Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí
Tiếng chuông chùa ngày rằm tháng Bảy vang lên như báo hiệu “mùa hiếu hạnh”. Trong dòng người chen nhau tấp nập, một cụ già 65 tuổi móm mém chen chân tại một ngôi chùa nhỏ ở Cần Thơ, nơi bà đang tạm trú. Đó là bà Nguyễn Thị Bé.
Vào những ngày này, Phật tử và dân chúng cài hoa hồng đỏ hoặc trắng trên ngực, nô nức kéo nhau cầu phước cho cha mẹ. Ánh mắt khắc khổ đượm chút u sầu của bà Bé như nói cho người ta biết rằng có lẽ bà cũng ước ao được có người cài một cành hoa hồng đỏ thắm; tuy nhiên, sự khao đó đã bị dập tắt vì một nỗi lo khác:
Bông hồng thì cũng quan trọng nhưng mà hồi con chưa phát bệnh thì còn nghĩ đến chuyện đó chứ bây giờ tôi không dám nghĩ đến nữa. Hoàn cảnh gia đình em hẹp lắm. Khó khăn lắm.
Ai cũng bị sức hấp dẫn của một đóa hồng mê hoặc, nhưng không phải ai cũng có điều kiện thưởng thức nó. Bà Bé hòa cùng dòng người nhộn nhịp không phải để dâng lời cầu nguyện, cũng chẳng mong được nhận một đóa hồng đỏ mà để tìm cho mình những món quà từ thiện trong các ngày Rằm lớn.
Bà Bé có tất cả 6 người con, tất cả đều đã trưởng thành, trong đó 3 người con lớn đã lập gia đình. Tuy nhiên, sự bần cùng đã không trang bị cho họ một kiến thức cơ bản để có thể trở thành công nhân và họ đành chấp nhận kiếp làm thuê, cuốc mẫm. Còn ba người con khác cũng không thể đỡ đần cho đôi vợ chồng ở tuổi xế chiều. Bà Bé không hiểu hết câu chuyện của Mục Kiều Liên và mẹ để biết về sự tích lễ Vu Lan, nhưng bà chỉ biết rằng đối với người mẹ quê như bà thì một năm 365 ngày đều là những ngày như nhau. Đó là những ngày bà phải lo lắng cho những đứa con nghèo khổ:
Lúc nào tôi cũng thấy mình khổ cực, chứ không được sung sướng, rảnh rang như người khác. Tai họa ở đâu cứ dồn dập hoài.
Từ năm 2008, người con thứ 6 của vợ chồng bà Bé được bác sĩ cho biết bị chứng suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận 3 lần mỗi tuần để kéo dài sự sống. Từ đó, tất cả những gì hai vợ chồng già tích góp được lần lần đội nón ra đi, từ cái TV cho đến chiếc xe cũ.
Đầu năm ngoái, một người con khác của bà bị tai nạn giao thông nên chấn thương sọ não, tỉ lệ thương tật đến 82%. Cả hai người con bệnh cho đến giờ vẫn chưa phục hồi sức lao động. Từ đó bà Bé và chồng như quỵ ngã. Quê ở tỉnh Sóc Trăng nhưng mấy năm gần đây, bà Bé phải khăn gói lên Cần Thơ ở nhà trọ cùng con để trị bệnh cho họ. Cả gia đình chỉ trông chờ vào một mảnh vườn trái cây nhỏ cùng số tiền lương ít ỏi của người con út thì việc điều trị cho hai người con cùng lúc là quá khó khăn.
Buồn rầu lo sợ lắm, lo là nếu không lo tiền được thì sự sống như thế nào. Từ lúc hai đứa bị bệnh thì cũng một tay tôi nuôi chứ ai. Không có thì cũng phải đi hỏi người ta, chứ không lẽ lại buông xuôi”.
Lúc nào tôi cũng thấy mình khổ cực, chứ không được sung sướng, rảnh rang như người khác. Tai họa ở đâu cứ dồn dập hoài.<br/>Bà Nguyễn Thị Bé
Bà bé ốm nhăn nheo, người gầy gộc, cứ tưởng sau lớp da đồi mồi khét nắng kia không có gì ngoài bộ xương khô. Đó có lẽ là hậu quả của những ngày gánh gồng đàn con bệnh tật. Vợ chồng bà có một mảnh vườn nhỏ, trồng được vài chục gốc nhãn. Nhưng với sức vóc của người chồng trên 70 tuổi của bà Bé chỉ có thể giúp ông thu được hơn một triệu mỗi năm từ mảnh vườn.
Khi có tiền là nhờ bán được chút gì trồng ngoài vườn hoặc là thằng út có chuyện làm. Còn khi không có những điều đó là không có tiền.
Như đã bị dồn vào đường cùng, từ mấy năm nay, bà Bé nuôi con bằng cách vay mượn và nhờ người khác giúp đỡ. Một buổi sáng tháng 4 vừa qua, khi không còn cách nào khác để có tiền chạy thận cho con ngày hôm đó, từ sáng sớm bà Bé ngồi chờ tại văn phòng Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ để kêu cứu.
Hình ảnh bà già đen đủi, với chiếc nón lá cũ tất tả chạy đi xin từng kg gạo khiến bà Bé chẳng khác nào cánh cò gầy nhom đang lặn hụp dưới ao kiếm từng con cá cho con của mình. Anh Giảng Hoàng Đây, con trai út bà Bé, người duy nhất làm ra tiền trong nhà với nghề phụ bán trái cây, cũng không khỏi đau xót khi nghĩ về mẹ mình:
Buồn thì cũng buồn nhưng lúc này em cũng eo hẹp. Cha mẹ sinh mình ra, nuôi mình cực khổ mà không lo được cho cha mẹ thì cũng buồn lắm.
Ước mơ của người con
Anh Đây nói rằng mẹ anh là một người đàn bà kém may mắn vì quá lo cho chồng con. Thậm chí, nếu có một điều ước, anh nghĩ rằng có lẽ mẹ anh sẽ dành điều ước đó cho con, hơn là dành phần cho mình mặc dù bà đã đến tuổi sắp gần đất xa trời. Đối với Đây, anh chưa bao giờ mình thấy mẹ dám mua một bữa ăn ngon hay gắp một miếng cá tươi trên mâm cơm. Hình ảnh mà anh nhớ nhất về mẹ là một bà già còng lưng tay run rẩy cầm chén cơm trắng với miếng cá khô. Chính vì thế, anh đã từng ước rằng trong ngày lễ Vu Lan, anh sẽ cho mẹ ăn một bữa ngon:
Người ta có tiền thì mua sắm này nọ cho mẹ, nhưng mình không có thì chỉ nấu một bữa ăn hoặc mua một món nào đó cho mẹ. Quan trọng là tấm lòng. Mẹ ăn cực khổ lắm, tiền để dành lo cho hai anh hết rồi, đâu có tiền mà ăn ngon như người ta…
Tuy nhiên, bữa ăn đó chỉ diễn ra trong mong ước của chàng trai hiếu thảo và bà mẹ già luôn ước “một bữa no”. Thực tế, trong ngày Lễ Vu Lan, bà Bé chẳng thiết tha gì đến việc con cái sẽ làm gì cho bà. Trái lại, bà vẫn làm cái công việc hằng ngày của mình là kiếm đủ 160 ngàn đồng cho con chạy thận vào hôm sau. Mỗi khi vào dịp Rằm Âm lịch, bà lại len lỏi tại các nơi từ thiện với hy vọng có được chút gạo, chút muối. Nhưng ăn uống thì bà còn kham khổ được, chứ còn chạy thận cho con thì bà không biết thêm bớt như thế nào. Một tuần của bà trôi qua không bằng thời gian của 7 ngày mà bằng 3 ngày chạy thận cho con.
Chính vì thế mà trong đêm Rằm tháng Bảy, người mẹ này vẫn tự trách mình:
Nhiều khi mình thấy không có khả năng lo cho con đầy đủ nên cũng hơi buồn chỗ đó.
Người ta có tiền thì mua sắm này nọ cho mẹ, nhưng mình không có thì chỉ nấu một bữa ăn hoặc mua một món nào đó cho mẹ. Quan trọng là tấm lòng. <br/>Anh Giảng Hoàng Đây
Có lẽ cho đến lúc mắt đã hết nhìn thấy được, chân không bước nổi nữa và tay cũng không còn đủ sức nâng bước con, bà Bé cũng sẽ không ngừng lo cho con của mình. Đó là hình ảnh của sự hy sinh, chịu thương chịu khó của tất cả những ai từng mang nặng đẻ đau. Những người con của bà Bé quá nghèo để có thể nghĩ đến điều gì khác ngoài mang đến cho bà “một bữa no” và cả đời bà cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến điều gì hơn như thế.
Nhưng biết đâu rồi sẽ đến những mùa Vu Lan mà bà Bé được tưởng nhớ bằng một đóa hoa hồng đỏ thắm trên ngực áo; để bà còn được nghe câu cầu nguyện “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con”.
Mời quý vị đóng góp ý kiến về chương trình cũng như các bài viết của Quỳnh Chi tại Quynhchi@rfa.org; hoặc quý thính giả cũng có thể kết nối với Quỳnh Chi trên Facebook và Twitter.