn Chơn Trung.

Góp vào đó, không thiếu những lý luận thật ngây ngô và phản khoa học, ví như "Đa nguyên đa đảng là... phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc" [2], những suy nghĩ lố lăng và kệch cỡm này phát xuất từ những "người cộng sản": Lù Văn Que - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân tộc – UBTƯ MTTQ Việt Nam, Nguyễn Trọng Cầu - nguyên giảng viên bộ môn Lịch sử Đảng, trường Đại học Vinh, Nghệ An (!). Theo ông Que và ông Cầu, "độc đảng mới giữ vững đại đoàn kết dân tộc" (!). Khôi hài đến mức như những lời thoại kém văn hóa nhất mà khán giả đang xem những diễn viên đoạt giải "Trái Cóc Xanh" trong giới nghệ thuật "trao tặng" suốt 13 năm qua cho những phát ngôn lố bịch nhất, những hành vi lố lăng nhất.

Nên chăng, dư luận cứ chấp nhận để các trang báo: Đại Đoàn kết, Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Công An Nhân Dân, Tuổi Trẻ, Quân Đội Nhân Dân v.v... tiếp tục lên tiếng? Bởi khi họ càng lên tiếng, nghĩa là họ càng chứng minh "chân lý" những cái gọi là "lý tưởng", "chính nghĩa", "văn minh" và "đạo đức" của những kẻ vì "lời nguyền" cay độc không bao giờ dám rời bỏ "đội ngũ" như Long tướng quân đã ép buộc những chiến binh dưới trướng mình, luôn phải "tận tụy" và "trung thành" tới chết?!

Thay vì về "vui thú điền viên"; thay vì tỏ ra "day dứt" từ những chuyến "đi nghỉ mát" [3] mà vẫn nghĩ đến "nước non" như những ông cấp cao hồi hưu khác, ông Lê Hiếu Đằng đã "bước qua lời nguyền" để tìm lại "ngọn lửa" năm xưa mà ông đã bị lừa đảo và phản bội suốt từ thời trai trẻ. Ông đã không chấp nhận dừng lại ở "sám hối" mà quyết rũ bỏ quá khứ, làm lại từ đầu dù ông đã qua khỏi tuổi 70 từ lâu, đồng thời kêu gọi nhiều người cùng bắt tay nhau hành động trong hoàn cảnh bi đát của Việt Nam hiện nay. Suy nghĩ của ông già tuổi 70 vẫn chứng tỏ sức trẻ - luôn chấp nhận thay đổi để đạt điều tốt hơn.

Trong những ngày nằm bịnh của mình, có lẽ, "Lửa Phật" đã bùng cháy trong ông để quyết làm gì đó trả nợ cuộc đời?

Lời thề của Đạo, của Ánh đã bị cưỡng ép, tình yêu nước của họ đã bị lừa dối thông qua "tài trí trá" mang tên "trung thành tuyệt đối" mà Tướng quân Long biểu hiện trước họ sự "son sắt" với dân tộc (!). Đạo - Ánh sẵn sàng dùng mạng sống để phá hủy "lời nguyền" bạo ngược kia, ông Lê Hiếu Đằng dường như cũng thế?

Vị Luật gia đã bước qua tuổi "thất thập cổ lai hy", với sức khỏe suy giảm, nhưng trong ông, lòng yêu nước một lần nữa bừng lên mạnh mẽ và tươi sáng như ngọn "Lửa Phật" thiêu đốt những tà tâm, ma giáo đang manh tâm xúm vào hãm hại dân tộc Việt Nam..

Chính những kẻ đã từng cất giọng "bài ca không quên" phản bội lại ông, ăn cắp tình yêu của ông dành cho quê hương này, nhưng họ đê hèn đổ vấy ông là "tên bội phản". Chân lý thật ra không có gì khó hiểu, chỉ trừ phi người ta cố tình chạy trốn nó mà thôi.

Ông Lê Hiếu Đằng hiện vẫn là đảng viên ĐCSVN, do đó ông được xem là người dũng cảm nhất khi nhìn thẳng vào sự thật, xoáy thẳng vào sai lầm, tố cáo mạnh mẽ tội ác của ĐCSVN và quyết hành động cho dân tộc này. Ông không rên rỉ, không than khóc.

Chế độ độc tài toàn trị không có chỗ cho lối sống chân thật, không dung chứa những ai sám hối chân thành. Nó chỉ dung dưỡng những tâm hồn "chấp mê bất ngộ" mãi cho đến khi bị dồn vào đường cùng không lối thoát bằng ngọn "Lửa Phật" soi sáng cho nó quay về nẻo chánh hoặc thiêu đốt nó ra tro mà thôi. Không có con đường thứ ba. Thein Sein là trường hợp thứ nhất, Gaddafi, Mubarak v.v... là trường hợp thứ hai. Không biết Bashar al Assad sẽ chọn đường nào với lời tố cáo từ Ngoại trưởng Hoa Kỳ [4]: giới cầm quyền Damascus dùng vũ khí hóa học giết chết 1.429 đồng bào của ông tổng thống Syria?

ĐCSVN sẽ "xử sự" với ông Lê Hiếu Đằng ra sao? Những cuộc đấu tố mang dáng dấp "xét lại chống đảng" năm xưa sẽ diễn ra? Nếu ĐCSVN hiện nay sẵn sàng "hậu đãi" ông Đằng bằng "kiểu" này, đó như "lời nguyền huyết ngãi" báo hiệu thảm họa sắp đổ xuống đầu chính thể này. Thời cuộc đã khác xưa mà không ai được phép trở lui về con đường cũ.

Người già thường hay nhớ về dĩ vãng vào những đêm khó ngủ.

Không ai dám chắc giới cấp cao hiện nay, dù "trướng phủ màn che", dù được "canh phòng cẩn mật" với lớp lớp cận vệ thân tín, họ có thể nào có được giấc ngủ bằng an không mộng mị? Có bao giờ trong những đêm trừ tịch, họ bỗng nhớ về hàng ngàn chiến sĩ ngã xuống trên biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và cả những vùng biển tại Hoàng Sa - Trường Sa năm xưa? Có bao giờ, trong những căn phòng lạnh toát, nhưng các ông, các bà bỗng vã mồ hôi như tắm, bật dậy bàng hoàng và hốt hoảng trước hàng triệu oan hồn thường dân đã chết tức tưởi trong hàng chục năm qua bởi tội ác chống lại loài người của đảng Cộng sản thế giới và ĐCSVN?

Một đêm nhớ nhớ, nhớ ra mình một mình

Một đêm nhớ, nhớ ra mình đã ở đâu đây

Một đêm trong đêm thâu, một vầng sáng chói lóa

Một đêm nhớ, nhớ ra ta vô hình.

(Sắc Màu - Trần Tiến)

"Một vầng sáng chói lóa" giữa lằn ranh sống chết trong những ngày ông Lê Hiếu Đằng nằm bịnh đã đánh thức ông mạnh mẽ vùng dậy và nó đang lan tỏa tràn trề trên mọi "nẻo đường" tăm tối của Việt Nam bao năm qua.

Dù trăn trở trong những ngày nằm bịnh, nhưng tâm trạng và đường hướng ông Lê Hiếu Đằng đưa ra lại rất khỏe khoắn và tràn đầy Chính Nghĩa. Chỉ có những kẻ đang công kích ông mới là những "tên bệnh hoạn".

Nếu ĐCSVN không hiểu ra chân lý này, Việt Nam không chắc lệ thuộc hoàn toàn vào tập đoàn bành trướng Bắc Kinh mà mảnh đất hình chữ S, có nguy cơ trở thành "tô giới" kiểu mới với các tập đoàn kinh tế lớn từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ v.v... đang âm thầm thâu tóm các lợi ích quốc gia với giá rất rẻ (cả nghĩa bóng và nghĩa đen). Việt Nam lúc đó, có chăng, chỉ thu được "thuế trước bạ quê hương" (!).

Nguyễn Ngọc Già

_________

http://mp3.zing.vn/video-clip/Sac-Mau-Lua-Phat-OST-Pham-Anh-Khoa/ZW679F8D.html [1]

http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=68708 [2]

http://boxitvn.blogspot.com/2013/07/ve-chuyen-tham-trung-quoc-cua-chu-tich.html [3]

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/my-khang-dinh-syria-dung-vu-khi-hoa-hoc-giet-nguoi-2873245.html [4]