Một giai đoạn đen tối
1 triệu người thất nghiệp, 55.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, ngưng nộp thuế trong năm 2012, con số này có thể còn cao hơn nhiều mà chưa được công khai thông tin. Chỉ dùng những số liệu chính thức thì cộng chung hai năm 2011-2012 cả nước có đến 110.000 doanh nghiệp giải thể, tương đương một nửa số doanh nghiệp thực sự ngừng hoạt động trong vòng 25 năm, kể từ khi Việt Nam đổi mới kinh tế đầu năm 1987 cho đến nay. Báo mạng VnExpress trích phát biểu của lãnh đạo Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam nhận định: “đây là một trong những giai đoạn đen tối nhất của doanh nghiệp Việt Nam”
Vân Thành Huy
Mặc dù có nhiều nguyên do dẫn tới việc doanh nghiệp phá sản hay đình trệ sản xuất nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đó là hệ quả của việc điều hành chính sách tiền tệ sai lầm, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng và những doanh nghiệp cần được vay vốn với lãi suất hợp lý đã bị chính sách thắt chặt tín dụng làm cho chết lâm sàng hoặc khai tử thực sự. Trả lời chúng tôi, chuyên gia tài chính cao cấp Bùi Kiến Thành từng có nhận xét phản ảnh thực trạng này:
“Nếu như hôm nay ngay giữa thành phố Hà Nội trên phố Tràng Tiền cháy 5-7 căn phố mà Sở Cứu hỏa Hà Nội không chịu bơm nước chữa lửa thì tình hình nó sẽ như thế nào? Còn hiện nay trên toàn cõi Việt Nam hàng chục nghìn doanh nghiệp đang ‘cháy’vì thiếu tín dụng hoạt động mà Ngân hàng Nhà nước không giải quyết vấn đề tiếp cận tín dụng cho những doanh nghiệp đó hoạt động để hàng nghìn doanh nghiệp phải phá sản, để hàng chục vạn người lao động phải mất việc làm thế thì không hợp lý.”
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phải vay vốn ngân hàng rất cao trên dưới 20% trong năm 2011 và kéo dài sang 2012. Sau này Ngân hàng Nhà nước có một số điều chỉnh qua 5 lần giảm lãi suất trong vòng 12 tháng bên cạnh việc ban hành một số giải pháp về hoãn giảm thuế. Tuy vậy các chuyên gia cho là quá muộn đối với đại đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn, một khi nợ cũ chưa trả xong thì không có cách gì doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng lãi suất 13% hay 12% như các quyết định điều chỉnh gần đây của Ngân hàng Nhà nước.
Một trong các nạn nhân của chính sách thắt chặt tiền tệ trong nửa đầu 2012 là Inexim Daklak, một doanh nghiệp từng có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Ông Vân Thành Huy cựu chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam, Tổng giám đốc Inexim kể lại giai đoạn này:
“Thắt chặt tiền tệ nên doanh số thấp xuống chi phí thì cao lên và lợi nhuận giảm. Một số ngành hàng trong đó có mặt hàng cà phê gặp khó, trong lúc những công ty nước ngoài (FDI) có nguồn vay với lãi suất thấp hơn chỉ khoảng 5% thôi; trong khi các doanh nghiệp của mình nếu vay ngoại tệ chịu 9% còn vay tiền Việt Nam lãi suất tới 22%. Chủ trương mở rộng sản xuất để có tăng trưởng 15%-20% thì mình mở rộng sản xuất, mua thiết bị, mở rộng kho hàng, do thắt chặt tiền tệ thì bây giờ phải co hẹp lại, giải quyết bớt tài sản đi để làm vốn….”
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn
Hết năm 2012, ông Vân Thành Huy vẫn không thấy tình trạng sáng sủa hơn, lãi suất cho vay có giảm theo loan báo nhưng vẫn luôn luôn ở mức 2 con số cao nhất khu vực. Hơn nữa ngành ngân hàng điên đầu giải quyết nợ xấu, nợ khó đòi đâu có rộng hầu bao với những doanh nghiệp gập khó khăn, nợ cũ chưa trả hết. Ông Vân Thành Huy nhận định:
“Lãi suất ở Việt Nam cũng vẫn còn cao so với lãi suất cho vay của nước ngoài. Lãi suất ngân hàng Việt nam hiện nay cho vay 14%-15%, nhưng rất hạn chế, ngân hàng vẫn thắt chặt tiền tệ ngại rủi ro không dám cho vay nhiều. Về nguồn vốn thì đã có nghị quyết 13 của chính phủ để gỡ khó cho doanh nghiệp trong tình hình ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng vấn đề tháo gỡ khó khăn cũng chưa được nhiều.”
Bùi Kiến Thành
Ngày 24/12/2012 Ngân hàng Nhà nước giảm 1% đối với một số lãi suất. Đáng chú ý lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 năm còn 8%, lãi suất cho vay kinh doanh sản xuất nói chung vẫn là 13% nhưng giảm 1% còn 12% trong một số lĩnh vực như vay vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ…Nhưng đây là lãi suất các khoản vay mới trong năm 2013 mà giới doanh nhân châm biếm là nên lập công ty mới, lần đầu đi vay tiền ngân hàng thì may ra vay được.
Nếu doanh nghiệp được tiếp vốn, khoanh nợ, giảm thuế đúng lúc thì có lẽ số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động đã không đến nỗi nhiều như vậy. Trả lời chúng tôi chuyên gia Bùi Kiến Thành đặt nặng trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước.
“Tôi đã nhiều lần kiến nghị rằng, việc cung ứng lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững là nhiệm vụ và cũng là quyền hạn của ngân hàng trung ương, vì ngân hàng trung ương có nguồn tín dụng không phải trả lãi suất cho ai cả. Ngân hàng trung ương có thể cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất thấp 3%-4% để ngân hàng thương mại có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất dưới 10%. Việc này tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều làm trong tình trạng thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Nếu ngân hàng thương mại không huy động được vốn với lãi suất thấp để cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp thì lúc đó nó trở thành nhiệm vụ của ngân hàng trung ương phải giải quyết chứ không thể nào để cho doanh nghiệp chết được.”
Ông Cao Sĩ Kiêm nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và vừa nhận định trên VnEconomy: “Ngân hàng thừa vốn, khả năng thanh toán tốt nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được nên dẫn đến dòng vốn chưa thông thoáng. Chừng nào chưa giải quyết được những vấn đề liên quan đến nợ xấu, hàng tồn kho, thị trường bất động sản…thì dòng vốn khó mà khai thông.”
Theo dòng thời sự:
- Gẫy đòn bẩy
- Liên minh thuế quan
- Sở hữu chồng chéo làm ngân hàng tròng trành
- Nhà nước và phát triển
- Đi tìm sự dung hòa kinh tế
- Khủng hoảng tài chính toàn cầu
- Hình sự trong kinh doanh
- Mặt trái kinh tế của biểu hiện ngang ngược
- Vũ khí kinh tế
- Dầu khí trên thương trường và chiến trường
- Cải Tổ Lãi Suất
- Doanh nghiệp và thất nghiệp
- Ngợi ca Tư Bản Chủ Nghĩa
- Cải cách ngân hàng VN gặp khó khăn
- Doanh nghiệp sẽ tiếp cận vốn dễ dàng?
- Ngân hàng Nhà Nước giảm lãi suất của một số hạng mục
- Suy Trầm Hay Khắc Khoải?