Phản ứng của người Na Uy trước việc một gia đình Việt bị trục xuất về nước

Luật pháp nghiêm túc của Na Uy đã trục xuất một phụ nữ và hai con về Việt Nam với lý do cư trú bất hợp pháp.

0:00 / 0:00

Tình cảm, nhân đạo và nguyên tắc

Cô tên Võ Thị Thiên, một thiếu nữ Việt Nam mồ côi cả cha lẫn mẹ, năm 2000 được một người Na Uy gốc Việt cưới làm vợ và đưa về xứ, định cư tại thành phố Nittendal từ đó đến giờ.

Chúa Nhật ngày 7 vừa qua, trong một động thái mà nhiều người Na Uy cho là quá bất ngờ đến không kịp trở tay, cô Võ Thị Thiên cùng hai con nhỏ, trong tình trạng bị tạm giữ với cháu trai Danny năm tuổi mắc bệnh tâm thần, bị cảnh sát áp tải ra sân bay để trục xuất về Việt Nam.

Sự kiện đã rồi này khiến dư luận thành phố Nittendal, đặc biệt những người Na Uy tốt bụng trong nhóm vận động cho mẹ con chị Thiên được ở lại, lấy làm sửng sốt và bất bình, cho rằng nhà cầm quyền hay đúng ra là chính phủ Na Uy đã quá chú trọng đến khía cạnh pháp lý mà quên đi hoặc coi nhẹ phương diện nhân đạo và tình người.

Theo qui định của luật pháp Na Uy, khi kết hôn với người ngoại quốc rồi mang người phối ngẫu về nước, cả hai phải sống chung với nhau đúng ba năm thì người vợ hay chồng nước ngoài đó mới được cấp giấy tờ hợp lệ. Võ Thị Thiên đã không có đủ ba năm chung sống để trở thành người cư trú hợp pháp vì bị chồng bỏ rơi sau hai năm tám tháng chung sống, trong lúc đứa con gái nhỏ của hai người chết vì bệnh tim, được chôn cất tại Nittendal.

Dù vậy, Thiên vẫn gắng đi làm, đóng thuế đều đặn, thuê nơi cư trú và sinh hoạt bình thường suốt 12 năm qua như một công dân Na Uy hẳn hoi. Cô đã lập gia đình và có hai con với một người đàn ông Việt Nam khác. Thế nhưng cũng như cô, người chồng sau này không có giấy tờ hợp lệ.

Hậu quả là sau nhiều năm tranh đấu, xin xỏ và vận động trong vô vọng mà toà án vẫn phán quyết cô phải rời Na Uy. Hôm 30 tháng Chín, Võ thị Thiên cùng chồng và hai con nhỏ bị cảnh sát bắt đưa vào trại tạm giam.

Bà Hilde Westrin Thorkildsen, thị trưởng thành phố Nittendal. RFA screen cap.
Bà Hilde Westrin Thorkildsen, thị trưởng thành phố Nittendal. RFA screen cap. (RFA screen cap.)

Đến ngày 7 tây vừa qua, từ trại tạm giam mẹ con bị đưa ra sân bay và bị trục xuất một cách đột ngột.

Họ đã quá nguyên tắc trong trường hợp này…

Đó là lời bà Hilde Westrin Thorkildsen, thị trưởng thành phố Nittendal, người đã tranh đấu nhiều năm cho trường hợp Võ Thị Thiên.

Theo bà, về phương diện luật pháp Na Uy rõ ràng cô Võ Thị Thiên khó được chấp nhận cho ở lại Na Uy. Tuy nhiên xét về tình cảm và nhân đạo, bà Hilde khẳng định , e rằng chính phủ Na Uy đã quá mạnh tay với cô và nhất là đối với cháu trai Danny có triệu chứng bại não và đang được chữa trị.

Khi biết mình phải trở về nước Võ Thị Thiên kiếm luật sư để bênh vực cho cô. Một ông luật sư nhận giúp cô làm giấy tờ trong năm năm nhưng cuối cùng mọi người phát hiện đây là luật sư giả hiệu, không đủ tư cách thu thập và soạn thảo hồ sơ kiện tụng cho thân chủ.

Về phương diện luật pháp Na Uy rõ ràng cô Võ Thị Thiên khó được chấp nhận cho ở lại Na Uy. Tuy nhiên xét về tình cảm và nhân đạo, e rằng chính phủ Na Uy đã quá mạnh tay với cô và nhất là đối với cháu trai Danny

bà Hilde Westrin Thorkildsen,Thị trưởng

Chính vì gặp phải một luật sư giả , Võ Thị Thiên không tiến hành được giấy tờ cần thiết để khiếu nại. Tôi nghĩ đó là vấn đề và cũng là trở ngại lớn nhất trong quá trình tranh tụng của cô bao năm qua.

Hậu quả là năm 2009, một thân một mình ra trước tòa, Võ Thị Thiên nghe phán quyết là không hội đủ điều kiện pháp lý để định cư tại Na Uy mà phải trở về nguyên quán. Không còn lựa chọn nào khác, cô chấp nhận bản án trục xuất.

Nhưng tiếp đó, khi được bác sĩ báo cho biết con trai cô, bé Danny, chừng như bị chứng bại não và sẽ không thể nào phát triển một cách bình thường được, cô lại nhờ người bản xứ giúp cô đi gỏ nhiều cửa công quyền và xin cho mẹ con được ở lại để chữa bệnh cho Danny.

Tôi biết chuyện Võ Thị Thiên qua lời kể của ký giả một tờ báo địa phương hồi năm 2005 . Chúng tôi đã làm mọi cách để giúp cô, đặt hết niềm tin vào ông luật sư cô mướn từ năm 2005 đến 2009, đến khi biết ông này là luật sư giả thì lại kiếm một luật sư mới. Chúng tôi gởi đơn khiếu nại lên văn phòng thủ tướng, thu thập hơn hai ngàn năm trăm chữ ký từ những người quan tâm ủng hộ mẹ con Võ Thị Thiên ở Nittendal. Đó là chữ ký của những thành viên trong nhóm vận động cho Võ Thị Thiên.

Tuy nhiên đến phiên toà năm 2011 thì trường hợp khó khăn của Võ Thị Thiên cũng không lay chuyển được quyết định của chánh án, cô một lần nữa lãnh phán quyết trục xuất khỏi Na Uy vì tội cư trú bất hợp pháp.

Quyền con người không có trong Luật pháp Na Uy?

Một trang Facebook được lập ngay sau khi cô Võ Thị Thiên và con bị trục xuất. chỉ trong một đêm đã có gần 2000 người vào ủng hộ. RFA screen cap.
Một trang Facebook được lập ngay sau khi cô Võ Thị Thiên và con bị trục xuất. chỉ trong một đêm đã có gần 2000 người vào ủng hộ. RFA screen cap. (RFA screen cap.)

Được hỏi lý do bà quyết định giúp đỡ cũng như tranh đấu cho cô Võ Thị Thiên dẫu biết không thể chống lại luật pháp, bà thị trưởng Hilde Westrin Thorkildsen nói rằng bà chỉ cố làm một việc mà lương tâm bảo bà phải làm:

Tôi nghĩ thật bất nhẫn khi bứt rời và tống xuất đi một gia đình đã gắn bó với Na Uy nói riêng và thành phố Nittendal mười hai năm nay. Chính phủ Na Uy thực thi luật pháp mà không màng đến quyền lợi của những đứa trẻ con

bà thị trưởng Hilde Westrin Thorkildsen

Võ Thị Thiên có người chị sống ở Na Uy, có ba người cháu rất ngoan, họ là những công dân tốt. Thiên cũng có một việc làm, có đóng thuế, giấy tờ thuế má của cô hãy còn đó. Cô là người đàng hoàng, không gây phương hại đến ai, chịu khó hội nhập. Con gái nhỏ của cô đã chết và được chôn cất ở Nittendal, hai con sau này một trai một gái sinh ra ở Na Uy, cháu trai mắc dạng tâm thần nặng cần được chữa trị, cháu gái nhỏ đang học ở vườn trẻ. Tôi nghĩ thật bất nhẫn khi bứt rời và tống xuất đi một gia đình đã gắn bó với Na Uy nói riêng và thành phố Nittendal mười hai năm nay. Chính phủ Na Uy thực thi luật pháp mà không màng đến quyền lợi của những đứa trẻ con.

Điều đó làm tôi thất vọng quá sức, tôi vẫn tiếp tục giúp Thiên và còn rất nhiều người khác tiếp tục giúp cô ấy nữa.

Cùng tâm trạng với bà thị trưởng thành phố Nittendal, cô Jessica Ryan, thành viên trong nhóm vận động cho Võ Thị Thiên, bày tỏ rằng việc bất thần đẩy mẹ con cô Võ Thị Thiên lên máy bay về Việt Nam mà không ai hay biết là chuyện tưởng không bao giờ có thể xảy ra ở đất nước dân chủ Na Uy của cô:

Họ đã phá bỏ nguyên tác về quyền con người khi đối xử với cô ấy như vậy.

Tôi nghĩ lẽ ra chính quyền nên xét lại trường hợp bệnh hoạn và tình cảnh khó khăn liên quan đến con trai của cô Thiên. Tôi từng đi thăm Việt Nam hai lần, từng đến với những trẻ khuyết tật, bại liệt hoặc chậm phát triển. Theo tôi nếu cháu Danny được ở lại Na Uy và được hưởng sự chăm sóc chu đáo qua hệ thống y tế tân tiến của Na Uy, cháu sẽ có nhiều cơ hội sống sót, còn nếu về Việt Nam mà mẹ cháu không có người thân thuộc nào nữa thì tôi lo là bệnh cháu trở nặng hơn, cháu không thể sống nỗi.

Hiện rất nhiều người trong chúng tôi đang vận động để Thiên được trở lại Na Uy. Chúng tôi hy vọng kêu gọi thêm được nhiều sự chú ý từ bên ngoài nhóm. Những đứa con của Thiên phải được coi như trẻ Na Uy hơn là trẻ Việt Nam, lý do là vì chúng được sinh ra ở Na Uy và không hề biết một đất nước nào khác ngoài Na Uy. Đó là điều chúng tôi muốn nhấn mạnh.

Việc bất thần đẩy mẹ con cô Võ Thị Thiên lên máy bay về Việt Nam mà không ai hay biết là chuyện tưởng không bao giờ có thể xảy ra ở đất nước dân chủ Na Uy...Họ đã phá bỏ nguyên tác về quyền con người khi đối xử với cô ấy như vậy

cô Jessica Ryan

Cô Mivan Loestrom, người Na Uy gốc Việt đang cư ngụ tại Oslo, có lẽ là một trong những người Việt hiếm hoi biết đến và quan tâm đến chuyện cô Võ Thị Thiên:

Tuần trước Mi Vân đọc báo thì nghe được tin này, sau đó có vài người Na Uy liên lạc với Mi Vân. Từ đó Mi Vân bắt đầu vào trong cái nhóm làm việc chung với người Na Uy đó để làm sao giúp cô trở lại Na Uy.

Những người Na Uy sống ở thành phố đó, những chính trị gia địa phương cũng như bà Hilde là thị trưởng của thành phố đó họ rất quí mến cô này nên họ đã tranh đấu cho cô được ở lại. Nhưng trường hợp họ đưa cô về nước vội như vậy là câu hỏi cho rất nhiều người, chỉ trong một tuần đã có mấy ngàn người Na Uy lên tiếng về sự việc này. Nhiều người Na Uy cho rằng có lẽ chính phủ sợ sẽ tạo nên một luồng dư luận lớn về sự việc này cho nên mới đưa cô rời khỏi Na Uy sớm như vậy.

Ngay từ hôm kia, khi mà biết được tin cô bị đưa ra cửa sau ra sân bay để về Việt Nam đó, thì trong vòng mấy tiếng đồng hồ thôi lập ra một trang mạng ủng hộ cô, chỉ trong một đêm mà đã có hai ngàn người. Cho tới bây giờ đã có rất nhiều chương trình, có một số ca sĩ sẵn sàng hát để gây quĩ. Cần gây quĩ để có tiền mướn luật sư để kiện lại, để đưa cô này từ Việt Nam về lại Na Uy.

Tranh đấu để cô Võ Thị Thiên cùng hai con được trở lại Na Uy một cách hợp pháp là mục tiêu và cũng là niềm hy vọng nơi những người bản xứ tốt bụng của thành phố Nittendal.

Cho tới lúc này gia đình người chị của cô Võ Thị Thiên chưa nghe được tin gì về cô ở Việt Nam, chỉ biết cô được đưa về phi trường Nội Bài ở miền Bắc thay vì về miền Nam là nơi cô ra đi theo chồng hồi năm 2000.

Cũng từ câu chuyện này, Thanh Trúc còn khám phá thêm một sự việc khác là tại quốc gia Bắc Âu xa xôi băng giá này cũng có một số người Việt Nam sinh sống và làm việc bất hợp pháp.

Họ qua Na Uy cách nào và dưới hình thức nào, ai đưa họ sang đây là bài toán bí hiểm chưa có giải đáp chính xác. Thanh Trúc rất mong tìm được câu trả lời để cống hiến đến quí vị.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi kỳ này tạm ngưng ở đây, Thanh Trúc kính chào và xin hẹn lại quí vị tối thứ Năm tuần tới.