Lãnh đạo của Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) muốn vấn đề này nhanh chóng được giải quyết bằng cách hòa bình và ôn hòa.
Bộ trưởng Ngoại giao từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đã và đang cố gắng tìm kiếm tiếng nói chung để hàn gắn sự rạn nứt trong khu vực liên quan đến tranh chấp biển Đông với Trung Quốc, nhằm có được sự thống nhất trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN với Trung Quốc diễn ra vào ngày 19/11.
Ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký của ASEAN phát biểu rằng Hội nghị lần này sẽ là cơ hội để các nước ASEAN tăng cường hợp tác với các nước đối tác trong khu vực Đông Á. Nhưng vấn đề nóng ở đây vẫn là tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc với các nước thành viên của ASEAN.
Tìm tiếng nói chung
Theo ông, tranh chấp biển Đông không thể thờ ơ được, điều này không chỉ lãnh đạo các nước ASEAN mà nước đối tác đến tham dự Hội nghị cũng phải chú trọng và đóng góp ý kiến cho vấn đề này. Ông nói sẽ giải quyết vấn đề biển Đông cùng nhau.
Ông Surin Pitsuwan phát biểu: "Chúng tôi mong rằng chúng ta có thể cùng nhau giải quyết vấn đề này. Chúng tôi hy vọng nếu có bất cứ điều gì chúng ta có thể làm để giúp đỡ xây dựng nền văn hóa mới, thói quen mới làm việc cùng nhau, chúng tôi muốn giúp đỡ."
Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra ngày 17/11 là để thảo luận, rà soát, mở đường cho các nhà lãnh đạo ASEAN, với hy vọng sẽ thúc đẩy các chính sách chuyển tiếp về nhân quyền và tự do thương mại.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, và các quốc gia đối tác khác có kế hoạch tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong hai ngày bắt đầu từ ngày 19 đến ngày 20/11.
Ô. Surin Pitsuwan
Nước thành viên ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, cũng như Đài Loan có liên quan đến các cuộc đàm phán cho thấy quan hệ ngoại giao các nước trong khu vực giảm mạnh do tranh chấp biển Đông.
Nhưng ông Surin Pitsuwan không tin đó là nguyên nhân làm cho các nước phải đối đầu với nhau.
Ông nói: "Tôi không nghĩ tranh chấp này làm các nước phải đối đầu với nhau. Tôi nghĩ rằng nó sẽ không trở thành xung đột. Nhưng dựa vào Hội nghị Thượng đỉnh này tôi tin rằng mọi việc đều có thể giải quyết bởi vì họ đủ hiểu là cần phải làm gì."
Còn Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết trước thềm Hội nghị thượng đỉnh rằng Indonesia sẽ tiếp tục thúc giục lãnh đạo các nước liên quan kiềm chế và sớm đạt được thỏa thuận Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Bộ quy tắc ứng xử nhằm mục đích thúc đẩy sự tự tin, ngăn chặn sự cố ở biển Đông và cũng quản lý và giải quyết sự cố nếu chúng xảy ra.
Ngoại trưởng Marty Natalegawa cho biết: "Những gì Indonesia đang chờ đợi, đó là chúng ta thống nhất kết quả về xây dựng các thành tố của COC và chúng ta tiến hành thỏa thuận COC, làm cơ sở để trao đổi giữa ASEAN với Trung Quốc. Indonesia đề xuất lập đường dây nóng để liên lạc khẩn cấp nhằm kiềm chế nguy cơ xung đột trên biển Đông.
Trong quá trình đàm phán COC, các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ DOC, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, nhất là tăng cường hợp tác.”
Ôn hòa, trên cơ sở luật pháp
Trong khi đó, nhà Ngoại giao Trung Quốc nói Hội nghị thượng đỉnh ASEAN không nên bị lu mờ bởi một tranh chấp về biển Đông, một tình hình được kiểm soát và các nước liên quan có thể giải quyết.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh khẳng định rằng tranh chấp vẫn bình yên, trước khi các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cũng như Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự Hội nghị tại Campuchia.
Bà nói vấn đề biển Đông không giống như thế giới nghĩ là rất nguy hiểm, rất hỗn loạn. Trong thực tế, trong vài năm qua, Trung Quốc và các nước xung quanh biển Đông đã kiểm soát tranh chấp thành công và không để cho có xung đột.
Bà Phó Oánh nói: "Khu vực này có thể kiểm soát và đối phó với cuộc khủng hoảng thông qua các cuộc hội đàm và các cuộc đàm phán dẫn đến hòa bình và ổn định trong khu vực, với những điều kiện này có thể có phát triển kinh tế.
Giải quyết tranh chấp vẫn dựa vào cuộc đàm phán với các nước liên quan trực tiếp Trung Quốc. Trung Quốc và ASEAN tin rằng có thể duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông. Chúng tôi đã chứng minh đã có thể làm được điều này."
NT Phạm Bình Minh
Còn Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từ chối bình luận nhưng trước đó ông thúc giục các nước tôn trọng luật biển năm 1982 và cương quyết giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh: "Việt Nam là thành viên của ASEAN, tham gia toàn bộ để xây dựng cộng đồng ASEAN, cùng đóng góp vào để xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Vấn đề biển Đông vẫn là một trong những vấn đề được trao đổi trong [Hội nghị] vì đây là vấn đề chung, quan tâm chung của các nước trong khu vực. [Vấn đề biển Đông] không giải quyết song phương.
Các vấn đề là phải giải quyết thông qua hòa bình, giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước luật biển năm 1982. Thực hiện hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).”
Đối với nước Chủ tịch Campuchia, lãnh đạo xứ này khẳng định biển Đông không còn là vấn đề tại Hội nghị thượng đỉnh, đặc biệt là Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) vì nhiều thành tố đã được thỏa thuận.
Tuy nhiên, lãnh đạo của Lào thì lại yêu cầu Campuchia không đem vấn đề biển Đông ra thảo luận. Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Bann, người đồng cấp Lào Douangchay Phichith lấy lý do rằng việc thảo luận tranh chấp biển Đông tại Hội nghị sắp tới sẽ khiến một số thành viên trong khối không hài lòng.
Tổng thư ký của ASEAN Surin Pitsuwan nói ASEAN phải cố gắng và tăng tốc hơn nữa để hoàn thành COC để giải quyết tranh chấp trong khu vực. Trong lúc chờ đợi COC ra đời, các nước có tranh chấp phải hết sức kiềm chế và tránh xung đột, đồng thời tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Theo dòng thời sự:
- ASEAN thảo luận về bất ổn Miến Điện và tranh chấp Biển Đông
- 10 nước ASEAN đồng lòng muốn TQ đàm phán về Biển Đông
- ASEAN thông qua bản Tuyên Bố Nhân Quyền
- Indonesia đề xuất lập "đường dây nóng" để ngăn chặn xung đột trên Biển Đông
- Biển Đông, nhân quyền - đề tài nóng tại Thượng đỉnh ASEAN 21
- Thượng đỉnh ASEAN nỗ lực hàn gắn rạn nứt Biển Đông
- Trung Quốc muốn trở thành cường quốc hàng hải
- Sự vô nghĩa của từ "hợp tác"