Không có giải pháp sớm cho tranh chấp biển Đông?

0:00 / 0:00

Tiếp theo phần tường thuật đầu tiên tại buổi hội thảo biển Đông ở Asia Society tại New York, phần tường thuật tiếp theo có chủ đề về vụ kiện của Philippines ra tòa trọng tài và các đề nghị cho giải pháp.

Tại sao Trung Quốc từ chối ra tòa với Philippines

Một khía cạnh đáng chú ý khác được các học giả tập trung bàn thảo nhiều trong ngày hội thảo đầu tiên là việc Philippines đưa tranh chấp biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS).

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Christopher Hill tỏ ra không mấy lạc quan về vụ kiện này:

“Theo quan điểm của tôi thì lúc này chưa phải là lúc chín muồi cho các giải pháp pháp lý và giải pháp cuối cùng cho vấn đề này dù chúng ta rất muốn. Tôi không nghĩ là đã có sự đồng thuận cao trong việc giải quyết vấn đề này một lúc dù qua tòa trọng tài hay một thủ tục nào khác.”

Ngày 22 tháng giêng vừa qua, Philippines đã quyết định đưa vụ tranh chấp ra tòa trọng tài quốc tế theo UNCLOS. Tuy nhiên vào ngày 19 tháng 2, Trung Quốc đã chính thức từ chối tham dự phiên tòa, điều đã được nhiều chuyên gia dự đoán từ trước đó vì từ năm 2006, Trung Quốc đã tuyên bố không chịu những phán quyết của tòa quốc tế theo UNCLOS.

Học giả Việt Nam, Nguyễn Thị Lan Anh, Phó khoa luật trường đại học Ngoại giao Việt Nam, đồng tình với quan điểm cho rằng các nước có liên quan hoàn toàn có thể đưa vụ việc ra tòa quốc tế để phán xử.

Cựu TTNG Hoa Kỳ Christopher Hill

Trong khi đó, một học giả Trung Quốc khác tại hội thảo là luật sư Zhang Xinjun thuộc Đại Học Tsinghua, Bắc Kinh cho rằng vụ kiện này chỉ có thể gây khó khăn cho các nước liên quan mà không giải quyết được vấn đề.

Đã có nhiều câu hỏi được đưa ra đối với luật sư Zhang về lý do thực sự Trung Quốc không thể tham gia tòa nếu Trung Quốc luôn cho rằng mình có nhiều cơ hội chiến thắng hơn bên kia. Luật sư Zhang đã rất khó khăn khi tìm cách trả lời các câu hỏi này, viện dẫn lý do rằng là một luật sư, ông không nên dự đoán kết quả tòa. Học giả này nói vụ kiện không có tính cơ sở pháp lý chắc chắn.

Học giả đến từ Philippines, ông Angelo Azura Jimenez, Phó Giám đốc Asia Pacific Basin for energy strategies, nói rằng Philippines đã sử dụng hết mọi cách để giải quyết vấn đề tranh chấp với Trung Quốc trước khi quyết định đưa vụ việc ra tòa.

Người đại diện của Philippines nói đến những khó khăn trong việc đạt được một bộ quy tắc về ứng xử trên biển Đông. Ông cũng không hy vọng vào kết quả của tòa án có thể giải quyết được những tranh chấp hiện tại nhưng cho rằng nó sẽ giúp điều tiết các hành động của Trung Quốc tại biển Đông. Ngay kể cả khi phán quyết của tòa có lợi cho Philippines, đó cũng chỉ là một chiến thắng về mặt đạo đức vì Trung Quốc sẽ không tuân thủ, điều này có thể dẫn đến phá hỏng UNCLOS.

Cuối ngày hội thảo đầu tiên là thảo luận về vai trò của ASEAN trong tranh chấp biển Đông. Các học giả phê phán ASEAN đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề này, thể hiện rõ nhất qua việc không đạt được Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông trong suốt 20 năm qua.

Giải pháp cho tranh chấp biển Đông

Bản đồ hình lưỡi bò do TQ tự công bố nhằm chiếm trọn biền Đông. AFP photo.
Bản đồ hình lưỡi bò do TQ tự công bố nhằm chiếm trọn biền Đông. AFP photo.

Ngày thứ hai của buổi hội thảo biển Đông tập trung vào những đề xuất giải pháp cho tranh chấp trong khu vực.

Mở đầu ngày hội thảo thứ hai là bài phát biểu của ông Stephen Loosly, Chủ tịch Viện chính sách chiến lược của Úc. Ông Loosly mở đầu bài phát biểu khẳng định tầm quan trọng của biển Đông với Úc.

“Biển Đông có vai trò quan trọng với Úc với 57% thương mại của Úc đi qua vùng biển này. Ngoài ra chúng tôi cũng có những quan ngại về an ninh, hợp tác chính trị và ngoại giao trong khu vực, nơi Úc có quan hệ sâu rộng với nhiều nước.”

Tuy nhiên thay vì nói đến một giải pháp thực sự cho các tranh chấp biển Đông, ông Loosly nói đến một kiến trúc giải quyết tranh chấp về lâu dài qua các kênh ngoại giao, các tổ chức đa quốc gia và dựa theo kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Ông cũng kêu gọi các nước trong khu vực nên bỏ vấn đề tranh chấp chủ quyền sang một bên để hợp tác phát triển.

“Hãy bỏ tranh chấp chủ quyền sang một bên để đặt hợp tác phát triển kinh tế lên hàng đầu, tìm cách tiếp cận tới các nguồn lợi ở đây như dầu, khí đốt và các nguồn lợi khác như ví dụ hợp tác giữa Úc và Timor về dầu khí trên biển.”

Học giả Yang Fang thuộc đại học Quốc gia Singapore cho rằng không thể có một giải pháp sớm cho tranh chấp biển Đông. Các giải pháp bây giờ chính là biện pháp xây dựng lòng tin giữa các nước.

“Lập luận của tôi với vấn đề này là không có giải pháp cho tranh chấp trên biển Đông trong thời gian gần. Thay vào đó các nước có liên quan nên tập trung xây dựng cơ chế điều tiết tranh chấp và các biện pháp xây dựng lòng tin.”

Ô. Stephen Loosly

Chuyên gia về an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương, ông Patrick Cronin thuộc Trung tâm An ninh Mỹ góp ý 4 điểm chính trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông, bao gồm đẩy mạnh việc thực hiện luật quốc tế qua các hội nghị, tổ chức tại khu vực như ASEAN và xem xét yếu tố trọng tài quốc tế như bên thứ 3.

Ông Patrick Cronin cũng kêu gọi tăng cường hoạt động hiệu quả của các tổ chức hiện có ở khu vực trong việc giải quyết tranh chấp, nhất là việc xây dựng cộng đồng ASEAN. Hợp tác Mỹ Trung trong khu vực cũng được coi là một yếu tố quan trọng trong đề nghị của ông Cronin.

Ông Cronin cho rằng việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á chỉ là góp thêm sức mạnh cho các nước trong khu vực. Điểm thứ 4 đáng chú ý được ông Cronin đề cập tới là thiết lập một cơ cấu hợp tác tại khu vực châu Đông Nam Á và kêu gọi các nước khác tham gia.

“Thiết lập một cơ quan có trách nhiệm trong việc hợp tác có trụ sở tại khu vực ASEAN tương tự như văn phòng Liên Hiệp Quốc về các hoạt động nhân đạo. Cách này sẽ giúp cải thiện việc đối phó với thảm họa thiên nhiên, tăng cường khả năng thông tin, các biện pháp bảo vệ người dân khỏi các thảm họa tự nhiên, chỉ định các lực lượng đặc biệt được huấn luyện quân sự và chuẩn bị cho các hoạt động phối hợp.”

Kết thúc hội thảo các học giả thống nhất không thể có một giải pháp sớm cho vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Các học giả kêu gọi các bên dẹp sang bên tranh chấp chủ quyền để hợp tác phát triển kinh tế khoa học, xây dựng lòng tin giữa các bên trước khi đi đến một giải pháp lâu dài cho vấn đề này.