Canh bài “phóng hỏa tiễn - thử hạt nhân" của Bắc Hàn.

Khi người dân trong chế độ “ngu dân” này từ hơn 60 năm nay đã mù quáng tin tưởng vào chính quyền đến mức đó, mà vẫn chỉ thấy đói kém, thì lãnh đạo không còn cách nào khác hơn là phải tiến tới, dấn tới, đánh tới đồng tiền cuối cùng trong ván bài nguy hiểm này.

0:00 / 0:00

Bị trừng phạt, càng làm liều

Tình hình Đông bắc Á sôi động lên sau khi Bắc Hàn, hôm 12 tháng 12, phóng hỏa tiễn đưa vệ tinh nặng gần 100 kg lên quỹ đạo trái đất, thực chất là thử nghiệm thành công hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa.

10 ngày sau Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết tuyệt đối đồng thuận với toàn thể 15 phiếu, chấp thuận nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn. Lần này Trung Quốc cũng đồng lòng nhất trí với toàn thể Hội đồng Bảo An về nghị quyết lên án và gia hạn cấm vận, nhưng phản đối biện pháp cấm vận nghiêm ngặt thêm nữa.

Lần này Trung Quốc không những đứng chung lập trường với quốc tế mà còn hành động cứng rắn hơn trước đây, khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ nổ thử nghiệm bom hạt nhân lần thứ ba. Báo Trung Quốc Global Times cho biết Bắc Kinh có thể sẽ cắt giảm viện trợ nếu Bắc Hàn không hủy bỏ vụ nổ hạt nhân. Trung Quốc có cùng quyền lợi và mối quan tâm với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương về nguy cơ Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân; Bắc Hàn lại chứng tỏ có phương tiện để phóng trái bom hạt nhân ấy tới được tận giữa lãnh thổ Hoa Kỳ, nghĩa là có thể đánh vào bất cứ tọa độ nào ở Trung Quốc, Liên Bang Nga, Nhật Bản, Nam Hàn, cùng tất cả các thành phố và quốc gia nằm trong bán kính gần 10 ngàn km tầm xa của hỏa tiễn. Dù là đồng minh và nước đỡ đầu giúp đỡ Bắc Hàn trong lúc kiệt quệ nhất, Trung Quốc và các nước kế cận Bắc Hàn và những nước nằm trong tầm hỏa tiễn liên lục địa của họ không thể nào yên tâm đối với một quốc gia mà hành vi không thể đoán trước.

Công luận quốc tế cho rằng vụ phóng thành công đã nâng vị thế của chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un trên trường quốc tế. Nhưng vị thế được nâng lên cách nào khi người lãnh đạo chứng tỏ Bắc Hàn vẫn mang nhân cách của một quốc gia “Chí Phèo”, đói ăn vụng túng làm liều? Càng bị áp lực giải thể vũ khí hạt nhân thì càng ngang nhiên tăng cường võ trang, và công khai hóa, không cần dấu diếm ý định chế tạo vũ khí hạt nhân. Trước đây khi lãnh tụ Kim Jong-Il còn trị vì thì Bình Nhưỡng còn nói quanh về ý định chế tạo bom hạt nhân, mà nay đến ông con là Kim Jong-Un, người mà quốc tế và Hoa Kỳ từng đặt hy vọng sẽ đem đến thay đổi cho Bắc Hàn, lại càng dấn sâu vào con đường hiếu chiến.

Dường như lãnh tụ Kim J

Phóng đồ giả định tầm hoạt động tối đa của hỏa tiễn Unhab-3 trên đất Hoa Kỳ- RFA map sketch
Phóng đồ giả định tầm hoạt động tối đa của hỏa tiễn Unhab-3 trên đất Hoa Kỳ- RFA map sketch (RFA Google map sketch)

ong-Un và các tướng lãnh Bắc Hàn cảm thấy bị dồn vào đường cùng khi Bình Nhưỡng vẫn bị Liên Hiệp Quốc cấm vận, trừng phạt kinh tế triền miên. Quốc tế không thể hòa hoãn hơn khi Bắc Hàn vẫn không xuống thang, không nhượng bộ, lại còn đòi hỏi hơn trước.

Có thể đó là đường lối do Kim Jong-Un quyết định, hay là bị thúc đẩy do giới tướng lãnh xưa nay vẫn theo chính sách diều hâu do chính lãnh tụ tiền nhiệm Kim Jong Il đào tạo cho họ. Nhưng lần này Bắc Hàn đã sai lầm khi nhât quyết dấn tới trong hành động thách thức quyết tâm của Hoa Kỳ và quốc tế.

Bần cùng sinh đạo tặc?

Phải chăng Bình Nhưỡng đã ở vào vị thế không lùi lại được nữa? Giới lãnh đạo trong gia đình nhà họ Kim từ Kim Il-Sung qua Kim Jong-Il đến Kim Jong-Un ngày nay luôn luôn động viên người dân và giáo dục quần chúng Bắc Hàn về sức mạnh quân sự như một tài sản và vốn liếng đòi hỏi của Bắc Hàn, đến mức người dân tin chắc rằng đó một công cụ đe dọa hữu hiệu để bắt buộc quốc tế phải viện trợ, phải nhượng bộ.

Khi người dân trong chế độ “ngu dân” này từ hơn 60 năm nay đã mù quáng tin tưởng vào chính quyền đến mức đó, mà vẫn chỉ thấy đói kém, thì lãnh đạo không còn cách nào khác hơn là phải tiến tới, dấn tới, đánh tới đồng tiền cuối cùng trong ván bài nguy hiểm này. Trong khi đó vốn liếng của họ chỉ là vũ khí hạt nhân chưa thành tựu, và vài chiếc hỏa tiễn lẻ tẻ có thể bắn tới nước Mỹ nhưng con đường kỹ thuật còn rất xa để Bắc Hàn chế tạo được một trái nổ hạt nhân, rồi làm cho trái nổ đó nhỏ lại vừa tầm đầu đạn hạt nhân để gắn vào hỏa tiễn mà vẫn giử nguyên hiệu quả nổ. Chưa kể phi đạn nhắm tới Mỹ chắc chắn sẽ bị bắn rơi trong khoảng từ lúc rời giàn phóng đến lúc chưa được ¼ quỹ đạo đến Hoa Kỳ.

Tuy nhiên Bắc Hàn vẫn dương dương tự đắc vì loại hỏa tiễn đạn đạo vừa được cho là thí nghiệm thành công có tầm xa hơn 6 ngàn 200 dặm tức là khoảng 10 ngàn km; nếu ta vẽ một đường bán kính 10 ngàn km từ tâm điểm là bờ biển phía đông của Bắc Hàn thì ta sẽ thấy vòng cung tầm hoạt động của chiếc-phi-đạn-còn-lâu-mới-có đó bao phủ toàn bộ lãnh thổ Canada, 4/5 Ngũ đại hồ, qua hết các tiểu bang Iowa, Kansas, New Mexico, đến tận vịnh California và bán đảo Baja California của Mexico. Trọn một nửa tây bắc của lãnh thổ Hoa Kỳ và góc tây bắc của Mexico nằm trong tầm ngắm của vũ khí hạt nhân từ Bắc Hàn, tất nhiên bao gồm trọn tiểu bang California của Mỹ. Từ đó Bắc Hàn cho là vốn liếng của họ có thể đe dọa được Hoa Kỳ.

Trước hết về mặt kỹ thuật liên quan đến quỹ đạo hỏa tiễn và khí động học không chắc hỏa tiễn từ Bắc Hàn có thể bay theo đạn đạo về hướng đông, như vừa phác họa trên bản đồ, để tới một nửa nước Mỹ, trong lúc kỹ thuật đầu nổ hạt nhân của Bắc Hàn vẫn chưa “ra ngô ra khoai” thế nào cả. Nhưng dù vậy Bắc Hàn vẫn tự tin trong hoang tưởng và cho đó là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ khiến Mỹ phải nhượng bộ.

Phòng chỉ huy phóng hỏa tiễn - KCNA photo
Phòng chỉ huy phóng hỏa tiễn - KCNA photo (KCNA photo)

Từ sự hoang tưởng, “thừa thắng xông lên”, Bình Nhưỡng ồn ào tung tin sẽ thí nghiệm trái nổ hạt nhân. Hội đồng quốc phòng dưới quyền lãnh đạo của Kim Jong-Un chính thức tuyên bố nguyên văn:

“Chúng tôi không dấu diếm rằng nhiều lọai vệ tinh và hỏa tiễn tầm xa sẽ được Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều tiên phóng liên tiếp cái nọ sau cái kia, và một cuộc thí nghiệm hạt nhân cấp cao sẽ được nước này thực hiện trong hành động tổng thể sắp tới, một giai đoạn mới trong cuộc tranh đấu chống Mỹ mà đã kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ nọ, sẽ nhắm vào Hoa Kỳ, kẻ thù truyền kiếp của nhân dân Triều Tiên”

Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta nói ông không thấy dấu hiệu nào từ bên ngoài là Bắc Hàn sẽ sớm nổ thử nghiệm hạt nhân, nhưng họ vẫn tỏ ra đang chuẩn bị. Hình ảnh vệ tinh theo dõi căn cứ Punggye-ri cho thấy nhân viên Bắc Hàn hoạt động như đang bít kín cửa một đường hầm đã đào sâu vào chân núi, là nơi các chuyên viên cho nổ thử nghiệm trái nố hạt nhân ở đáy đường hầm, chống sức nổ tàn phá và phần lớn phóng xạ phát tán.

Tuy nhiên các chuyên gia về hạt nhân và động đất của Nam Hàn cho biết khó phân biệt một vụ nổ hạt nhân thật với vụ nổ cực mạnh bằng chất nổ quy ước để giả làm vụ nổ hạt nhân. Người ta không loại trừ giả thuyết Bắc Hàn sẽ làm vụ nổ giả để đe dọa thế giới.

Vai trò của Trung Quốc

Nhiều người không tin Bình Nhưỡng sẽ tung hết vốn liếng vào canh bạc nguyên tử này. Nếu họ tung cạn vốn thì thật là một điều dại dột, mà người ta cho rằng giới lãnh đạo Bắc Hàn không phải những kẻ dại dột như vậy. Theo cung cách hành xử xưa nay, thường thì Bắc Hàn cứ tỏ ra sẵn sàng tố hết láng, nhưng sẽ chưa vội bỏ ra hết tiền vốn. Bắc Hàn cũng sẵn sàng làm vụ nổ giả để lừa gạt người dân của họ dù có thể không lừa được thế giới.

Lý do là, một phần như đã nói, họ đã tự đưa mình vào đường cùng không thể thoái lui trước mặt người dân Bắc Hàn, nên phải ra vẻ như làm tới cùng để mong được Mỹ nhượng bộ đôi chút. Trong khi đó tin của hãng UPI dẫn nguồn tin ngoại giao từ Bắc Kinh cho biết một số viên chức cao cấp của Trung Quốc sẽ đi Bắc Hàn để thuyết phục Bình Nhưỡng bỏ ý định nổ thí nghiệm bom hạt nhân. Và có nhiều cơ may Bắc Hàn sẽ nghe theo lời Trung Quốc.

Như vậy người ta có thể thấy Bắc Hàn xuống thang, sau khi các viên chức Trung Quốc đi Bình Nhưỡng. Nhưng liệu Hoa Kỳ có thể nghe theo đề nghị của Trung Quốc và có hành động để đổi lấy việc Bắc Hàn xuống thang vũ khí hạt nhân hay không?

Hoa Kỳ khó lòng nhượng bộ nhanh chóng như vậy. Hiện tại ta thấy Hoa Kỳ tỏ ra rất tự tin, tin rằng áp lực quốc tế sẽ khiến Bắc Hàn lùi bước.

Mặt khác, không nhanh chóng nhượng bộ nhưng Hoa Kỳ trước nay vẫn tỏ ra sẵn sàng hòa hoãn, chỉ cần Bắc Hàn có một hành động cụ thể để tỏ thiện chí trong việc từ bỏ kế hoạch vũ khí hạt nhân.

Người ta cũng thấy vai trò của Trung Quốc lần này rất có giá trị. Trung Quốc đã tỏ ra có thái độ cư xử của một nước lớn có trách nhiệm đối với những vấn đề quốc tế. Tuy nhiên thái độ của Trung Quốc có nhằm để trao đổi một cái gì đó với Mỹ và Nhật Bản hay không thì vẫn là một dấu hỏi. Riêng việc Bắc Hàn thì có thể Trung Quốc, bằng đòn bẩy viện trợ, sẽ thuyết phục được Bắc Hàn trở lại bàn hòa đàm 6 bên ở Bắc Kinh sau khi Bình Nhưỡng hoãn lại cuộc thí nghiệm bom hạt nhân.

Lời khuyến cáo của Trung Quốc về giảm viện trợ cho Bắc Hàn có nhiều cơ may đem lại hiệu quả. Bắc Hàn cũng có một lý do chính đáng để tỏ ra nghe lời nước đồng minh vĩ đại trụ cột của mình, tỏ ra có thiện chí hòa hoãn với thế giới.

Dân Bắc Hàn nhày múa mừng phóng hỏa tiễn thành công- KCNA photo
Dân Bắc Hàn nhày múa mừng phóng hỏa tiễn thành công- KCNA photo (KCNA photo)

Song song, chế độ “Chí Phèo” ở Bình Nhưỡng cũng có thể sẽ không ngần ngại làm ra một vụ nổ nguyên tử giả trong đường hầm núi ở Punggye-ri để lừa dân trong nước, trong sự thỏa thuận ngầm với Trung Quốc và qua Trung Quốc trấn an thế giới về ý đồ bất hảo của họ. Sau đó Bắc Hàn vẫn có thể nói với dân rằng họ trở lại bàn hòa đàm 6 nước Bắc Kinh trong thế mạnh nhờ hỏa tiễn và bom hạt nhân.

Đó là lúc sau khi Hoa Kỳ và Hàn quốc có một hành động chính trị và nhân đạo tượng trưng nào đó, theo sự thỏa thuận và sắp đặt của Trung Quốc.