Vấn đề nội bộ nước Mỹ và cam kết với Châu Á

0:00 / 0:00

Thông tin về việc Tổng thống Obama phải hủy bỏ chuyến đi đến Philippines và Malaysia trong tháng 10 do vấn đề nội bộ nước Mỹ đã khiến một số các phân tích gia quốc tế quan ngại về ảnh hưởng của nó tới cam kết của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á.

Cơ hội cho Trung Quốc

Chỉ hai tuần sau khi Nhà Trắng thông báo chính thức về chuyến đi của Tổng thống Barack Obama tới châu Á từ ngày 6 đến 12 tháng 10, hôm 2 tháng 10, kế hoạch chuyến đi của ông đã phải thay đổi khi Tổng thống quyết định bỏ chuyến thăm đến Philippines và Malaysia do vấn đề nội bộ nước Mỹ. Thậm chí đã có lo ngại rằng ông cũng không thể dự thượng đỉnh Đông Á và hội nghị APEC theo kế hoạch. Những vấn đề trong nội bộ của nước Mỹ lúc này dường như đã khiến một số các nhà quan sát quốc tế lo ngại về cam kết của Mỹ tại Đông Nam Á.

Tờ The New York Times hôm 2 tháng 10 trích lời của một chuyên gia về Trung Quốc, cố vấn dưới thời Tổng thống Bill Clinton, ông Kenneth Lieberthal nói rằng việc hủy chuyến đi này có ảnh hưởng xấu về mặt ngoại giao. Ông Jeffrey Bader, người từng là cố vấn cao cấp cho Tổng thống Obama đến năm 2011 nói rằng những vấn đề bên trong nước Mỹ đẩy đến quyết định hủy bỏ chuyến đi đã gửi ra một thông điệp không hay tới các nước đồng minh của Mỹ rằng Mỹ đang ở rất xa và hệ thống chính trị của Mỹ đang mất khả năng hoạt động.

Một số người có thể thất vọng về quyết định hủy bỏ chuyến đi của Tổng thống nhưng chúng ta phải hiểu đó là vấn đề nội bộ của nước Mỹ khi quốc hội bị chia rẽ. <br/> -GS Renato Cruz de Castro

Hôm 2 tháng 10, tờ Wall Street Journal trích lời của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về châu Á nói rằng nếu Tổng Thống không thể đến dự APEC và thượng đỉnh Đông Á, mọi người sẽ nghĩ là ông bị sao nhãng. Tình hình hiện tại bên trong nước Mỹ đang tạo ra một thảm họa cho chính sách của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, và mọi người có thể chắc chắn là Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này.

Trong khi Tổng thống Mỹ không thể thực hiện chuyến đi như đã định, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Indonesia hôm 2 tháng 10 mở đầu chuyến thăm tới Đông Nam Á lần đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức. Nhân dịp này hai nước đã ký các thỏa thuận về hợp tác và đầu tư lên đến 20 tỷ đô la. Sau Indonesia, Ông Tập Cận Bình đã đến Malaysia. Sau đó ông sẽ lên đường đến Bali, Indonesia để dự APEC.

Không ảnh hưởng cam kết của Mỹ?

Tuy nhiên, theo Giáo sư Renato Cruz de Castro, một chuyên gia về Đông Nam Á thuộc trường đại học De la Salle, Philippines, việc hủy bỏ chuyến đi này của Tổng thống Obama không bị phía Philippines coi là nghiêm trọng:

Bảng thông báo vì lý do chính phủ đóng cửa nên tất cả các công viên quốc gia đóng cửa, ảnh chụp tại Lincoln Memorial ở Washington DC hôm 01/10/2013. AFP PHOTO.
Bảng thông báo vì lý do chính phủ đóng cửa nên tất cả các công viên quốc gia đóng cửa, ảnh chụp tại Lincoln Memorial ở Washington DC hôm 01/10/2013. AFP PHOTO.

“Chúng tôi hiểu đây là vấn đề bên trong nước Mỹ mà Tổng thống cần phải giải quyết, cho nên Tổng thống phải hoãn chuyến đi. Nhưng theo những gì tôi được nghe thì ông không tới thăm Philippines tháng này nhưng có thể đến vào tháng khác. Ông ấy vẫn có thể đến để dự thượng đỉnh Đông Á và Thượng đỉnh Đông Nam Á. Cho nên vẫn có cơ hội là ông sang châu Á. Đây chỉ là một chuyến thăm mang tính tượng trưng, nó cũng không phải là chuyến thăm cấp nhà nước. Chắc chắn là ông sẽ tới Philippines vào năm 2015 để dự APEC. Tất nhiên có một số người có thể thất vọng về quyết định hủy bỏ chuyến đi của Tổng thống nhưng chúng ta phải hiểu đó là vấn đề nội bộ của nước Mỹ khi quốc hội bị chia rẽ.”

Hôm 2 tháng 10, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Caitlin Hayden nói với báo chí mặc dù Tổng thống Obama không tới được Philippines và Malaysia lần này nhưng ông chắc chắn sẽ tới thăm hai nước vào dịp khác cũng trong nhiệm kỳ này.

Theo giáo sư Renato Cruz de Castro, những vấn đề hiện tại của nước Mỹ chỉ là tạm thời, không ảnh hưởng đến cam kết của Mỹ với các đồng minh.

Điều mà chúng tôi thấy ở Mỹ chỉ là một vấn đề tạm thời nó chưa phải là vấn đề kinh tế lớn hay cơ cấu, và nó có thể có ảnh hưởng nhưng chỉ là trong thời gian ngắn. <br/> -GS Renato Cruz de Castro

“Điều mà chúng tôi thấy ở Mỹ chỉ là một vấn đề tạm thời nó chưa phải là vấn đề kinh tế lớn hay cơ cấu, và nó có thể có ảnh hưởng nhưng chỉ là trong thời gian ngắn và chủ yếu là về mặt tâm lý, chứ không phải thực tế. Hoa Kỳ sẽ vẫn tôn trọng nghĩa vụ với các đồng minh của mình.”

Như để khẳng định cam kết của Mỹ tại Đông Nam Á và nhất là với các đồng minh trong khu vực, cũng trong ngày 2 tháng 10, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra thông cáo cho biết Ngoại trưởng John Kerry sẽ tới thăm 5 nước châu Á bao gồm Nhật Bản, Indonesia, Brunei, Malaysia, và Philippines từ ngày 1 đến 12 tháng 10. Theo lịch trình Ngoại trưởng Kerry sẽ dự Thượng đỉnh Đông Á tại Brunei và hội nghị APEC ở Indonesia.

Hiện tại Hoa kỳ và Philippines đang tiến hành đàm phán để gia tăng sự có mặt của quân đội ở Mỹ ở Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói với quốc hội rằng kế hoạch này nhằm giúp Philippines có được sự phòng vệ đáng tin cậy tối thiểu để bảo vệ lãnh thổ của mình trong khi Philippines đang tìm cách hiện đại hóa quân đội. Đây cũng được coi là một biện pháp mà Philippines áp dụng để đối phó trước nhưng đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc trong những tranh chấp về lãnh hải.

Giáo sư Castro cho biết các đàm phán giữa hai nước vẫn đang tiếp tục và có nhiều khả năng mọi việc sẽ hoàn tất trước khi Ngoại trưởng Kerry tới Philippines. Việc ký kết thỏa thuận giữa hai nước sẽ có thể được tiến hành trong tháng này hoặc tháng tới.

Nói về lập trường của Mỹ tại khu vực biển Đông, Giáo sư Castro cho rằng phía Hoa Kỳ sẽ không thay đổi lập trường trung lập của mình trong các tranh chấp về chủ quyền ở khu vực. Nhưng phía Philippines tin là Hoa Kỳ sẽ phải tôn trọng những nghĩa vụ của mình với các đồng minh, và vào lúc này đó là điều tốt nhất mà đồng minh của Mỹ có thể hy vọng nhận được từ Mỹ.