Tổng thống Barack Obama với nhiệm kỳ 2

Chừng 3 giờ đồng hồ nữa, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ bắt đầu.

Nhân ngày trọng đại của lịch sử Hoa Kỳ này, Nguyễn Khanh và Thanh Trúc của Đài chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn nhìn lại những gì Tổng Thống Obama đã làm được trong 4 năm đầu tiên của ông và những gì ông sẽ thực hiện trong 4 năm sắp tới.

Điều thành công nhất

Thanh Trúc: Trước khi đi vào câu chuyện chúng ta sẽ trao đổi hôm nay, điều mà mọi người thắc mắc là hôm qua Tổng Thống Obama đã tuyên thệ nhậm chức, hôm nay ông lại tuyên thệ nhậm chức nhậm chức lần thứ nhì. Tại sao vậy?

Nguyễn Khanh

Nguyễn Khanh: Chuyện rất dễ hiểu. Hiến pháp Hoa Kỳ quy định Tổng Thống và Phó Tổng Thống sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 20 tháng Giêng, năm nay ngày này rơi vào ngày Chủ Nhật, do đó hôm qua cả ông Obama và Phó Tổng Thống Joseph Biden đã tuyên thệ nhậm chức theo đúng quy định của hiến pháp, và buổi lễ hôm nay là buổi lễ dành cho công chúng.

Đây là lần thứ 7 ngày tuyên thệ chính thức rơi vào đúng Chủ Nhật và ông Obama theo đúng truyền thống mà các vị Tổng Thống tiền nhiệm đã làm, tức có một buổi lễ tuyên thệ theo đúng quy định của hiến pháp và một buổi lễ dành cho mọi người. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy ông cũng như Phó Tổng Thống Biden đã tuyên thệ ngày hôm qua, hôm nay lại giơ tay tuyên thệ một lần nữa.

Thanh Trúc: Nhìn lại 4 năm qua, nếu chọn một điều để gọi là thành công nhất của ông Obama thì anh chọn điều nào?

Nguyễn Khanh: Tôi chọn việc ông tái đắc cử là điều thành công nhất. Với tôi, việc ông tái đắc cử chứng tỏ người dân Hoa Kỳ vẫn tin tưởng ở ông, tiếp tục giao phó cho ông trách nhiệm lãnh đạo quốc gia để thực hiện những gì ông chưa hoàn tất ở nhiệm kỳ đầu tiên.

Bên ngoài tòa nhà Quốc Hội Mỹ chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tuyên thệ nhậm chức, ngày 21 tháng 1 năm 2013 tại Washington, DC. AFP PHOTO / Stan HONDA.
Bên ngoài tòa nhà Quốc Hội Mỹ chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tuyên thệ nhậm chức, ngày 21 tháng 1 năm 2013 tại Washington, DC. AFP PHOTO / Stan HONDA.

Nói đến nhiệm kỳ đầu của ông Obama, chúng ta thấy có nhiều điều cần phải nói. Ông là vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ, người dân nhìn ông bước vào Nhà Trắng với nhiều hy vọng. Có điều ông đã làm được, chẳng hạn như kết thúc cuộc chiến Iraq và sửa soạn rút quân khỏi chiến trường Afghanistan, đạo luật y tế giúp mọi người có bảo hiểm sức khỏe cũng đã được ban hành, giết được kẻ thù số 1 của người dân Hoa Kỳ là trùm khủng bố Osama Bin Laden… Đó là những điểm son của ông trong 4 năm qua.

Nhưng bên cạnh đó là một số điều ông chưa làm được hay chưa làm xong. Kinh tế vẫn chưa thật sự sáng sủa, tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, chính phủ nợ nần chồng chất, người dân Mỹ vẫn tiếp tục lo âu chưa biết tương lai của chính họ như thế nào. Khi tái ứng cử, ông có nói với đại ý là mọi chính sách ông đề ra để xây dựng một nước Mỹ vững mạnh đều đang đi đúng hướng, cho dù chính ông cũng nhìn nhận là tiến độ không được nhanh như mọi người cũng như chính cá nhân ông mong đợi, và cần thêm một nhiệm kỳ nữa để hoàn tất những gì ông muốn làm. Cuối cùng cử tri Hoa Kỳ vẫn tin tưởng ở ông, và tôi coi đó là thành công chính trị lớn nhất của ông trong 4 năm qua.

Thanh Trúc: Và theo anh điều nào là điều ông chưa thành công?

Nguyễn Khanh: Theo tôi, điều to tát nhất ông vẫn chưa làm được là tạo dựng đoàn kết quốc gia. Sau 4 năm trời làm việc tại Nhà Trắng, ông vẫn chưa xây dựng được nhịp cầu để làm việc với cánh Cộng Hòa đang điều khiển Hạ Viện. Phải nói rõ hơn là lỗi không chỉ ở mình ông, nhưng trong vai trò của một nhà lãnh đạo, ông vẫn là người phải nhận lãnh trách nhiệm về chuyện này. Đừng quên các nhà lãnh đạo trước ông đều gặp phải khó khăn và ít nhiều họ đã vượt qua được bằng cách này hay cách khác, rất tiếc, tôi chưa thấy điều đó ở nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Hy vọng ở nhiệm kỳ thứ nhì chúng ta sẽ thấy những thay đổi mà mọi người đều mong muốn thấy, đều đang chờ đợi.

Nghe câu hỏi anh đặt ra, tự nhiên tôi nhớ lại kết quả một cuộc thăm dò cho thấy từ ngày ông Obama vào Nhà Trắng cho đến giờ, thay vì phải có sự gắn bó, kết hợp giữa 2 cộng đồng da trắng và da mầu, thì ngược lại, 2 cộng đồng này lại cách xa nhau hơn trước. Điều đó cũng được thể hiện rõ trong cuộc bầu cử vừa rồi, như anh thấy là ông vẫn chưa được sự ủng hộ của cộng đồng da trắng. Đó là một trong những điều ông phải chú ý tới trong nhiệm kỳ hai.

Một cuộc thăm dò khác cũng cho thấy dù ông tái đắc cử nhưng nửa nước Mỹ tin tưởng ông đưa quốc gia đi đúng hướng, nửa còn lại cho rằng dưới quyền lãnh đạo của ông nước Mỹ đã đi sai đường. Kết quả đó cho thấy vẫn có sự cách biệt quá rõ và trách nhiệm của ông là phải xây dựng đoàn kết, phải tạo được niềm tin cho mọi người.

Những điều sẽ thực hiện

Thanh Trúc: Bước vào nhiệm kỳ thứ nhì, những điều gì ông Obama muốn làm?

Nguyễn Khanh

Nguyễn Khanh: Có quá nhiều việc ông phải làm. Đầu tiên là chuyện ngân sách, chuyện nợ nần của quốc gia, kế đến như ông hứa là sẽ cải tổ luật về di dân, giải quyết tình trạng cả chục triệu người đang cự ngụ bất hợp pháp trên đất Mỹ, kế đến là ông sẽ thúc đẩy Quốc Hội thông qua dự luật kiểm soát súng đạn. Đương nhiên chuyện lớn nhất vẫn là kinh tế và tạo thêm việc làm cho người dân.

Về mặt đối ngoại, cũng có những điều ông phải giải quyết, chẳng hạn như hòa bình Trung Đông, ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc, vấn đề môi trường ở Mỹ và toàn cầu, tiếp tục ghi đậm sự hiện diện và vai trò của Hoa Kỳ ở các quốc gia Châu Phi và những nước đang phát triển như ông đã làm trong 4 năm qua.

Thanh Trúc: Trong những điều anh mới đưa ra, điều nào anh thấy là khó thực hiện nhất?

Nguyễn Khanh: Điều nào cũng khó cả, chẳng có điều nào là điều dễ làm.

Tôi xin đơn cử một thí dụ. Tám năm trước đây sau khi tái đắc cử, Tổng Thống Cộng Hòa George W. Bush tin tưởng ông có đủ úy thế hay bề thế chính trị để thúc đẩy lập pháp sửa đổi luật lệ về di dân, giải quyết tình trạng cư trú cho cả chục triệu người đang cư ngụ bất hợp pháp. Ý kiến thì thật hay nhưng không làm được vì gặp sự chống đối của chính những vị dân cử cùng đảng với ông Bush. Tôi nhìn thấy trước là ông Obama cũng sẽ gặp sự chống đối khi ông đưa đề nghị này ra trước Quốc Hội. Đó là một thí dụ.

Một thí dụ nữa là vấn đề nợ nần. Hầu như ai ai cũng thấy chính phủ Mỹ sẽ phải vay thêm nợ để có tiền chi tiêu, và người dân Mỹ không thích điều đó, họ muốn chính phủ cân bằng ngân sách. Bên Cộng Hòa đang đưa điều kiện vay một đồng thì ngân sách phải cắt giảm một đồng, và chuyện thảo luận cắt giảm như thế nào, cắt giảm ở chỗ nào, là những điều không dễ làm, có thể đẩy nước Mỹ vào chỗ bế tắc chính trị sâu đậm hơn nữa.

Thanh Trúc:3 tiếng đồng hồ nữa ông Obama sẽ đọc bản thông điệp gửi người dân. Anh dự đoán ông sẽ nói gì trong bản thông điệp này?

Nguyễn Khanh: Tôi nghĩ ông sẽ kêu gọi dân chúng đừng nóng lòng, chính sách kinh tế của ông đang đem lại những kết quả tốt. Tôi cũng nghĩ là ông sẽ kêu gọi mọi người giúp ông nhiều hơn nữa trong nhiệm kỳ thứ hai, vì như ông đã nói ở thông điệp đọc hôm nhậm chức nhiệm kỳ đầu là ông mong muốn là tổng thống của mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, tín ngưỡng hay quan điểm chính trị.

Thanh Trúc: Xin cám ơn anh Nguyễn Khanh.

Theo dòng thời sự: