Gần đây, người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện làm thế nào để hưởng thụ được những thứ ngon nhất, lạ nhất, bổ nhất, nhưng còn một cái nhất khác rất Việt Nam, đó là rẻ nhất. Thịt chim trở thành đối tượng số một cho ba tiêu chuẩn này, ngoài ra, người ta còn đồn thổi, nếu như uống nhiều tiết chim, sẽ tráng dương, bổ thận, tránh bạc tóc và sống thọ. Chính vì thế, chưa bao giờ các loại chim bị tàn sát và đối diện nguy cơ tuyệt chủng như vây giờ.
Công nghệ Trung Quốc
Ông Trần Kha, chuyên bẫy chim sẻ bằng công nghệ Trung Quốc kể với chúng tôi là mỗi ngày ông có thể bẫy lên đến ba trăm con chim sẻ mà không tốn một chút mồi nào hay hạt lúa nào. Trước đây, ông phải dùng lưới sập, có chim mồi, may mắt cho chúng bị mù rồi cột chân, cho bay chấp chới trong vùng lưới bẫy, chim sẻ vốn là loài thương nòi, không cần biết con chim mồi thuộc bầy nào, đàn nào, hễ cứ thấy đồng loại bị mắc kẹt, bị thương là sà xuống cứu.
Lúc này, ông Kha chỉ việc giật sập lưới, úp bầy chim kia lại và bắt. Nhưng cách bắt này không cho năng suất cao. Kể từ ngày có công nghệ Trung Quốc hỗ trợ, ông bẫy nhiều gấp bảy, tám lần so với trước đây.
Tìm hiểu về công nghệ mà ông Kha gọi là sát thủ chim sẻ, chúng tôi hết sức ngạc nhiên với thứ công nghệ gồm một nhánh tre, một cái máy phát ra âm thanh tiếng chim sẻ ríu rít gọi bầy và một hũ keo dán chuột. Công việc bẫy chim cũng diễn ra rất đơn giản như một trò chơi, đầu tiên là tìm một bụi tre có nhiều chim sẻ đang đậu, sau đó bôi keo vào nhánh tre, tìm một khoảng đất trống và mềm để cắm nhánh gai tre có dính keo vào đó và giấu chiếc máy phát âm dưới chỗ cắm nhánh tre, bật máy và đi tránh.
Chừng mười phút sau, bầy chim nghe tiếng gọi đàn, cứ thế mà sà xuống đậu trên nhành tre, vướng cánh vào keo dính chuột không sót con nào. Công việc còn lại của người bẫy chim là ra gỡ từng con một, bỏ vào giỏ và lại tiếp tục trốn cho đến lúc bầy chim còn lại vài con, hoảng loạn bay đi nơi khác.
Trung bình, mỗi ngày với ba trăm con chim, ông Kha kiếm được chừng một triệu rưỡi đồng. Đây là con số quá hấp dẫn cho một người nông dân, chính vì thế, ông Kha bỏ hai đám ruộng ở nhà cho bà vợ thuê người chăm, đi bẫy chim từ nơi này sang nơi khác, quanh năm suốt tháng.
Một người chuyên bẫy chim đỗ quyên, tức là chim quốc, tên Hùng, quê ở Đại Lộc, Quảng Nam, cho chúng tôi biết, trung bình, mỗi ngày anh bẫy được từ mười đến hai mươi con, mỗi con bán được năm mươi ngàn đồng, có nghĩa là trung bình mỗi ngày anh kiếm được từ năm trăm ngàn đồng đến một triệu đồng, con số này cũng khá hấp dẫn cho một người lao động, anh không cần suy nghĩ gì nhiều về môi trường và sinh thái, vì những thứ đó không mang lại cơm gạo cho anh và vả lại, nếu anh có lo lắng gì về môi trường thì người ta cũng thi nhau tàn phá, không những người dân tàn phá mà ngay cả cán bộ nhà nước như kiểm lâm, cơ quan bảo vệ môi trường cũng tàn phá rừng, tàn phá đất đai tàn bạo hơn cả lâm tặc, sa tặc. Chính vì thế mà Hùng chỉ cần biết làm cho có tiền nuôi vợ con, chiều chiều ra quán nhậu là đủ.
Rượu ngoại pha tiết chim và khách vip
Ghé một quán nhậu ở Quán Rường, giáp giới thành phố tam Kỳ, Quảng Nam, chúng tôi bắt gặp cơ man nào là các loại chim, từ chim sẻ, chim quốc, chim cu gáy, chim gáy xanh, chim cú, thậm chí có cả một con chim đại bàng đang nhốt trong lồng, kể cả các loại chim cảnh đều có…
Chủ quán cho chúng tôi biết là trong số chim này, chim cảnh cũng có, chim để ăn thịt cũng có, nếu thực khách thích ăn chim cảnh, trả giá cao, ông sẵn sàng bán. Trường hợp muốn ăn thịt chim đại bàng thì có giá ba chục triệu đồng một con, chim cú từ hai triệu đồng đến sáu triệu đồng, các loại chim khác thì giá bình dân, chim sẻ nướng lá chanh có giá mười lăm ngàn đồng một con, chim đỗ quyên nấu cháo thì một trăm hai mươi ngàn, rượu tiết chim, mỗi chai 50ml có giá năm mươi ngàn đồng, thứ gì cũng có.
Ông chủ quán tên Kim cho chúng tôi biết thêm là phần lớn cán bộ trong tỉnh rất kết quán ông, vì ông phục vụ tận tình, hiểu được tâm lý khách, với giới cán bộ, chuyện ăn nhậu của họ không phải đặt nặng về tiền bạc mà là phong cách phục vụ có đẳng cấp hay không, đừng quan tâm chuyện tiền bạc với giới cán bộ, mắc rẻ không thành vấn đề. Chỉ cần biết ý của họ, mang tiết còn tươi nguyên ra pha rượu trước mặt họ, nướng chim sẻ thật thơm và cứ thế mà bưng ra mời, sau đó họ sẽ từ từ, rỉ rả gọi mồi, gọi thêm tiết để pha với rượu ngoại, cứ cho vài em chân dài ra nhẹ nhàng, dịu dàng pha rượu, tiếp rượu là họ sẽ hài lòng, trả tiền mát tay và lần sau còn ghé lại.
Ông Kim nói rằng một bữa nhậu thịt chim, cháo chim, tiết chim, các loại chim, có đắt cách gì cũng không tới hai chục triệu đồng, trong khi đó, những vị khách đi xe bảng số xanh hoặc đi xe bảng số tứ quí, chỉ cần một chai rượu của họ đã lên đến vài chục triệu đồng, thứ họ quan tâm là ăn uống ngon miệng, vui vẻ, em út phục vụ chu đáo, biết vâng lời và uống được tiết chim, sẽ cường dương, sẽ tiếp tục đi tăng hai ở đâu đó mãn nguyện. Có nhiều ông khách tuy chỉ nhậu chưa đến hai triệu đồng tiền mồi nhưng sẵn sàng chi ra ba triệu để boa cho em phục vụ và lấy số điện thoại hẹn hò.
Một ông chủ quán khác trong thành phố Tam Kỳ, quán nằm trên đường ra biển Kỳ Hà, cho chúng tôi biết là quán của ông thì phục vụ cho khách bình dân nhiều hơn là khách quan chức.
Nhưng bình dân gì thì cũng không thể nào cầm vài chục ngàn đồng vào quán ông nhậu được. Thời buổi bây giờ, những Việt kiều được xếp vào giới bình dân, chỉ có những tài phiệt và quan chức nhà nước cấp huyện, cấp tỉnh thì mới có đủ tiền mà vung không ngại tay, chính vì thế, họ được xếp vào nhóm khách vip.
Chuyện thịt chim, tiết chim còn dài lắm lắm, nhưng những tiếng chim đã vắng dần trên các cánh đồng. Và chuyện uống rượu ngoại pha tiết chim, một bữa nhậu lên đến vài chục triệu đồng nghe ra đã rất bình thường, nó trở thành chuyện thường ngày, giống như chuyện thường ngày bươn bả khắp các nẻo đường bán vé số, bán gương lược, bán ve chai, đồng nát để kiếm vài chục ngàn đồng mà mua gạo, tồn tại qua ngày đoạn tháng.