Nền kinh tế Việt Nam 2013 kế thừa những khó khăn của năm cũ như doanh nghiệp khát vốn công nhân thiếu việc, nợ xấu đặc biệt gánh nợ khổng lồ của khối doanh nghiệp nhà nước, tình trạng đóng băng bất động sản…Nam Nguyên phỏng vấn chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương ở Hà Nội với câu hỏi là đã có khởi động gì để tháo gỡ sự ách tắc nói chung. Tuy vậy, trước một vấn đề thời sự nóng là biến động tỷ giá tiền đồng và đô la, TS Lê Đăng Doanh nhận định:
Xuất khẩu khó khăn vì tỷ giá
TS Lê Đăng Doanh: Thường thì chúng ta thấy con số lạm phát 2012 là 6,81% tức là lấy chỉ số giá của tháng 12/2012 so với chỉ số giá của tháng 12/2011. Thực tế lạm phát bình quân của cả năm 2012 ở Việt Nam là 9,2%, nhưng biên độ biến động tỷ giá tiền đồng so với USD năm 2012 thì chỉ khoảng 2% thôi. Vì vậy thực sự đồng Việt Nam đã lên giá so với đồng USD, tức là bị phá giá ở trong nước nhưng lại giữ ổn định so với đồng USD, cho nên thực sự đồng Việt Nam đang mạnh lên so với đồng USD. Điều ấy làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gập rất nhiều khó khăn, đấy là một sự thực.
Nam Nguyên: Nhưng, Ngân hàng Nhà nước đã xác định là không phá giá hay điều chỉnh tỷ giá trong lúc này. Thưa TS nhận định gì?
Vì vậy thực sự đồng Việt Nam đã lên giá so với đồng USD, tức là bị phá giá ở trong nước nhưng lại giữ ổn định so với đồng USD, cho nên thực sự đồng Việt Nam đang mạnh lên so với đồng USD. Điều ấy làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gập rất nhiều khó khăn, đấy là một sự thực
TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh: Một số chuyên gia có ý kiến phải điều chỉnh tỷ giá, theo tôi việc điều chỉnh tỷ giá so với sự kiện Nhật Bản mới đây điều chỉnh tỷ giá đồng Yên thì hoàn toàn không phải là vấn đề gì ghê gớm. Tuy Việt Nam hiện đang có nợ nước ngoài và muốn kềm chế lạm phát, nhưng theo tôi việc điều chỉnh tỷ giá có thể diễn ra bằng cơ chế thị trường, tức là không nên rập một cái nâng lên 3%-4% mà có thể điều chỉnh một cách hết sức tự nhiên, mỗi một ngày mấy chục đồng bạc thì sẽ không gây ra chấn động tâm lý gì lớn, nhưng nên có sự điều chỉnh để giữ tỷ giá hối đoái thực giữa đồng Việt Nam và USD để có lợi cho xuất khẩu.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sự biến động tỷ giá USD này là hoàn toàn có thể kiểm soát được, theo tôi không nên đánh giá quá trầm trọng việc biến động tỷ giá hiện nay.
Tiến độ giải quyết mập mờ
Nam Nguyên: Trở lại câu hỏi chính của chúng tôi, thưa TS có ghi nhận sự khởi động gì để tháo gỡ ách tắc khó khăn nói chung của nền kinh tế 2013.
TS Lê Đăng Doanh: Đã hai tháng rồi nhưng gần đây thì có Tết Quý Tỵ cho nên tôi chưa thấy có các chuyển động gì lớn. Gần đây thì Ngân hàng Nhà nước đã công bố là đến ngày 19/1 thì mức cung tín dụng vẫn là âm 0,16% so với năm 2012 cũng cuối tháng 2 mức cung tín dụng là âm 3%. Như vậy là có sự cải thiện nhỏ tuy vẫn là mức âm chưa phải là dương. Điều đó có nghĩa các doanh nghiệp vẫn đang rất thiếu vốn và họ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay thì các doanh nghiệp rất e ngại về lạm phát, dự kiến giá trong tháng 2 sẽ tăng tương đối thấp chỉ khoảng 1,3-1,4% thôi, so với mức tăng của năm ngoái thì thấp hơn rất nhiều. Trong đó có phần cung cầu tương đối đáp ứng tốt, do có các chính sách và tổ chức tốt của các doanh nghiệp, nhưng cũng phải nói rằng một phần quan trọng là do sức mua đã rất yếu.
Việc giải quyết nợ xấu chưa thấy được triển khai gì, còn nợ của các tập đoàn thì cho đến nay tôi chưa thấy trong một văn bản nào
TS Lê Đăng Doanh
Nhiều người không nhận được lương và có rất nhiều công nhân ở TP.HCM đã không thể về quê để ăn Tết được; cho nên sức mua thấp cũng làm cho mức tăng giá trong tháng 2 trong dịp Tết này không có gì
kịch tính lắm. Người ta lo lắng là sắp tới đây có thể giá xăng giá điện lại tăng, cũng có sự lo lắng là học phí và viện phí ở một số tỉnh lại tăng lên. Như vậy hiện nay các doanh nghiệp đang phải trả lương theo mức lương tối thiểu mới thì cũng lại gánh thêm các chi phí nữa. Tất cả những thứ đó tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân .
Nam Nguyên: Thưa TS có những chuyển động nào được ghi nhận liên quan tới gánh nợ khổng lồ của khối doanh nghiệp nhà nước?
TS Lê Đăng Doanh: Vấn đề giải quyết nợ của các tập đoàn nay lên đến 1.330.000 tỷ cũng như vấn đề giải quyết nợ xấu, tôi xin thưa là công ty mua bán nợ, mua bán tài sản hiện nay vẫn chưa thấy ra đời. Cho nên việc giải quyết nợ xấu chưa thấy được triển khai gì, còn nợ của các tập đoàn thì cho đến nay tôi chưa thấy trong một văn bản nào, kể cả trong quyết định 929 về sắp xếp lại các tập đoàn tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, thì cũng không có một chữ nào nói là sẽ giải quyết cái cục nợ này như thế nào.
Nam Nguyên: Thưa TS, còn về tình trạng phá băng thị trường bất động sản thì có phải đã có chuyển động bước đầu?
TS Lê Đăng Doanh: Về bất động sản thì tôi thấy ý định giải ngân 40 ngàn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi là 7%-8% thì so với 1 triệu tỷ đồng bất động sản được xem là một cố gắng đáng ghi nhận, nhưng cũng không thể giải quyết được ngay. Điểm thứ hai là tôi chưa thấy ghi rõ ông A, bà B hay ông Mít bà Xoài nào mua được một căn hộ nào từ số tín dụng đó. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng như Bộ Xây dựng đang thảo luận về việc cấp tín dụng đó như thế nào.
Nam Nguyên: Thưa TS, một trong số những lãnh vực tái cơ cấu được đặt trọng tâm là đầu tư công, việc này cũng nói lâu rồi, đến nay cụ thể như thế nào theo nhận định của ông.
TS Lê Đăng Doanh: Tôi thấy dự án tái cấu trúc đầu tư công thì cho đến nay chưa được công bố, không biết hình thù mặt mũi nó ra làm sao cả. Và đầu tư công ở Việt Nam hiện nay chiếm một tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế. Hiện nay đầu tư công đang được trải ra độ 40.000 dự án đầu tư, cho nên việc giải quyết một vấn đề phức tạp như vậy đòi hỏi phải có các nỗ lực rất là lớn, nhưng cho đến nay tôi chưa thấy có biến chuyển gì mới.
Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã dành thời gian trả lời RFA