Dự kiến năm 2013 Việt Nam sẽ tiếp tục xuất khẩu từ 7 tới 8 triệu tấn gạo, trong khi nông dân trồng lúa không bảo đảm cuộc sống và mơ ước chính sách trợ cấp nông nghiệp như nhiều nước trong khu vực.
Quá chú trọng thứ hạng
Không ít giới chức chính phủ tự hào về sự kiện Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực đã trở thành nước xuất khẩu gạo xếp thứ nhì thế giới. Thế nhưng Tiến sĩ Đặng Kim Sơn Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn lại không ít lần khuyến nghị, không nên quá chú trọng đến vị trí thứ hạng và khối lượng gạo xuất khẩu. Điều mong muốn là bảo đảm đời sống cho người trồng lúa song song với việc bảo đảm an ninh lương thực, tạo được nguồn ngoại tệ tốt. Trả lời chúng tôi TS Đặng Kim Sơn nhận định:
“Nếu coi việc sản xuất lúa cũng như sản xuất các cây trồng khác là một ngành nghề kinh tế có lợi, để đảm bảo tăng thu nhập cho người dân thì cần đa dạng hóa cây trồng và để cho thị trường quyết định xem nên trồng cây gì nuôi con gì là yêu cầu cần thiết. Ruộng lúa khi cần có thể chuyển sang đa canh, chuyển sang trồng các rau màu khác hoặc là phối hợp nuôi trồng thủy sản. Lấy mục tiêu chính là tăng thu nhập cho người nông dân, chứ không là chuyện phải dứt khoát duy trì một sản lượng lớn lúa gạo để xuất khẩu, để đặt mục tiêu này, mục tiêu kia. Chúng tôi nghĩ là càng ngày mọi người càng hiểu rõ và nhất trí hơn với quan điểm như vậy.”
Mơ ước ông Nhà nước thay đổi chính sách như Thái Lan mua lúa trữ với giá cao cho nông dân. <br/> Nông dân ĐBSCL
Việt Nam đã gia tăng sản lượng lúa gạo một cách mau chóng, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa xuất khẩu chủ yếu của cả nước. Ở các tỉnh miền tây, hàng triệu gia đình nông dân tham gia sản xuất đã mang lại lượng lúa gạo kỷ lục đóng góp phần lớn vào khối lượng xuất khẩu trên dưới 7 triệu tấn gạo mỗi năm. Tuy vậy thu nhập trung bình của nông dân làm lúa chỉ vào khoảng 315.000đ/ người mỗi tháng. Nguyên do là vì diện tích canh tác quá nhỏ dưới 1ha, trợ cấp nông nghiệp không đến tay nông dân, cũng như việc phân chia lợi tức không hợp lý từ đồng ruộng tới thương lái, nhà máy xay xát và nhà xuất khẩu.
GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo Long An từng nói với chúng tôi là phải sáng suốt trong chính sách phát triển lúa gạo.
“Họ không thấy cách làm giàu nào khác ngoài cây lúa…Nhưng tôi bảo đảm làm lúa là không thể nào làm giàu được, trừ khi bây giờ Việt Nam dám nâng cao giá lúa như Thái Lan, hoặc cao hơn nữa…chứ còn cứ giữ giá lúa thấp lè tè như thế này thì người nông dân luôn luôn chịu lỗ luôn luôn thiệt thòi, còn những người buôn bán lúa gạo, thuốc trừ sâu phân bón là những người làm giàu.”
Lợi tức không theo kịp vật giá
Sau vụ đông xuân vụ lúa lớn nhất trong ba vụ quanh năm, một người trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long than phiền về mức lợi tức không theo kịp vật giá:
“Chi phí các thứ đều cao, sinh hoạt gia đình hàng ngày…tất cả đều nhắm vô lúa hết. Nếu được lời 30% thì nông dân đã quá khổ mà năm nay mấy người thất thoát chắc gì được 30%. Nói hỗ trợ nông dân có thấy ai được gì, chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng họ mua gạo theo kiểu đã rồi chẳng được gì. Mơ ước ông Nhà nước thay đổi chính sách như Thái Lan mua lúa trữ với giá cao cho nông dân.”
Chúng tôi chuyển câu hỏi này đến TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn và được ông trả lời:
“Chính sách trợ cấp cho nông dân không phải chỉ riêng Thái Lan đang làm một cách mạnh mẽ, hiện nay Indonesia và Philippines cũng đang thực hiện khá mạnh. Đối các nước phát triển như Nhật Bản hay Hàn Quốc họ làm rất quyết liệt. Điều quan trọng là không phải Việt Nam e ngại gì, các khoản cấm của WTO còn rất xa chúng ta mới trợ cấp hết mức độ mà giới hạn cho phép. Việc quan trọng chính là ngân sách nhà nước không có, có thể nói trong số các nước sản xuất lúa hiện nay Việt Nam thuộc loại nước nghèo nhất của các nước xuất khẩu gạo. Thực sự mà nói ngân sách nhà nước không thể có để làm theo kiểu công bố giá sàn rồi mở kho mua đúng giá sàn như thế. Với sự trợ cấp như thế khả năng hỗ trợ nhà nước về sản xuất lúa gạo chắc chắn là không đủ. Điều quan trọng chính là vì năng lực nhà nước trợ cấp không chỉ riêng cây lúa mà tất cả các cây trồng khác ở Việt Nam, hay cho nông nghiệp nói chung là còn rất yếu.”
Để đảm bảo tăng thu nhập cho người dân thì cần đa dạng hóa cây trồng và để cho thị trường quyết định xem nên trồng cây gì nuôi con gì là yêu cầu cần thiết. <br/> TS Đặng Kim Sơn
Trên thực tế Việt Nam cũng thực hiện một số trợ cấp nông nghiệp đối với người trồng lúa nhưng nguồn kinh phí đã ít lại không hiệu quả. Các chuyên gia nhiều lần phân tích tại các buổi hội thảo. Thi thoảng cũng có lúc mỗi héc-ta trồng lúa được trợ cấp 500.000đ, hoặc trợ cấp lãi suất vay vốn mua nông cơ nhưng lại ràng buộc mua máy nội địa, trong khi mặt hàng này của Việt Nam sản xuất rất tồi. Chính sách tạm trữ gạo mỗi khi thu hoạch rộ cũng vậy, doanh nghiệp được trợ cấp phần lãi suất vay vốn 8%-9% để thực hiện tạm trữ, nhưng doanh nghiệp không mua lúa trực tiếp của nông dân mà chỉ mua gạo qua trung gian thương nhân. Đường đi lòng vòng làm thay đổi giá thị trường với phần thiệt thòi lớn nhất thuộc về nông dân.
Trong tư liệu của chúng tôi, một số chuyên gia trong đó có TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long từng cho rằng lúa gạo ở Việt Nam mang tính chính trị nhiều hơn là kinh tế. Nhưng theo chúng tôi hiểu, ý nghĩa chính trị ở đây khác với Thái Lan vì Thái Lan tài trợ giá gạo cho nông dân để họ ủng hộ qua lá phiếu. Trong khi ở Việt Nam, nếu vì lý do gì lúa gạo tăng quá mức, chính phủ sẽ can thiệp bằng cách ngưng xuất khẩu chẳng hạn, để kéo giá xuống ưu tiên ổn định An sinh xã hội.
Vậy thì có nên trồng lúa nhiều để xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo mỗi năm trong khi phải nhập khẩu cũng đến vài tỷ USD mặt hàng bắp, khô dầu đậu nành, bột cá …để chế biến thức ăn chăn nuôi. Đây vẫn là một vấn đề còn để ngỏ.