Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế được biết đến từ khá lâu, nhưng nay do vụ bê bối thua lỗ của Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam Vinalines và trước đó vụ sụp đổ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin, đã khiến dư luận cả nước sôi nổi về vai trò của khối doanh nghiệp nhà nước.
Tái cấu trúc
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương phát biểu từ Hà Nội:
“Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 11 kết thúc ngày 10/10/2011 đã quyết định chuyển đổi mô hình tăng trưởng và thực hiện việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước tập trung vào tái cấu trúc Tổng công ty và Tập đoàn kinh tế nhà nước; rồi tái cấu trúc đầu tư công trong đó tập trung vào đầu tư của nguồn vốn chính phủ quản lý và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tài chính, trong đó chủ yếu là tái cấu trúc ngân hàng thương mại. Trong kỳ họp Quốc hội lần này chính phủ đã trình ra một đề án tổng thể nhằm thực hiện nghị quyết đó.
<b>Nếu chỉ có cải cách các doanh nghiệp mà không có cải cách thể chế chính trị thì cái tiến bộ nếu có đạt được cũng sẽ rất hạn chế.</b>
<b>TS Lê Đăng Doanh</b>
Tôi hy vọng đề án đó sẽ được Quốc hội xem xét sẽ có những quyết sách thích đáng và sau đó sẽ được tổ chức thực hiện một cách nhanh nhẹn. Nhưng tôi xin lưu ý rằng vấn đề khó của Việt Nam hiện nay là ở trong thể chế kinh tế, thể chế chính trị, làm sao phải qui định rõ trách nhiệm
giám sát những người có quyền lực và thực hiện công khai minh bạch thì mới có tiến bộ.
Nếu như chỉ có cải cách các doanh nghiệp mà không có cải cách thể chế chính trị thì cái tiến bộ nếu có đạt được cũng sẽ rất hạn chế.”
Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế tới tay các đại biểu Quốc hội vào tuần lễ cuối của tháng 5, trước đó Đảng Cộng sản qua Hội nghị Trung ương 5 tại Hà Nội (07-15/5) đã tái khẳng định chế độ tập quyền Xã hội Chủ nghĩa và do Đảng lãnh đạo.
Về lãnh vực kinh tế, Việt Nam tiếp tục thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng cũng một lần nữa xác định nền kinh tế Việt Nam có sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Theo ông Bùi Kiến Thành chuyên gia kinh tế cao cấp hiện sống và làm việc ở Hà Nội thì sau 25 năm đổi mới, hiện nay khu vực doanh nghiệp Nhà nước đã thể hiện quá nhiều yếu kém, mất mát trong khi nắm giữ phần tài lực lớn nhất của quốc gia:
“Bây giờ đa số doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân, phần đóng góp lớn vào GDP tổng sản lượng quốc nội là từ khu vực tư nhân. Như thế doanh nghiệp nhà nước có còn đóng vai trò chủ đạo nữa hay không là vấn đề cần phải xem xét lại.
Nhất là những doanh nghiệp nhà nước quản lý không tốt, làm ăn không hiệu quả thì cần xem lại tất cả, không phải chỉ vấn đề tư duy mà còn là thực tế.”
Thời gian các đại biểu quốc hội thảo luận ở tổ về đề án tái cơ cấu chuẩn bị đưa ra phiên họp toàn thể vào ngày 8/6, báo chí đã ghi nhận nhiều ý kiến bất đồng gay gắt. Điển hình như Đại biểu Nguyễn Văn Phúc đặt câu hỏi:
“Tiền đề của tái cơ cấu là cải cách thể chế; không cải cách thể chế thì không thể tái cơ cấu.”
VnEconomy trích lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, đề án của chính phủ không có tính khả thi cao vì tái cơ cấu kinh tế phải đặt trong quan hệ chính trị, cơ cấu xã hội mới làm được.
Đại biểu này cho rằng, tham nhũng đang để lại những món nợ lớn, nợ xấu, nằm trong các tập
đoàn, trong bất động sản…Nếu cũng chính những con người ấy bây giờ thực hiện tái cơ cấu, thì làm sao “tự nhổ răng sâu, làm sao tự cắt ruột thừa của mình được.”
<b>Những tập đoàn kinh tế nhà nước giống như những sân sau của các quan chức, họ tìm cách rút ruột và nền kinh tế của đất nước không có triển vọng phát triển được.</b>
<b>GSTS Nguyễn Thế Hùng</b>
Vai trò của nhà nước?
TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định trên Tuổi Trẻ Online, kinh nghiệm cải cách các nước thường không dùng chính bộ máy, tư duy cũ để cải cách chính bộ máy đó. Do vậy, nên lập một ủy ban riêng giao trách nhiệm thực hiện tái cơ cấu.
Nhưng quan trọng hơn cả là phải xác định lại chức năng của các khu vực, các thành phần kinh tế, chứ cứ để chức năng doanh nghiệp Nhà nước như cũ thì tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước khó thành công được.
Trong câu chuyện với chúng tôi, khi được hỏi về đặc quyền đặc lợi và thế mạnh của các doanh nghiệp Nhà nước, GSTS Nguyễn Thế Hùng một nhà trí thức ở Đà Nẵng đưa ra nhận xét:
“Những tập đoàn kinh tế nhà nước giống như những sân sau của các quan chức, họ tìm cách rút ruột và nền kinh tế của đất nước không có triển vọng phát triển được, vì nạn tham nhũng kinh khủng quá đối với nước Việt Nam.
Bây giờ các tập đoàn kinh tế nhà nước trở thành gánh nặng cho đất nước với cơ chế này thì đây là một ổ tham nhũng.”
Có một sự trùng hợp về thời điểm, Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra hôm 4-5/6 tại Quảng Trị, chỉ vài tuần sau khi vụ bê bối Vinalines được công bố. Do vậy thông tin về Hội nghị luôn kèm theo các vấn đề dính líu tới khối doanh nghiệp nhà nước khổng lồ ở Việt Nam.
Trong một dịp trả lời chúng tôi, bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế cao cấp ở Hà Nội nhận định:
“ Điểm rõ nhất ở Việt Nam là vai trò còn quá lớn của Nhà nước trong các họat động kinh tế kể cả các hoạt động kinh doanh. Ví dụ nhìn sang các nước xung quanh thì không ở nước nào mà doanh nghiệp nhà nước lại chiếm lượng lớn trong đầu tư, tỷ trọng cao trong đầu tư như ở Việt Nam, hay là không ở đâu có khu vực doanh nghiệp Nhà nước lớn và sử dụng quá nhiều nguồn lực đất nước như ở Việt Nam.
Cho nên, nếu xây dựng thể chế kinh tế thị trường một cách đầy đủ hoàn thiện hơn giống như mô hình của các nước khác, thì phải giảm vai trò của các doanh nghiệp nhà nước xuống.”
<b>Chưa có một quốc gia nào trở thành nước công nghiệp, hiện đại mà thành phần kinh tế tư nhân không đóng vai trò chủ đạo.</b>
<b>Đại diện IMF</b>
Khi đưa tin về Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt nam diễn ra ở Quảng Trị hôm 5/6, VnExpress trích lời đại diện Quĩ Tiền tệ Quốc tế nói rằng:
“Chưa có một quốc gia nào trở thành nước công nghiệp, hiện đại mà thành phần kinh tế tư nhân không đóng vai trò chủ đạo. Do đó, mục tiêu dài hạn của Việt Nam đặt ra tốt nhất là tạo sân chơi bình đẳng cho cả doanh nghiệp Nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân.”
Như vậy nếu thể chế của Việt Nam vẫn duy trì vai trò chủ đạo nền kinh tế của doanh nghiệp Nhà nước, thì có thể thấy trước việc tái cấu trúc khu vực này sẽ chỉ là nửa vời và ít kết quả.
Video: Dữ liệu kinh tế, xã hội VN
Theo dòng thời sự:
- Sự sụp đổ dây chuyền của các tập đoàn kinh tế nhà nước
- Chống tham nhũng và kê khai tài sản
- Tiền lương và nguyên nhân của tham nhũng
- Báo chí tận tình săm soi Vinalines
- Sai phạm tại các tập đoàn kinh tế và các nhóm lợi ích
- Độc Quyền và Tham Nhũng
- Vinalines và "tam quyền phân lập"
- Vinalines mua toàn tàu cũ – Khai trương trang mạng chống tham nhũng
- Cục trưởng Cục Hàng hải bị truy nã
- Nhóm lợi ích: Những tác động xấu lên nền kinh tế VN
- "Tái Cấu Trúc": "Ai" tái cấu trúc "Ai"?
- Việt Nam tuần qua